Nỗi cô đơn thường trực

Lâu nay, tôi luôn đánh giá cao “đơn vị thơ” hay, gây ấn tượng mạnh. “Đơn vị thơ hay” ở đây là câu thơ hay, chi tiết thơ hay, câu thơ gây ấn tượng mạnh, chi tiết thơ gây ấn tượng mạnh. Những “đơn vị thơ hay” ấy đủ sức làm điểm tựa vững vàng cho một tứ thơ, nhiều khi không có chúng, tứ thơ không đứng được. Những “đơn vị thơ hay” ấy, cũng là những giây phút khác thường, đôi khi được thăng hoa một cách hốt nhiên và có phần vô thức. Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật thường coi những câu thơ hay, những câu thơ gây ấn tượng mạnh là những chiếc đinh đóng vào trí nhớ của độc giả.

 

 

Lâu nay, tôi luôn đánh giá cao “đơn vị thơ” hay, gây ấn tượng mạnh. “Đơn vị thơ hay” ở đây là câu thơ hay, chi tiết thơ hay, câu thơ gây ấn tượng mạnh, chi tiết thơ gây ấn tượng mạnh. Những “đơn vị thơ hay” ấy đủ sức làm điểm tựa vững vàng cho một tứ thơ, nhiều khi không có chúng, tứ thơ không đứng được. Những “đơn vị thơ hay” ấy, cũng là những giây phút khác thường, đôi khi được thăng hoa một cách hốt nhiên và có phần vô thức.

Sinh thời, nhà thơ Phạm Tiến Duật thường coi những câu thơ hay, những câu thơ gây ấn tượng mạnh là những chiếc đinh đóng vào trí nhớ của độc giả.

Cho nên, không phải vô cớ mà mỗi khi đọc thơ Hữu Ước, tôi không thể không nhớ những câu thơ thuộc dạng “đóng vào trí nhớ của độc giả” của ông và đọc lên một lần là nhớ. Ít nhất, “Buồn vui đều rất cũ” là ví dụ thứ nhất. “Giọt sương chỉ thấm lên môi má hồng” là ví dụ thứ hai. “Lưu danh thiên cổ cho ai nhỉ?/ Một nấm mồ xanh ông với ông” là ví dụ thứ ba.

 

 

Trung tướng - nhà văn Hữu Ước.

Đó là những câu thơ được sinh ra từ sự trải nghiệm rất cá nhân, của cá nhân, thường là sở hữu của một người và chỉ thuộc về một người. Chúng được thoát thai, giải thoát từ sự ghìm nén của tình cảm, thái độ, sự cô đơn đến độ trong đời sống này. Đó là những câu thơ như những ngọn đèn vừa tỏa sáng rực rỡ, vừa nóng ấm, cùng lúc mang đến một hiệu quả kép, không giống đèn nê-ông, đã sáng vừa phải, lại gần như chẳng có chút nóng ấm nào.

Những câu thơ ấy không phải “làm cho xong” mà “làm là xong”, như kiểu đã đi thì kiểu gì cũng phải đến, cũng phải tới vậy! Và chúng cũng là những câu thơ “giản dị khó làm” theo cách viết, kiểu viết và quan niệm về thơ của nhà thơ lớn người Đức B. Brecht.

Riêng về B. Brecht, tôi có thể nói thêm rằng: Đó là một nhà thơ mà chất thơ luôn thường trực trong ông, ở trong ông và đề tài trong thơ ông chỉ là một cái cớ để ông bám vào. Nói một cách hình tượng thì thơ B. Brecht như những tấm áo tư tưởng được treo lên những chiếc đinh là những đề tài. Và vấn đề là “những tấm áo tư tưởng” chứ không phải “những chiếc đinh”.

Đến “Mùi lửa”, “chất” Hữu Ước vẫn nguyên vẹn nhưng có phần đầy đặn hơn, sâu sắc hơn. Hữu Ước tin vào những người ăn mày và khẳng định “Họ đi ăn xin là có thật”. Hữu Ước “Tin ở ngày chiến thắng” vì “niềm tin ấy là niềm tin có thật” (Câu hỏi niềm tin). Hữu Ước chỉ tin “Nỗi đau là có thật” và “Một ngày là cả trăm năm” (Khóc vợ) kể từ khi vợ ông mất. Và chỉ khi vợ ông mất, ông mới có thể viết nổi (hoặc viết được) những câu thơ đau đớn và khác lạ như thế này:

Cái rét cứa vào da thịt
Ướp nỗi buồn cô đơn

. . . . . . . . . . . . . . . . . .

. . . . . . . . . . . . . . . . . .

Nỗi nhớ mồ côi...

(“Nỗi nhớ mồ côi”)

Theo tôi, “có thật” ở đây đã vượt qua “nhìn thấy” để đến với “cảm thấy”. Và “nhìn thấy” mới là hiện thực thứ nhất, còn “cảm thấy” là hiện thực thứ hai. Nếu “nhìn thấy” là cái bên ngoài, thì “cảm thấy” là cái bên trong.

Tất nhiên, trong phần “Viết cho vợ”, Hữu Ước không chỉ có những câu thơ như thế mà còn: “Cái ngõ nhỏ không còn hơi thở cũ/ Em đi biền biệt/ Lá vàng bơ vơ...” (Lá vàng rơi) và ông cũng xác quyết lẫn xác tín vợ ông chính lá “lá bùa” để ông đi qua địa ngục khi bước vào vòng lao lý qua:

Bước vào vòng lao lý
Vợ tôi đưa tôi lá bùa
Đêm ngày tôi cầu nguyện
Nam mô a Di Đà...

Lá bùa trong địa ngục
Nuôi tôi tròn ba năm.

(Lá bùa)

Người nhận thấy “Cái ngõ nhỏ không còn hơi thở cũ”…chắc hẳn phải là người nhớ thương và tiếc thương vợ đến nhường nào. Cái ngõ nhỏ ấy cũng trở nên xa lạ và không quen thuộc nữa khi “em đi biền biệt”. Với tác giả, cái ngõ nhỏ ấy không còn là cái ngõ nhỏ thuở nào vì “không còn hơi thở cũ”.

Khi đọc “Lá bùa”, tự dưng tôi lại nhớ áng thơ “Đợi anh về” của nhà thơ của nước Nga Xô viết Simonov. Trong bài, ở phần dịch thô, có câu: “Chính sự đợi chờ của em đã cứu sống anh”. Chỉ ở phần dịch thơ này, câu thơ đã quá hay. Chính niềm tin vào tình yêu của người ở hậu phương đã giúp người lính ở tiền phương trở về, dẫu cho nhiều người lính vẫn bị mặc định bởi “Xưa nay chinh chiến mấy ai về”. Tôi nghĩ “Lá bùa” ở đây không chỉ là một lá bùa cụ thể mà là một niềm tin, một hy vọng thiêng liêng.

 

 

Tác phẩm “Mùi Lửa” của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước

Thơ Hữu Ước nhắc nhiều đến cô đơn và cô đơn như là nỗi ám ảnh thường trực của ông: “Âm thầm lẻ bóng/ Tôi và tôi” (Chỗ dựa), “Nhìn ngang nhìn dọc: Đơn côi/ Và một cái bóng cùng tôi chập chờn” (Đêm), “Một mình/ Mong manh/ Hoài nghi... (Làm người... khó, “Nay về lưu ẩn miền sơn cước/ Vui buồn giấu kín giữa trời xanh (Than)... Có lẽ vì thế, con gái ông mới nói với ông: “Gia tài lớn nhất của bố là sự cô đơn” chăng?

Nhìn ngang nhìn dọc: Đơn côi/ Và một cái bóng cùng tôi chập chờn” là một cặp lục bát về một cái tôi - đơn côi, một cái tôi - chập chờn thật hay và hay một cách thấm thía, đau đớn và đau đớn thấm thía của Hữu Ước. Một người mà nhìn ngang, nhìn dọc chỉ thấy đơn côi và ôm trùm lên không gian đơn côi ấy chỉ còn là một cái bóng chập chờn bủa vây, thì thử hỏi có sự đơn côi nào lớn lao hơn thế? Đây cũng là một cặp lục bát không dễ viết và không phải lúc nào cũng viết được về sự đơn côi.

Chắc chắn là người phải ngộ ra một điều gì đó, một lẽ gì đó, Hữu Ước mới viết: “Đứng dậy/ Tập tễnh/ Lại leo núi khác/ Chẳng để làm gì” (Leo núi), “Dại khôn khôn dại chuyện đã qua” (Ngẫm), “Người cũ tự hào vì câu chuyện cũ/ Và thế họ sống được tới hôm nay” (Cổ tích)...

Khi viết “Đứng dậy/ Tập tễnh/ Lại leo núi khác”…để rồi “Chẳng để làm gì” hoặc coi “Dại khôn khôn dại” như “Chuyện đã qua”, Hữu Ước đã thực sự thoát khỏi mọi ràng buộc quen thuộc để “trở về mình”, “trở về ngôi nhà của mình”. Bằng “Chẳng để làm gì”, “Chuyện đã qua”, cuối cùng ông đã nhận thức ra cái tất yếu của đời sống. Còn khi viết “Người cũ tự hào vì câu chuyện cũ…”, Hữu Ước trân trọng những người sống quanh ông cùng những thói quen, những cái vốn có của họ.

Nhưng không chỉ có thế, Hữu Ước còn sở hữu những tứ thơ độc đáo. Có thể kể tên: “Con mãnh thú vô hình”, “Leo núi”, “Món nhắm”, “Cỏ và đời”, “Thơ thơ”, “Vịnh thi sỹ”, “Viếng mộ Đỗ Phủ”, “Lá bùa”, “Mùi lửa”...

Trong “Món nhắm”, Hữu Ước thương cho những kẻ vô công rồi nghề, lấy câu chuyện người khác để làm quà. Chắc phải thấy họ kỳ cục quá nên ông mới hạ bút:

Nhưng nếu hắn không là món nhắm của mọi người
Thì họ buồn quá
Vì thời gian họ không biết để làm gì...

Cách nay đã lâu, triết gia người Đức Nietzsche từng coi khi lửa cháy sẽ diễn ra cùng lúc sáng tạo và hủy diệt hoặc vừa hủy diệt vừa sáng tạo, vừa sáng tạo vừa hủy diệt. Ở một góc cạnh khác, Hữu Ước phát hiện ra mùi lửa không giống mùi người, không giống mùi hoa, không giống mùi cỏ, bởi vì:

Mùi lửa có hơi thở của người
Sự sống...

Đối với Hữu Ước, quan trọng là “Mùi lửa có hơi thở của người”… Vâng, nếu không có lửa và cả nước, cả không khí nữa, chắc chắn không có “sự sống”!

Thơ Hữu Ước bộc trực, thiên về trực cảm, trực giác và luôn “thượng ý” chứ không “thượng từ”. Nhưng đằng sau những gì tưởng như rất thẳng băng, rất trực tiếp ấy lại là những gì không hoàn toàn thẳng băng, không hoàn toàn trực tiếp, đầy ẩn ý và cần phải được tiếp tục giải mã bằng sự chia sẻ, thấu hiểu của trải nghiệm đến tận cùng từ phía độc giả.

Hãy đọc thơ Hữu Ước như đọc cuộc đời của ông vậy!

Thời gian gần đây, Hữu Ước hay đến Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm chơi. Mỗi lần đến, ông thường say sưa nói đến những tác phẩm mới hoàn thành và những dự định viết của mình trong tương lai gần. Ông cũng hay nói đến những tác phẩm đã xuất bản và sắp xuất bản, trong đó có “Mùi lửa”. Riêng với tập thơ này, ông rất tâm đắc và gửi gắm thật nhiều… Tôi tin ông là người luôn coi sự viết là hạnh phúc lớn nhất của người cầm bút.

Hà Nội cuối tháng 9, giữa tháng 10 năm 2020

Đăng Huy Giang

Nguồn tin: cand.com.vn