Sát cánh cùng người dân khắc phục hậu quả thiên tai


Vượt mốc đỉnh lũ lịch sử năm 1999

Chúng tôi có mặt tại xã Phong Hiền, một trong những địa phương thấp trũng của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế xót xa khi chứng kiến cảnh 1.500 căn nhà ở xã này bị ngập sâu trong nước lũ. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã qua địa bàn xã đều bị chia cắt, có nơi ngập sâu đến 2m, nước chảy xiết.

Nhìn ra dòng nước lũ đỏ ngàu chảy cuồn cuộn qua trước cánh đồng nhà, bà Hoàng Thị Lợi (60 tuổi, trú xã Phong Hiền) không giấu được sự lo lắng. Bà Lợi nói: “Nước lũ dâng cao vào đến nhà hơn 1m. Rất may năm 2019 gia đình tôi gom góp được ít tiền để mở rộng căn nhà và xây thêm gác lửng phòng tránh lũ lớn. Giờ bao nhiều đồ đạc trong gia đình đều được vận chuyển lên gác để tránh lũ. Nếu nước dâng cao hơn nữa thì vợ chồng tôi cũng chưa biết phải tính sao”.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế nỗ lực giúp dân trong mưa lũ.

Tại vùng rốn lũ huyện Quảng Điền, mưa lũ khiến hơn 16.200 nhà bị ngập; 134ha hoa màu bị hư hại ở các vùng tập trung. Các tuyến đường chính bị ngập, có đoạn ngập sâu từ 1-1,2m. Các đường liên thôn, liên xã Quảng Thọ, Quảng An, Quảng Thành, Quảng Vinh, Quảng Phước vẫn đang chìm ngập trong nước lũ, giao thông bị chia cắt.

“Đây là trận lụt lớn từ năm 2006 đến nay, có khoảng 70% số hộ dân của xã bị nước ngập nền nhà từ 0,2 đến 0,8m; các tuyến đường liên xã bị ngập sâu. Trong thời điểm xảy ra mưa lũ, người dân địa phương đã được lực lượng Công an xã và Công an huyện hỗ trợ kịp thời để di dời đến nơi an toàn”, ông Phạm Công Phước, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền cho hay.

Hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế đều bị ngập sâu, gây ách tắc giao thông. Hệ thống đường giao thông ở các huyện, thị xã phần lớn bị ngập lụt từ 0,3-1m, đặc biệt có nơi trên 1,5m. Bờ biển tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 10 km tập trung tại thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang. Đến ngày 14/10, các địa phương thấp trũng thuộc các huyện, thị xã như Quảng Điền, Phong Điền, HươngTrà, Phú Vang, Hương Thủy và một số khu vực ở TP Huế vẫn đang bị ngập lụt; nhiều nơi bị nước lũ chia cắt giao thông, cô lập.

Trong khi đó, tại tỉnh Quảng Nam,do ảnh hưởng của bão số 6 đã có mưa rất to kéo dài nhiều ngày liền khiến lũ trên các sông tại Quảng Nam dâng cao. Đến chiều 10/10, nước lũ đã tràn qua QL1A, đoạn giáp ranh giữa xã Bình An, huyện Thăng Bình và xã Tam An, huyện Phú Ninh.

Vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa cứu dân

Ngày 14/10, chúng tôi về vùng “rốn lũ” huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Sau cơn lũ dữ, đường sá nhiều đoạn bị hư hỏng, bùn đất còn vương vãi khắp nơi. Người dân đang tất bật dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. Tham gia dọn vệ sinh tại điểm trường Tiểu học Trương Đình Nam, Thượng úy Nguyễn Đắc Thắng, cán bộ Công an huyện Đại Lộc, cho biết, khi mới đến, các đoàn viên thanh niên ghi nhận điểm trường bị ngập sâu trong bùn đất, có nơi ngập hơn 40cm.

Lực lượng Công an tổ chức sơ tán cháu bé 2 tháng tuổi tại xã Tam An, huyện Phú Ninh trong mưa lũ.

Bùn đất khắp nơi, từ sân trường đến trong phòng học, bám trên bàn ghế. “Chúng tôi đã bắt tay vào việc dọn dẹp vệ sinh cho điểm trường này. Sau hơn một buổi, chúng tôi đã cơ bản dọn dẹp xong bùn đất và giúp vệ sinh bàn ghế để điểm trường sẵn sàng đón các em học sinh trở lại lớp học”, Thượng úy Nguyễn Đắc Thắng chia sẻ.

Dịp này, các đoàn viên thanh niên cũng đã trao tặng 50 suất quà trị giá 25 triệu đồng cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc; hỗ trợ sinh kế cho 1 hộ thanh niên bị lũ cuốn trôi tài sản.

Để sơ tán người dân ra khỏi vùng trũng thấp, trưa 11/10, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động lực lượng, phương tiện phối hợp với lực lượng Công an địa phương đến sơ tán 9 hộ dân với 25 người (chủ yếu người già và trẻ em, trong đó có 1 trẻ mới 2 tháng tuổi) tại xã Tam An, huyện Phú Ninh đến nơi an toàn. Mặc dù dòng nước chảy siết, ngập sâu và mưa rất to, song cán bộ Công an vẫn dầm mình trong mưa lũ đến từng nhà bị ngập sâu để sơ tán người dân.

Cùng thời điểm này, Công an các đơn vị, địa phương tại Quảng Nam cũng đã sẵn sàng các phương án hỗ trợ, giúp đỡ người dân. Riêng tại các xã như Tam Đàn, Tam Dân,… của huyện Phú Ninh, lực lượng Công an xã cũng như Công an huyện túc trực 100% quân số, tham gia sơ tán người dân ở những nơi thấp trũng đến nơi an toàn.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, Công an tỉnh đã thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”; kịp thời hỗ trợ, cứu giúp, sơ tán người dân ở các vùng ngập lụt, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Nam.

Các lực lượng như CSGT, Cảnh sát đường thủy, Cảnh sát cơ động,… theo chức năng, nhiệm vụ đã tổ chức tốt việc phân luồng, túc trực tại các điểm ngập sâu, đảm bảo an toàn giao thông, không để ách tắc giao thông. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cũng như chuẩn bị lực lượng ứng phó và hỗ trợ cho các địa phương khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp.

Thượng tá Phạm Phú Vân, Phó trưởng Công an huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cho biết Công an huyện đã tổ chức đảm bảo an toàn trụ sở làm việc, nhà tạm giữ; di dời hồ sơ tài liệu, can phạm nhân đến nơi an toàn; đảm bảo thông tin liên lạc, trật tự an toàn giao thông khi xảy ra lụt bão với phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời Công an huyện Đại Lộc còn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, kịp thời triển khai ứng phó khi có yêu cầu. Huyện Đại Lộc có 17 xã, 1 thị trấn.

Công an xã Tam An, huyện Phú Ninh dầm mình trong mưa lũ để sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Từ trước ngày 30/9,Công an anh tỉnh đã bố trí đủ 5 cán bộ Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã ở mỗi xã trên địa bàn huyện. Trong đợt mưa lũ vừa qua, lực lượng Công an xã chính quy trên địa bàn huyện đã phát huy được hiệu quả, tính xung kích trong việc giúp đỡ nhân dân phòng chống thiên tai. Đến khi lũ rút, lực lượng Công an xã chính quy tiếp tục phát huy vai trò của mình ở cơ sở trong việc tham gia giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả.

Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an tỉnh đã tích cực triển khai kế hoạch ứng phó với thiên tai; phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức lực lượng kiểm soát giao thông tại các đường bị ngập, các ngầm, đò ngang để hướng dẫn người, phương tiện và phân luồng giao thông an toàn, nghiêm cấm người và phương tiện giao thông đi qua các khu vực nguy hiểm; tổ chức đảm bảo an toàn giao thông đường bộ qua QL1A, QL49, đường sắt Bắc Nam, đường hàng không.

Khi lũ rút, lực lượng Công an tích cực tham gia công tác khắc phục hậu quả thiên tai.

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã huy động 2.400 CBCS; 22 lượt xe cứu nạn cứu hộ, 14 cano, 47 ghe máy, 30 lượt xuồng cứu sinh cứu hộ, di dời dân; phối hợp với các đơn vị Quân đội và lực lượng địa phương tổ chức sơ tán 6.709 hộ với hơn 19.500 nhân khẩu từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn.

Để giúp đỡ người dân vùng ngập lụt, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vận chuyển và trao hàng nghìn thùng mì tôm, thùng nước suối; UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế trao hơn 3.000 suất quà gồm nhu yếu phẩm, nước uống đóng chai để kịp thời cung ứng cho người dân tại các khu vực bị ngập sâu, vùng rốn lũ của tỉnh. Thượng tá Nguyễn Việt Phương, Trưởng Công an thị xã Hương Trà cho biết, sau khi nước lũ dần rút, CBCS Công an đơn vị đã phối hợp với lực lượng Công an chính quy ở các xã tổ chức vận chuyển hàng nghìn suất quà gồm các nhu yếu phẩm như mì tôm, gạo, nước uống, sữa… đến các thôn, xã vẫn còn ngập lụt, cô lập.

Tại các địa bàn ngập lụt sâu, các CBCS Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã sử dụng ghe, đò, ca nô… để vận chuyển nhu yếu phẩm hỗ trợ kịp thời cho người dân vùng lũ. Trung úy Trịnh Thị Thu Hằng, Phó trưởng Công an xã Hương Vinh cho biết: “Do địa bàn xã nằm ở vùng thấp trũng nên những ngày qua, toàn xã gần như bị cô lập khi bốn bề đều là nước lũ. Tuy nhiên, CBCS Công an xã và chính quyền địa phương vẫn quyết tâm dùng ghe đò đi đến các thôn ngập lụt nặng để kiểm tra và thăm hỏi, động viên người dân. Trong ngày 13 và 14/10, nước lũ dần rút nên lực lượng Công an xã và Công an thị xã Hương Trà vận chuyển mì tôm, nhu yếu phẩm, nước uống đóng chai để cấp phát cho các hộ dân”.

Anh Khoa- Ngọc Thi

Nguồn tin: cand.com.vn