Ra mắt nhiều đầu sách hồi ký - nhật ký: Những cuốn sách "bảo lưu ký ức"


Năm 2020 đang dần qua đi, đánh dấu một năm đầy khó khăn trên tất cả các lĩnh vực do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Mặt trái của dịch COVID-19 đó là đã khiến thế giới quan của nhiều người thay đổi theo hướng tích cực. Dường như mọi người đều có xu hướng sống chậm hơn, yêu thương nhiều hơn và đọc nhiều sách hơn.

Tháng 12 này, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, nhiều ấn phẩm nhật ký - hồi ký mang dấu ấn lịch sử được xuất bản, giới thiệu một cách trang trọng như một cách góp phần "bảo lưu ký ức" .

1. Ngày 21-12, tại Thư viện quốc gia Việt Nam đã diễn ra buổi giới thiệu, ra mắt cuốn sách "Người công giáo cộng sản" của tác giả Trần Việt Trung. Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử có độ dài lên tới hơn 600 trang, viết về cuộc đời Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907- 1967), do chính người con trai chắp bút viết về cha mình.

Buổi ra mắt cuốn sách "Người công giáo cộng sản" có sự tham dự của nhiều nhà văn, học giả như nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà văn Phạm Ngọc Tiến, nhà thơ Hữu Việt, Đại tá Trịnh Hồng Anh (con trai nhà cách mạng Lê Liêm), tác giả Trần Việt Trung cùng đông đảo bạn đọc. Đặc biệt, còn có sự hiện diện của đại diện những nhân chứng lịch sử là bạn chiến đấu của Thiếu tướng Trần Tử Bình.

Theo chia sẻ của bà Kiều Thúy Nga - Giám đốc Thư viện Quốc gia và Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học thì đáng lẽ cuốn sách đã được giới thiệu cách đây vài tháng, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên bị hoãn lại. Nhưng cũng nhờ thế mà cuốn sách được ra mắt đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Đức Soát trong buổi ra mắt cuốn nhật ký của ông tại Hà Nội.

Thiếu tướng Trần Tử Bình (1907-1967) là một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tháng 1-1948, cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Sáu mươi năm cuộc đời oanh liệt của tướng Trần Tử Bình từ lúc được sinh ra trong một gia đình công giáo nghèo ở Đồng Chuối (Hà Nam) cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vì một cơn bạo bệnh đã được tái hiện thật sinh động, đậm nét và gần gũi qua hơn 600 trang sách.

Nhân vật trung tâm của tiểu thuyết "Người công giáo cộng sản" hiện lên không chỉ như một người anh hùng mà còn rất đời: là một người cha khả kính, người chồng mẫu mực, người bạn, người đồng chí ân tình. Bên cạnh đó là hình ảnh người vợ tảo tần Nông Thị Hưng hiện lên trong nhiều trang sách đã thật sự khiến nhiều độc giả xúc động.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ rằng: "Tôi đã bị mê mẩn, đắm mình vào trong những trang sách chân thực mà cảm động ấy. Đó không chỉ là cuốn sách viết về một cuộc đời, mà là về nhiều cuộc đời, về một giai đoạn lịch sử của dân tộc không thể nào quên...". Còn nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhận định: "Đây là một trong những cuốn sách quan trọng góp phần bảo lưu ký ức!".

2. Cũng vào trung tuần tháng 12, NXB Trẻ đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách "Nhật ký phi công tiêm kích" của Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát.

Theo chia sẻ của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, sau hơn nửa thế kỷ trôi qua, khi đọc lại những trang nhật ký đã ngả màu ố vàng của mình, ông bỗng như được sống lại cùng đồng đội trong những ngày tháng tràn đầy khát vọng, những thời khắc lịch sử đầy thử thách, hào hùng của dân tộc.

Chính vì thế, Trung tướng Nguyễn Đức Soát đã quyết định công bố nhật ký của mình với mong muốn nhiều bạn trẻ có thể biết thêm về cuộc đời của những người lính không quân trẻ tuổi nói riêng và người lính nói chung trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh.

Chàng lính trẻ Nguyễn Đức Soát bắt đầu viết nhật ký vào ngày 20-3-1966, sau khi sang Liên Xô được 8 tháng và viết đều đặn từ khi học bay đến khi về nước tham gia chiến đấu. Cuốn nhật ký ngừng lại ở ngày 31-12-1972, một ngày sau khi Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.

Những trang nhật ký trải dài suốt 7 năm tuổi trẻ của phi công trẻ Nguyễn Đức Soát đã mô tả một cách trung thực những suy nghĩ của lớp thanh niên thuở ấy về tình yêu Tổ quốc, về trách nhiệm công dân trước vận mệnh mang tính sống còn của dân tộc.

Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích giỏi nhất của Không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27.

Buổi tọa đàm giới thiệu về cuốn sách "Người công giáo cộng sản" của tác giả Trần Trung Việt (con trai Thiếu tướng Trần Tử Bình)

Nhật ký vốn là chuyện của một người, nhưng do đặc thù của lịch sử đất nước trải qua những cuộc chiến tranh, nên đọc cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích" của Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đức Soát cũng giống như đọc nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý... còn thấy cả tinh thần, khí phách của một thế hệ thanh niên Việt Nam, thấy cuộc sống, tình bạn, tình yêu, tình đồng chí thật đẹp đẽ, nghĩa tình trong những năm tháng gian lao mà bi hùng không thể nào quên.

3. Năm 2020, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam ở hạng mục Văn xuôi đã được trao cho cuốn hồi ký "Gánh gánh gồng gồng" của tác giả Trịnh Xuân Phượng - là một cuốn hồi ký của một con người bé nhỏ, giản dị đã đi qua gần trọn một thế kỷ, với bao nhiêu biến cố, thăng trầm của bản thân, gia đình và cũng chính là một nhân chứng quan trọng của lịch sử dân tộc.

Đây cũng là một điều bất ngờ, vì giải thưởng Văn xuôi của Hội Nhà văn dường như chưa bao giờ được trao cho một tác phẩm ở thể loại hồi ký.

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, năm 2020 đã có tới 2.500 tác phẩm được xuất bản trong năm, nhưng Hội đồng văn xuôi vẫn không chọn được tác phẩm nào để trình Hội đồng chung khảo. Cuối cùng, Hội đồng chung khảo đã vận dụng quy chế xét giải hằng năm của Hội để giới thiệu tác phẩm "Gánh gánh gồng gồng" - cuốn hồi ký của tác giả Trịnh Xuân Phượng (92 tuổi).

Cuốn hồi ký đã kể lại câu chuyện về cuộc đời tác giả từ khi còn là một cô gái, đi theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến chống Pháp đầy cam go, vất vả mà tràn ngập tình yêu thương, lý tưởng cách mạng, tuổi trẻ.

Chính vì thế tác phẩm "Gánh gánh gồng gồng" được đánh giá là "một cống hiến cho văn học Việt Nam, là một tác phẩm gây xúc động sâu sắc, nể phục về nhân cách một con người" khi tác giả đã ở tuổi 92.

Đồng thời, qua số phận một con người cụ thể là chính tác giả, còn thấy cả một giai đoạn trong lịch sử rạng rỡ mà cũng vô cùng khắc nghiệt, đáng trân trọng, tự hào và "tiếp lửa" cho con cháu mai sau.

Trước đó, một bộ sách về thời chiến khác được dư luận hết sức quan tâm, chú ý đó là bộ "Nhật ký thời chiến Việt Nam" ra mắt cách đây nửa năm. Đây thực sự là một công trình công phu, đầy tâm huyết của nhà thơ Đặng Vương Hưng (chủ biên) và các cộng sự trong một thời gian dài để có thể có được một bộ sách chứa đựng nhiều tư liệu lịch sử quý giá qua những dòng nhật ký chân thực, xúc động và nhiều góc khuất của 31 con người cụ thể, đồng thời cũng là các nhân chứng sống động của lịch sử.

Qua những dòng nhật ký ấy còn là những lát cắt số phận, cuộc đời những con người Việt Nam dù là tướng lĩnh hay một binh nhì đều đã trở thành một phần của lịch sử.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng cho biết, phải mất tới 16 năm (2004 - 2020) mới hoàn thành công trình với kinh phí xã hội hóa nhưng không nhằm mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý và gửi gắm vào đó thông điệp của tình yêu thương và lòng biết ơn đến thế hệ mai sau...

Đất nước ta đã trải qua những năm tháng chiến tranh lao khổ với nhiều mất mát, hi sinh không gì bù đắp được. Chiến tranh càng lùi xa, những ký ức cũng lùi xa và sẽ là một thiếu sót nếu những trang viết mang dấu ấn lịch sử, chứa đựng một phần lịch sử cũng dần mất đi cùng các nhân chứng. Chính vì thế, việc các tác giả, các NXB cho ra mắt những cuốn sách dạng hồi ký - nhật ký viết về những năm tháng chiến tranh sẽ là một phần những di sản đáng trân trọng về một thời đã xa gửi lại cho thế hệ mai sau...

Nguyệt Hà

Nguồn tin: cand.com.vn