Tấm bản đồ giúp đánh sập liên minh hải tặc vùng Ireland

Đặt những chiếc đèn vào 2 cái hốc nhỏ trong đá, cả đám ngồi im chờ đợi. Từ trong màn đêm đen kịt, một chiếc thuyền nổi lên, lặng lẽ tiến về phía họ... Ngày nay, cái hang còn có tên là Động Hà Lan, đã bị nước làm cho xói mòn, khiến người ta dễ hình dung vì sao từng có một số hoạt động ngầm diễn ra trong hang.

Bí mật sự giàu có của Đế quốc Anh

Bà Connie Kelleher, một nhà khảo cổ học dưới nước làm việc tại Cục bảo tàng quốc gia Ireland (INMS) giải thích: "Với lợi thế nằm ở nơi hẻo lánh và ẩn kín, Động Hà Lan từng là một nơi khét tiếng cho bọn hải tặc và nhiều hoạt động buôn lậu". Bà Connie Kelleher là một chuyên gia về "liên minh hải tặc" vốn định hình vào đầu thế kỷ 17 ở Ireland, chúng thường "tăm tia" các tàu chở đầy hàng hóa và châu báu ngược xuôi khắp biển Bắc Đại Tây Dương.

Không gì có thể ngăn cản sự lộng hành của chúng, và liên minh ma quỷ chỉ thực sự sụp đổ vào năm 1614 với một phần lớn là bị đánh sập bởi các hạm tàu hải quân Hà Lan với công đầu là Leeskarte (một bộ hướng dẫn hàng hải kèm các biểu đồ về duyên hải Ireland, chỉ rõ chi tiết về các địa điểm nơi có "hang ổ" của bọn hải tặc). Theo chuyên gia Kelleher, Leeskarte (dạng bản đồ này bà đã nghiên cứu ở Đại học Gottingen (Đức) không chỉ tiết lộ các "sào huyệt" hải tặc mà còn mô tả cặn kẽ các đặc điểm bờ biển và các cấu trúc văn hóa vào thời đó.

Di tích cầu thang đá dẫn xuống biển ở Crookhaven, một sào huyệt của hải tặc Ireland.

Bà Kelleher nhấn mạnh: "Loại "bản đồ kho báu" này cung cấp thông tin về di sản cùng cảnh quan thời điểm đó, giúp cho chúng tôi xác định những địa danh dính dáng đến hải tặc bao gồm cả các di chỉ khảo cổ học". Câu chuyện về "Leeskarte" đã bắt đầu từ năm 1604 khi Vua James I nước Anh chính thức chấm dứt truyền thống "tư nhân hóa" hải quân như là một phần của thỏa thuận hòa bình với Tây Ban Nha.

Trước đó, các tàu hải tặc và tàu đánh bộ được ủy nhiệm bởi Vua Anh nhằm tấn công các thương thuyền từ các xứ ngoại bang, đã được cho phép chia chiến lợi phẩm giữa họ, nhà tài trợ và cả bản thân hoàng gia Anh. Hoạt động cướp biển mang lại khoản lợi nhuận kếch xù, và chúng giữ cho các hải cảng của Anh luôn đầy ắp hàng hóa giá trị.

Dù công việc này khá mạo hiểm, nhưng nhiều thủy thủ lại thích nhúng tay vào khi họ phục vụ trên các tàu của vua Anh, nơi có chế độ lương bổng thấp, vệ sinh nghèo nàn và hạm đội tàu già cỗi. Thời gian trôi qua, số lượng tàu hải tặc ngày càng đông thêm nhờ hạm đội đa dạng các loại tàu được vũ trang tốt.

Nhà khảo cổ học Connie Kelleher khẳng định: "Hải tặc ở Anh được xem là một cách kiếm sống khấm khá trên các đại dương. Nhưng hệ quả từ quyết định mạnh bạo của vua James I đã khiến cho hàng ngàn thuyền viên bỗng dưng bị thất nghiệp. Vốn đã quen với hoạt động độc lập, những tàu hàng trở thành mục tiêu để bọn hải tặc kiếm ăn".

Thậm chí giới chức Anh ở Tây Nam Ireland còn khuyến khích các cựu hải tặc cùng tham gia vào cái gọi là "Thuộc địa Munster" (một chương trình thuộc địa trong đó những người định cư Anh được cung cấp điền sản giá rẻ để sinh sôi dân cư và đổi ngược lại các nơi này sẽ dần trở nên ôn hòa, ít chống lại mẫu quốc Anh).

Bà Kelleher giải thích: "Đối mặt với tương lai việc làm ảm đạm, cánh thuyền viên bắt đầu chuyển đến Tây Nam Ireland theo cá nhân hoặc đi với gia đình họ. Tuy nhiên, họ làm vậy không hề bị thúc giục bởi chủ nghĩa ái quốc hoặc chính trị. Những thủy thủ lão luyện, họ đánh giá khu vực này là đất lành để tiếp tục việc làm ăn".

"Thuộc địa hải tặc" khét tiếng châu Âu

Dựa trên các nguồn tin thời đó, nhà khảo cổ học Kelleher ước tính rằng có khoảng 1000 thuyền viên thiết lập các căn cứ tại các thị tứ Baltimore, Crookhaven và Leamcon (những nơi này nằm gần thành phố Schull) ở phía Tây hạt Cork. Địa hình Tây Nam Ireland rất lý tưởng cho hoạt động cướp biển với khá nhiều cảng biển, lạch nước, các quần đảo của duyên hải Ireland thuận lợi cho việc săn hàng và đào tẩu.

Nơi này cũng gần các tuyến đường thủy chính của Đại Tây Dương, nơi nhiều tàu hàng mà chủ yếu đến từ các quốc gia Châu Âu có thể bị nhắm mục tiêu từ hướng đi ra lãnh hải quốc tế và đi về xứ của họ. Tăm tiếng đồn xa. Rất nhiều kẻ phản bội từ Hà Lan, Pháp, Bỉ, Scotland và thậm chí ở cả nơi xa xôi như Phi Châu cùng khăn gói tìm tới Ireland để nhập bọn. Đám người này khá đa dạng thành phần xuất thân: hải tặc, cựu sĩ quan hải quân và thủy thủ, chúng hợp lại tạo thành một tổ chức gọi là "Liên minh" có luật lệ và phân cấp hẳn hoi.

Chúng cũng bầu chọn cựu "đại ca hải tặc" Richard Bishop trở thành "Thủy sư đô đốc"; gã tàn bạo Peter Easton chuyên ném những người mà hắn ta bắt giữ xuống biển, được phong làm "Phó đô đốc"; và tên Thomas Francke làm chuẩn đô đốc". Nhà khảo cổ học Kelleher nhận xét: "Tiếng tăm của Bishop khiến cho y đóng vai trò là nhà môi giới giữa liên minh với các đối tác bên ngoài, trong khi gã "máu lạnh" Easton gây cho kẻ thù khiếp vía bởi các hành vi đe dọa sởn gai ốc".

Bà Kelleher ước tính liên minh hải tặc có dao động từ 300 đến 500 tàu, trong đó 72 "thuyền trưởng" hoạt động dưới trướng thủ lĩnh Bishop. Easton và Francke. Những tàu hải tặc hoạt động độc lập, cơ động và được trang bị vũ trang. Chúng thường giả dạng một con tàu buôn để tiếp cận các mục tiêu trước khi rầm rộ ra tay trước sự kinh ngạc của các nạn nhân trong cự ly gần. Khi quay lại bờ biển Ireland, lũ hải tặc đã được người mua háo hức đón chờ chiến lợi phẩm: ngà voi, rượu vang, gỗ hiếm, nhục đậu khấu, quế và tiêu… là những mặt hàng rất được ưa chuộng.

Tấm bản đồ có từ năm 1612 chỉ dẫn "các hải cảng hải tặc" ở Tây Nam Munster được vẽ bởi nhà lập bản đồ người Anh, John Hunt, theo lệnh của Hessel Gerritzsoon, được ủy nhiệm bởi Quốc vụ khanh ở Hà Lan.

"Lầu xanh" và tửu quán đua nhau mọc lên để phục vụ cho hoạt động cướp biển này, nhiều khả năng chúng được quản lý bởi vợ hoặc góa phụ của lũ hải tặc. Để lấy lòng người dân Ireland đứng về phía họ, cướp biển đã mua hàng hóa giá cao của người dân sở tại. Nhà khảo cổ học Kelleher khẳng định: "Đám giới chức thường làm ngơ hoặc "đi đêm" với cướp biển theo một kiểu hối lộ nào đó".

Bọn cướp biển đã tạo ra một mạng lưới thương mại và hậu cần ấn tượng khi chúng hạ neo kéo dài từ Ireland và Newfoundland (Bắc Đại Tây Dương) đến các xứ "Barbary" thuộc Bắc Phi. Ông Fritz Hanselmann, giám đốc Chương trình khảo cổ học dưới nước (UAP) của Đại học Miami (Oxford, Ohio, Mỹ) giải thích: "Cướp biển ít để lại dấu vết khảo cổ học do chúng hoạt động bí mật và nhất thời. Còn các công cụ làm nghề như gỗ, dây thừng và bạt cũng nhanh tan rữa. Ngoài ra, việc xác định xác tàu đắm của hải tặc thường là một bài tập về tiêu chuẩn hóa".

Ông Hanselmann phân tích: "Tôi lấy ví dụ, một con tàu Anh thường cùng dòng với các loại vũ khí mà nó mang theo, trong khi tàu hải tặc thường chở theo nhiều loại vũ khí mà nó chở theo lúc đi cướp. Các tàu hải tặc cũng có khuynh hướng chở theo một lượng lớn hàng hóa quốc tế. Chúng tôi đang cố gắng xâu lại những lời chứng thực hoặc tài liệu nghiên cứu về các địa điểm đắm tàu hoặc mô tả về "sào huyệt" hải tặc trong vùng".

Và Leeskarte là một công cụ hiếm hoi không chỉ giúp xác định chính xác vị trí hải tặc trên cạn mà còn biết thêm về hoạt động của chúng mà hầu như các tàu liệu không thấy đả động đến. Có một chi tiết đáng lưu ý là liên minh hải tặc chỉ tấn công các tàu thuộc về những kẻ thù truyền thống của nước Anh. Kết quả là tàu hàng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan liên tục bị gián đoạn hoặc mất mát.

Nhà khảo cổ học Kelleher nhấn mạnh: "Phần lớn những tên cướp biển vẫn coi họ là các quý ông đáng kính, vẫn trung thành với triều đình Anh bất chấp sự đối đãi của vua James I. Hoạt động hải tặc tấn công vào các kẻ thù Anh cũng giúp mở rộng đế quốc Anh và triều đình Anh cũng ngó lơ sự hoạt động của hải tặc".

Đánh sập sào huyệt hải tặc nhờ tấm bản đồ

Năm 1612, khi đã quá chán ngán và mệt mỏi với sự quấy rối của liên minh hải tặc, triều đình Hà Lan đã vận động vua James I cấp quyền truy cập vào các hải cảng ở Tây Nam Ireland để tấn công "thuộc địa hải tặc". Vua James I nhất trí, nhưng đi kèm 1 điều kiện là những tên hải tặc phải được bắt sống và dẫn giải về triều đình Anh cùng với hàng hóa, các tàu của nhà vua được lai dắt đến tòa án của bộ hải quân Anh. Để chuẩn bị hạm đội chiến hạm tấn công, nhà thủy văn người Hà Lan, Hessel Gerritszoon, được trao trọng trách lập bản đồ duyên hải Ireland với đích nhắm là "bờ biển hải tặc" ở Tây Nam nước này.

Và ông Gerritszoon đã nhờ nhà bản đồ học người Anh là John Hunt hỗ trợ cho mình. Hai ông Gerritszoon và Hunt đã tiến hành công việc của họ trong vòng tối mật. Nhà khảo cổ học Kelleher phát biểu: "Việc ra đời các doanh nghiệp thương mại như Công ty Đông Ấn Hà Lan cũng như sự mở rộng thuộc địa nghĩa là các biểu đồ hàng hải đã được đánh giá rất cao. Các quốc gia nỗ lực tạo ra chúng, cũng như ngăn không cho người khác nhìn hoặc mua chúng".

Thời đó, các nhà lập bản đồ chủ yếu sao chép vào những tấm bản đồ cũ được tạo ra bởi các nhà lập bản đồ, và thường xuyên cập nhật tin tức mới từ các chuyến hải hành của họ hay các nguồn đáng tin cậy.

"Tôi nghĩ rằng 2 ông Gerritszoon và Hunt đã tạo nên Leeskarte bằng cách tham khảo kiến thức của các nhà lập bản đồ, thủy thủ và nhà thám hiểm có kiến thức tốt về Ireland đương đại", bà Kelleher cho biết. Leeskarte là một bản đồ hoàn chỉnh về toàn bộ bờ biển Ireland, ngoài ra còn có thêm 4 biểu đồ phụ, trong đó tập trung vào các hải cảng ở Tây Nam, Thêm nữa, bản đồ cũng bao gồm chi tiết về độ sâu các hải cảng, chỗ neo đậu, công sự cũng như các vị trí cụ thể có cướp biển và tàu của chúng. Hai ông Gerritszoon và Hunt cũng lập bản đồ về các hải cảng quan trọng của Ireland và những khu vực khác của quốc gia này. Nhà khảo cổ học Kelleher giải thích: "Những tấm biểu đồ này phục vụ các mưu đồ riêng của Hà Lan, đó là tiếp cận các bờ biển phía Đông và Nam của Ireland là những khu vực giàu tiềm năng thương mại".

Bà Kelleher nhấn mạnh: "Người Hà Lan nằm trong số những nhà lập bản đồ tài ba nhất tại thời điểm đó và họ muốn duy trì lợi thế trong lĩnh vực này". Được viết bằng tiếng Hà Lan cổ, ngày hôm nay Leeskarte đang nằm trong thư viện tại Đại học Gottingen (Đức) khi cơ sở này mua lại nó vào giữa thập niên 1700 như là một phần của bộ sưu tập sách lớn hơn. Quay lại kế hoạch tấn công.

Năm 1614, sau khi hoàn thành tấm bản đồ Leeskarte, người Hà Lan đã điều hạm tàu vào hải cảng Crookhaven và tập kích vào "sào huyệt" hải tặc ở đây. Bị tấn công chớp choáng, bọn hải tặc ngạc nhiên tột độ, chúng chỉ kịp bỏ tàu, nhảy xuống biển, và bị chém tơi tả khi cố bơi vào bờ. Patrick Myagh, tên thủ lĩnh hải tặc và 2 con trai đã bị giết chết cùng với 28 tên đàn em khác, cũng như các viên chức Anh trên bờ. Khi chiếc tàu nặng 180 tấn của Myagh bị thiêu cháy, người Hà Lan đã kịp thời khoắng sạch của cải trong tàu.

Văn Chương (Lược dịch)

Nguồn tin: cand.com.vn