Phòng, chống khủng bố ở Đông Nam Á trong đại dịch COVID-19


Cơ quan thực thi pháp luật các nước này đã bố trí lực lượng tại các điểm chiến lược dọc các tuyến đường trung chuyển của bọn khủng bố tại khu vực Đông Nam Á nhằm tăng cường kiểm soát biên giới, phát hiện khủng bố. Kết quả đã bắt giữ 180 đối tượng với các tội danh khác nhau, trong đó có một đối tượng là thành viên của tổ chức khủng bố Abu Sayyaf Group (ASG).

Trong Chiến dịch, các nhà chức trách Philippines cũng đã phát hiện và giải cứu 82 nạn nhân của nạn mua bán người, chủ yếu là phụ nữ từ 20 đến 30 tuổi. Ngoài ra, Cảnh sát Indonesia cũng đã phát hiện và giải cứu 35 người lớn, 17 trẻ em (12 trai, 5 gái) tuổi từ 10 đến 15 đến từ Malaysia.

Cảnh sát các nước trên cũng đã thu giữ vũ khí, chất nổ, hàng hóa bất hợp pháp trị giá trên 1 triệu Euro. Các cơ quan tham gia chiến dịch đã được truy cập trực tiếp vào các cơ sở dữ liệu toàn cầu của INTERPOL, tiến hành hơn 13.000 lượt kiểm tra hộ chiếu, giấy thông hành, vũ khí và các dữ liệu thông thường khác.

Lực lượng chống khủng bố Philippines.

Ông Karel Pelán, Trợ lý Giám đốc phòng, chống khủng bố của INTERPOL cho biết: "Đại dịch COVID -19 sẽ không làm cho bọn khủng bố hay các băng nhóm tội phạm có tổ chức dừng lại, mà chúng vẫn tìm cách thực hiện các hành vi phạm tội theo phương thức mới, vì vậy các cơ quan thực thi pháp luật phải tiếp tục đổi mới cách thức làm việc. Kết quả của Chiến dịch Maharlika III khẳng định tầm quan trọng chiến lược của việc đảm bảo an toàn các tuyến đường mà bọn khủng bố và tội phạm có tổ chức hay sử dụng trong khu vực, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay".

Tổ chức Hải quan thế giới cũng phối hợp trong Chiến dịch nêu trên với vai trò thu giữ các hàng hóa bất hợp pháp được chuyển qua biên giới và báo cáo kết quả cho các Văn phòng INTERPOL quốc gia.

Với vũ khí và thông tin về các tuyến đường mà bọn khủng bố và tội phạm có tổ chức sử dụng thường xuyên tại khu vực phát triển phía Đông của ASEAN, INTERPOL đã phối hợp với các nước chọn 7 địa điểm chiến lược, trong đó có các cảng và điểm trung chuyển khu vực gần biển Celebes và Sulu. Đây chính là những điểm tác chiến để triển khai đồng bộ các hoạt động thực thi pháp luật như tuần tra trên biển, kiểm tra phương tiện và hàng hóa, kiểm tra giấy tờ chứng minh thứ hai đối với các đối tượng khả nghi. Địa lý của khu vực này gồm nhiều đảo nhỏ và nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới, nơi đây đã từng tạo ra thách thức cho các cơ quan thực thi pháp luật khi trấn áp khủng bố và tội phạm có tổ chức.

Trước đây dòng chiến binh khủng bố từ Đông Nam Á di chuyển sang Trung Đông để tham gia các tổ chức khủng bố thì nay có xu hướng ngược lại. Kể từ khi thành lũy của IS ở Trung Đông sụp đổ, khu vực phía Đông của ASEAN đã chứng kiến dòng chiến binh khủng bố nước ngoài tràn vào, nhiều người đến từ các khu vực có xung đột. Một phần là do sự có mặt của các nhóm khủng bố do IS bảo trợ tại địa phương, chẳng hạn như ASG. Các phần tử khủng bố nước ngoài được cài vào các nhóm khủng bố địa phương và cung cấp cho chúng tờ rơi tuyên truyền, nhân lực, tài chính, kinh nghiệm hành động như chế tạo bom.

Năm 2017, khi xảy ra giao tranh giữa các phần tử do IS bảo trợ và các lực lượng của Chính phủ Philippines tại thành phố Marawi (Philippines) đã có trên 1.000 người chết. Trong số người bị chết ở Marawi có các phần tử khủng bố đến từ Chechnya, Indonesia, Malaysia, Ả-rập Xê-út và Yemen.

Sau hơn 50 năm được thành lập, ASEAN đã có một số công cụ nhằm tăng cường hợp tác đấu tranh phòng, chống khủng bố. Ngoài các quy định tại Hiến chương ASEAN có liên quan đến bảo đảm an ninh, chống khủng bố thì ASEAN đã có một số văn kiện khác đề cập đến hợp tác chống khủng bố. Đầu tiên phải kể đến là Tuyên bố ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua ngày 20/12/1997, trong đó phạm vi hợp tác đã bao gồm chống khủng bố.

Sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, ASEAN đã ra Tuyên bố về cùng hành động chống khủng bố vào ngày 5/11/2001. Một trong những mục tiêu chính là tăng cường hợp tác khu vực, như thông qua chia sẻ kinh nghiệm và thông tin, nỗ lực để nâng cao năng lực phòng, chống khủng bố của cả khu vực, cũng như xem xét làm thế nào để tích các Công ước chống khủng bố quốc tế vào các cơ chế hợp tác ASEAN trong phòng, chống khủng bố quốc tế.

Sau đó, tháng 5/2002, ASEAN đã thông qua Chương trình công tác ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia với các hướng dẫn cụ thể về hợp tác khu vực sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố ở Bali, Indonesia và Philippines, làm cho 216 dân thường bị thiệt mạng và bị thương 419 người.

Các phần tử khủng bố nước ngoài trong trận giao tranh tại Marawi, Philippines, 2017.

Văn kiện ràng buộc nhất trong ASEAN trong lĩnh vực này là Công ước ASEAN về phòng, chống khủng bố được thông qua ngày 13/1/2007 (có hiệu lực từ 27/5/2011) và đây cũng là công cụ chính để tăng cường các nỗ lực phòng, chống khủng bố trong khu vực. Trước khi thông qua công ước này, đã có sự bất đồng liệu có cần một công ước của khu vực không khi đã có các văn kiện toàn cầu về phòng, chống khủng bố, cũng như các trách nhiệm ràng buộc được nêu trong Nghị quyết 1373 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trước áp lực quốc tế, cuối cùng Công ước cũng đã được đàm phán và thông qua.

Công ước này có một số điểm đáng chú ý: (i) Không có định nghĩa của khu vực về khủng bố hay tội phạm khủng bố mà phụ thuộc vào định nghĩa của từ "tội phạm" trong các văn kiện quốc tế; (ii) Các quy định trong Công ước khá rộng, phản ánh đường cơ bản để có đồng thuận về chính trị và pháp lý; (iii) Điều 8, đảm bảo quyền được "đối xử công bằng" cho các nghi phạm khủng bố trong khi nhấn mạnh sự liên quan và tầm quan trọng của luật quốc tế thì vẫn ưu tiên vai trò của nội luật.

Từ 2014, ASEAN đã có các biện pháp đối phó với mối đe dọa từ các phần tử khủng bố đi tham gia các cuộc xung đột tại I-rắc và Syria, sau đó trở về nước. Vì thế, Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN năm 2014 về sự gia tăng của bạo lực và chết chóc do các tổ chức khủng bố cực đoan ở I-rắc và Syria gây ra, và sau đó năm 2015 ASEAN đã tổ chức Hội nghị đặc biệt cấp Bộ trưởng về sự gia tăng của cực đoan bạo lực.

Như vậy, ngoại trừ Công ước chống khủng bố 2007, các tuyên bố/văn kiện của ASEAN về phòng, chống khủng bố chủ yếu mang tính chính trị và không ràng buộc về mặt pháp lý, dù sao cũng đã tạo nên một khía cạnh quan trọng của các biện pháp phòng, chống khủng bố trong khu vực và trên thế giới để bổ sung thêm cho các mục tiêu của Chiến lược toàn cầu chống khủng bố do Liên hợp quốc khởi xướng.

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 31 tổ chức tháng 11/2017, các cuộc thảo luận đã tập trung vào khủng bố và cực đoan. Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về tội phạm có tổ chức lần thứ 11 tại Philippines đã thông qua Tuyên bố Manila về phòng, chống sự gia tăng của cực đoan bạo lực, đồng thời cũng cập nhật Kế hoạch hành động của ASEAN về phòng, chống khủng bố.

Đáng chú ý, các Bộ trưởng Tư pháp ASEAN cũng rất tích cực trong các nỗ lực chung nhằm phòng, chống khủng bố trong khu vực bằng việc ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp ASEAN (MLAT) vào ngày 29/11/2004 tại Kuala Lumpur, Malaysia (MLAT). Hiệp định này được xây dựng theo sáng kiến của Malaysia, đây là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các quốc gia Đông Nam Á, thể hiện quyết tâm chung của các quốc gia trong hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

Quang Anh (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn