Những người Pháp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam

Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng chất độc da cam/ dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam vẫn tiếp tục gây nhiều hậu quả đau thương khi có hàng vạn nạn nhân thuộc diện F1 và F2 vẫn đang phải hàng ngày đối mặt với những cơn đau đớn về thể xác lẫn tinh thần.

Những năm gần đây, có nhiều cá nhân, tập thể và hội đoàn nhân đạo tại Pháp đã tổ chức những hoạt động thiết thực như: quyên góp quỹ giúp đỡ trực tiếp; đồng hành cùng các nạn nhân, mời truyền thông đánh động các nhà chức trách và trên hết là mời các chính trị gia, chuyên gia và những người nổi tiếng cùng tham gia vào các hoạt động trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam/ dioxin tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới…

1. Nhắc tới các tổ chức này phải nói tới Hội Việt Nam Dioxin. Thành lập từ năm 2004, bằng những việc làm cụ thể như quyên góp quỹ, tổ chức các cuộc hội thảo, tổ chức những cuộc tuần hành trên đường phố Paris và các tỉnh, thành tại Pháp, các cuộc triển lãm, chiếu phim về chất độc da cam, Hội đã tuyên truyền tầm hủy diệt quan trọng của chúng đối với môi trường và sức khỏe con người.

Hội thay mặt các nạn nhân đòi lại sự công bằng từ những tập đoàn đã sản xuất các chất độc hóa học độc hại ấy, buộc họ phải thừa nhận trách nhiệm và bồi thường cho các nạn nhân tại Việt Nam và trên thế giới. Hiện nay Hội đã có hàng chục người làm việc thiện nguyện và hàng chục hội đoàn khác tại Pháp tham gia ủng hộ.

Hội đã mời được bà Delphine Batho, một dân biểu Pháp và cũng đã từng giữ chức Bộ trưởng Môi trường và Năng lượng, quyền Bộ trưởng Tư pháp đến tham gia các hội thảo. Cũng như các chuyên gia nổi tiếng như Valérie Cabanes, Marie-Monique Robin đến nói về Monsento, về sự hủy diệt môi trường. Hội đã chọn ngày 10-8 hàng năm là “Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam”.

Bà Trần Tố Nga và ca sĩ Watermelon Slim.

Năm nay, do dịch COVID-19, Chính phủ Pháp qui định không được tụ tập quá 10 người nên ban tổ chức đã mời hơn ba chục nghệ sỹ đến trường quay tại thành phố Saint Maur des Fossés, ngoại ô Paris để thực hiện một bộ phim video để phát trực tuyến, giống như một nhịp cầu truyền hình.

Anh Võ Đình Kim, thành viên Ban tổ chức Hội Dioxin Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi đã quyết định cần phải làm điều gì đó rất đặc biệt và có tầm lan tỏa cho “Ngày Vì các nạn nhân chất độc da cam” năm nay. Nhờ các nghệ sỹ, chúng tôi có thể đến được với đông đảo quần chúng hơn. Khi có sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng sẽ nâng tầm quan trọng của sự kiện lên nhiều lần. Với FaceBook Live, chúng tôi đạt tới 50.000- 60.000 lượt người xem”, anh Kim cho biết.

2. Trong số các tổ chức ủng hộ nạn nhân của chất độc da cam dioxin, có một tổ chức có tên khá đặc biệt, đó là “Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga” trực thuộc Hội Hữu nghị Pháp - Việt đã luôn không ngừng phát triển tình đoàn kết với các nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam, hỗ trợ họ về mặt chính trị và vật chất. Ủy ban đã liên tục mở rộng và giới thiệu đến công chúng cuộc chiến đấu mà bà Nga đang tiến hành, để trả lại sự công bằng cho các nạn nhân.

Bà Trần Tố Nga.

Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942, một người Pháp gốc Việt. Bà là nạn nhân trực tiếp của chất độc da cam và là bên nguyên đơn trong vụ kiện các tập đoàn công nghiệp Mỹ mà đứng đầu là Monsento Bayer. Họ đã sản xuất chất độc hóa học để cung cấp cho quân đội Mỹ thả xuống miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến tranh, và khi ấy, bà Nga đã có mặt tại một số vùng bị rải chất độc này.

Vụ án vẫn còn kéo dài khó có thể nói khi nào sẽ kết thúc, theo luật sư William Bourdon, người biện hộ và giúp bà Nga trong những thủ tục tố tụng thì: “Một cá nhân chống lại 19 công ty sản xuất hóa chất trong thời kỳ diễn ra chiến tranh tại Việt Nam là một vụ kiện duy nhất mang tính lịch sử và chính trị. Chính vì thế nên sẽ rất khó khăn và dài hơi…”.

Bà Nga cho biết các luật sư của bà đã chuẩn bị trong vòng 10 năm và đến nay họ đã trải qua 18 phiên tòa. “Nhưng như vậy đã là một bước thắng lớn. Trong suốt sáu năm qua, từng bước, từng phiên tòa dẫu kéo dài nhưng vẫn đi tới”, bà Nga nói.

Bà Nga chia sẻ rằng hiện nay chính quyền ở một số nơi cũng rất ủng hộ bà, nhất là ở vùng Evry (ngoại ô Paris), nơi diễn ra phiên tòa: “Các Thị trưởng ở quanh đó đều đến và chính họ đã mời các đại biểu Hội đồng nhân dân đến nghe tôi nói chuyện và lên tiếng ủng hộ”.

Nhờ Hội Việt Nam Dioxin, Ủy ban Ủng hộ Trần Tố Nga và nhiều hội đoàn khác, mà vào tháng hai 2020, tại Paris đã diễn ra cuộc hội ngộ đầu tiên và có thể nói là lịch sử của hai nhân vật nổi tiếng liên quan đến nạn nhân dioxin. Đó là chính là bà Trần Tố Nga và ông Watermelon Slim/nam ca sỹ nhạc bluz người Mỹ, nổi tiếng thế giới. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, bà Trần Tố Nga có mặt trên đường mòn Hồ Chí Minh, còn ông Watermelon Slim đã tham chiến trong quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ sự kiện 8. H cho các nạn nhân chất độc da cam và dioxin, nhằm gây quỹ ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Nam ca sỹ Mỹ nói: “Việt Nam luôn trong tim tôi. Tôi tự hào là một trong những người lính Mỹ đã lên tiếng vạch trần tội ác hủy diệt của chất độc này”.

Ông cho biết đã luôn tận dụng những show diễn của mình để kêu gọi mọi người hãy chia sẻ và ủng hộ các nạn nhân. Ông rất yêu Việt Nam và đã từng sang Việt Nam biểu diễn. Hai con người vốn đứng ở hai bên chiến tuyến thì giờ đây, đứng bên nhau trên bục để cất lên lên tiếng chung là đòi chính nghĩa cho các nạn nhân. Chương trình bao gồm nhiều hoạt động văn hóa và nghệ thuật như triển lãm ảnh, ca nhạc, chiếu phim… Chương trình đã thu hút đông đảo khán giả.

Nhóm nghệ sĩ tham gia các chương trình ủng hộ bà Trần Tố Nga.

3. Ngoài các tổ chức này, còn có những ca sỹ, nhạc sỹ, vũ công, nhà thiết kế thời trang, kỹ sư âm thanh, nhà báo, nhiếp ảnh gia… tham gia bộ phim video thay cho cuộc diễu hành hàng năm. Họ đến từ nhiều nơi để cùng nhau bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam, ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga.

Léa Đặng là một nữ nhà báo trẻ, năng động. Cô có ông nội là người Việt. Cô rất xúc động chia sẻ câu chuyện làm quen với Việt Nam, khám phá chất độc da cam được rải xuống Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

“Chỉ khám phá ra điều ấy khi đã là sinh viên, và nhờ môn lịch sử, thì một cơn tức giận bùng nổ trong tôi, cùng lúc là sự xấu hổ. Bởi ông nội tôi là người Việt, và tôi là nhà báo, tôi quan tâm nhiều đến thời sự nhưng lại chỉ biết thảm kịch nhân loại đã xảy ra ở Việt Nam khi đã 19 tuổi thì thật là điều không bình thường”, cô nói.

Ca sĩ Watermelon Slim.

Lesa Đặng nói rằng những gì diễn ra ở Việt Nam đã để lại những hậu quả khủng khiếp bởi những đứa trẻ thế hệ của cô và thế hệ sau vẫn còn đang phải chịu nhiều đau đớn.

Năm 2017, Léa Đặng đã quyết định về Việt Nam để gặp gỡ các nạn nhân chất độc da cam, và “chỉ khi ấy tôi mới đối diện với sự thật hãi hùng…”. Nữ nhà báo đã gặp nhiều nạn nhân, trò chuyện và chụp ảnh họ để thực hiện các phóng sự ảnh. Khi về Pháp cô làm quen với bà Trần Tố Nga, tham gia Hội Việt Nam dioxin và trở thành người phát ngôn của hội.

Vadim Turpyn là nghệ sỹ sáng tác và nhà văn thì chia sẻ: “Sự kiện ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam này rất quan trọng đối với tôi vì liên quan đến môi trường. Theo tôi, chúng ta đang ở thời điểm mà vấn đề này hiện mang tính thời sự cao. Tôi có cảm giác được tham gia vào một việc tốt và cố gắng đem đến cho dự án này một cái gì đó hữu ích, cho dù là ở Pháp hay Việt Nam, chúng ta đều ở chung cùng một con tàu, cùng thực hiện một việc làm quan trọng”.

Baptiste Mianne là nhạc sỹ cho biết vốn rất quan tâm đến môi trường nói chung và những gì xảy ra ở Việt Nam. “Hiện nay những chất hóa học ấy vẫn tiếp tục gây hại cho nền nông nghiệp trên toàn thế giới, cần phải tránh đi xa hơn nữa. Có thể họ đã đi quá xa rồi nhưng đừng lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Nhất là chúng ta không thể để cho các dân tộc bị chết đói hoặc chết vì các sản phẩm không cần thiết, ví dụ như chất độc da cam. Chúng hủy hoại nền nông nghiệp và sức khỏe con người, gây bệnh ung thư”.

Mỗi cá nhân, mỗi tập thể và hội đoàn, mỗi nghệ sỹ khi đến với sự kiện “Vì các nạn nhân chất độc da cam” đều rất xúc động và nhiệt tình. Họ mong muốn với khả năng và tầm ảnh hưởng của mình, được thay mặt các nạn nhân Việt Nam để đòi sự công bằng trước các tập đoàn công nghiệp khổng lồ. Bởi theo họ, việc làm này là vì sự chính nghĩa.

Hiệu Constant (từ Paris)

Nguồn tin: cand.com.vn