Quan điểm của Mỹ về các thách thức BRI đặt ra đối với cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung



Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông qua các biện pháp chiến lược, kinh tế và chính trị như xây dựng cơ chế, ký kết thỏa thuận đối tác, định hướng tài chính, triển khai các dự án hợp tác xây dựng và thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với tác động toàn diện của BRI, chiếm lấy ưu thế trong cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Mô hình viện trợ đầu tư góp phần tạo nên sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc

BRI hiện thân cho tham vọng hồi sinh con đường tơ lụa, tuyến đường cổ xưa kết nối Trung Quốc với khu vực Địa Trung Hải qua lục địa Á-Âu. Mục tiêu của BRI là tăng cường kết nối Trung Quốc với thế giới, bao trùm lên một khu vực địa lý rộng lớn với các dự án cũ và mới. Tập đoàn tài chính quốc tế Morgan Stanley dự báo tổng kinh phí mà Trung Quốc đổ vào các dự án BRI có thể lên tới 1.200-1.300 tỷ USD vào năm 2027.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

BRI tuân theo nguyên tắc hợp tác cùng thỏa thuận, cùng xây dựng và cùng chia sẻ, có tính bình đẳng, tính cởi mở và toàn diện rõ rệt. So với sáng kiến cơ sở hạ tầng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ và các nước đồng minh dẫn dắt, sáng kiến BRI của Trung Quốc có ưu thế của quốc gia thực hiện trước.

Cùng với sáng kiến hợp tác BRI mở rộng từ lục địa Á-Âu sang châu Phi và khu vực Mỹ Latinh, quy định công nghệ và tiêu chuẩn chất lượng xây dựng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc bắt đầu có sự phát triển mang tính hệ thống, có tác động lớn đến hệ thống quy tắc đầu tư quốc tế mà Mỹ và phương Tây nắm vai trò chủ đạo trong thời gian dài.

Cuộc cạnh tranh đầu tư cơ sở hạ tầng giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến tranh cãi về mô hình viện trợ đầu tư. Nhà nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Heritage (Mỹ), Jeff Smith nhận định mô hình viện trợ đầu tư giữa Trung Quốc và Mỹ hoàn toàn khác nhau. Trung Quốc tập trung vào dự án cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp nhà nước.

Những dự án này đôi khi lại không có hiệu quả về mặt kinh tế và khiến cho một số nước phải gánh vác nợ. Trung Quốc thường độc chiếm lợi ích của dự án, thể hiện qua việc ngân hàng Trung Quốc kiếm được lợi nhuận từ các khoản vay, mà các dự án đó đều do doanh nghiệp và công nhân Trung Quốc thực hiện. Nhiều chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc dường như đang dựa vào chiến lược BRI để xây dựng hệ thống quy tắc của riêng mình.

Viện trợ đầu tư của Mỹ lại tập trung vào khu vực tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm duy trì các tiêu chuẩn như tính bền vững, tiêu chuẩn cao, độ minh bạch trong phát triển kinh tế. Chính phủ Mỹ thường chỉ cung cấp viện trợ không hoàn lại trong các lĩnh vực như giải phóng mặt bằng, bảo tồn văn hóa, y tế, hỗ trợ nông nghiệp, đào tạo thực thi pháp luật.

Tổng số tiền mà các tổ chức tài chính Trung Quốc cho các quốc gia tham gia vào dự án BRI vay kể từ năm 2013 là 461 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thị trường đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á có sức hấp dẫn lớn đối với nguồn vốn tư nhân của Mỹ. Trong bài viết trên tờ Bưu điện Washington, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đặt sự phồn vinh lên trước an ninh, pháp trị và nhân quyền. Đây được coi là trụ cột quan trọng nhất của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông nhấn mạnh kim ngạch thương mại của Mỹ ở khu vực này lên tới hơn 1.800 tỷ USD/năm, đã tạo ra 3,3 triệu việc làm ở Mỹ, tổng đầu tư của Mỹ vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lên tới gần 1.000 tỷ USD, vượt xa tổng đầu tư của ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Do đó, Mỹ có lý do để bảo vệ địa vị chủ đạo đầu tư của mình ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Chưa bao giờ Trung Quốc hội nhập sâu rộng với thế giới như hiện nay. BRI là dự án chính sách đối ngoại chiến lược quan trọng nhất của Bắc Kinh và là biểu tượng cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của quốc gia này.

BRI thách thức chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ở lĩnh vực nào?

Các thế lực bảo thủ ở Mỹ có xu hướng giải thích sáng kiến "Vành đai và Con đường" là công cụ địa chiến lược, thậm chí coi sáng kiến này là mối đe dọa chiến lược với Mỹ. Cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết, mục đích Trung Quốc đưa ra sáng kiến hợp tác BRI là xây dựng nhiều tuyến đường thương mại ở Trung Quốc và nước ngoài nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là nâng cao địa vị chủ đạo của Bắc Kinh trên thế giới.

Mô hình viện trợ đầu tư góp phần tạo nên sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc.

Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh về những rủi ro của hoạt động kinh tế trục lợi và sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Theo quan điểm của Mỹ, thách thức địa chiến lược mà BRI gây ra cho Mỹ được biểu hiện chủ yếu ở một số lĩnh vực sau:

Thứ nhất, đó là vấn đề quân sự hóa. Cùng với việc liên tục thúc đẩy xây dựng BRI, lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài nhanh chóng tăng lên, cần Trung Quốc đầu tư sức mạnh quân sự để tăng cường bảo vệ. Trung Quốc có kế hoạch thúc đẩy dự án chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương, đó là thông qua xây dựng cảng biển và bến tàu lưỡng dụng quân sự và dân sự ở ven con đường tơ lụa trên biển, để hỗ trợ cho Trung Quốc điều động lực lượng quân sự ra nước ngoài. Hành động của hải quân Trung Quốc như triển khai hàng loạt cuộc tuần tra ở Ấn Độ Dương và thành lập căn cứ hậu cần ở Djibouti đã phản ánh xu hướng này.

Hai là vấn đề sức mạnh sắc bén. Những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng có xu hướng sử dụng cây gậy kinh tế để đạt được mục tiêu chính sách đối ngoại, trừng phạt các quốc gia chống lại yêu cầu mục tiêu của Bắc Kinh. Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đều từng trở thành mục tiêu trừng phạt của Trung Quốc. Đồng thời, Trung Quốc còn dựa vào ảnh hưởng lớn của mình để can dự vào chính trị và xã hội của các nước có liên quan.

Một công trình nằm trong dự án "vành đai và con đường" đang được xây dựng.

Ba là vấn đề trật tự thế giới trong tương lai. Trung Quốc coi sáng kiến BRI là vũ đài, đã thiết lập các cơ chế tài chính như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Quỹ Con đường tơ lụa. Đây được coi là "Ngân hàng thế giới" và "Quỹ tiền tệ quốc tế" phiên bản Trung Quốc và do Bắc Kinh thành lập. Mục đích cuối cùng để Trung Quốc thiết lập một trật tự thế giới mới với trung tâm là Trung Quốc. Ở góc độ kinh tế, việc làm này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có tư cách kiểm soát chuỗi giá trị và chuỗi sản xuất. Ở góc độ chính trị, Trung Quốc sẽ lợi dụng địa vị của mình để kiểm soát chuỗi sản xuất của họ, ép buộc các quốc gia láng giềng phục vụ cho mục tiêu chính sách ngoại giao của Bắc Kinh.

Về ý đố chiến lược toàn cầu của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng cho rằng kế hoạch của Trung Quốc đã thay đổi từ 5 năm trước, thậm chí 2-3 năm trước. Từ năng lực đầu tư của Trung Quốc khi đầu tư ra thế giới có thể nhận thấy điều này thông qua biện pháp "đế quốc thu mua", sử dụng tiền để gây tổn thất cho các quốc gia có liên quan, đồng thời cũng đe dọa lợi ích của Mỹ. Washington sẵn sàng làm mọi thứ để ứng phó với Bắc Kinh. Từ đó có thể thấy, để gây tác động và làm suy yếu ảnh hưởng quốc tế cũng như sức hấp dẫn từ phát triển BRI, Mỹ đã thể hiện sẵn sàng cạnh tranh quyết liệt.

Thanh Bình

Nguồn tin: cand.com.vn