Những con chim bay đi…


Không phải để đăng lên facebook, cũng chẳng phải để khoe bạn bè. Đơn giản là muốn lưu giữ một khoảnh khắc mềm mại, bình yên đến lạ của một khu phố sầm uất. Rồi tôi còn nghĩ xa hơn: những lúc căng thẳng,đau đầu mệt mỏi, sẽ mở điện thoại, xem lại tấm ảnh đó. Khoảnh khắc đó, tâm hồn mình hẳn sẽ dịu đi ít nhiều.

Nhưng khi tôi càng đến gần thì những con chim càng vội vã bay đi. Đến khi tôi chạm chân vào vỉa hè thì con chim cuối cùng đã bay đi. Thóc vẫn còn rất nhiều trên vỉa hè, và chắc là lũ chim vẫn có thể ăn thóc no nê hơn nữa. Nhưng chúng đã bỏ lại tất cả, để bay đi. Chúng sẽ bay đi đâu? Tự nhiên tôi hỏi một câu mông lung tột độ. Một câu hỏi không ai trả lời được, ngoại trừ những con chim.

Rồi tôi suy đoán: Lũ chim sẽ đậu xuống một chỗ nào đó, như một cành cây, một đường dây điện, một bậu cửa nào đó để quan sát tôi. Chỉ cần tôi đi khỏi chỗ này, chúng sẽ lại sà xuống ăn nốt những hạt thóc vẫn còn vương vãi đầy trên vỉa hè chăng? Thế rồi tôi lại nghĩ: nếu không phải là tôi, mà là một người khác thì liệu những con chim có phải vội vã bay đi như vậy hay không?

Tôi đã xem những đoạn Video và những bức ảnh ghi lại cảnh tượng những đàn chim sà xuống một quảng trường ở châu Âu. Chúng thoải mái nhảy nhót trên quảng trường. Chúng đậu trên tay nhiều người khách ở quảng trường. Chúng hoà hợp với họ, chứ không chạy trốn họ. Vậy thì tại sao những con chim mà tôi thấy ở cái thành phố này lại chạy trốn tôi?

Thực sự câu hỏi ấy khiến tôi buồn ghê gớm. Buổi chiều hôm ấy, khi ngồi uống trà với một nhà văn, tôi liền hỏi ông câu hỏi ấy. Ông trả lời như thể an ủi tôi: “Không riêng gì cậu đâu, tôi có đến đó lũ chim cũng chạy hết. Mà cũng chẳng riêng gì tôi và cậu, ai đến đó lũ chim cũng chạy thôi”. Không để cho tôi một khoảng lặng suy nghĩ , ông giải thích luôn: “Tại sao cậu biết không? Tại năng lượng của chúng ta xấu quá rồi! Xấu quá và ác quá”.

Rất nhiều nhà khoa học nói rằng xung quanh mỗi người chúng ta có một trường năng lượng vô hình. Chúng ta không nhìn thấy nó nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại và những tác động của nó đến môi trường xung quanh. Nếu đấy là một trường năng lượng bình an, thánh thiện thì nó sẽ có sức hấp dẫn với vạn vật. Nếu đấy là một trường năng lượng xấu xa, độc hại, thì nó sẽ đẩy lùi vạn vật. Những chú chim không biết nói, không biết nghĩ, không biết lý luận như con người, nhưng phải chăng nó có đủ sự linh diệu để cảm nhận được trường năng lượng ấy? Nó có đủ sự linh diệu để cảm nhận được dòng năng lượng chính mà thành phố này tỏa ra là tốt hay xấu với mình? Có một ông nhạc sĩ từng mơ một giấc mơ: “Ta không thèm làm người/ Làm chim trên rừng xa vắng…”.

Tại sao ông ta không thèm làm người? Tại vì có thể ông ta chán ngán con người! Nhưng nếu có thể hoá thành chim thì ông ta có trốn thoát khỏi sự bủa vây, đụng chạm, tiếp xúc với con người hay không? Giống như những con chim mà tôi thấy trên vỉa hè kia, hôm nay chúng có thể trốn tôi, nhưng ngày mai chúng có thể trốn một người nào đó giống tôi được không? Và sự trốn tránh có thể diễn ra hết ngày này đến ngày khác được không? Biết trước điều này chăng mà trong nỗi ước ao của ông nhạc sĩ, chúng ta thấy rất rõ ông muốn “làm chim trong rừng”, chứ không phải “làm chim trong phố”.

Ấy thế nhưng đừng tưởng vào rừng mà thoát được lưới người lồng lộng. Một ông nhạc sĩ khác từng viết một ca khúc nổi tiếng: “Người thợ săn và đàn chim nhỏ” trong đó mở đầu bằng câu mà nếu không may biết tiếng người, tất cả các loài chim trong rừng đều phải rùng mình sợ hãi:

Một người thợ săn âm thầm mang súng lang thang vào rừng.

Nếu chưa từng nghe bài hát này, bạn sẽ hỏi, ông thợ săn với khẩu súng – sản phẩm đặc trưng, riêng có của loài người (không có ở bất cứ giống loài nào khác) đã làm gì ở trong rừng? Thì đây:

Nào ngờ thợ săn đang cầm cây súng bắn lên cành cây

Chim chết chim lạc bầy

Vậy là một con chim phải chết. Nếu bết trước “làm chim trong rừng xa vắng” mà phải chết tức tưởi như thế này thì người ta có muốn bỏ kiếp người làm kiếp con chim? Nhưng chưa hết. Đây là phần tiếp theo, rất đáng suy nghĩ của bài hát:

Ngay hôm sau cũng nơi này

Chim đang kêu vang gọi bầy.

Nào ngờ bên gốc cây

Người thợ săn hôm trước

Núp thân sau lùm cây.

Chim yên tâm sống vô tình,

Yêu thương nhau trên đầu cành.

Đạn vụt bay đến nhanh

Cả bầy chưa tung cánh

Xác rơi trên đất lành.

Khủng khiếp! Khủng khiếp đến thế là cùng! Tất cả là do con người cả đấy!

Tới đây thì có lẽ mỗi người chúng ta đều phải đặt ra hàng loạt điều suy nghĩ: Rốt cuộc, trong quá trình sinh tồn của mình, con người đã tương tác như thế nào đến những loài chim nói riêng và đến giới đại tự nhiên nói chung? Người phương Đông ngày xưa luôn đặt con người (nhân) trong mối quan hệ hợp nhất với đại tự nhiên (thiên – địa). Nhưng sau khi văn minh phương Tây với những ưu thế vật chất vượt trội của nó được phổ cập thì chính người phương Đông cũng tin rằng, con người có thể khai thác tự nhiên, cải tạo tự nhiên, chinh phục tự nhiên.

Khai thác, cải tạo, chinh phục những góc u tối, tai họa của tự nhiên thì đi một nhẽ. Nhưng khi mọi thứ bị đẩy cao tới mức tận diệt tự nhiên, bạo hành tự nhiên, xâm phạm nghiêm trọng vào quyền uy thiêng liêng của tự nhiên thì nó lại là một nhẽ rất khác rồi. “Năng lượng của chúng ta xấu quá và ác quá” – câu nhận xét của ông nhà văn mà tôi kể ở trên lại văng vẳng bên tai tôi lúc này. Quả thật, từ đầu thế kỷ 20, khi những cuộc cách mạng công nghiệp ra đời thì cái hành trình con người đi từ chỗ khai thác cải tạo tự nhiên đến chỗ tận diệt xâm phạm tự nhiên đã diễn ra rộng khắp, dồn dập, mạch mẽ tới mức không ai có thể lường trước những hậu họa mà đại tự nhiên đáp trả con người.

Có một bộ phim tài liệu khoa học rất nổi tiếng mang tên “ngôi nhà trái đất” kể lại toàn bộ quá trình một trái đất xinh đẹp, trong xanh đã bị con người chọc thủng, làm cho nhớp nháp, biến tướng, tang thương đến như thế nào.

Con người xây những toà nhà chọc trời, những con đập kỳ vĩ, những nhà máy khổng lồ…, và coi đó là “chỉ dấu của văn minh”, nhưng con người lãng quên (hoặc cố tình quên) rằng toàn bộ quá trình kiến tạo văn minh theo đúng tiêu chí “to hơn, cao hơn, vĩ đại hơn” lại chính là quá trình phá vỡ sự cân bằng tự nhiên. Con người cố ngồi lại với nhau trong một cam kết phải cứu “lá phổi xanh” (giờ đã trở nên đen kịt) bằng cách cắt giảm ngay lượng khí thải ra không khí. Nhưng đời ông tổng thống trước vừa cam kết thì đời ông tổng thống sau không ngại xé luôn cam kết.

Đừng bất ngờ, con người là như thế!

Và chính vì thế, cũng đừng bất ngờ khi một ngày thiên nhiên trả đũa con người. Thiên nhiên tạo ra những dịch bệnh đe dọa sự tồn vong của con người. Thiên nhiên tạo ra những con virus khiến ngay cả cường quốc số 1 thế giới cũng có thể trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới. Tất cả có đủ sức nặng để khiến con người nghĩ lại và dừng lại? Không thể biết trước, vì con người là một giống loài tham lam, ích kỷ và vô cùng nham hiểm.

Hôm nay, một con chim bay đi.

Ngày mai, một con chim bay đi.

Ngày kia, cả đàn chim bay đi.

Tôi thấy những bước chân mình là những bước chân xấu xa, tội lỗi khi chính nó đã khiến những con chim bay đi. Tôi để tay lên trán, tự cật vấn mình: Tại sao những con chim nghe thấy bước chân tôi mà phải cao chạy xa bay như vậy?

Tôi tự nhủ: phải sống khác, để ngày mai, ngày kia, khi nghe thấy những bước chân tôi, ít nhất sẽ có một chú chim ở lại!

Phan Chân

Nguồn tin: cand.com.vn