Phim truyền hình Việt: Giảm hấp dẫn vì đâu

Có thể nói, từ khi ra đời cho tới nay, phim truyền hình Việt Nam đã dành được sự quan tâm cũng như có được vị trí nhất định trong lòng khán giả. Theo dõi phim truyền hình mỗi tối đã trở thành nhu cầu không thể thiếu và thói quen trong đời sống tinh thần của đông đảo công chúng. Phim truyền hình Việt cũng đã có một lịch sử ra đời, phát triển không ít thăng trầm. Từ chỗ chỉ có một vài phim được sản xuất một năm, ghi dấu ấn trong lòng khán giả, đến thời điểm phim được sản xuất ồ ạt nhưng chất lượng giảm sút, thậm chí còn có phim được gắn mác thảm họa.

 

 

Có thể nói, từ khi ra đời cho tới nay, phim truyền hình Việt Nam đã dành được sự quan tâm cũng như có được vị trí nhất định trong lòng khán giả. Theo dõi phim truyền hình mỗi tối đã trở thành nhu cầu không thể thiếu và thói quen trong đời sống tinh thần của đông đảo công chúng.

Phim truyền hình Việt cũng đã có một lịch sử ra đời, phát triển không ít thăng trầm. Từ chỗ chỉ có một vài phim được sản xuất một năm, ghi dấu ấn trong lòng khán giả, đến thời điểm phim được sản xuất ồ ạt nhưng chất lượng giảm sút, thậm chí còn có phim được gắn mác thảm họa.

Gần đây, với sự đầu tư đúng hướng từ kịch bản, diễn viên đến cách làm phim, phim truyền hình đã lấy lại được sự tin yêu của khán giả. Một số bộ phim từ "Sống chung với mẹ chồng", "Người phán xử", "Về nhà đi con", "Quỳnh búp bê", "Cả một đời ân oán", "Hoa hồng trên ngực trái" , "Nhà trọ Balanha"... đã tạo được những dấu ấn được biệt trong lòng khán giả.

Nhiều người hy vọng, phim truyền hình Việt sẽ bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ với sự ổn định về chất lượng các bộ phim, sự đa dạng, phong phú trong đề tài và cách thể hiện. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra gần đây thì niềm hy vọng ấy của khán giả có vẻ mong manh.

 
Dàn diễn viên với nhiều gương mặt quen thuộc trong phim “Lựa chọn số phận”.

Không thể phủ nhận, từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 hoành hành cũng là lúc phim truyền hình nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Một phần vì quy định hạn chế tiếp xúc, không được đến rạp xem phim, không được ra ngoài xem các chương trình ca nhạc... nên khán giả dành nhiều thời gian cho việc ngồi trước màn hình.

Rất may, ở thời điểm đó, phim truyền hình đã không khiến khán giả thất vọng. Những bộ phim như "Cô gái nhà người ta", "Nhà trọ Balanha", hay bộ phim được sản xuất tốc độ có tính chất thời điểm như "Những ngày không quên" đã tạm khiến khán giả hài lòng. Khi dịch bệnh tạm lắng, cuộc sống bước vào giai đoạn bình thường mới cũng là lúc một số phim mới ra mắt khán giả.

Tuy nhiên, độ ""hót"" của một vài bộ phim phát sóng ngay sau đó như "Đừng bắt em phải quên", "Tình yêu và tham vọng"... đã bắt đầu giảm xuống. Những chi tiết vô lý trong kịch bản hay sạn trong diễn xuất của diễn viên ở bộ phim "Đừng bắt em phải quên" đã xuất hiện trên các diễn đàn. Đặc biệt là sự phản ứng dữ dội của khán giả đối với diễn xuất cũng như tính cách nhân vật Linh của phim "Tình yêu và tham vọng" đã khiến phim này bị mất điểm rõ rệt.

Nhưng, điều đáng lo là những bộ phim đang phát sóng không khiến tình trạng này được cải thiện. Ở thời điểm hiện nay, trên sóng giờ vàng có 3 bộ phim đang phát sóng là "Cát đỏ", ""Lửa ấm" và "Trói buộc yêu thương". Mặc dù đều là những bộ phim được đầu tư công phu từ kịch bản, diễn viên đến cách làm phim. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các bộ phim đều không có được hiệu ứng khán giả như kỳ vọng.

"Cát đỏ" là một bộ phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh xoay quanh cuộc đời, số phận của những người phụ nữ trên vùng cát trắng quanh năm nắng cháy. Vốn được mệnh danh là đạo diễn cá tính, với cách làm phim không giống ai, "Cát đỏ" ban đầu hơi khó xem nhưng sau này đã dần nhận được sự chú ý của khán giả. Bên cạnh câu chuyện phim với nhiều tình tiết éo le thì điều khiến khán giả "trầm trồ" bởi phim có nhiều cảnh quay đẹp, lãng mạn, cầu kỳ như làm phim truyện nhựa. Tuy nhiên, phim đã không tạo được hiệu ứng như "Thương nhớ ở ai" mà Lưu Trọng Ninh làm trước đó.

"Lửa ấm" là phim do đạo diễn Đào Duy Phúc thực hiện, phát sóng trên VTV1. Thông qua cuộc đời của các nhân vật chính, phim đề cập đến hai lĩnh vực nghề nghiệp có đặc thù riêng khá vất vả và nhiều hy sinh đó là cảnh sát phòng cháy chữa cháy và bác sĩ. Những câu chuyện của đời sống riêng nhân vật được lồng ghép trong bối cảnh chung của công việc với mong muốn làm toát lên phẩm chất dũng cảm và say nghề.

Mặc dù phim có sự tham gia của những gương mặt nghệ sĩ tài năng như Trương Minh Quốc Thái, Thúy Hằng, Thu Quỳnh... nhưng phim vẫn thiếu những điểm nhấn quyết định để tạo dấu ấn đậm nét. Câu chuyện phim cũng như tính cách nhân vật chưa thực sự ám ảnh.

Còn "Trói buộc yêu thương" của đạo diễn Lê Hùng Phương, phát sóng trên VTV3, xoay quanh câu chuyện gia đình của bà Lan và 3 người con là Khánh, Thanh Hiếu. Sự đan xen giữa công việc, tình cảm của các nhân vật này khiến gia đình bà Lan thường xuyên gặp phải những mâu thuẫn. Phim có sự góp mặt của dàn diễn viên có tiếng của phía Nam như nghệ sĩ Kim Xuân, Lan Phương... Tập trung vào những khúc mắc trong hôn nhân, gia đình nhưng thực sự phim chưa khiến khán giả phải hút mắt vào màn hình.

Như vậy, không dễ để nhận thấy những bộ phim phát sóng gần đây đã chưa tạo được độ hot như các bộ phim trước đó. Thậm chí, trên các diễn đàn, có tập phim vừa phát sóng đã nhận được nhiều bình luận chê bai, nhặt sạn của khán giả về cả diễn xuất lẫn nội dung phim. Tương tự, ở một số kênh thuộc khu vực phía Nam, một số bộ phim trước đây tạo được cơn sốt như "Gạo nếp gạo tẻ", "Mẹ ghẻ", "Gia đình là số 1" khi được triển khai những phần tiếp theo đều không tạo được dấu ấn.

 
Phim “Lửa ấm” chưa hấp dẫn khán giả được như kỳ vọng.

Đều được phát sóng vào "khung giờ vàng" nhưng không tạo được cơn sốt thì rõ ràng nguyên nhân đều thuộc vào bản thân mỗi bộ phim. Với phim truyền hình đề tài luôn là những vấn đề quen thuộc của đời sống con người như: tình yêu, hôn nhân, gia đình, sự nghiệp...

Như ở nhiều phân tích trước đây, sở dĩ thời gian vừa qua, những bộ phim gây được tiếng vang như "Sống chung với mẹ chồng", "Về nhà đi con", "Người phán xử"... cũng không nằm ngoài phạm vi đề tài đấy. Nhưng, các phim đều có kịch bản với chất lượng tốt, diễn viên hóa thân xuất sắc và cách làm phim phù hợp với xu hướng hiện đại. Các tình tiết trong phim, diễn biến tâm trạng nhân vật đều logic, phù hợp với đời thực.

Từ tiêu chí đó, nhìn sang các bộ phim gần đây, sẽ hiểu được vì sao phim không chạm tới trái tim khán giả. Kịch bản phim thiếu thực tế, tính cách nhân vật nhạt nhòa. Các tình huống của phim luẩn quẩn, cách xa đời sống. Tính cách nhân vật được xây dựng gượng ép, khó chấp nhận. Ngoài ra, có phim còn ôm đồm nhiều nội dung khiến phim lan man, gượng gạo và thiếu chiều sâu.

Bên cạnh đó, một trong những lý do khiến một vài bộ phim truyền hình lại rơi vào tình trạng cũ là sự lặp lại của các gương mặt diễn viên. Chỉ đơn cử trong bộ phim "Lựa chọn số phận", các diễn viên tham gia đều là những gương mặt quen thuộc vủa lĩnh vực phim truyền hình phía Bắc.

Điển hình như diễn viên Phương Oanh. Chỉ một thời gian ngắn, cô liên tục góp mặt trong các phim "Quỳnh búp bê", "Cô gái nhà người ta", "Những ngày không quên" và gần đây nhất là "Lựa chọn số phận". Ngay cả khi, nghệ sĩ có hóa thân tốt đến mấy nhưng sự xuất hiện liên tục cũng khiến khán giả thấy nhàm chán. Chưa kể diễn viên vào vai một số nhân vật có tính cách na ná nhau và nhạt nhòa, không có điểm nhấn.

Hoặc điển hình của việc xây dựng nhân vật thiếu thực tế, phi logic phải kể tới vai Linh trong "Tình yêu và tham vọng". Được miêu tả là một giám đốc kinh doanh giỏi giang, cá tính nhưng Linh liên tục mắc lỗi trong công việc và khi nào cũng chỉ nói được câu "Tôi xin lỗi. Tôi sẽ chịu trách nhiệm"...

Có lẽ, khâu quan trọng nhất khiến phim truyền hình Việt lại rơi vào trạng thái nhạt nhòa là thiếu những kịch bản hay. Đề tài hôn nhân gia đình được khai thác liên tục mà không có câu chuyện riêng hấp dẫn, cuốn hút thì chắc chắn sẽ không thể tạo được dấu ấn. Ở những bộ phim được khán giả yêu mến trước đó, có một số phim được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài. Từ cốt truyện cho đến hệ thống nhân vật đã có sẵn, chỉ cần diễn viên hóa thân xuất sắc là cầm chắc thành công. Điều đó càng thấy khi kịch bản lỏng lẻo, nhân vật mờ nhạt, phi thực tế thì phim khó thu hút khán giả cũng là điều dễ hiểu.

Khánh Thảo

Nguồn tin: cand.com.vn