“Sống hết mình để băng bó nỗi đau...”

Sau vụ tai nạn đau lòng ấy, cuộc sống và tư duy của anh thay đổi. Trong những lằn ranh giữa sự sống và cái chết của mỗi phận người, anh không muốn bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau.

Đã 4 năm nay Phạm Quốc Việt rong ruổi trên đường để cứu giúp người bị nạn.

Chớp lấy thời gian vàng sơ cứu

Đêm 25, rạng sáng 26/5, mưa giông bất chợt đổ ập xuống khu vực phía Tây Hà Nội. Tại một góc đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), Phạm Quốc Việt và một vài anh em của đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angle tấp vội vào một mái hiên trú mưa.

Đêm nay cũng như bao đêm khác, họ vẫn ra khỏi nhà lúc 21h30 với túi cứu thương đeo trên vai, rong ruổi trên đường để cứu giúp người bị nạn. Bỗng điện thoại đổ chuông, có người báo vừa xảy ra một vụ 2 xe máy đâm nhau ở phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Lập tức, Việt cùng 2 anh em khác trong đội mặc vội chiếc áo mưa và lên đường.

Đến nơi, cậu thanh niên tên Bùi Cao Thái (quê huyện Thanh Hà, Hải Dương) đang nằm giữa trời mưa xối xả, chân trái bị thương nặng. Việt nhanh chóng sơ cứu, băng bó cho nạn nhân tại chỗ và gọi xe chở cậu ta đến thẳng Bệnh viện 103. Chỉ đến khi người nhà nạn nhân có mặt tại bệnh viện, Việt mới rời đi.

Việt sơ cứu cho người bị tai nạn giao thông trong đêm.

Đến bây giờ, khi nói chuyện với tôi, anh Bùi Cao Thành - người nhà nạn nhân Bùi Cao Thái vẫn ngạc nhiên trước hành động cứu giúp người bị nạn của Việt và anh em trong nhóm thiện nguyện. Khi nhận được cuộc gọi từ Việt thông báo Thái bị tai nạn, anh Thành nghĩ rằng Việt là nhân viên của dịch vụ xe cấp cứu. Vừa đến bệnh viện, anh được Việt sốt sắng thông báo tình hình Thái bị gãy xương ống chân trái khá nặng, sẽ phải mổ.

Đưa cho anh tấm card của đội FAS Angle, Việt nói: “Em là đội trưởng đội hỗ trợ sơ cứu miễn phí, anh cần hỗ trợ cứ gọi em” rồi vội vàng rời đi. Hình ảnh Việt quần áo ướt sũng đứng chờ anh ở hành lang Bệnh viện 103 khiến anh xúc động.

Hiện tại, em của anh Thành đã mổ chân. Các bác sĩ nói rằng vì nạn nhân được đội của Việt sơ cứu, cố định chân kịp thời và đúng cách nên việc mổ và điều trị có nhiều thuận lợi. Theo số điện thoại trên card, anh Thành liên lạc để trả số tiền viện phí Việt đóng giúp lúc nhập viện và gửi lời cảm ơn chân thành của gia đình anh tới FAS Angle, đó là việc anh không thể không làm. Bởi anh thực sự biết ơn những người nghĩa hiệp đã đội mưa để cứu em của anh trong đêm khuya khoắt.

Việt từng bị bỏ rơi nên anh không muốn bỏ rơi bất cứ ai.

Đêm nào cũng vậy, nửa đêm Việt mới về tới nhà trọ, chợp mắt một lúc, rồi lại trở dậy bắt đầu một ngày chạy xe công nghệ để kiếm sống. Nhịp điệu này với Việt đã quen lắm nhưng mỗi đêm, khi ra đường lại có một cảm xúc khác nhau. Khi sơ cứu kịp thời, cứu sống được nạn nhân, Việt thấy vui và an lòng.

Nhưng, cũng có những lần phải chứng kiến nạn nhân đi ngay tại chỗ do thương tích quá nặng, dù là người xa lạ, Việt cũng thấy lòng nặng trĩu, tiếc nuối và hụt hẫng. Bởi vậy, hơn ai hết, chàng trai quê xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Trường, Nam Định hiểu rằng sơ cứu là bước cấp cứu đầu tiên cực quan trọng, phải được thực hiện càng nhanh càng tốt để chớp được cơ hội vàng giành giật sự sống cho nạn nhân. Nếu được sơ cứu kịp thời và đúng cách sẽ giảm đáng kể tỉ lệ người chết do tai nạn giao thông.

Thành viên của đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angle trong một đêm trực tai nạn

Ám ảnh về những ánh mắt vô tình

Đó là một tối mùa đông năm 2016 ở thị xã Tuyên Quang, trời rét căm căm và có mưa. Việt tan giờ làm, đang đi bộ về nhà thì bất ngờ bị một người phụ nữ đi xe máy đâm phải từ phía sau. Khi Việt tỉnh lại thì thấy mình vẫn đang nằm trên đường. Cách đó một đoạn, người phụ nữ kia cũng nằm bất động.

Dù đầu rất đau và choáng nhưng Việt vẫn nhận thấy được nhiều ô tô, máy lướt qua rất nhanh và không một ai dừng lại. Một cảm giác hoảng sợ, đơn độc, bất lực bủa vây Việt khi thấy những ánh mắt của người đi đường dù nhìn thấy hai người nằm đó nhưng quét qua vội vã.

Một lúc lâu sau, lo lắng dòng xe cộ có thể không nhìn thấy mình và người phụ nữ mà đâm phải, Việt dồn hết chút sức lực còn lại giơ tay lên báo hiệu cho mọi người biết mình còn sống. Cuối cùng, có một người dừng lại. Đó là một người phụ nữ. Mặc dù muốn giúp Việt nhưng chính cô ấy lại run lẩy bẩy vì sợ sệt, luống cuống không biết phải làm gì. V

iệt cố gắng thều thào hướng dẫn cô gái dựng xe chắn phía trước, kiểm tra người kia còn thở không, lấy điện thoại của họ gọi cho người thân và gọi số 115 báo tai nạn, báo với người đi đường dừng lại giúp đỡ. Việt cố thốt lên: “Lo cho bạn kia trước, bị nặng hơn”. Và khi chưa đến lượt mình được đưa đi cấp cứu thì Việt lịm đi.

Việt nẹp cố định chân cho người bị nạn trên đường Láng Hạ, quận Đống Đa.

3 ngày sau Việt mới hồi tỉnh trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang. Do bị chấn thương sọ não, chấn thương phần mềm nên anh phải điều trị gần một tháng. Ra viện với tình trạng sức khỏe suy giảm nặng nề, Việt bỏ nghề cơ khí, rời Tuyên Quang về quê dưỡng bệnh gần một năm.

Năm 2017, khi sức khỏe đã khá hơn, Việt rời quê lên Hà Nội, bắt đầu một cuộc sống mới với công việc chạy xe công nghệ. Nỗi sợ sệt khi bị bỏ rơi trong vụ tai nạn vẫn đeo đẳng Việt. Vì không muốn ai phải rơi vào nỗi sợ giống mình nên Việt có ý định vừa chạy xe vừa đi sơ cứu “rong” trên đường. Nghĩ là làm, anh mua một chiếc túi cứu thương, băng gạc, nước muối và luôn mang bên người, thấy ai bị nạn thì lập tức giúp đỡ.

Hai phụ nữ của đội FAS Angle.

Tuy chỉ là người sơ cứu nghiệp dư nhưng Việt luôn thận trọng trong việc đánh giá tình trạng thương tích của nạn nhân và thực hiện các thao tác sơ cứu dứt khoát, chuẩn xác. Một phần là do anh được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều người theo nghề y. Từ nhỏ Việt đã được ông ngoại - một thầy thuốc yêu nghề hướng dẫn đọc sách về y khoa, giảng giải kỹ năng sơ cứu. Thêm nữa, những buổi học tập và được thực hành xử lý vết thương trong thời gian tham gia quân ngũ càng khiến Việt tự tin về khả năng sơ cứu cho người bị nạn.

Dần dần, anh em chạy xe công nghệ biết công việc của Việt nên đã tự nguyện tham gia ngày càng nhiều. Tháng 9/2019, đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angle được thành lập và đến nay đã có 50 thành viên. Với tôn chỉ không bỏ rơi ai, luôn coi những người nằm kia là người thân của mình, họ hết lòng cứu giúp người bị nạn. Màu áo xanh đồng phục của FAS Angle đã trở nên quen thuộc với nhiều người.

Trong căn phòng trọ, Việt nấu vội bát mì lót dạ trước khi đi tuần đêm.

Số điện thoại của Việt chính là số hotline tiếp nhận tin báo tai nạn 24/24. Càng về đêm, cuộc gọi càng dồn dập. Để việc sơ cứu hiệu quả, khi có người gọi điện thoại báo có tai nạn, Việt sẽ hướng dẫn họ chụp 3 bức ảnh: ảnh toàn cảnh hiện trường, ảnh chụp một số người ở đó, ảnh chụp trực tiếp tình trạng nạn nhân, sau đó gửi cho Việt. Dựa vào đó, Việt sẽ huy động thành viên của đội đang ở gần nơi tai nạn nhất dựa vào hệ thống định vị và thống nhất cách sơ cứu. Tính đến nay, đội của Việt đã sơ cấp cứu cho hơn 2.000 người bị tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô, từ hồi sinh tim phổi, cầm máu đến bỏng và gãy xương.

Hiểm nguy trên cung đường đêm

Có chứng kiến những pha sơ cứu mà Việt và anh em trong đội thực hiện ngay tại nơi xảy ra tai nạn mới thấy công việc mà họ tự nhận về mình vất vả và áp lực đến thế nào. Đó không đơn thuần là việc đi ngoài đường, thấy người bị thương thì dừng lại giúp mà đó là những khoảnh khắc cân não tìm cách sơ cứu hợp lý nhất để giành giật sự sống cho người bị nạn giữa hiện trường nhốn nháo. Có không ít tình huống Việt thực sự đối mặt với hiểm nguy.

Có đêm, Việt gặp một nam thanh niên say rượu và ngã xe máy, toàn bộ vùng mặt bị thương rất nặng, mất nhiều máu. Khi Việt đến gần để hỗ trợ thì bất ngờ anh ta trợn mắt và hét lên “tao không sao, mày mà đến gần là tao xử luôn” rồi bất ngờ rút hung khí từ trong người ra, lao về phía Việt khiến anh thót tim.

Lần khác, trên đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), Việt gặp người đàn ông bị một nhóm người chém rời một cánh tay, mất máu cấp. Việt lao vội đến tiến hành garo nách nạn nhân, nối tạm các phần cánh tay và nẹp cố định. Chưa đầy 10 phút sau, nhóm người hành hung người đàn ông quay lại, lăm lăm vũ khí trong tay định xông tới. Người dân đang tụ tập quanh đó kinh hãi bỏ chạy tán loạn, chỉ còn lại Việt và nạn nhân. Đường cùng, người đàn ông kia đành nhắm mắt, nằm im phó mặc cho số phận.

Việt lấy hết sức bình sinh, mặt vẻ nghiêm nghị, chỉ tay về phía nạn nhân và nói lớn: “Người ta sắp chết rồi, còn đánh làm gì nữa”. Sau câu nói đó, Việt dù nghẹt thở vì căng thẳng và lo lắng nhưng vẫn cố gắng điềm tĩnh ngồi xuống tiếp tục băng bó cánh tay cho nạn nhân. Trong đầu Việt đã nghĩ đến trường hợp nhóm kia sẽ lao vào tẩn cả hai đến chết. Đám người thấy đối thủ nằm bất động với thương tích nặng, liền bỏ đi. Lúc này, hai đầu gối Việt như muốn khuỵu xuống, ngồi phệt xuống đường mà thở, người đầm đìa mồ hôi vì vừa trải qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết.

Trao đổi với tôi, Phó Giám đốc phụ trách Dự án phi lợi nhuận Kĩ năng sinh tồn Việt Nam (Survival Skills Vietnam - SSVN) - chị Trang Jena Nguyễn đánh giá Việt là một học viên đặc biệt. Bởi Việt tham gia lớp học sơ cấp cứu của Dự án với tinh thần chủ động và say mê. Việt học không đơn giản để lo cho bản thân mà để đi cứu giúp người khác.

Là người nắm rõ hoạt động của đội FAS Angle, chị Trang cho biết, trong hành trình cứu người bị nạn đã có lúc Việt bị sang chấn tâm lý nặng nề. Đó là một đêm đi cứu người, Việt gặp liên tiếp 12 vụ tai nạn, nhiều người bị thương tích nặng, 2 người trẻ mất ngay tại chỗ. Những hình ảnh thảm khốc tại hiện trường đập vào mắt, choán toàn bộ tâm trí khiến Việt bị ám ảnh, buồn bã và thấy tiếc nuối, xót xa.

Nhiều ngày sau đó Việt không ngủ, không ăn được, người mệt mỏi. Không làm cách nào để thoát khỏi tình trạng đó, Việt phải cầu cứu chị Trang. Việt đã phải trải qua đợt trị liệu tổn thương tâm lý. Có lúc, trước tình trạng nạn nhân khá nặng và có diễn tiến xấu, Việt bị đánh ngay tại hiện trường do người nhà hiểu nhầm anh chính là người gây tai nạn.

Việt mong muốn mở rộng phạm vi hoạt động của đội sơ cứu ra ngoài địa bàn Hà Nội

Điều đặc biệt, đội FAS Angle có cả những thành viên nữ. Phụ nữ chạy xe công nghệ đã vất vả, lại đi sơ cứu cho người bị nạn còn vất vả hơn. Vậy mà hai chị Nguyễn Thị Phương Đông và Nguyễn Lệ Giang vẫn chấp nhận những thiệt thòi để cứu người. Cả hai chị đều có con nhỏ, kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cảm mến tinh thần của đội mà tự nguyện tìm hiểu và học sơ cứu, trở thành thành viên tích cực của đội. Những bữa cơm tối dở dang diễn ra thường xuyên khi các chị nhận được tin báo có vụ tai nạn gần đó là lập tức lên đường. Việt bảo, đội ưu tiên cho phụ nữ nên sau 21h, các chị sẽ không đi tuần đêm.

Những phút chạnh lòng

Để có thể duy trì được hoạt động hỗ trợ sơ cứu suốt thời gian qua, dù có phải trải qua nhiều khó khăn, thiếu thốn thì Việt cũng cố gắng khắc phục. Nhưng, chính thái độ không tin tưởng, bất hợp tác của một số người đi đường, thậm chí của cả nạn nhân mới là điều khiến Việt chạnh lòng.

Có lúc gặp một vụ tai nạn, khi Việt lấy dụng cụ sơ cứu từ túi y tế ra thì nhiều người trong đám đông vây quanh nhìn anh đầy vẻ coi thường: “Xe ôm mà cũng bày đặt sơ cứu”, “Lợn lành chữa thành lợn què thôi”. Và người ta ngăn cản không cho Việt tiếp cận người bị nạn. Có nạn nhân nhất định phải đợi xe cấp cứu và bác sĩ đến dù có phải chờ đợi mà không ý thức được rằng họ đang bỏ qua thời gian vàng để sơ cứu hiệu quả.

Đã có lần, Việt thuyết phục được nạn nhân đồng ý cho anh sơ cứu. Đó là trường hợp một thanh niên ngoại quốc bị ngã xe, vùng mặt bị chấn chương nặng. Người dân nỗ lực đưa anh ta đi cấp cứu nhưng anh ta một mực từ chối. Khi đến, Việt không nói lời nào, chỉ nắm chặt lấy tay và nhìn thẳng vào mắt anh ta. Ánh mắt và hơi ấm từ bàn tay Việt như muốn nói: Hãy tin tôi, tôi có thể giúp bạn. Có lẽ do cảm nhận được sự chân thành, nghiêm túc, nhiệt huyết và khả năng của Việt mà anh ta đồng ý để Việt sơ cứu và đưa vào bệnh viện.

Có nhiều người còn hồ nghi về việc Việt làm. Người nói Việt “hâm” khi đi làm chuyện bao đồng. Người lại nói Việt đang kiếm tiền từ những cuộc sơ cứu. Nhưng, họ không hề biết rằng Việt và đội sơ cứu làm việc thiện nguyện mà không có lấy một đồng tiền công. Đã lâu rồi Việt không biết đến bộ quần áo mới, chiếc xe máy đã cũ mèm cũng chẳng đủ tiền thay, những bữa cơm thường xuyên chỉ là bát mì húp vội. Trong khi mỗi ngày, Việt và cả đội phải bỏ tiền túi ra mua dụng cụ sơ cứu, để bám trụ với công việc “giời đày” này.

Tán cây trong phòng trọ

Căn phòng trọ của Việt cũ kĩ, nằm sâu nơi con ngõ nhỏ. Trong không gian nhỏ hẹp và đơn sơ ấy, nổi bật một tán cây xanh được Việt cắt dán từ giấy màu và trang trí trên tường. Trên nhiều chiếc lá xanh kia, Việt lưu lại những cảm nhận, lời cảm ơn của những người được sơ cứu gửi đến Việt và anh em trong đội. Cây ngày một xanh, tán lá ngày một dày, những hành động thiện nguyện Việt thực hiện ngày một nhiều. Đó là cách Việt tạo động lực cho chính mình. Để sau những cuộc rong ruổi trên đường đêm, trở về phòng trọ, nhìn thấy tán cây là mệt mỏi tan biến hết.

Việt mong muốn qua những việc mình, ý thức văn hóa khi tham gia giao thông sẽ được lan tỏa trong cộng đồng. Chẳng hạn một người đi đường khi thấy tai nạn thay vì lảng tránh thì sẽ gọi điện báo cho Việt và phối hợp cùng anh để cứu nạn nhân, biết chặn xe để báo hiệu cho mọi người trên đường có vụ tai nạn xảy ra, liên lạc với người nhà nạn nhân. Đó là kĩ năng ai cũng phải có khi đi trên đường.

Việt từng in 15 nghìn tấm card ghi số điện thoại đường dây nóng 24/24 của đội, phát đi khắp Hà Nội. Nhưng, Việt không chắc còn bao nhiêu người giữ nó và hiểu về đội sơ cứu FAS Angle. Chả thế mà có đêm vừa chợp mắt thì Việt nhận được cuộc điện thoại. Giọng người gọi hốt hoảng “Anh ơi, xe em bị thủng săm, anh đến vá cho em với”. “Sao em biết mà gọi cho anh”, Việt bật cười hỏi lại. “Em được phát tấm card nên em gọi để được hỗ trợ”, người kia trả lời. Việt chỉ còn biết nói đùa lại: “Anh chỉ vá người chứ không vá săm em ạ. Đội anh là đội hỗ trợ sơ cứu mà”...

Để ngày càng nhiều người biết cách sơ cứu cho bản thân, người thân, người đi đường gặp nạn, hằng tuần Việt tổ chức buổi chia sẻ kinh nghiệm miễn phí về các thao tác sơ cứu cơ bản. Việt hướng dẫn anh em trong đội và mọi người tỉ mỉ, nhiệt tình, kể những chuyện sơ cứu và hướng dẫn thực hành. Ngày càng có nhiều người tìm đến lớp học miễn phí của Việt. Mới đây, một cô giáo ở huyện Thạch Thất đã đưa cả con gái đến lớp học của Việt để có kỹ năng sơ cứu cho học sinh và người thân.

Bằng công việc hỗ trợ sơ cứu hằng ngày, từng chút một, Việt đã hướng nhiều người đến cách ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông. Đó là khi khách đi xe Việt chở xin đi cùng đến hiện trường để hỗ trợ anh sơ cứu, đó là khi một người tài xế nghe lời Việt khuyên đã không bỏ trốn khỏi hiện trường sau vụ tai nạn mà ở lại sơ cứu cho người bị thương. Đó là khi người dân nhìn thấy anh liền bảo nhau dãn ra để đội sơ cứu làm việc. Đó còn là cái gật đầu đồng ý của người bị nạn để Việt sơ cứu. Với Việt, điều đó thể hiện niềm tin giữa con người với con người, sự lan tỏa thành công ý thức giao thông.

Khi tôi nhắc đến việc một số tờ báo nước ngoài đưa tin về hoạt động sơ cứu miễn phí cho người bị nạn của đội Việt, anh khẽ cười, điều đó đâu có quan trọng. Quan trọng là làm thế nào có thêm nhiều đội FAS Angle để cứu được nhiều người. Hiện tại, Việt đang mở rộng phạm vi hoạt động của đội FAS Angle ra các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Hải Phòng. Việt làm tất cả những điều đó là do thôi thúc từ trái tim, như chính những vần thơ anh viết: “Có thể ai đó cho tôi là hâm dở/ Và có thể họ không tin những việc tôi làm/ Không quan trọng vì trong tôi là vậy/ Sống hết mình để băng bó nỗi đau”...

Huyền Châm

Nguồn tin: cand.com.vn