Phó Thủ tướng Phan Kế Toại: Thương dân, dân lập bàn thờ


Đức dày lưu hậu

Tôi về làng Mông Phụ, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội để tìm dấu tích cụ Phan. Qua thăm nhà thờ Phan tộc, nhà thờ họ Phan Kế, tôi được nghe người dân ở Đường Lâm kể đất này xưa thường trồng dưa hấu, dưa gang. Khi kinh tế thế giới khủng hoảng, Đại chiến thế giới lần thứ 2 sắp xảy ra, dưa hấu, dưa gang của Đường Lâm bán rẻ như cho.

Thương dân làng, cụ Phan Kế Toại nghĩ phải tính kế lâu dài chứ không thể chỉ trợ cấp theo thời vụ! Cụ đã bàn với chức dịch trong làng đi đón một người thợ ở vùng Chuông (huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông - nay là Hà Nội) về dạy cho dân làng cách làm nón lá, áo tơi lá. Từ đường họ Phan trở thành lớp học dạy nghề hàng ngày, người ra người vào học nghề nhộn nhịp.

Khi người dân trong làng đã có tay nghề, cụ Phan đứng ra xin "cô-ta" của nhà máy sợi Nam Định về cho dân làng dệt gia công. Từ cảnh đìu hiu đói kém, Đường Lâm bỗng trở nên nhộn nhịp khác thường. Người dân Đường Lâm tranh nhau để có "bông" (tức thẻ nhận sợi). Nhờ có "bông" là có sợi, có sợi là có hàng, có tiền. Dù hiện nay kinh tế địa phương đã có nhiều thay đổi, dân làng Mông Phụ đời trước nhắc đời sau vẫn nhớ ơn của cụ Phan Kế Toại từng mang nghề dệt về làng.

Phó Thủ tướng Phan Kế Toại (1892 - 1973) - Tư liệu KMS.

Trong tư liệu gia phả của dòng họ Phan Kế ở Đường Lâm viết: "Làng ta có câu đồng dao rằng: "Cụ Tú thì lắm con trai; Con đỗ Tú tài, cháu đậu Cử nhân; Nhà cụ phúc đức muôn phần…" vẫn còn truyền tụng đến ngày nay".

Cụ Tú ở đây là cụ Phan Công Chấn - người khai khoa cho dòng họ Phan làng Đường Lâm - cụ cố nội của Phó Thủ tướng Phan Kế Toại. Năm Kỷ Mão (1879) đời Vua Tự Đức, cháu nội cụ Phan Công Chấn là Phan Kế Tiến 23 tuổi thi đỗ Cử nhân, đứng thứ 3 trong 40 vị của khoa thi. Năm sau, 1880, cụ vào thi Hội, tuy không đỗ nhưng xét điểm khá cao nên được triều đình Huế bổ làm Tri huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình). Đường hoạn lộ của cụ có những gập ghềnh. Đầu năm 1914, cụ làm Tuần phủ tỉnh Nam Định. Năm sau làm Tuần phủ tỉnh Phúc Yên. Tháng 3 năm 1916 cụ về trí sĩ. Con trai cụ là Phan Kế Toại nối nghiệp học hành của cha, từng sang Paris học tập, khi trở về nước cũng từng làm Tuần phủ tỉnh Phúc Yên.

Xuất thân trong một gia đình quan lại, là con thứ 3 cử nhân Phan Kế Tiến, từ nhỏ Phan Kế Toại được rèn cặp Nho học sau đó ra Hà Nội học trường Tây, trường Hậu bổ (Trường hành chính quốc gia). Năm 1911, Phan Kế Toại nhận được học bổng của chính quyền bảo hộ du học tại Trường Hành chánh thuộc địa Paris (Pháp).

Năm 1914, trở về nước và được bổ nhiệm làm quan với chức Tri huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây, con đường quan lộ hanh thông, là người có danh vọng trong giới quan trường, Phan Kế Toại làm tri huyện, tri phủ, rồi tuần phủ, Tổng đốc các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Kiến An, Hà Đông, Quảng Yên, Nam Định, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Thái Bình. Ở đâu, Phan Kế Toại cũng trọng chữ "Liêm chính", "An dân", lấy đạo nghĩa nhân làm gốc.

Noi theo nếp nhà, cụ Phan Kế Toại nhớ đến lời cụ Phan Kế Tiến dặn dò trong Tộc phả họ Phan: "Cái thân ta này phủ ngưỡng không đến nỗi thẹn thò, ở trong gia tộc xiết bao lòng hiếu kính, khi ra mới nước, với thiên hạ mà tâm hanh hành hữu thưởng, con cháu chúng bay, chẳng cũng vinh hiển ru? Gia môn chẳng cũng cao đại ru? Người trước gây ra, con cháu sau nối đó, chấp nối mãi vào, lần dài ra chẳng bỏ, có đức dày lưu hậu được sáng láng, ơn nước phúc nhà, trường cửu như là trời đất vậy".

Thương dân dân lập bàn thờ

Có người cho rằng, sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, chính quyền thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng Nam triều bị lật nhào, con đường quan lộ của Khâm sai đại thần Bắc Bộ Phan Kế Toại những tưởng… "đứt gánh". Vậy mà, nhờ chính sách đoàn kết và trọng dụng trí thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cụ Phan Kế Toại được "thỏa chí tang bồng".

Gia đình Bộ trưởng Phan Kế Toại tại Chiến khu Việt Bắc (1948) - Tư liệu KMS.

Vì sao cụ Phan Kế Toại, một vị Khâm sai đại thần Bắc Bộ trong Chính phủ Trần Trọng Kim dưới thời phát xít Nhật chiếm đóng Việt Nam, một vị Tổng đốc tỉnh Thái Bình dưới thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Việt Nam lại được Chính phủ tín nhiệm giao trọng trách ở một bộ quan trọng như Bộ Nội vụ? Đó là tài cao và đức trọng cùng tiếng thơm "liêm chính", "an dân" khi cụ Phan Kế Toại đứng đầu các địa phương.

Trong sách "Lịch sử Đảng bộ thị xã Thái Bình (1927 - 2000)" có ghi, khi Mặt trận Việt Minh tỉnh Thái Bình chuẩn bị xin phép thành lập Chi hội Truyền bá Quốc ngữ tỉnh Thái Bình, Tổng đốc Phan Kế Toại ủng hộ. Theo đánh giá của Đảng bộ tỉnh Thái Bình, được chính quyền đương thời cho phép và đỡ đầu các hoạt động Truyền bá Quốc ngữ không bị sở mật thám làm khó dễ và việc sử dụng các trường học mở các lớp học buổi tối dạy chữ cho người lao động được dễ dàng thuận lợi.

Danh tiếng của Tổng đốc Phan Kế Toại còn được thể hiện rõ hơn vào đầu năm 1945 khi nạn đói mới chớm xuất hiện ở tỉnh Thái Bình. Ngày 27/4/1945, Hoàng đế Bảo Đại ra đạo dụ bổ Tổng đốc Thái Bình Phan Kế Toại làm Khâm sai đại thần Bắc Bộ. Trong dịp nhân dân trong tỉnh chia tay Tổng đốc Phan Kế Toại về Hà Nội, Mặt trận Việt Minh yêu cầu và "ông đã nhất trí bỏ thêm 100 tấn gạo để cứu tế cho nhân dân".

Sinh thời, Thủ tướng Phan Văn Khải đã được chứng kiến lòng dân nơi cụ Phan Kế Toại làm quan ngày xưa. Một lần về Thái Bình công tác, Thủ tướng Phan Văn Khải nhận được một lá thư kèm theo hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà Phan Kế Toại do một gia đình nông dân Thái Bình chuyển đến. Nội dung lá thư viết:

"Kính thưa ông, tôi bây giờ đã già, không thờ các cụ được bao lâu nữa. Vậy tôi nhờ Thủ tướng chuyển giúp hai tấm chân dung này cho con cháu cụ Phan Kế Toại để làm lưu niệm... ".

Cuối lá thư ký tên: Hoàng Văn Khảm, địa chỉ hiện nay số 2 ngõ 279 phường Niệm Nghĩa - Quận Lê Chân, Hải Phòng.

Qua nội dung lá thư cho thấy, gia đình này đã thờ hai cụ từ những năm Tổng đốc Phan Kế Toại làm quan tại Thái Bình. Khi ông Khảm về sinh sống ở Hải Phòng vẫn mang theo để thờ. Đến đầu năm 2000, có lẽ nhân dân nghĩ rằng Thủ tướng họ Phan, là hậu duệ của cụ Phan Kế Toại chăng nên mới nhờ con cháu ở Thái Bình thực hiện lời dặn dò của ông Khảm. Hai năm sau, tháng 2/2002, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trao ảnh tận tay họa sĩ Phan Kế An (con trai trưởng cụ Phan Kế Toại) hai tấm chân dung cụ ông, cụ bà mà gia đình ông Hoàng Văn Khảm đã phụng thờ.

"Thương dân dân lập đền thờ". Cụ Phan Kế Toại tuy chưa được lập đền thờ nhưng người làm quan địa phương mà được nhân dân tự nguyện lập bàn thờ để thờ tự trong nhà như cụ Phan Kế Toại hình như đến nay chưa thấy người thứ hai. Và nhìn lại đất nước ta trong tiến trình lịch sử 75 năm qua, Đảng chủ trương đánh đổ phong kiến mà dân vẫn tự nguyện thờ phụng một quan đại thần phong kiến thì có lẽ ước đoán được đức độ cùng sự thanh liêm của cụ Phan Kế Toại ra sao! Đời làm quan mấy ai được như vậy?

Các quan đại thần hội ngộ trùng phùng

Một dịp trò chuyện cùng ông Phan Kế Hoàng, cháu nội cụ Phan Kế Toại, tôi có đặt câu hỏi hành trình của cụ Phan Kế Toại lên Chiến khu Việt Bắc ra sao?

Theo một số tư liệu viết lại, đầu năm 1947, cụ Phan Kế Toại nhận được lá thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Phan Kế Toại lên chiến khu tham gia việc nước. Thời điểm đầu năm 1947 tuy chưa được chính xác là tháng nào, song có thể ước đoán là cuối tháng 4, sau khi cụ Huỳnh Thúc Kháng - Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Đặc phái viên của Chính phủ đi kinh lý miền Nam Trung Bộ đã từ trần tại tỉnh Quảng Ngãi (ngày 21/4/1947). Ba ngày sau, ông Hoàng Hữu Nam (Phan Bôi) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ gặp tai nạn bất ngờ, qua đời tại Tuyên Quang.

Việc điều hành Bộ Nội vụ sau đó được giao cho cụ Tôn Đức Thắng làm Bộ trưởng và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Thứ trưởng. Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Nội vụ lúc này cần là người am hiểu về công tác hành chính để xây dựng bộ máy chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, dù là thời chiến. Hoạt động hành chính yêu cầu phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng nhận thấy cần phải mời được cụ Phan Kế Toại tham gia giúp Chính phủ trong lúc khó khăn này.

Ông Phan Kế Hoàng cho biết, khi đó, cụ Phan Kế Toại đang sống tại nhà một người tá điền của mình ở Thanh Lũng (Sơn Tây). Nhận được thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Phan Kế Toại đã mau chóng lên đường. Đường lên “Thủ đô gió ngàn” ngày ấy thật gian nan. Cụ Phan ngồi thuyền, cưỡi ngựa, khi phải đi bộ, khi ngồi xe trâu, thậm chí có lúc còn phải cưỡi ... trâu! Cuối cùng, quan Khâm sai đại thần năm nào đã hiện diện tại An toàn khu. Điều thú vị là tại Chiến khu Việt Bắc đã có cuộc hội ngộ trùng phùng của các đại thần nhà Nguyễn năm nào: cụ Bùi Bằng Đoàn - cựu Thượng thư Bộ Hình, cụ Vi Văn Định - cựu Tổng đốc Hà Đông và cụ Phan Kế Toại...

Cụ Phan Kế Toại (1892-1973) tuyên thệ nhậm chức quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ tại Hội đồng Chính phủ chiều ngày 3/11/1947. Bằng kinh nghiệm quản lý hành chính của mình, cụ Phan Kế Toại đã tư vấn cho Chủ tịch Chính phủ nhiều văn bản quản lý hành chính Nhà nước và hoàn thiện dần hệ thống của bộ máy hành chính hoạt động thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong thời kỳ kháng chiến.

Kiều Mai Sơn

Nguồn tin: cand.com.vn