Quan hệ chiến lược Trung Quốc - Iran sẽ định hình lại khu vực?

Hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông không phải là mới. Tuy nhiên, điều phân biệt bước phát triển này với trước đây là cả Trung Quốc và Iran đều được đánh giá là có những tham vọng toàn cầu và khu vực, đều đối đầu với Mỹ và thỏa thuận giữa hai nước có yếu tố an ninh. Giống như cuộc tập trận hải quân chung chưa từng có tiền lệ giữa Iran, Trung Quốc và Nga diễn ra năm 2019 ở Ấn Độ Dương và vinh Oman, khía cạnh quân sự trong thỏa thuận này khiến người Mỹ không thể yên tâm.

Thỏa thuận này được đánh giá ở cả cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Ở cấp quốc gia, thỏa thuận có thể là phao cứu sinh đối với nền kinh tế Iran, vốn đang chịu ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt và tình trạng thiếu vốn, bằng cách đảm bảo doanh thu từ việc bán dầu và khí tự nhiên cho Trung Quốc. Ngoài ra, Iran có thể sử dụng mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán có thể diễn ra trong tương lai với phương Tây bằng cách tận dụng khả năng của mình giúp Trung Quốc mở rộng phạm vi hoạt động ở vịnh Persia.

Lực lượng an ninh Iran tuần tra tại cảng chiến lược Chahabar. Ảnh: KT.

Thậm chí có phân tích còn cho rằng, thỏa thuận hợp tác giữa Iran và Trung Quốc có thể tác động tới bầu cử Mỹ và giảm khả năng giành chiến thắng của đảng Cộng hòa. Lý do vì quan hệ đối tác chiến lược này diễn ra chứng tỏ rằng chiến lược gây áp lực tối đa của chính quyền ông Trump đã thất bại, không chỉ không kiềm chế được Iran và làm thay đổi được hành vi của nước này trong khu vực, mà còn đẩy họ vào vòng tay của Trung Quốc. Mặt khác, trong dài hạn, sự gần gũi về mặt chiến lược giữa Iran và Trung Quốc cho thấy Iran đang điều chỉnh chính sách "hướng Đông" để tăng cường ảnh hưởng khu vực và sức mạnh quân sự, đồng thời thách thức sức mạnh của Mỹ ở khu vực vịnh Persia.

Đối với Trung Quốc, thỏa thuận có thể giúp đảm bảo an ninh năng lượng của họ. Vịnh Persia đáp ứng hơn một nửa nhu cầu năng lượng của Trung Quốc. Do đó, việc đảm bảo quyền tự do đi lại qua vịnh Persia hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Saudi Arabia, một đồng minh thân cận của Mỹ, hiện đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Trung Quốc, với sản lượng dầu thô nhập từ nước này trong tháng 5-2020 đã lập kỷ lục 2,16 triệu thùng/ngày.

Sự phụ thuộc này trái ngược với chính sách chung của Trung Quốc về việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng và không phụ thuộc vào một nhà cung cấp. Trung Quốc luôn lo sợ rằng khi cuộc chiến thương mại giữa 2 nước leo thang, Mỹ có thể gây áp lực buộc đồng minh ngừng cung cấp năng lượng. Vì thế, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Iran vừa là tấm lá chắn, vừa là chính sách bảo đảm, mang lại nguồn cung năng lượng ổn định cho Trung Quốc với giá ưu đãi.

Quan hệ Trung Quốc - Iran được cho sẽ định hình lại bối cảnh chính trị khu vực có lợi cho cả 2 nước, làm giảm ảnh hưởng của Mỹ. Thỏa thuận cho phép Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn ở một trong những khu vực quan trọng nhất thế giới. Trong trật tự khu vực mới, bản sắc xuyên quốc gia dựa trên sự phân chia tôn giáo và giáo phái đã lan rộng và làm thay đổi bản chất của tình trạng đối kháng giữa các cường quốc.

Trung Quốc hiểu rõ vị thế và tầm quan trọng của Iran với tư cách là một cường quốc ở khu vực Trung Đông mới. Những diễn biến ở khu vực trong những năm gần đây đã củng cố ảnh hưởng của Iran. Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận phi chính trị theo định hướng phát triển đối với khu vực, tận dụng sức mạnh khu vực của Iran để mở rộng quan hệ kinh tế với các nước lân cận và thiết lập an ninh trong khu vực thông qua cái mà họ gọi là hòa bình phát triển, chứ không phải quan niệm hòa bình dân chủ của phương Tây. Đó là cách tiếp cận mà các nước khu vực Trung Đông có khuynh hướng chào đón hơn nhiều.

Quan hệ đối tác chiến lược này được cho là cũng sẽ tác động tới các khu vực lân cận, trong đó có Nam Á. Năm 2016, Ấn Độ và Iran đã ký một thỏa thuận đầu tư vào cảng biển chiến lược Chabahar của Iran và xây dựng tuyến đường sắt nối thành phố cảng Chabahar ở Đông Nam Iran với thành phố Zahedan ở phía Đông nước này, cũng như nối Ấn Độ với Afghanistan và khu vực Trung Á vốn nằm hoàn toàn trong nội địa. Tuy nhiên, Iran đang cho rằng Ấn Độ cố tình trì hoãn các khoản đầu tư do sức ép của Mỹ và cho biết sẽ lựa chọn nhà thầu khác.

Câu chuyện thay thế Ấn Độ bằng Trung Quốc trong dự án này đang dấy lên nhiều luồng dư luận, song không thể phủ nhận một điều rằng với sự điều chỉnh dự án này, cán cân sức mạnh ở Nam Á đang thay đổi theo hướng bất lợi cho Ấn Độ, một đồng minh của Mỹ và là cường quốc trong khu vực.

Iran đang đề xuất mở rộng Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan dọc theo các trục phía Bắc, Tây và Nam, nối cảng Gwadar ở Pakistan với Chabahar và sau đó với châu Âu và Trung Á thông qua Iran bằng một mạng lưới đường sắt. Nếu kế hoạch được thực thi, thì "vành đai vàng" bao gồm Trung Quốc, Pakistan, Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành trung tâm của "Vành đai và Con đường" (BRI), nối Trung Quốc với Iran, Trung Á, biển Caspi và Địa Trung Hải thông qua Iraq và Syria.

Một mối quan hệ chiến lược giữa Iran và Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng tới cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Trong khi đó, bên cạnh việc đảm bảo sự tồn tại của mình, Tehran sẽ tận dụng mối quan hệ với Bắc Kinh để củng cố vị thế của mình trong khu vực. Điều không kém phần quan trọng là mặc dù Mỹ đang được hưởng lợi từ sự cạnh tranh và chia rẽ ở đây nhưng mỗi quan hệ đối tác chiến lược này sẽ có thể định hình lại cục diện an ninh trong khu vực bằng việc thúc đẩy sự ổn định thông qua cách tiếp cận hòa bình phát triển của các bên liên quan.

Hùng Thắng (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn