Những níu kéo chết người


Đấy là những chia sẻ của bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Nhật Cường trong phiên tòa sơ thẩm xét xử 14 bị cáo trong vụ án "buôn lậu", "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường. Vẫn theo ông Ánh, trước đó Nhật Cường đã nhiều lần bị cơ quan chức năng kiểm tra, nhưng khi bị phát giác hàng hóa không có hóa đơn, công ty chỉ bị xử phạt hành chính và tịch thu sản phẩm. Khi ông thắc mắc điều này thì được ông chủ Bùi Quang Huy giải thích là không sao, kiểm tra chỉ bị thu hàng và "ai sợ thì nghỉ việc".

Nếu những chia sẻ này là chính xác, chúng ta sẽ thấy một logic nhận thức như sau: thoạt tiên có thể ông Ánh "không biết gì", đến khi công ty bị cơ quan chức năng kiểm tra, thì ông lờ mờ hiểu là "có một điều gì đó", và đến khi một lô hàng của công ty bị bắt ở sân bay thì "một điều gì đó" rõ hẳn ra: "Việc công ty đang làm là phạm tội buôn lậu". Cùng với một chuỗi phát triển logic nhận thức cũng là một chuỗi phát triển của logic hành động: từ chỗ "thắc mắc với ông chủ" đến chỗ "xin nghỉ việc". Và mấu chốt nằm ở đoạn kết, tức là ở sự phát triển cuối cùng của logic nhận thức và hành động: ông vẫn không nghỉ việc! Những lý do được đưa ra lúc thì "cần công việc và tiền", lúc thì "được níu lại để giúp công ty".

Dù không ai muốn, nhưng hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của ông Trần Ngọc Ánh lúc đó, để xem chúng ta liệu có thể đưa ra những hành xử khác không? "Cần công việc và tiền" có nghĩa là cần vật chất, và dù muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận trong rất nhiều trường hợp, với rất nhiều người, cám dỗ vật chất là điều không dễ bước qua. "Được níu lại để giúp công ty", lại nữa "hỗ trợ hơn 500 nhân sự không bị mất việc làm" là mang màu sắc của một níu kéo tình cảm. Ở một cộng đồng có truyền thống "một vũng cái lý không bằng một tý cái tình" thì níu kéo này cũng không dễ bước qua. Và ông Trần Ngọc Ánh rốt cuộc đã phải trả giá vì cả hai điều "không dễ bước qua" như thế, tất nhiên trong trường hợp tất cả những khai báo nói trên là chính xác.

Toàn cảnh phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tại Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.

Tình cảnh này dễ khiến người ta nhớ tới phát biểu của một nhóm cầu thủ bán độ trong màu áo Đội tuyển bóng đá U.23 Quốc gia tại SEA Games 23, năm 2005: "Chúng em bán, nhưng bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu". Thì quả nhiên là "đội vẫn thắng", nhưng chỉ thắng chênh lệch 1 bàn để vẫn giúp mình "đủ kèo" ăn độ. Giả như lúc ấy, "bán" mà đội thua, họ có "bán" không? Có trời mới biết trong những trận thua bất thường của bóng đá Việt Nam thời tranh tối tranh sáng của hơn chục năm về trước trận nào là "bán", trận nào là "thật". Nhưng bất luận "bán để đội thua" hay "bán mà đội vẫn thắng" thì vẫn cứ là "bán". Ở cấp độ một câu lạc bộ, chuyện "bán" đã là phạm pháp và phi đạo đức lắm rồi, ở cấp độ các Đội tuyển quốc gia thì nó còn nghiêm trọng hơn nữa, vì liên quan đến màu cờ sắc áo quốc gia. Cho nên "bán thắng" hay "bán thua" thì trước khi đi tới quyết định "bán", người ta cũng sẽ đứng trước một níu kéo ghê gớm giữa một bên là tiền bạc và một bên là hình ảnh, danh dự của cái tập thể mà mình là một phần trong đó. Có bao nhiêu người đủ năng lực vượt thoát khỏi níu kéo này?

Chuyện mới nhất, diễn ra vào đúng thời điểm nóng bỏng nhất, khi cả nước đang căng mình phòng chống COVID-19: "Thành viên tổ tuần tra kiểm soát COVID-19 tiếp tay đưa 200 người xuất nhập cảnh trái phép" - một tờ báo đã gói trọn vấn đề bằng dòng tít ấy. Mà đúng thế thật, không sai, không quá nửa lời: thôn đội trưởng Lý Chừ (dân tộc Mông, 33 tuổi, ở thôn Na Lốc 1, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lao Ca) cùng các lực lượng biên phòng tham gia tổ tuần tra kiểm soát phòng chống dịch tại mốc giới 108(2) và 110 (2). Vậy mà thay vì kiến quyết ngăn chặn người xuất - nhập cảnh trái phép qua biên giới, Lý Chừ lại trở thành "nội gián", cung cấp lịch sinh hoạt, cách thức tuần tra của các chiến sĩ trong tổ cho kẻ xấu, qua đó đã thực hiện trót lọt 91 vụ, dẫn đường thành công cho gần 200 người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Theo cơ quan chức năng, làm công việc tuần tra, Lý Chừ được phụ cấp 9.000 đồng/giờ, nhưng chỉ cần đưa thành công 1 trường hợp xuất - nhập cảnh trái phép qua biên giới, Lý Chừ có thể nhận được từ 600.000 đến 1 triệu đồng. Với Lý Chừ, trước khi quyết định thực hiện hành vi làm "nội gián" cho kẻ xấu có lẽ một níu kéo nào đó ít nhiều cũng xuất hiện giữa một bên là 9.000 đồng/giờ và một bên là 1 triệu/người. Phải làm gì để chiến thắng níu kéo này?

Với những trường hợp phạm pháp mà do không hiểu biết về pháp luật nên không biết mình phạm pháp thì đã đi một nhẽ. Đằng này, một phó tổng giám đốc biết công ty mình buôn lậu nhưng vẫn không rút chân ra, một nhóm cầu thủ biết bán độ là sai trái nhưng vẫn bán, rồi nguỵ biện "bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu", và một thành viên trong tổ tuần tra kiểm soát COVID-19 biết rõ nhiệm vụ của mình là kiểm soát, chống lại kẻ xấu nhưng rốt cuộc lại trở thành "nội gián" cho kẻ xấu.

Suy cho cùng, tất cả đều đã không vượt qua những níu kéo xuất hiện bên trong con người mình. Đó có thể là níu kéo tiền bạc, vật chất, có thể là níu kéo tình cảm, tinh thần. Có thể không rơi vào những trường hợp nguy hiểm như vậy, nhưng trong nhiều tình huống của cuộc sống mỗi chúng ta cũng thường phải đối diện với những níu kéo. Vậy thì phải làm gì để vượt qua và chiến thắng nó, thay vì thoả hiệp với nó, và để nó đưa đường dẫn lối cho mình?

Trong câu chuyện "bán mà đội vẫn thắng, chứ có bán để đội thua đâu" có một chi tiết" rất đáng chú ý, đó là một cầu thủ được rủ bán nhưng đã từ chối. Và hơn thế, đã báo cáo vụ việc cho những người có trách nhiệm, khiến câu chuyện phanh phui. Ở tình cảnh này, cầu thủ này chắc chắn lại cũng đứng trước những níu kéo giữa một bên là tình cảm đồng đội, anh em và một bên là màu cờ sắc áo của đội bóng. Nếu báo cáo, có thể sẽ mất tình anh em, và từ đây trở thành cái gai trong mắt nhiều đồng nghiệp, nhưng nếu không báo cáo thì danh dự Đội tuyển sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và cách chọn lựa của cầu thủ này nhắc nhở chúng ta mọi bài học: rốt cuộc lý tính vẫn luôn phải đứng trên cảm tính. Và để có những lựa chọn chuẩn xác nhất trước các níu kéo mà trong rất nhiều trường hợp có tương quan 50-50 thì có lẽ trên cả lý tính, con người cần phải có lý tưởng.

Khi đã có một lý tưởng lớn, đúng đắn và nhân văn, con người có thể bước qua mọi mảnh vụn cám dỗ bày ra trước mắt mình. Khi không có lý tưởng, hoặc không được giáo dục để trở thành những con người có lý tưởng, những mảnh vụ cám dỗ sẽ cuốn trôi chúng ta. Và những níu kéo chết người có thể làm chúng ta thoả mãn trong một vài khoảnh khắc, nhưng sẽ khiến chúng ta, bằng những hình thức nào đó phải trả giá sau cùng.

Vương Trọng Tín

Nguồn tin: cand.com.vn