Sức mạnh của văn học


“Túp lều bác Tom” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn người Mỹ Harriet Beecher Stewe. Tác phẩm nói về sự cùng quẫn của những nô lệ da đen ở Mỹ giai đoạn cuối thế kỉ XIX. Tác phẩm ra đời năm 1852 và đã tạo ra một làn sóng cộng hưởng chống lại chế độ nô lệ rất mạnh mẽ.

Mặc dù cuốn tiểu thuyết bị cấm ở các bang miền Nam nước Mỹ (nơi duy trì chế độ nô lệ) thì “Túp lều bác Tom” vẫn được bán ra hơn ba trăm nghìn bản, một số lượng kỉ lục về xuất bản thời đó.

Chính “Túp lều bác Tom” đã khiến phong trào chống chế độ nô lệ bùng cháy, tác động mạnh mẽ đến cuộc nội chiến ở Mỹ giữa hai phe Bắc, Nam và cuối cùng, phe miền Bắc chủ trương chống lại chế độ nô lệ đã giành chiến thắng.

Tổng thống Mỹ khi đó là Abraham Lincoln, lúc gặp nhà văn Harriet Beecher Stewe, ông đã nói rằng: “Hóa ra bà là người phụ nữ bé nhỏ đã làm bùng lên cuộc chiến tranh lớn!”.

Bìa cuốn sách “Túp lều bác Tom”.

Diễn đạt chính xác câu nói của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln là cuốn tiểu thuyết “Túp lều bác Tom” đã gây ra một cú chấn động trong lòng nước Mỹ, khiến những người có lương tri không thể ngồi yên với chế độ nô lệ tàn khốc và họ đã đứng lên đấu tranh và cuối cùng đã giành chiến thắng.

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy văn học có tác động mạnh mẽ tới cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết của Harriet Beecher Stewe không phải là ví dụ duy nhất cho thấy quyền năng của văn học với đời sống xã hội. Rất nhiều cuốn sách nổi tiếng hoặc các trào lưu văn học lớn đã từng có những tác động đến suy nghĩ, tình cảm và triết lý sống của cả cộng đồng.

Những cuốn sách của Tự lực Văn đoàn vào giai đoạn trước 1945 đã cổ suý cho quyền tự do luyến ái, đả phá chế độ phong kiến và những tục lệ hà khắc trói buộc con người, và chúng đã có những ảnh hưởng rất đáng kể. Hàng vạn bản sách của các nhà văn trong nhóm đã được in ra và được công chúng đón nhận rất nhiệt tình, đặc biệt là những người trẻ.

Các tác phẩm thúc đẩy quyền cá nhân của con người, kêu gọi giải phóng phụ nữ và khuyến khích thực thi bình đẳng nam nữ. Những ảnh hưởng của tiểu thuyết Tự lực Văn đoàn, đặc biệt với những người trẻ ở đô thị là rất đáng kể và tôi sẽ dẫn một ví dụ để chứng minh điều này.

Trên báo “Thời vụ”, số 142 ra ngày 11/7/1939, nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố với bút danh Xuân Trào đã tường thuật lại một vụ việc rất điển hình. Đó là cô Vũ Thị Nội người ở phố Phúc Xá, Hà Nội bỏ nhà đi hai tuần và gia đình không biết cô đã đi đâu.

Qua những bức thư cô để lại, cô kể lại rằng cô thấy mình bị giam hãm trong những lễ giáo cổ hủ của gia đình và không chấp nhận điều đó. Cô quyết trở thành con chim sổ lồng để tự do mưu cầu hạnh phúc và ý nghĩa đời mình. Gia đình cô đã bấn loạn lên đi tìm kiếm cô ở các nơi, có thể họ đã đến sở cẩm để trình báo nhưng vô hiệu.

Và Ngô Tất Tố đã đưa ra một kết luận động trời rằng nhất định người ta phải đến một nơi mới có thể tìm thấy cô: Tự lực Văn đoàn! Nhà văn cho rằng những tiểu thuyết của nhóm Tự lực Văn đoàn như “Đoạn tuyệt”, “Lạnh lùng”, “Đời mưa gió”… đã tác động rất lớn đến suy nghĩ, tình cảm, cách sống của thanh niên nam nữ. Và nếu phải chịu trách nhiệm cho vụ cô Vũ Thị Nội bỏ nhà ra đi mưu cầu hạnh phúc cá nhân thì nhất quyết phải đến hỏi và tìm ở chỗ Tự lực Văn đoàn!

Bài báo của Ngô Tất Tố có phần mỉa mai, giễu cợt đối thủ Tự lực Văn đoàn nhưng không phải không tôn trọng ảnh hưởng của họ. Thời đó, hình ảnh các cô tiểu thư thiên kim, thời gian rảnh rỗi mở một cuốn tiểu thuyết thời thượng, đọc say mê và học theo sách là điều rất phổ biến.

Vào thời chống Mỹ, những bài thơ của Phạm Tiến Duật viết về Trường Sơn đã có những sức mạnh động viên tinh thần rất lớn đến những người trẻ. Rất nhiều thanh niên đã đọc những bài thơ tràn đầy nhiệt huyết của Phạm Tiến Duật và nhiều nhà thơ khác mà hăm hở, xung phong ra chiến trường. Nhiều người đã chép những bài thơ ấy trong sổ tay và những khi rảnh rỗi mang như đọc như một liều thuốc tinh thần để chống lại những mất mát, gian khó và hi sinh ở chiến trường.

Bìa cuốn sách “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”.

Gần đây hơn, khi cuốn “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm”, một tác phẩm rất giàu tính văn học ghi lại quãng thời gian đầy nhiệt huyết, anh dũng của một nữ bác sĩ được xuất bản đã khuấy động đáng kể đến tinh thần xã hội. Ngoài kỉ lục về xuất bản với hàng vạn bản in thì tinh thần chiến đấu, lí tưởng và sự dũng cảm của Đặng Thuỳ Trâm đã tạo ra một làn sóng mới trong những người trẻ.

Lúc đó, hầu như học sinh, sinh viên ai ai cũng đọc tác phẩm và những phong trào yêu nước, học tập tấm gương Đặng Thuỳ Trâm diễn ra sôi nổi khắp nơi. Người ta tưởng rằng những lớp thanh niên của thế hệ mới đang thiếu khuyết một lòng nhiệt huyết và khát vọng thì cuốn sách đã tiếp lửa và truyền năng lượng cho họ. Đây là một sự cộng hưởng tuyệt vời giữa văn học và những mong muốn của thiết chế xã hội đương thời và nó đã có những tác động rất tích cực.

Thậm chí có những cuốn tiểu thuyết đã từng tác động đến quan điểm, ý thức của cả một cộng đồng rộng lớn. “Người tình của phu nhân Chatterley” là cuốn tiểu thuyết của D. H. Lawrence xuất bản lần đầu tiên năm 1928 và từng gây ra những xáo trộn, tranh cãi rất lớn.

Tác phẩm viết về sự phóng khoáng trong tình yêu, giải phóng tình dục và đã từng bị nhiều quốc gia cấm đoán trong thời gian dài. Sau khi được gỡ bỏ lệnh cấm và được đọc rộng rãi thì “Người tình của phu nhân Chatterley” được coi như một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất của cuộc cách mạng giải phóng tình dục ở các nước Âu, Mỹ, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.

Bìa cuốn sách “Người tình của phu nhân Chatterley”.

Tại sao văn học có thể ảnh hưởng đến cá nhân hoặc xã hội, thậm chí ở quy mô rất lớn? Đặc tính của văn học là hình ảnh và câu chuyện, qua những câu chuyện được kể, tuỳ theo nội dung và nghệ thuật của nó, sẽ tác động đến độc giả ở một cấp độ nào đấy. Nếu câu chuyện là những vấn đề giản dị hoặc những điều thông thường thì nó sẽ tác động đến người đọc theo đúng mức ấy. Nếu tác phẩm có thể gây ra đột biến từ quan điểm người viết hoặc từ nội tại, nó sẽ gây ra ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.

Ví dụ một người theo quan điểm tự do, bình đẳng chắc chắn sẽ phẫn nộ khi đọc về những hành vi tàn ác với nô lệ da đen trong tiểu thuyết của Harriet Beecher Stewe. Hoặc trong một bầu khí quyển bị gò ép bởi các lễ giáo phong kiến, văn hoá phương Tây bắt đầu xâm nhập thì các thanh niên đầu thế kỉ XX của nước Việt sẽ rất phấn khích khi các cuốn tiểu thuyết của Tự lực Văn đoàn. Họ đã tìm thấy người ủng hộ hoặc ít nhất một người bạn đường trên hành trình giải phóng cái tôi cá nhân và thoát khỏi những giáo điều cổ hủ.

Và tôi nghĩ thanh niên thế hệ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỉ trước khi đọc những vần thơ hào sảng, nhiệt huyết của Phạm Tiến Duật và những người cùng thời, họ đã được tiếp thêm sức mạnh và lòng dũng cảm, sẵn sàng lên đường hiến dâng cho Tổ quốc. Và nói về sức mạnh của văn học, cũng không thể bỏ qua thời điểm ra đời của tác phẩm. Nếu được cộng hưởng với thời đại tác phẩm sẽ có quyền lực vượt trội.

Sở dĩ “Túp lều bác Tom” trở thành cú sốc lớn vì lúc đó mâu thuẫn giữa hai miền Nam, Bắc của nước Mỹ về chế độ nô lệ đang dâng lên cao hoặc với “Người tình của phu nhân Chatterley” thời điểm ấy các thanh niên Âu Mỹ đang bức bối về tự do cá nhân, đời sống tình dục. Kinh tế và văn hoá phương Tây đã có những bước nhảy vọt nhưng tự do của con người vẫn còn nhiều hạn chế. Cuốn tiểu thuyết của Lawrence như một đồng minh, một “mẫu” sống mới và nhờ đó thu hút được lượng lớn bạn đọc và từ lúc ấy, thanh niên Âu Mỹ có thể hả hê: Ta có quyền được làm như tiểu thuyết!

Các ví dụ như thế để biết rằng văn học có những quyền năng nhất định với cá nhân và các thiết chế xã hội liên quan. Tất nhiên sẽ cũng có những ảnh hưởng tiêu cực nếu tác phẩm cổ suý cho những hành vi, hành động không phù hợp hoặc không được khuyến khích. Và từng có một thời người ta đã quy tội cho các cuốn tiểu thuyết là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tự tử của các cô gái trẻ!

Tôi tin rằng, dù vai trò của văn học có thể giảm sút so với trước đây, ví dụ phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác thì nó vẫn có những ảnh hưởng và quyền năng nhất định. Chưa phải đến thời, đến lúc văn học mất đi sự định hướng tích cực của nó, dù hiện tại nó đang phải hết sức nỗ lực để khẳng định giá trị và vai trò của mình trong cuộc sống và tiến trình phát triển của xã hội.

Khải Hoàn

Nguồn tin: cand.com.vn