Phác thảo chân dung Văn Cao bằng âm nhạc


“Phố Văn Cao” là một bài thơ dài của GS.TSKH, nhà thơ Vũ Quang Côn (nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Chủ tịch Hội Côn trùng Việt Nam). Đó là cảm xúc rung lên của tác giả khi đi trong đêm khuya trên phố Văn Cao (Hà Nội) thấy quán xá tấp nập người vào ra với cà phê, phở... mà lúc sinh thời nhạc sĩ Văn Cao ít có điều kiện được thưởng thức.

Tự nhiên hình ảnh nhạc sĩ Văn Cao hiện lên trong đầu ông, đó là một ông cụ gầy gò, nét mặt có phần khắc khổ và thường có thói quen uống rượu: “Lúc đương thời ông thèm cà phê và phở/ Trái tim ông mơ màng sau vài ly cuốc lủi/ Chan chát mấy miếng chuối xanh/ Người ông gầy khô, mái tóc bạc phơ buông xõng/ Lảo đảo bước đi trong gió xoáy thời cuộc…”.

Tuy khó khăn là vậy nhưng âm nhạc cách mạng của Văn Cao vẫn chảy ra như suối, vẫn phục vụ được cách mạng, vẫn nói được tiếng nói của dân tộc Việt Nam. Đó thực sự phải là con người rất tài năng, bởi chỉ có tài năng mới khiến người nhạc sĩ vượt qua được những ham muốn bình thường, thậm chí tầm thường để nghĩ đến bài ca cách mạng phục vụ công cuộc kháng chiến của dân tộc.

Nhạc sĩ Văn Cao lúc sinh thời.

Đánh giá cho đúng thì Văn Cao là bậc kỳ tài về âm nhạc, mặc dù ông ấy sáng tác không nhiều (chưa đến 50 bài hát) nhưng hầu như nói đến bài nào của Văn Cao người nghe cũng nhớ, cũng biết, bài nào cũng lôi cuốn, thu hút người nghe”, nhạc sĩ Đoàn Bổng nhận định.

Cũng theo nhạc sĩ Đoàn Bổng thì chính ý thơ “Phút cuối đời ông vẫn viết “Mùa xuân đầu tiên” của nhà thơ Vũ Quang Côn mà ông đã “bắt” ngay được cảm xúc xuyên suốt cho toàn bài hát. Theo ông thì phút cuối đời con người ta thường ốm đau và nghĩ đến cái chết. Nhưng nhạc sĩ Văn Cao lại nghĩ đến mùa xuân đầu tiên, tức là ông ấy vẫn nghĩ đến tương lai tốt đẹp của dân tộc. Đó là một điều rất đáng trân trọng.

Viết “Con phố mang tên ông”, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã đưa vào một số giai điệu của “Mùa xuân đầu tiên” như muốn khẳng định ca khúc nổi tiếng này vẫn đang vang lên trong khối óc và trái tim người nghe. “Mùa xuân đầu tiên ấy như nhắc nhở mỗi chúng ta luôn luôn phải làm cho đất nước như mùa xuân đầu tiên và mùa xuân ấy không bao giờ chấm dứt”, nhạc sĩ Đoàn Bổng chia sẻ.

Thưởng thức bài hát “Con phố mang tên ông” người nghe có thể cảm nhận được cuộc đời sáng tác của nhạc sĩ Văn Cao chia làm 3 thời kỳ, đó là thời kì tiền cách mạng với những ca khúc trữ tình, lãng mạn như: “Suối mơ”, “Thiên Thai”... thời kỳ cách mạng với những ca khúc hùng tráng như “Tiến quân ca”, “Trường ca sông Lô”... và bản hòa ca của thời kỳ hòa bình thống nhất đất nước như “Mùa xuân đầu tiên”…

Nhà thơ Vũ Quang Côn.

Đến chính nhà thơ Vũ Quang Côn khi nghe lại ca khúc này cũng cảm nhận sự tài tình của nhạc sĩ Đoàn Bổng khi biết chọn những câu thơ tuyệt vời nhất, là linh hồn của toàn bộ bài thơ. Ông đã thực sự xúc động khi “bức tượng” Văn Cao được dựng lên trong khuông nhạc, lúc thì rất mềm mại, lúc thì hùng tráng, đúng như các bài hát của nhạc sĩ Văn Cao.

Nói về việc chọn tính chất âm nhạc trong ca khúc này, nhạc sĩ Đoàn Bổng cho biết: “Âm nhạc Văn Cao rất gần với cái “chất” của âm nhạc thế giới, mang tính bác học, thính phòng. Văn Cao không bao giờ sử dụng âm nhạc dân gian một cách thông thường mà đẩy lên âm nhạc thính phòng để làm nổi lên cái hay, cái đẹp, sự sang trọng trong âm nhạc của mình. Khi viết bài hát này, tôi đã vận dụng tính chất âm nhạc của Văn Cao để làm bài hát thật sang trọng, bác học nhưng cũng thật trong sáng, dễ nghe gắn với thân thế, sự nghiệp, âm nhạc của ông ấy. Thực tế cho thấy không chỉ lời ca, giai điệu mà tính chất âm nhạc cũng rất quan trọng, đó là điều gây dấu ấn sâu sắc với người nghe”.

Là người thể hiện ca khúc này, ca sĩ Tuấn Dương cho biết, “Con phố mang tên ông” đã khắc họa được một hình ảnh Văn Cao đầy thăng trầm nhưng cuối cùng ông trở thành “tượng đài” uy nghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Thú thật khi được nhạc sĩ Đoàn Bổng “giao” ca khúc này, tôi thực lòng nghĩ là rất khó. Thế nhưng khi cầm được bản thảo bài hát thì mọi điều đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tôi thấy giai điệu và lời ca đã hòa quyện với nhau một cách uyển chuyển mà tôi có thể hát ngay trước mặt nhạc sĩ Đoàn Bổng. Đây là điều hết sức đặc biệt. Thật lòng khi nghe lại ca khúc này mới thấy sự tài tình của nhạc sĩ khi đã lồng ghép rất nhiều các giai điệu trong các ca khúc của nhạc sĩ Văn Cao một cách khéo léo để hồi tưởng lại hình ảnh của người nhạc sĩ được coi là một tài năng hiếm có của âm nhạc cách mạng Việt Nam”, ca sĩ Tuấn Dương chia sẻ.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng.

Trước đó chỉ bằng 4 câu thơ: “Văn Cao/ Rượu vào nhạc ra/ Câu thơ sóng sánh/ Nét vẽ loang xa”, nhạc sĩ Đoàn Bổng đã ký họa được chân dung Văn Cao tài năng không chỉ trong âm nhạc mà còn trong thi ca và hội họa.

Trong ký ức của nhạc sĩ Đoàn Bổng hôm nay, ông vẫn nhớ thời gian cách đây khoảng 30 năm trước trong một chuyến công tác tại Lạng Sơn, ông có “nhắc khéo” các đồng chí lãnh đạo tỉnh: “Các ông có xuống thăm nhạc sĩ Văn Cao thì xuống đi. Cụ đang nằm ở Bệnh viện Việt Xô, cụ yếu lắm. Cụ có bài “Bắc Sơn” nói về di tích lịch sử tỉnh nhà đấy”.

Nhạc sĩ Đoàn Bổng kể: “Thế là sau đó không lâu các đồng chí đã xuống thăm với mấy mét lụa, vài chai rượu cuốc lủi và ít thuốc lá Tam Đảo… làm quà. Khi ấy nhạc sĩ Văn Cao đã về nhà ở phố Yết Kiêu. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong ít phút ngắn ngủi bởi nhạc sĩ Văn Cao vốn rất kiệm lời, nhất là với người lạ”.

Hay cũng có một kỷ niệm khác là nhạc sĩ Đoàn Bổng đã từng phổ nhạc bài thơ “Thời gian” in trong tập thơ “Lá” của nhạc sĩ Văn Cao. Bài thơ có lời thơ ngắn ngọn, súc tích nhưng mang nhiều ý nghĩa. Thời gian khắc khoải như thân phận con người, bảy nổi ba chìm vượt qua những khe nhỏ nhất để vươn lên, nghe thơ thì có vẻ khô khan mà hay ở chỗ kết nối đến sự xanh tươi, mơn mởn: “Thời gian qua kẽ tay/ Làm khô những chiếc lá/ Kỷ niệm trong tôi rơi như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn/ Riêng những câu thơ còn xanh/ Riêng những bài hát còn xanh/ Và đôi mắt em như hai giếng nước”.

Khi phổ ông đã thêm 3 từ “Còn trong xanh” ở câu thơ cuối của bài. Khi bài hát ra đời, nhạc sĩ Văn Cao mặc dù rất thích thú nhưng vẫn “phê” rằng: “Cái thằng này nó còn thêm của người ta ba chữ”. Sinh thời mỗi dịp sinh nhật nhạc sĩ Văn Cao mà nhạc sĩ Đoàn Bổng cũng có vinh dự được tham dự thì ngoài những ca khúc của ông vang lên thì NSND Quang Thọ thường hát ca khúc này.

Có thể nói giữa cuộc sống ồn ào, vội vã của cuộc sống khi Tết cổ truyền đang cận kề, khi mùa xuân cũng sắp sửa đến thì cùng với “Mùa xuân đầu tiên”, giai điệu của ca khúc “Con phố mang tên ông” cũng đang vang vọng ở nhiều nơi.

Có thể nói với sự chắt lọc đầy tinh tế cùng sự trải nghiệm trong âm nhạc cũng như sự hiểu biết về Văn Cao, nhạc sĩ Đoàn Bổng dường như đã đưa người nghe về miền ký ức xa xôi để cùng nhớ về một người nhạc sĩ tài năng của dân tộc mà những ca khúc của ông sẽ sống mãi cùng thời gian, cùng chiều dài lịch sử của đất nước.

Ngô Khiêm

Nguồn tin: cand.com.vn