Sài Khao của Tây Tiến từ một địa danh văn chương


1. Lần theo hồi ức của chính Quang Dũng vừa mới được xuất bản trọn vẹn gần đây, “Đoàn binh Tây Tiến - Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào Việt” (2019), thì địa danh Mường Lý chỉ xuất hiện gần cuối, khi ông kể đến thời điểm Đoàn Võ trang Tuyên truyền di chuyển từ Hồi Xuân (Quan Hóa) sang Mường Khiết rồi Mường Lý, “rậm rạp, lau cao, cỏ tranh mọc cao hơn đầu người”.

Những địa danh, vốn dày đặc trong cuốn hồi ức mỏng manh mà tráng lệ này, sẽ gợi nhắc chúng ta hình dung về vùng biên viễn Tây Bắc, nơi xưa kia núi rừng trùng điệp nhưng đường sá đi lại vô cùng khó khăn, hiểm trở. Nhiều địa danh theo cách gọi của các tộc người thiểu số, bởi khác biệt cả về âm tiết lẫn chỉ dẫn địa lí so với hôm nay, sẽ là một thách thức không nhỏ nếu chúng ta muốn kết nối hành trình vĩ đại của binh đoàn Tây Tiến.

Nhưng, chính ở Mường Lát, vùng đất phên giậu giáp ranh đất Lào, thì ngạc nhiên thay, Quang Dũng đã dành những dòng viết thật sáng rõ, giàu cảm xúc và tôi nghĩ, tựa như một ghi chép dân tộc chí ngắn gọn, nó rất mực sinh động, chân thực: “Mường Lát. Sông Mã ở đây réo ầm ầm như thác. Rải rác quãng đường biên giới, thỉnh thoảng những nấm mồ đất mới đắp, còn những vòng hoa rừng đã úa hắc [...] Sự im lặng của những nấm mồ gợi cho chúng ta tưởng đến cái nghĩa cao cả hi sinh của những bạn chiến đấu đã nằm xuống”.

Phải tận mắt ngắm nhìn sông Mã, khi có “nhiều đoạn thắt hẹp lại. Dòng nước hiền từ len lỏi qua các kè đá”, khi có “quãng sông trong xanh êm êm trôi như một con sông phúc hậu ở miền xuôi, đủng đỉnh đi ngang sông một chiếc thuyền độc mộc, có màu khăn trắng váy chàm, có bàn tay mềm mại những bản nào xanh um bóng trẩu” thì mới vỡ lẽ vì sao câu mở đầu thi phẩm “Tây Tiến”, Quang Dũng lại thảng thốt “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi”. Hơn 70 năm ngày Quang Dũng viết thi phẩm trứ danh ấy, tôi cũng đứng ngắm nhìn sông Mã, từ mạn Tén Tằn giáp Lào xuôi về Mường Lý. Và đương nhiên rồi, cả Sài Khao nữa.

2. Sài Khao là trong 16 bản của xã Mường Lý, nằm cách trung tâm xã khoảng 22km về phía Tây. Từ trung tâm xã, đi qua bản Muống II và bản Xu Lung khoảng 7km đến suối Phót, rẽ phải men theo suối Phót để vào đường Trung Tiến 1 đi qua Trung Tiến 2 khoảng 2km thì rẽ trái men theo khe suối Pá khoảng 4km thì đến bản Trung Thắng. Từ bản Trung Thắng, theo hướng trái, ngược dốc chạy thẳng đến bản Sài Khao.

Cung đường lên Sài Khao là một tuyệt phẩm hùng vĩ và tráng lệ mà tạo hóa đã kì công tạo dựng, vừa để thử thách lòng người vừa biến mọi thứ nơi đây trở nên đặc biệt khó lẫn. Vào mùa hè, từ chân núi, trong khi nhiệt độ và không khí khá nóng, oi bức thì khi đến đỉnh núi, mà Tén Hóm vào dạng cao nhất ở Sài Khao (cao trên 1.052m), lập tức nhiệt độ hạ xuống, cả bầu trời chuyển sang mát dịu, se lạnh. Trên đỉnh núi, sương bảng lảng xen vào từng ngọn cỏ, cành cây, sà áp vào mặt người trong từng nhịp thở.

Những hôm trời nắng, sương tan nhanh hòa lẫn vào mây trắng rồi dồn thành dải dài như lụa mềm quấn quanh lưng chừng núi hay neo trên những mái nhà thấp thoáng dưới rừng cây. Sài Khao mùa nắng nóng vẫn như một Đà Lạt của miền biên viễn, bồng bềnh trong sương và gió. Sắc hoa mận, hoa ban đầu hạ nở trắng miên man, phủ kín những cung đường thẫm đỏ màu đất ngoằn ngoèo nối từ triền núi này sang triền núi khác.

Giữa lưng chừng triền núi, ngoài màu xanh cây rừng và cỏ tranh, là những chiếc váy sặc sỡ đỏ hồng của những người phụ nữ Mông đi làm nương. Những thửa ruộng bậc thang trải đều, bám theo triền núi uốn cong như đợt sóng. Chiều đến, ánh hoàng hôn nhuộm màu vàng ngà, tĩnh lặng mênh mông nhấp nhô theo dáng núi im lìm bất tận.

Vẻ hoang sơ mà kì vĩ của đất trời Sài Khao vào lúc bình minh mới chớm có thể khiến lữ khách liên tưởng đến khoảnh khắc chuyển đổi kì diệu khi lớp sương mỏng bắt đầu tan trên lá và cất mình lên không trung. Vậy nhưng, vào mùa đông, nhiệt độ Sài Khao xuống thấp, hơi rét căm căm, đường trơn trượt, bùn lầy dưới những đợt mưa rừng không ngớt.

Những vách núi đá dựng đứng ngả sang màu xám, sừng sững dưới màn sương dày đặc. Sài Khao bốn mùa đều là hiện thân của khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng là nơi chốn cuốn hút chân người. Phàm đã đến Mường Lát mà không đến Sài Khao thì hành trình mất thú vị. Phàm đã tuổi trẻ thanh xuân mà chưa chinh phục Sài Khao thì cơ hồ không đủ dư vị lắng sâu.

Trong tiếng Thái, Sài Khao có nghĩa là “cát trắng”, một phần có lẽ vì trong cấu trúc địa chất ở Mường Lý nói chung, phân bổ chủ yếu dạng đất pha cát với thành phần cát thô chiếm trên 60%. Dân cư trong bản 100% là người Mông và họ Vàng là họ chủ yếu. Bản được hình thành vào khoảng năm 1993-1994 nhưng đến nay bản vẫn chưa có điện lưới quốc gia, chưa có nước sạch.

Những ngôi nhà sàn thưng gỗ ẩn mình không đủ làm Sài Khao trù phú nhưng trầm tích văn hóa Mông thì vẫn được lưu giữ ít nhiều theo những bước chân an cư lạc nghiệp. Hằng năm, vào ngày 19 tháng 9 âm lịch, dân bản tổ chức lễ cầu may cho bản thân và gia đình sức khỏe, bình yên, mùa màng tươi tốt, làm ăn phát đạt. Trong hồi ức của Quang Dũng, khung cảnh của Sài Khao thật ấn tượng: “Mùa hoa thuốc phiện nở.

Bãi bát ngát màu hoa. Thỉnh thoảng lác đác một cái chòi lợp lá [...] Sài Khao, cứ những đứng ở chân núi mà nhìn lên các miền mây thăm thẳm ấy, người ta thấy nản bước trèo, thương cho những vó ngựa”. Ngoại trừ hoa thuốc phiện không còn, cảnh quan và địa hình Sài Khao hầu như không thay đổi so với cảm nhận của Quang Dũng mấy chục năm về trước.

Đặc biệt, khi đứng trên đỉnh cao Sài Khao, chúng ta có thể quan sát được dãy Pha Luông kỳ vĩ ẩn hiện trong mây trắng. Đại ngàn Pha Luông có độ cao gần 2.000m, án ngữ khu vực biên giới Việt Lào, nằm ở phía Đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km. Khung cảnh thơ mộng của Pha Luông như tôn thêm điểm nhấn cho Sài Khao, mang đến một trải nghiệm trọn vẹn cảm giác dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm và heo hút cồn mây mà Quang Dũng đã nhắc đến.

3. Trong bức thư gửi các chiến sĩ Tây Tiến ngày 1-2-1947, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “[...] Trên con đường tiến về miền Tây, các đồng chí sẽ phải lặn lội nơi rừng xanh suối bạc, ở những địa phương hàng nửa ngày đường không thấy một bóng người, thủy thổ không quen thuộc, vật chất thiếu thốn, ngôn ngữ bất đồng, nước độc rừng thiêng. Chỉ có một việc cất chân lên đường tiến về hướng Tây là đủ tỏ cái chí hy sinh, cái lòng kiên nghị của các đồng chí”.

Đúng như lời của vị tổng chỉ huy, chính nơi rừng xanh núi thẳm ấy đã hun đúc tinh thần chiến đấu và cả tâm hồn lãng mạn, kiêu hùng của những người lính Tây Tiến. Mỗi địa danh mà Tây Tiến hành quân và chiến đấu đều in đậm mồ hôi và đúng như Trần Dần từng bộc bạch: “Mỗi nơi một đọi máu đời tôi”, của bao người trai tráng thanh xuân.

Hiện nay, xã Mường Lý có một trường tiểu học mang tên Tây Tiến. Trường Tiểu học Tây Tiến có một điểm trường đóng tại Sài Khao. Với một lữ khách lần đầu lên Sài Khao như tôi, điểm trường Sài Khao với những đứa trẻ học sinh người Mông ngoan hiền, ngây thơ cũng là lí do khiến tâm tư nảy sinh thêm nhiều nghĩ ngợi. Văn chương có thể không còn nhiều ý nghĩa trong thời buổi kim tiền hôm nay.

Nhưng, kiểu văn chương được chắt ra từ tất thảy tài hoa, lãng mạn và nhất là, từ một tinh thần sống vì nghĩa lớn, vì đại đồng như của Quang Dũng thì có lẽ, nó vẫn có một sức hút khó cưỡng, một giá trị vượt thời gian. Tuy cuộc đời nhiều nốt trầm nhưng với thi phẩm “Tây Tiến” (1948) và hồi ức “Đoàn binh Tây Tiến” (1952), Quang Dũng là một trong số ít thi sĩ Việt Nam hiện đại có khả năng bất tử hóa các địa danh bằng văn chương. Ngược lại, chính nhờ các địa danh ấy, ông cũng sẽ luôn hiện hữu, theo đúng cái cách mà thiên nhiên và núi rừng Tây Bắc vẫn hiện hữu trong kí ức, quan sát và cảm nhận của mỗi chúng ta.

Mai Anh Tuấn

Nguồn tin: cand.com.vn