Sân khấu không thể đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng


Đạo diễn Trần Lực đã nhận được nhiều sự tán thưởng của đồng nghiệp và khán giả khi dàn dựng lại vở kịch "Bạch đàn liễu" tham dự Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020. Đạo diễn Trần Lực và ê-kip Lucteam khiến công chúng phấn khích khi ý thức chống tham nhũng được tô đậm trên sàn diễn.

Vốn là một diễn viên điện ảnh, đạo diễn Trần Lực đã làm sống lại vở kịch "Bạch đàn liễu" của nhà viết kịch Xuân Trình sau gần nửa thế kỷ. Vở kịch "Bạch đàn liễu" được nhà viết kịch Xuân Trình sáng tác năm 1972, và chỉ được diễn duy nhất một lần vào năm 1973 rồi rơi vào im lặng. Lý do, vở kịch "Bạch đàn liễu" đã phản ánh câu chuyện tham nhũng của một phó chủ tịch xã.

Cần phải nói thêm, "Bạch đàn liễu" là một trong những kịch bản gai góc của nhà viết kịch Xuân Trình (1936-1991). "Bạch đàn liễu" cùng với các kịch bản "Hận thù từ đâu tới", "Nửa ngày về chiều", "Chuyện tình trong rừng cấm"… đã làm nên phong cách và tên tuổi nhà viết kịch Xuân Trình và gây nhiều tranh luận cho giới sân khấu suốt hai thập niên 70 và 80 ở thế kỷ trước. Năm 2001, nhà viết kịch Xuân Trình được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Vở kịch "Bạch đàn liễu" tại Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020.

Khi tái dựng "Bạch đàn liễu", đạo diễn Trần Lực đã có nhiều sáng tạo. Đặc biệt, đạo diễn Trần Lực đã thêm vào vài lời thoại để người xem nhận diện được cuộc chiến chống tham nhũng đang nóng bỏng hiện nay. Vở kịch "Bạch đàn liễu" với diễn xuất của các nghệ sĩ Trung Anh, Hoàng Tùng, Khuất Quỳnh Hoa… đã làm dậy sóng Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020. Nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Thế Khoa nhận định: "Thật khâm phục phát hiện sớm về nguy cơ cường hào mới ở nông thôn cùng khát vọng dân chủ của Xuân Trình trong kịch bản này. Cũng khâm phục Trần Lực đã rất nhanh nhận ra hai điều rất đặc sắc của "Bạch đàn liễu", đó là vấn đề dân chủ ở nông thôn và tác phẩm được viết theo kiểu sân khấu tự sự truyền thống. Vở kịch "Bạch đàn liễu" qua bàn tay Trần Lực là một thứ kịch nói giàu bản sắc dân tộc".

Đạo diễn Trần Lực năm nay 59 tuổi. Được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú khi còn rất trẻ. Tái dựng "Bạch đàn liễu", đạo diễn Trần Lực chia sẻ: "Vở kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, bắt đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã. Nỗi đau của người dân khi được tác giả gửi gắm qua hình ảnh cây bạch đàn với thông điệp lên án thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến nhân dân khổ sở.

Kịch bản được viết cách đây gần 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng của xã hội khiến con người hôm nay phải suy nghĩ và hành động, đó là dám đối mặt với tham quan, lên án và vạch trần tội ác tham nhũng. Tôi tin sẽ tìm được sự đồng cảm sâu sắc với khán giả khi mà sàn diễn hôm nay cần những vở diễn chạm đúng "chỗ ngứa" của khán giả.

Quá ít những vở diễn thuộc đề tài chống tham nhũng, mà nhà viết kịch Xuân Trình đã để lại một thông điệp rất đẹp, đó là chúng ta muốn xây dựng xã hội phát triển phải triệt tiêu những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà làm cho đất nước nghèo mãi".

Trước vở kịch "Bạch đàn liễu", sân khấu Hà Nội cách đây mấy năm từng có vở kịch "Bão lúc hoàng hôn" (kịch bản Vũ Thu Phong - đạo diễn Lê Hùng) nói về đề tài chống tham nhũng.

Vở kịch "Bão lúc hoàng hôn" xoay quanh câu chuyện gia đình của thiếu tướng tình báo công an là Trịnh Thắng, một người 28 năm phải xa Tổ quốc, xa gia đình để làm nhiệm vụ. Khi về hưu, ông Trịnh Thắng gặp giông gió do con trai mình tạo ra. Con trai của ông Trịnh Thắng là lãnh đạo thị xã đã bị tha hóa bởi đồng tiền và quyền lực, đẩy bao người lương thiện vào cảnh mất đất, mất nhà. Không ai khác, chính người cha dày dạn trận mạc đã đấu tranh để đưa người con trai mình ra ánh sáng công lý.

Đạo diễn Trần Lực.

Khi dàn dựng vở kịch "Bão lúc hoàng hôn" cho Đoàn kịch Công an nhân dân chinh phục khán giả, đạo diễn Lê Hùng khảng khái: "Tôi nghĩ rằng nghệ thuật là một phương tiện có sức mạnh lớn lao trong chống tham nhũng. Chống tham nhũng không chỉ là công việc điều tra của cán bộ pháp lý. Chống tham nhũng không chỉ là quyết tâm của các nhà lãnh đạo. Bởi để đưa một người ra vành móng ngựa vì tội tham nhũng khó khăn vô cùng.

Người ta biết lãnh đạo A, lãnh đạo B tham nhũng đấy, nhưng tìm đủ chứng cứ để đưa họ ra ánh sáng thì không đơn giản. Đấy là chưa kể nhiều lý do khác nữa. Trong chống tham nhũng, theo tôi còn là câu chuyện của lương tâm, của thức ngộ. Một người lãnh đạo phải ngộ về lòng tham, về luật nhân quả ở đời. Cái đó cần đến nghệ thuật.

Tính hiệu ứng, lan truyền của nghệ thuật trong từng câu chuyện mà nó đề cập sẽ góp phần cảnh báo đến mỗi người, đặc biệt những người đang ngồi ở vị trí "có điều kiện tham nhũng". Có thể họ không xem, nhưng người thân của họ sẽ xem. Và nhận thức của người thân của họ cũng quan trọng như chính họ vậy".

Kịch nói là thể loại xung kích nhất trong nghệ thuật. Kịch nói không thể đứng ngoài cuộc chiến chống tham nhũng của xã hội. Thế nhưng, đáng tiếc thay, số lượng những tác phẩm sân khấu về đề tài chống tham nhũng vẫn rất ít ỏi.

Nghệ sĩ Nhân dân Giang Mạnh Hà phân tích: "Đáng lẽ đội ngũ tác giả bây giờ phải theo kịp trình độ phát triển của truyền thông nhằm phản ánh bằng ngôn ngữ nghệ thuật những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Nhiều trại sáng tác, đợt thảo luận đề tài sân khấu không thấy có tác phẩm nào đề cập tham nhũng.

Nguyên nhân chính là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của người nghệ sĩ công dân, cụ thể là các vị trưởng đoàn, giám đốc các đơn vị nghệ thuật đã không xem trọng đề tài thiết thực từ cuộc sống để đặt hàng, chỉ đạo kịp thời.

Mặt khác, qua nhiều khâu kiểm duyệt, kịch bản chống tham nhũng cứ bị bôi, xóa đi những chi tiết bị cho là nhạy cảm. Khi vở ra đời chẳng còn là câu chuyện chống tham nhũng, mà chỉ hô hào chung chung nên khán giả xem không còn hứng thú".

Một đô thị có xu hướng xã hội hóa sân khấu rất sôi động là TP Hồ Chí Minh vẫn thưa vắng những vở kịch theo đuổi đề tài chống tham nhũng. Hai bầu show nổi tiếng năng động là Nghệ sĩ Nhân dân Hồng Vân và Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Kim Chi đều khẳng định sẵn sàng đầu tư làm kịch chống tham nhũng, nhưng không tìm đâu ra kịch bản.

Còn về phía các nhà viết kịch thì sao? Tác giả Vương Huyền Cơ từng có vở kịch "Kỳ án xứ mặt trời" phản ánh tệ nạn tham nhũng, nhưng lại không được chọn tham dự Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc 2018, đã chia sẻ: "Đời sống hiện đại tác động làm tác giả mất đi khát vọng, cho nên người viết không dám nhìn thẳng vấn đề để lý giải trước công chúng".

Để sân khấu phát huy vai trò tiên phong trong việc cổ vũ chống tham nhũng, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Minh Ngọc cho rằng: "Có hai bất cập đang tồn tại. Thứ nhất, tác giả kịch hôm nay ngại đụng đến đề tài này có thể... vì khâu kiểm duyệt. Thứ hai là hình thức hóa nghệ thuật câu chuyện chống tham nhũng như thế nào để đưa lên sân khấu không bị nguội, nhạt so với báo chí, truyền hình. Không đặt mình vào hàng ghế khán giả nên nhiều kịch bản nói chuyện đâu đâu, vui cười nhạt nhẽo. Trước hết, khi đã nhìn thấy nguyên nhân thì phải ngay lập tức chấn chỉnh. Đừng tổ chức hội thảo, tập huấn mà phải làm ngay với việc đặt hàng tác giả viết về đề tài chống tham nhũng".

Tuy Hòa

Nguồn tin: cand.com.vn