Những thần thánh của Ấn Độ

Như mọi du khách mới đặt chân ở Ấn Độ, tôi bị choáng ngợp bởi cú sốc văn hóa và một thực tế chưa từng thấy xâm chiếm các giác quan của tôi: những gam màu sặc sỡ của những ngôi nhà cổ và áo sari, sự hỗn loạn và bẩn thỉu của phố xá, không khí oi bức và cơn mưa nhiệt đới đổ ập xuống, sự pha trộn của các tiếng lộn xộn inh ỏi của giao thông với tiếng thánh ca đến từ các đền chùa đông nghịt tín đồ, mùi trầm hương ngọt ngào pha trộn với mùi cari...

 

 

Như mọi du khách mới đặt chân ở Ấn Độ, tôi bị choáng ngợp bởi cú sốc văn hóa và một thực tế chưa từng thấy xâm chiếm các giác quan của tôi: những gam màu sặc sỡ của những ngôi nhà cổ và áo sari, sự hỗn loạn và bẩn thỉu của phố xá, không khí oi bức và cơn mưa nhiệt đới đổ ập xuống, sự pha trộn của các tiếng lộn xộn inh ỏi của giao thông với tiếng thánh ca đến từ các đền chùa đông nghịt tín đồ, mùi trầm hương ngọt ngào pha trộn với mùi cari...

 
Bên bờ sông Hằng ở Varanasi

Tôi đi bộ giữa đám đông chen chúc, vừa né tránh phân bò trên phố vừa vuốt ve đầu những con bò nhàn rỗi ngủ gật giữa phố, tình trạng choáng váng trước những cảnh tượng khó tin ở mọi nẻo đường như thể tôi vừa hạ cánh trên một hành tinh mới lạ.

Điểm đến đầu tiên của tôi là thành phố Varanasi nằm trên bờ sông Hằng huyền thoại, là một trong những địa điểm linh thiêng nhất của Ấn Độ. Không chỉ là một trong tứ thánh địa của Phật giáo, Varanasi còn gắn liền với đạo Hindu và thu hút hàng triệu người hành hương mỗi năm. Ít nơi ở Ấn Độ đẹp đẽ, nhộn nhịp, sống động và đầy màu sắc như các bến sông (cầu thang dẫn xuống sông hay còn gọi là ghat) dọc theo bờ sông Hằng, nơi mà các người dân xuống để tắm gội tẩy trần hay cầu nguyện.

 
Đền Hoa Sen ở Delhi là một đền thờ Bahai rất nổi tiếng.

Lạ thay, đúng vào ngày tôi đến thăm, Varanasi chứng kiến hiện tượng nhật thực dài nhất của thế kỷ nên bờ sông cực kỳ náo nhiệt như thể tôi đang dự lễ hội Kumbh Mela: hàng chục nghìn người dân đổ vào bờ sông để xoa dịu các vị thần và được nước sông linh thiêng gột rửa tội lỗi. Tôi thuê một cái thuyền để nhìn xem toàn cảnh các bến sông.

Người Hindu tin rằng cuộc sống không thể trọn vẹn nếu ta không tắm rửa tại sông Hằng ít nhất một lần trong đời. Trớ trêu thay, ngoài việc cung cấp nước và kế sinh nhai cho nửa tỷ người dân Ấn Độ, sông Hằng cũng là một trong những dòng sông ô nhiễm nhất thế giới với rác rến nổi lềnh bềnh ở khắp nơi.

Trong các tôn giáo phương Đông mà tôi từng bắt gặp, đạo Hindu chính là tôn giáo xa lạ và bí ẩn nhất với tôi. Được coi là tôn giáo lâu dài nhất thế giới (và đông dân nhất sau Kitô giáo và Hồi giáo), đạo Hindu có khoảng ba mươi triệu vị thần và dù mỗi vị thần có tên, tính cách và ngoại hình riêng, họ thường được xem là những khía cạnh của cùng một hiện thực tối thượng được gọi là Brahman.

Vị thần Brahman có bốn cái đầu, hay di chuyển trên lưng thiên nga và thích ngồi trên đóa hoa sen. Vị thần Vishnu có bốn tay, đeo nhiều trang sức và có vợ tên là Lakshmi, nữ thần của sự thịnh vượng. Vị thần Shiva có con mắt thứ ba trên trán, con rắn quanh cổ, cầm vũ khí đinh ba và theo truyền thuyết, sông Hằng chảy từ mái tóc rối bù của ông ta.

 
Bò là linh vật ở Ấn Độ

Thần Shiva và nữ thần Parvati có một con mang tên Ganesha. Thần Ganesha có đầu voi vì theo truyền thuyết, một hôm Shiva nóng nổi lên và chặt đứt đầu con mình nên đành phải gán đầu một con voi để thay thế... Trái lại với các tôn giáo độc thần như Kitô giáo hay Hồi giáo, người Hindu không tin vào thiên đàng hay hỏa ngục mà tin vào vòng luân hồi và sự tái sinh, kết quả ngọt hay đắng thì phụ thuộc vào hoạt động của từng người và quy luật nhân quả. Ngoài đạo Hindu và Phật, một tôn giáo lớn khác của Ấn Độ tin vào luân hồi: đạo Sikh, tôn giáo lớn thứ năm thế giới xét theo số lượng tín đồ.

Tôi đến thăm Đền vàng ở vùng Panjab, địa điểm linh thiêng nhất của đạo Sikh. Ngôi đền được xây bằng đá cẩm thạch và hàng trăm kilô vàng ròng, có hồ nước bao quanh và bề ngoài sáng bóng, lộng lẫy đến nỗi tôi cứ chôn chân tại chỗ, bị lóa mắt trước vẻ đẹp của nó. Tôi dành hai ngày đêm tại Đền vàng đi dạo quanh tổ hợp, chiêm ngưỡng kiến trúc hay trò chuyện với người Sikh. Tôi ăn mỗi bữa tại nhà bếp công cộng của đền, nơi phục vụ miễn phí tới 100.000 suất ăn mỗi ngày.

 
Đền Vàng, trung tâm thiêng liêng của đạo Sikh

Tôi hay quan sát những tín đồ Sikh và không thể rời mắt từ chiếc khăn quấn turban khổng lồ trên đầu họ. Turban là nét đặc trưng, biểu tượng và niềm hãnh diện của những đàn ông Sikh, nó làm cho họ dễ nhận biết được ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Không chỉ vậy, theo truyền thống đàn ông Sikh nên mang theo một vũ khí đặc biệt (dao găm hai lưỡi gươm cong) và từ thời xa xưa họ được đánh giá là những chiến binh xuất sắc: thời thuộc địa Anh, người Sikh chiếm tới cả một nửa quân đội Ấn Độ dù dân số của họ chỉ chiếm 2% dân số Ấn Độ. Thêm nữa, người Sikh thường thuộc tầng lớp giàu có và trung bình kiếm khoản tiền cao hơn gấp ba lần so với người Hindu, trong khi ở Anh họ được coi là cộng đồng tôn giáo thiểu số khá giả nhất sau cộng đồng Do Thái.

Tôi thấy nhiều nét của đạo Sikh rất thú vị. Ví dụ tất cả mọi đàn ông Sikh đều cùng mang một họ tương tự Singh (có nghĩa là ""sư tử""). Hay việc đạo Sikh nghiêm cấm cắt tóc hay cạo râu vì coi chúng là vật linh thiêng và biểu tượng của niềm hãnh diện. ""Không cạo râu cả đời thì nó chắc mọc tới tận đất chứ?"", tôi sửng sốt hỏi. Người Sikh đáp rằng họ che mái tóc dưới khăn turban và cuộn tròn râu dưới cằm.

Trong cuộc hành trình kéo dài 40 ngày ở Ấn Độ, tôi khám phá thêm những tôn giáo bản địa thú vị. Vậy một hôm tôi bước vào một đền có vẻ dáng rất khác biệt: nó được xây bằng cẩm thạch, có nhiều cột, chữ Vạn và những bức ảnh của những người thánh nhân trần truồng treo trên tường. Đó là ngôi đền Kỳ Na (Jain), tôn giáo có khoảng bốn triệu người theo ở Ấn Độ và được sáng lập vào cùng thời điểm với Phật giáo.

Tín dồ Kỳ Na giáo có trình độ biết chữ cao nhất trong bất kỳ cộng đồng tôn giáo nào khác ở Ấn Độ và họ tin rằng tâm hồn của tất cả mọi sinh vật đều có nguồn gốc thiêng liêng. Do vậy, phi bao lực đối với tất cả cá thể sống là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của đạo. Theo nguyên tắc, tín đồ Kỳ Na ăn chay và đối xử với các động vật (kể cả các vi sinh vật!) rất chu đáo, làm hết mình để không làm hại chúng đến nỗi không nên giết muỗi hay côn trùng và thậm chí đeo khẩu trang để tránh vô tình nuốt muồi!

Một tôn giáo khác mà tôi khám phá ở Ấn Độ mang tên Bahai và ra đời ở Ba Tư vào thế kỷ 19 khi một đàn ông tên là Bab bị chính quyền Hồi giáo giam giữ và hành quyết vì tự tuyên bố là sứ giả của Chúa. Bab đã tiên đoán và dọn đường cho sự xuất hiện của Bahá"u"lláh, một đấng tiên tri của Thượng đế được gửi tới để thực hiện những kỳ vọng chung của các tôn giáo lớn.

Sau khi Bab chết, đấng tiên tri đó thực sự xuất hiện và sáng lập Bahai giáo, một đạo hiện có khoảng bảy triệu tín đồ ở 235 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có Việt Nam). Sứ mệnh tốt đẹp của Bahai là hòa thuận và sự thống nhất của các dân tộc và cộng đồng tôn giáo của thế giới. Ngày nay chỉ có khoảng một chục đền thờ Bahai trên toàn thế giới và tôi đến thăm một trong số đó ở thủ đô Delhi: Đền Hoa Sen. Như tên của nó cho thấy, đền này có hình dạng hoa sen và là một trong những điểm thu hút nổi bật nhất của thủ đô Ấn Độ.

Cuối cùng đã đến lúc tôi đề cập đến một tôn giáo vĩ đại của thế giới đã tạo thành một phần không thể thiếu của di sản văn hóa - lịch sử của Ấn Độ với khoảng 170 triệu tín đồ hiện đang sinh sống tại đó: Hồi giáo. Trong bài tiếp theo, tôi sẽ theo chân các nhà vua bất hủ của đế chế Mogul và khám phá Kashmir, một khu vực tuyệt đẹp ở phía bắc đất nước với đa số dân cư là Hồi giáo thường lên báo chí quốc tế vì các bất ổn chính trị - quân sự.

Nhà văn Marko Nikolic (Nguyên tác tiếng Việt)

Nguồn tin: cand.com.vn