Săn tìm vật chất từ trên trời rơi xuống


Tìm hiểu về thiên thạch

Về lý thuyết, thiên thạch thường thấy ở dạng đá, đá pha sắt và sắt, nhưng chất sắt có ở cả 3 dạng: trong nhóm một sắt phải chiếm tỷ lệ 25%, nhóm hai - 50%, nhóm ba - 80%. Nhưng thiên thạch không chỉ thuần có sắt mà còn có hợp kim với nikel, đấy là nét khác biệt của "vật thể từ trên trời rơi xuống". Bất kỳ thiên thạch nào cũng nặng gấp hơn 3 lần so với đá mặt đất có cùng kích thước. 90% số thiên thạch rơi xuống Mặt Đất chủ yếu được tìm thấy ở dạng vẫn thạch (chondrit), nếu cắt ra sẽ thấy những hạt tròn cỡ 0,5 - 1,0 mm - những loại này có giá không cao.

Những thiên thạch không chứa những hạt tròn và sắt thường đến từ những tiểu hành tinh lớn và những vệ tinh của Trái Đất (như Mặt Trăng, sao Hỏa, sao Vesta) thường có giá rất cao, tới 1.500 USD/ gramm. Nhưng tìm được chúng là điều không thực tế, bởi chúng chỉ chiếm 0,1% trong tổng số thiên thạch rơi xuống Trái Đất. Những người săn lùng tin rằng chẳng có ai được thần may mắn mỉm cười cả.

Graham Anzor, chủ nhân bộ sưu tập thiên thạch cá nhân lớn nhất nước Anh.

Nguyên khối thiên thạch rơi xuống Trái Đất với tốc độ vũ trụ, tới 70 km/s, vượt qua bầu khí quyển và va chạm với Trái Đất, do đó động năng biến thành nhiệt năng, thiên thạch nóng lên và nổ như bom, sinh ra những hố va chạm. Ở Nga, khối thiên thạch đơn lẻ rơi xuống hồi đầu những năm 2000 thành phố Sterlitamak vào ban đêm, rực sáng chói chang trước mắt mọi người, sáng hôm sau phát hiện một hố to và sâu nhưng chẳng tìm thấy gì.

Ngay lập tức, các nhà khoa học đưa máy xúc đến, đào rộng 6m, sâu 50m, thu được khoảng 200kg gồm toàn mảnh vụn, nhưng phần chính của khối thiên thạch thì vẫn không tìm được. Còn ở vùng Vladimirskaya trong một đêm đã xảy ra đúng là một cơn mưa thiên thạch, mắt thường trông thấy vô số đốm sáng nhưng chỉ tìm thấy vài mảnh.

Hôm sau, huy động toàn bộ học sinh quanh vùng tìm kiếm, chỉ thấy sau lớp tuyết dày là vô vàn hố sâu, không tìm thấy mảnh nào cả, cứ như thiên thạch rơi xuyên lòng đất vậy. Ở dưới nước thì lại càng khó tìm, như thiên thạch rơi xuống hồ Chebarkul ở Chelyabin, ngay cả trong trường hợp biết đó là thiên thạch quý hiếm, rất đắt tiền, nhưng cũng đành chịu. Thiên thạch rơi xuống vịnh Maryalakhti (Cộng hòa Karelia) hồi đầu thế kỷ XX là một ví dụ. Khi rơi nó va đập phải những mỏm đá nhô lên Mặt Đất, vỡ vụn ra thành những mảnh nhỏ chìm xuống đáy vịnh, thành ra ở đấy có rất nhiều sắt.

Ở Cộng hòa Czech, ngày 6 tháng 5 năm 2000, ở làng Morávka thuộc huyện Frýdek-Místek, vùng Moravskoslezský, thiên thạch đã rơi xuống, người ta đã dùng video ghi lại nó khi rơi và tính toán được đường bay của nó. Trước đó, năm 1959 cũng có một thiên thạch rơi xuống thị trấn Píbram. Đấy là 2 trường hợp của Czech, cộng với 4 trường hợp nữa trên thế giới, thiên thạch rơi được nghiên cứu khá kỹ lưỡng cho đến năm 2003.

Thiên thạch từ sao Hỏa và Mặt Trăng đã được nhà địa chất người Nga Evgeni Plyaskov tìm thấy ở những vùng sa mạc thuộc Libya và Oman, các nghiên cứu đã xác nhận rằng những thiên thạch này bắt đầu rời hành tinh ruột thịt của mình từ hơn một triệu năm trước.

Những cuộc săn lùng

Người săn lùng thiên thạch dẫu là nghiệp dư hay chuyên nghiệp đều sử dụng những công cụ đặc biệt như nam châm, radar và lidar (thường được sử dụng để tạo bản đồ có độ phân giải cao, với các ứng dụng trong trắc địa, địa tin học, khảo cổ học, địa lý, địa chất, địa mạo, địa chấn học, lâm nghiệp, vật lý khí quyển, dẫn đường bằng laser, bản đồ laze không ảnh ALTM và đo cao độ bằng lase) cũng như nhiều thiết bị khác.

Nhà sưu tầm thiên thạch người Hoa Zhang Bo trong chuyến đi đầu tiên ở biên giới Mỹ - Mexico cũng bị rầy rà vì dân địa phương ngỡ là con buôn ma túy châu Á. Trong những chuyến sau cô cũng gặp đủ: chó sói, gấu rừng, bão tuyết… Đối với những cuộc phiêu lưu mạo hiểm thì cá nhân các nhà sưu tầm thiên thạch trả giá rất hậu hĩ: mỗi gramm đá Mặt Trăng họ trả đến 5 nghìn USD. Cho nên bây giờ, săn lùng thiên thạch đã trở thành một ngạch kinh doanh có nhiều người quan tâm.

Nhưng vì phần lớn thiên thạch tìm thấy trên Trái Đất đều là dạng đá chứa nhiều kim loại, làm cho nhiều công cụ bị nhiễu và trở nên vô dụng, cho nên người săn lùng thiên thạch phải dùng phương kế dựa vào linh cảm và vận may giống như người đi tìm vàng. Không khó để mà đoán được rằng công việc và sở thích của người săn thiên thạch rất thú vị và rất mạo hiểm, có khi phạm pháp, vì luật pháp có nơi cấm, nơi không cấm…

Ở Mỹ có những bộ luật rất mâu thuẫn nhau về chuyện tìm kiếm thiên thạch. Một bên thì công nhận quyền hợp pháp của người tìm được thiên thạch, một bên khác thì lại nói rằng thiên thạch tìm được có thể là giá trị lịch sử, khoa học đặc biệt, nếu như tìm thấy trong lãnh thổ quốc gia thì nhất thiết phải giao nộp cho cơ quan đặc biệt của Liên bang. Trong những trường hợp khác, người săn tìm thiên thạch được quyền bán hoặc giữ lại trong bộ sưu tập của mình. Những thợ săn thiên thạch chuyên nghiệp cần được cấp giấy phép đặc biệt để hoạt động.

Ở châu Nam Cực, việc tìm kiếm được giao cho cơ quan khoa học đặc biệt thuộc chương trình ANSMET (Antarctic Search for Meteorite program). Tất cả các hoang mạc, trừ châu Nam Cực, đều nghèo thiên thạch sắt, bởi vì hầu như không có xó xỉnh nào trên Trái Đất trong 2-3 nghìn năm qua lại chẳng có người nào từng một lần đi tìm những cục sắt có hình dạng hấp dẫn để dùng vào những mục đích kỹ thuật.

Michael Farmer với tảng thiên thạch rơi xuống Chelyabinsk.

Ngày 19-8-2020, trên nhà thờ Đức Mẹ ở thị trấn Santa Filomena (Brazil) vang lên tiếng nổ lớn, từ trên trời vãi xuống những tảng đá nóng bỏng. Tin loang ra trên Internet và nơi này trở thành tụ điểm của những người săn thiên thạch từ khắp thế giới. Vì thứ đá còn đắt hơn cả vàng ấy, họ sẵn sàng mạo hiểm tiền tài, cuộc sống và tự do.

Chỉ hai tiếng đồng hồ sau, tin về sự kiện ở Santa Filomena đến tai Michael Farmer - người Mỹ săn thiên thạch nổi tiếng nhất nhì thế giới. Ông ta lập tức cùng bạn Robert Ward đặt vé máy bay và có mặt tại Brazil trong ngày.

Quanh nhà thờ ở Santa Filomena rất đông người, kẻ săn tìm những mảnh đá còn nóng rẫy, kẻ thì chụp ảnh quay phim để đưa lên mạng xã hội, trong khi khách nước ngoài tiếp tục đổ về. Êhi những nhà khoa học từ Rio-de-Janeiro đến hiện trường, trong khách sạn duy nhất đã hết sạch chỗ, tất cả đều có các nhà môi giới, nhà sưu tầm đến từ Mỹ, Uruguay và Costa-Rica.

Theo chân người săn lùng thiên thạch

Người dân mang đến cho Michael Farmer thứ đá tìm được, ông ta trả cho họ mỗi gram tới 40 real (tiền Brazi, mỗi real tương đương 4.124,37 VND) - một sự hào phóng chưa từng có ở Santa Filomena, nhưng ở chợ đen giá thiên thạch còn cao hơn. Các nhà khoa học Brazil không kiếm được hòn đá nào kha khá, đành phải đến nài nỉ người Mỹ và được đề nghị mua một mảnh với giá 18 nghìn real.

Michael Farmer buôn thiên thạch từ giữa thập niên 1990 nên thấy hết. Ông ta từng biết rút lẹ khỏi những cuộc truy kích, từng buôn bán với những nhân vật đáng ngờ, những quân trộm cướp, từng có hồ sơ trong cảnh sát, từng vi phạm pháp luật. Ông ta từng đến Nga sau vụ thiên thạch rơi ở Chelyabinsk và kịp mang ra nước ngoài vài hòn, bằng cách nào thì ông giữ bí mật. Những thương vụ thành công mang lại cho Michael Farmer hàng chục, có khi đến hàng trăm nghìn USD. Bốn năm trước, ông ta chỉ cần có một ngày đêm để bán hết những thiên thạch kiếm được tại làng người da đỏ ở Bolivia, rồi cùng bạn bỏ túi 60 nghìn USD - món lợi không tồi đối với chuyến đi nho nhỏ.

Rõ là Michael Farmer rất thú cuộc sống như thế - tiền, phiêu lưu, và chính cảm giác được tự tay sờ vào những viên đá từ hành tinh khác cũng rất có giá. Trả lời tạp chí New Scientist, ông ta thừa nhận đã nuốt từng viên thiên thạch từ Mặt Trăng hoặc sao Hỏa và "rốt cuộc không có nhiều người có thể ăn cả Mặt Trăng".

Thiên thạch là cả đống tiền

Các nhà sưu tập có cỡ bắt đầu quan tâm đến thiên thạch như một tác phẩm nghệ thuật hoặc đồ cổ, từ khoảng 50 năm trước. Giá cả mỗi mảnh tùy thuộc vào trọng lượng, kích thước và hình dạng, nhưng quan trọng nhất là tính quý hiếm. Họ đặc biệt quan tâm đến những thiên thạch từ Mặt Trăng và sao Hỏa cũng như khi chúng rơi có người chứng kiến.

Dân nghiệp dư mới chơi thì thường bán thiên thạch tìm được cho người trung gian, nhưng dân chơi có máu mặt như Farmer và Ward thì thiết lập quan hệ với những nhà sưu tập nghiêm chỉnh. Tuy gần đây có mua bán thiên thạch qua mạng, nhưng người liên quan đến kinh doanh thiên thạch vẫn quen lối cũ, họ đến gặp nhau ở những triển lãm khoáng sản tại xã Ensisheim, tỉnh Haut-Rhin, thuộc vùng Grand Est của nước Pháp, hoặc Tucson, Denver nước Mỹ. Giá những thiên thạch quý hiếm đạt tới 10 nghìn/ gramm, ví dụ: một mảnh thiên thạch ở Chelyabinsk đã được bán với 426,6 nghìn USD, còn trong một cuộc đấu giá năm 2018 một mảnh đá Mặt Trăng là 612,5 nghìn USD. Cao nhất là tại phiên đấu giá Christie"s (Anh) mùa Xuân vừa rồi có một tảng thiên thạch được nâng giá lên tới 2 triệu bảng.

Michael Farmer thường có được những thương vụ ở quy mô tương tự, ông ta đặc biệt kiêu hãnh bởi thiên thạch từ tỉnh Saskatchewan miền tây Canada và kịp bán với giá 600 nghìn C$ (đơn vị tiền tệ Canada, mỗi C$ tương đương 17.630,74 VND). Viên thiên thạch này rơi xuống từ năm 1931, những mảnh vỡ được tìm thấy ngay khi ấy, nhưng Farmer cho rằng còn lâu hơn. Sau nhiều tháng nghiên cứu tài liệu lịch sử, ông ta và các đối tác còn tìm thấy một mảnh nữa nặng 53kg, mảnh này được Bảo tàng Hoàng gia Ontario mua. "Êhi bỏ ra nửa triệu USD để đào được báu vật, đó là ngày đẹp. Một số nhà khoa học cho rằng thiên thạch nói chung không nên rơi vào tay cá nhân, nhưng họ quên mất rằng nếu không phải chúng tôi thì khoa học đã mất đi 99% số thiên thạch" - đấy là lời ông ta trò chuyện với CNBC.

Michael Farmer trở thành nhà tìm kiếm thiên thạch là hoàn toàn ngẫu nhiên. Phục vụ trong quân đội đến năm 25 tuổi thì Michael Farmer ra quân, lấy vợ và nghĩ xem sẽ làm gì. Vốn là lính cứu hỏa mơ được làm việc cho CIA, đang theo Đại học, năm 1996 Michael Farmer tạt vào triển lãm khoáng sản ở Tucson và quen Robert Haag - một nhà săn tìm thiên thạch kỳ dị thường trả lời phỏng vấn của các tạp chí phổ biến khoa học và nói chuyện trên truyền hình. Cuộc gặp gỡ đó thay đổi hẳn cuộc đời lão. Từ triển lãm về, Michael Farmer báo cho vợ là định bỏ học và toàn tâm theo đuổi sở thích mới. Lão mua lại của những người săn tìm thiên thạch một hòm có 40 thiên thạch với giá 4 nghìn USD và gặp may - sau 48 tiếng đồng hồ bán được gấp 4 lần vốn. Có tiền để sang châu Phi tự săn tìm rồi.

Thiên thạch rơi xuống Brazil.

Điều thật thú vị là thiên thạch có thể tìm thấy ở khắp nơi trên Trái Đất: Argentina, Iran, Mông Cổ, v.v… Nhưng người ta thường tìm ở các sa mạc, nơi khô hạn, đá không bị nước mưa xâm thực, lại không có cây cỏ, dễ tìm, do đó người săn tìm thiên thạch thường đến châu Phi và bán đảo Arab. Ở đấy dễ gặp những thiên thạch tuổi tầm 3 vạn năm rơi xuống từ nhiều nghìn năm trước. Ông Ismail Mohammed trên đường du mục có lần đã gặp đám phụ nữ trong một căn lều ở Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, họ mời mua thiên thạch, giá chỉ 1.500 dirham (tiền UAE, mỗi dirham tương đương 6.310,17 VND) một kg. Sau khi trả tiền xong họ lại hỏi có muốn mua thiên thạch vô cùng quý hiếm không, và lôi từ ngực áo ra một thiên thạch khác chào với giá 1.000 dirham/ gramm.

Trong những năm gần đây, Magos ở Erfoud - một thị trấn ốc đảo, được mệnh danh là cổng vào sa mạc Sahara, ở miền đông Maroc - đã biến thành thánh địa của thiên thạch. Gần 70% cư dân địa phương săn tìm và buôn bán thiên thạch, quầy hàng bày ra khắp phố, hàng tầm tầm thì bán cho các nhà môi giới đến từ nước ngoài, còn những hàng độc thì chuyển qua New York hoặc Paris để đấu giá.

Năm 2011, ở Erfoud nổi lên một thiên thạch từ sao Hỏa nặng 320 gramm có cái tên rất kêu là "Mỹ nhân đen" có lẽ rơi vào đây theo đường bất hợp pháp. Ở Maroc không có luật điều chỉnh việc kinh doanh thiên thạch nên tại chợ địa phương thôi thì đủ bọn buôn lậu từ Mauritanie ở Tây Phi, Algérie và các nước khác ở Bắc Phi… Buôn bán chẳng ồn ào, chẳng có câu hỏi thừa, chẳng cần biết xuất xứ, kết quả là "Mỹ nhân đen" về tay nhà sưu tập Mỹ, người này cũng chẳng quan tâm ở đâu nó rơi xuống. Những người săn tìm thiên thạch ở Magos hay kháo nhau chuyện dễ tuột cơ hội như chơi: một người lùa gia súc ra sa mạc bắt đầu đóng cọc đánh dấu. Anh ta nhặt hòn đá cạnh đấy đóng cọc rồi bỏ đi tiếp, nhưng người tiếp theo nhận ra đó là thiên thạch bèn nhặt lấy mang vào thành phố. Anh ta đã đúng, bán được hòn đá với giá 10 nghìn USD.

Chẳng ai muốn mất tiền, nên bây giờ ngay cả những người sống du mục như tổ tiên của họ mấy trăm năm trước cũng phân biệt được đâu là thiên thạch. Trong vai trò chỉ giáo cho họ có nhà địa lý người Pháp Alen Carrion, từng làm việc ở Sahara từ trước khi thiên thạch lên cơn sốt. "Hồi đầu thập niên 1990 chúng tôi đã đưa cho người du mục những thỏi nam châm, tờ rơi và mẫu thiên thạch để họ phân biệt với đá thường" - con trai ông Alen Carrion kể với Middle East Eye.

Đến đầu thập niên 2000, nhiều người Tuareg du mục ở Magos cũng tự tìm thiên thạch, thuê phiên dịch để tiêu thụ hàng. Ở Dakhla có mảnh thiên thạch giá 10 nghìn dirham/ gramm, đủ để xây một tòa nhà!

Những cuộc phiêu lưu mạo hiểm

Đã không chỉ một lần người Tuareg cứu giúp Michael Farmer: có lần ở cổng sa mạc Magos lão gặp đám người du mục có mấy mảnh thiên thạch chứa sắt, nikel và lục ngọc peridot, lão đề nghị họ đưa đến chỗ thiên thạch rơi, bất chấp người dẫn đường ngăn cản. Những người Tuareg đưa Michael Farmer qua biên giới Algérie, qua những bãi mìn và mất vài giờ núp trong xe tải chở rau quả để tránh lính Algérie.

Ngạch kinh doanh thiên thạch nở rộ, dân du mục biết dùng máy điện thoại thông minh, Internet và tự giao dịch với khách hàng ở nước ngoài, do đó Michael Farmer chỉ còn đóng vai môi giới họ với những nhà sưu tầm quen biết.

Graham Anzor - chủ nhân bộ sưu tập cá nhân lớn nhất nước Anh - một thời đã đến những chỗ không hiếu khách nhất thế giới để săn mẫu thiên thạch mới. Ông coi việc săn tìm thiên thạch ở những chỗ tốt nhất đã trở nên quá nguy hiểm, nơi thì chiến tranh hoặc lộn xộn, mất an toàn, nơi thì đã không để việc chuyển thiên thạch ra nước ngoài lọt qua kẽ tay. Thời thế đã khác, nên ông không dại hễ nghe thấy đâu có thiên thạch rơi là mua vé máy bay tìm đến.

Michael Farmer cũng gần như vậy. Những cuộc phiêu lưu ở biên giới Algérie đâu đã là cảnh ngộ éo le nhất. Colombia còn tệ hơn, suýt nữa ông ta bị quân du kích FARC bắt. Hay như ở Kenia - ông ta sa vào vòng vây và chết hụt, sau này ông ta kể với National Geographic: "Họ đánh tôi, bắt quỳ xuống, đầu đội bao tải, dao kề cổ, súng kề tai, nhưng thật may, họ quyết định không giết và bỏ đi".

Năm 2007, Farmer và Ward đến Peru tìm thiên thạch độc rơi thành một giếng rộng đường kính 13 mét. Đến đấy thấy người ta than rằng họ bị đau đầu và buồn nôn, các chuyên gia tìm mãi không ra nguyên nhân nhiễm độc và nghi rằng thiên thạch đã động đến mỏ thạch tín dưới đất. Michael Farmer mang theo 30 nghìn USD tiền mặt để mua thiên thạch của dân địa phương và bị lính biên phòng gây khó dễ. 4 năm sau, ông ta kể: "Họ dẫn ngược về chỗ hố thiên thạch và đòi mấy nghìn USD, chúng tôi từ chối, họ dọa sẽ bỏ tù. Chúng tôi nhảy vù lên taxi đến một cửa khẩu khác và chạy sang Bolivia".

Nhưng không phải lúc nào cũng thoát - năm 2011, Farmer và Ward bị bắt ở Oman với 35 mảnh thiên thạch, buộc phải nhận tội buôn lậu, tù 6 tháng. Cơm tù chỉ đủ cho mèo ăn. Trong khi những nhà săn tìm thiên thạch ngồi tù, ở dãy nhà bên cạnh nổi loạn, phải dùng xe tăng và đặc nhiệm đến dẹp loạn và hai tháng sau thì Farmer và Ward được trả tự do. Michael Farmer bị sụt 20kg. Ra tù ở Oman, ông ta giải thích với New Scientist: "Săn tìm thiên thạch là công việc nguy hiểm, bởi nó liên quan đến tiền, mà ai chẳng thích tiền. Những người thích yên ổn không thể hiểu được tại sao chúng tôi dám liều mạng vì những mảnh đá trong bảo tàng và các bộ sưu tập cá nhân. Những người không ưa mạo hiểm thì thường chẳng để lại được gì".

Nhà phiêu lưu mạo hiểm ấy rất hiểu: hành trình của mình có thể kết thúc tồi tệ, nên trước khi chết đi, đã làm trong nhà một cái kho không cháy để chứa các thiên thạch quý hiếm, sau này bán đi đủ đảm bảo cho gia đình một cuộc sống không nghèo trong một thời gian nào đó.

Đăng Bẩy(theolenta.ru)

Nguồn tin: cand.com.vn