Phấn son tô điểm sơn hà


Một kỷ nguyên mới của phụ nữ Việt Nam

Sinh thời, bà Như Quỳnh - nguyên Chủ bút Báo Tiếng gọi phụ nữ (1945-1946) có kể cho tôi nghe những năm tháng cầm bút, trong đó có thời gian cổ động bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.

Trong bài “Phụ nữ có thể bầu phiếu và có đại biểu trong Quốc hội”, Báo Tiếng gọi phụ nữ nhấn mạnh: Nền độc lập đã giành được. Chị em ta đã sống một kỷ nguyên mới. Mới nhất là quyền ứng cử và bầu cử.

Lần đầu tiên phụ nữ Việt Nam dùng lá phiếu chọn người thay mặt vào Quốc hội. “Thế là hai nguyên tắc dân chủ và nam nữ bình quyền được thực hiện”. Nhưng, không ít người vin vào lý do dân Việt Nam lúc đó “98% dân ta dốt, không biết chọn đại biểu” và ai là người tự xét đủ tài đức để ra ứng cử?

Báo Tiếng gọi phụ nữ đáp lại: “Biết chữ vẫn là một điều cần nhưng không phải vì chị em ta dốt mà ta không bầu cử được vì không biết chữ không phải là ngu xuẩn”. Diễn đàn của chị em phụ nữ nhấn mạnh “chị em ta dốt nhưng chị em ta tinh, biết người biết của lắm”. Phụ nữ Việt Nam khi đó không biết chữ nhưng họ hiểu rằng chỉ có đại biểu phụ nữ mới bênh vực được quyền lợi phụ nữ.

Vì thế, Báo Tiếng gọi phụ nữ tiếp tục hô hào: Chị em sửa soạn đi bỏ phiếu: “Trong ngày Tổng tuyển cử sắp tới đây, chị em bạn gái Việt Nam sẽ làm trọn nhiệm vụ một người công dân để tỏ cho phụ nữ các nước văn minh trên thế giới biết rằng chúng ta không kém gì họ và cũng tha thiết nghĩ tới nền độc lập của nước nhà như nam giới”.

Tờ báo này còn tổ chức các cuộc phỏng vấn trước Tổng tuyển cử các ứng cử viên nữ là các bà Nguyễn Thị Thục Viên - giáo sư trường nữ học Đồng Khánh (Hà Nội), nhà thơ Vân Đài, bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng, bà Cao Thị Khương...

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa I. Bà Lê Thị Xuyến (đại biểu tỉnh Quảng Nam) ngồi hàng đầu, mặc áo sẫm.

Báo cũng phỏng vấn cả những phụ nữ không ra ứng cử. Dược sĩ Đỗ Thị Thao (phu nhân luật sư Phan Anh - cựu Bộ trưởng Bộ Thanh niên lúc đó) cho biết bà không ra ứng cử vì đối với việc còn bỡ ngỡ và cũng bận quá chứ bà rất tán thành Quốc hội. Dược sĩ Nguyễn Thị Bính (phu nhân giáo sư Hoàng Xuân Hãn) gặp các nữ ký giả trong một hoa viên xa trung tâm thành phố, bà cũng thẳng thắn cho biết lý do không ra ứng cử vì việc chính trị khó quá! Còn bà Nguyễn Thị Thịnh (phu nhân bác sĩ Đỗ Xuân Hợp) đã từng đứng ra tổ chức Hội Phụ nữ Việt Nam nhưng theo bà vào Quốc hội thì phải bàn tới việc chính trị, mà bà chỉ thích làm việc xã hội. Tuy không tham gia Quốc hội nhưng sau này bà Thịnh trở thành Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiều khóa.

Bà Đoàn Tâm Đan, giáo sư tư thục, nói về chương trình hoạt động của mình khi tham gia ứng cử ở Hà Nội đã phê phán kiểu cách làm việc của những nghị viên nói nhiều làm ít. Bà mong muốn nam nữ bình quyền trước pháp luật mà cụ thể là gia tài chia đều, bãi bỏ chế độ đa thê, bỏ tục nam tôn nữ ty để cho các con trai hay con gái đều đi học như nhau; ngoài xã hội thì bảng lương phụ nữ ngang bằng với lương nam giới, vẫn hưởng lương khi nghỉ sinh đẻ và hưởng trợ cấp khi không may gặp tai nạn, đau ốm...

Bà Nguyễn Thị Thục Viên trúng cử tại Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ 55,4% phiếu bầu, là Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội và ở trong Tiểu ban Dự thảo Hiến pháp lần thứ nhất. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thục Viên là thành viên nữ duy nhất trong Ban soạn thảo Hiến pháp 1946... Sau này, con gái bà, Nhà giáo ưu tú Trần Thị Thục Nga - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng trở thành đại biểu Quốc hội khóa V. Đây là niềm tự hào của gia đình khi hai mẹ con cùng là đại biểu Quốc hội.

Lá phiếu đưa ra phải chọn người

Báo Quốc hội - nhật báo đặc biệt chỉ ra trong kỳ Tổng tuyển cử - đã lần lượt đăng tải danh sách đại biểu tham gia ứng cử ở các tỉnh. Nữ sĩ Bích Hà có bài thơ cổ động “Nhắn chị em cử tri” như sau: “Lá phiếu đưa ra phải chọn người/ Hãy nên thận trọng chị em ơi/ Cử người đại biểu cho dân đấy/ Vận mệnh kia mà, há chuyện chơi...”.

Vẫn trên Báo Quốc hội, nữ ký giả Quốc Hương nêu ý kiến “Các bạn gái chúng ta phải đi bầu”. Trước những ý kiến của một số chị em phụ nữ cho rằng “đàn bà mình thì biết gì mà đi bầu cử” hoặc “tôi bận cháu thì đi thế nào được, hôm ấy đã có nhà tôi”..., bà Quốc Hương phê phán thái độ thờ ơ, lãnh đạm, không biết đến quyền lợi bầu cử. Bà cổ vũ giới của mình:

“Không thể thế được, hỡi các chị bạn, phải đứng dậy đi không được rụt rè, do dự nữa. Rụt rè, do dự bây giờ là một tội nặng với sự tiến hóa chung đấy các chị ạ... Bầu cử để tỏ rằng phụ nữ chúng ta cũng làm trọn được phận sự và biết dùng quyền lợi tối cao của một công dân Việt Nam”.

Bà Trương Thị Mỹ, đại biểu tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ảnh: Tư liệu KMS.

Còn một nhóm phụ nữ tỉnh Hà Đông có thơ gửi Báo Quốc hội bày tỏ: “Em hỏi: Thưa anh có biết không?/ Thương thay phụ nữ ở Hà Đông/ Chín mươi nhăm vị ra ứng cử/ Chẳng có bà nào, chỉ thấy ông”.

Tuy nhiên, điều này không chính xác vì tỉnh Hà Đông được bầu 14 đại biểu Quốc hội thì trong danh sách 95 người đăng ký ra ứng cử có bà Nguyễn Thị Thuận (tức Liên) là người buôn bán ở tỉnh lỵ Hà Đông, cô Phạm Thị Tu là học sinh, bà Phạm Thị Minh là Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng. Sau đó còn có bà Trương Thị Mỹ đăng ký bổ sung và bà đã trở thành một trong 10 nữ đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên.

Báo chí đương thời đánh giá, cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ và tự do gây một cuộc tranh luận gay go. “Ngay những phút đầu cuộc thảo luận đã có tính cách gay go”, Báo Dân quốc bình luận.

Một đại biểu nam cho rằng: Xét ra đàn bà không triệt để ngang hàng với đàn ông được, vì vậy trong Điều 9, ông đề nghị thay 3 chữ “mọi phương diện” bằng những chữ “chính trị, kinh tế và văn hóa”. Đại biểu nam khác yêu cầu bỏ 3 chữ “mọi phương diện”. Ông đâu ngờ là đã gây ra một cuộc tranh luận hết sức căng thẳng của đại biểu nữ trong Quốc hội.

Vẫn trong nội dung Điều 9 của Hiến pháp, một nữ đại biểu Quốc hội cho rằng “phụ nữ không thể như nam giới được”, “không thể tham gia quân đội được” và rằng “phụ nữ cần giữ vai trò hậu cần, nội trợ” của gia đình, của đoàn thể. Bà Trương Thị Mỹ đại biểu Hà Đông phản bác lại ý kiến này. Tham luận về “vấn đề quyền bình đẳng của phụ nữ”, bà Mỹ nói rằng: Bằng thực tế công tác, bằng kinh nghiệm bản thân, tôi thấy cái quan niệm coi thường phụ nữ vẫn chưa phải đã hết trong ngay cả đội ngũ những người cán bộ cách mạng, rằng chị em có khả năng đảm đương mọi công tác được giao và cần loại bỏ tư tưởng tự ti, ngại khó ngay chính bản thân chị em.

Người phụ nữ đầu tiên lên tiếng trước diễn đàn Quốc hội

Là diễn giả nữ đầu tiên phát biểu tại Quốc hội nên đại biểu Lê Thị Xuyến gây được ấn tượng với người nghe. Sau này, trong hồi ký của mình, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, cụ Nguyễn Xiển chia sẻ: “Chị Lê Thị Xuyến là người phụ nữ lên tiếng đầu tiên về quyền bình đẳng nam - nữ trước diễn đàn Quốc hội nước ta”.

-----------------------------

10 nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên

Thông qua chế độ phổ thông đầu phiếu, Quốc hội khóa đầu tiên có 10 đại biểu nữ. Mặc dù, số lượng đại biểu nữ chỉ chiếm 3%, song đó là những phụ nữ ưu tú ở các địa phương từ Bắc tới Nam. Đó là các bà: Vũ Thị Khôi (Bắc Ninh), Trương Thị Mỹ (Hà Đông), Bùi Thị Diệm tức Lê Phương (Hải Dương), Cao Thị Khương (Hưng Yên), Tôn Thị Quế (Nghệ An), Lê Thị Xuyến (Quảng Nam), Trịnh Thị Miếng (Gia Định), Nguyễn Thị Thập (Mỹ Tho) và Ngô Thị Huệ (Bạc Liêu).

Bà Ngô Thị Huệ năm nay đã ngoài 100 tuổi, là nữ đại biểu Quốc hội duy nhất của Khóa I (1946) còn sống. Bà Huệ là phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Kiều Mai Sơn

Nguồn tin: cand.com.vn