Thắm tình phu thê nhờ... gốm


Mỗi lần dự cuộc triển lãm nào, cặp đôi nghệ sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng cũng gây ấn tượng với loạt tác phẩm mới mẻ, phá cách nhưng vẫn đậm chất truyền thống. Họ được coi là cặp đôi vàng của làng gốm phương Nam.

Hai vợ chồng đam mê gốm từ ngày nhỏ. Vào trường đại học, họ theo học chuyên ngành gốm bởi mong muốn kế thừa và phát huy truyền thống nghề gốm miền Nam. "Tôi thích sự mộc mạc không màu mè, đa sắc như những gam men màu thường thấy ở gốm. Tôi sử dụng cho các tác phẩm của mình theo một cách riêng phù hợp với cá tính và cảm nhận của riêng mình" - họa sĩ Nguyễn Thị Dũng chia sẻ.

Vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng.

Nhưng ra trường, nợ cơm áo không dễ để giấc mơ nghệ thuật bay nhảy. Nghề gốm lại đối mặt với vô vàn cực nhọc, khổ công. Do đó, hai vợ chồng phải rẽ sang lĩnh vực khác để lo xây đắp kinh tế gia đình.

Trọng Văn mở công ty về ngành thiết kế thời trang. Chị Dũng thì đầu quân cho các công ty chuyên về sản xuất gốm. Nhưng trong bốn bức tường chật hẹp của văn phòng, ước mơ chính tay mình nặn ra những mẻ gốm mang hoài bão, tâm tư của chị vẫn không thôi âm ỉ như ngọn lửa lò nung. Chị nghỉ việc, bỏ lại tất cả để ngày ngày lấm lem với đất, với nước. Đối với chị, nhờ làm việc tại nhiều bộ phận của công ty gốm khác nhau mà bản thân học hỏi được rất nhiều kiến thức để bổ trợ cho tay nghề sau này.

Nhìn vợ miệt mài không nản bên nắm đất đang thành hình, tình yêu gốm năm nào cựa mình trở lại trong anh Trọng Văn. Anh và vợ lại bắt tay lăn lộn cùng gốm. Năm 2014, hai vợ chồng chung tay mở một lò nung tại gia ở Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ngày đêm, họ ăn ngủ với đất, nước, lửa. Thích những điều khó nên họ thử nghiệm nhiều kiểu dáng, màu men, cách chế tác sáng tạo. Có những mẻ gốm hì hục, kỳ công làm cả tháng trời nhưng khi đưa ra khỏi lò nung lại vỡ tan tành từng mảnh. Vợ chồng ôm nhau, nước mắt rơi như mưa trên trăm mảnh vỡ. Nhiều lúc nản quá, chồng lại động viên vợ để cả hai cùng bắt tay thử nghiệm lại.

Họa sĩ Ngô Trọng Văn tâm sự: "Với tôi sứ mệnh của người nghệ sĩ là tìm kiếm cái đẹp, khắc phục những khó khăn, thông qua đó sẽ tìm được tiếng nói chung cho ý tưởng và chất liệu để kết tinh thành tác phẩm. Tôi muốn mỗi một tác phẩm của tôi là một biến tấu bất ngờ, đầy ngẫu hứng và đôi khi vượt ra ngoài ý tưởng ban đầu của chính mình. Trong sáng tác tôi thường sử dụng phương pháp khái quát bố cục để chắt lọc hình tượng, kết hợp với sự chuyển biến sắc thái của màu men khi tương tác với lửa trong từng quá trình nung".

Còn chị Dũng thì tâm niệm: "Tôi không thích nói về thành công mà gọi đó là những điều làm được và chưa làm được. Với tinh thần không ngừng học hỏi, tôi luôn để các tác phẩm lỗi trước mặt để ngày ngày cố gắng làm tốt hơn".

Một số tác phẩm của vợ chồng nghệ sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng.

Trời không phụ lòng người. Đến nay, vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn đã tạo được những tác phẩm gốm nghệ thuật nặng đến 100 kg, hoa văn kỳ công, màu men tinh xảo. Tại triển lãm "Lời thì thầm" diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh mới đây, vợ chồng anh mang đến hàng trăm sáng tác ấn tượng. Đó là những chiếc bình gốm, bức tượng cỡ lớn đến những bộ ấm trà, lọ hoa, bức tranh đẹp mê hoặc.

Một trong những sáng tác mà nghệ sĩ Ngô Trọng Văn tâm đắc là bộ "Nguyệt dạ" - gồm tám tác phẩm được tạo hình khác nhau, lấy cảm hứng từ phái đẹp. Anh cắt nghĩa: "Bộ tác phẩm này ca ngợi vẻ đẹp quyến rũ bí ẩn, cái duyên thầm của người phụ nữ, tựa như đóa hoa quỳnh bung nở ngào ngạt dưới đêm trăng tròn. Ở đó cũng tôn vinh những hy sinh lặng lẽ của họ. Tôi yêu nét mỹ cảm liêu trai và ẩn tàng ý niệm trong cách kể chuyện theo mạch cảm xúc của riêng mình. Phần lớn các tác phẩm của tôi gợi nên những suy tư về cuộc sống mong manh, nỗi cô đơn, yếu đuối, dằn vặt, của những thân phận ví như một bóng hình ngẩn ngơ giữa làn sương khói nhẹ buông…".

Khác với chồng, họa sĩ Nguyễn Thị Dũng lại mê mẩn đề tài về hoa. Các tác phẩm của chị hầu hết đều lấy cảm hứng từ các loài hoa như hoa cúc, mẫu đơn, hoa sen, hoa mai... Mỗi năm, chị lại tìm hiểu sâu về một loài hoa, từ đó sáng tạo xoay quanh chủ đề đó. Chẳng hạn, tác phẩm "Cửu ngư mẫu đơn" là lọ hoa điêu khắc hình đàn cá chép bơi lội trong ao sen, trên cổ lọ gắn bông hoa mẫu đơn cỡ lớn bằng gốm. Chị cũng sáng tác nhiều bức tranh gốm với nhiều sắc hoa tím, đỏ, lam... khiến người xem cứ ngỡ đất đang nở ra những đóa hoa xinh đẹp.

Họa sĩ Nguyễn Thị Dũng thường sử dụng kỹ thuật chạm hay đắp nổi với nguồn nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, với mong muốn người xem vẫn luôn thấy hình ảnh trong trẻo, tươi mới của những cánh rừng, nụ hoa hay những chú chim… Và như chị nói: "Sáng tác của tôi luôn hướng tới tình yêu cuộc sống, sức vươn mãnh liệt của sự sống". Luôn yêu thích độ khó nên chị luôn nghĩ ra những thử thách mới, để rồi hồi hộp chờ đợi thành phẩm bên ngoài lò nung. Có tác phẩm, chị phải kiên trì nhào nặn hàng nghìn cánh hoa, kéo dài đến 6 tháng.

Các bộ bình trà của nghệ sĩ Nguyễn Thị Dũng hội tụ loạt kỹ thuật chế tác khó nhất trong kỹ thuật gốm. Tại triển lãm, chị khiến nhiều người kinh ngạc khi biểu diễn pha trà bằng chiếc bình trà có hình dáng búp sen nhưng không đổ nước vào từ bên trên mà lật đáy bình lên để châm trà. Đây là một kiểu bình cổ nhưng rất ít nghệ nhân phục chế được, chưa kể lồng vào đó những sắc màu sáng tạo đậm dấu ấn cá nhân.

Ngoài "những đứa con" riêng, tình yêu của hai vợ chồng còn hòa quyện và thăng hoa với "những đứa con" chung là hai chiếc bình cỡ lớn mang tên "Mơ hoa" và "Mộng dưới hoa". Với tác phẩm chung, điểm mạnh của cả hai được phát huy: chồng đảm nhận vai trò tạo hình và bố cục, vợ làm hoa và màu men. Niềm vui sướng nhất của họ chính là lúc nhìn "đứa con" chung ra lò. Bởi ở đó hội tụ những điểm mạnh của vợ chồng, chất chứa bao hoài bão, đam mê một thời tuổi trẻ lẫn tình yêu mãnh liệt mà hai người dành cho nhau. Cùng gốm, họ nắm chặt tay vượt qua bao nhiêu gian khó.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, tác phẩm của Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng là sự kết hợp hài hòa giữa học thuật, các khái niệm gốm hiện đại và cả tinh thần phi câu nệ để mang đến một diện mạo gốm mới hơn. Về mặt tình tự, kỹ thuật và chất men, gốm của họ vừa chuyên chở hồn cốt, thẩm mỹ của tinh thần gốm Biên Hòa, Lái Thiêu ngày trước, vừa kết hợp với các vật liệu gốm mới, trào lưu gốm lạ, bắc lại nhịp cầu quá khứ với hiện tại, kéo công chúng hôm nay đến gần với di sản muôn đời của cha ông.

Nhìn ngắm tác phẩm của cặp đôi vàng của làng gốm, nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, Chủ nhiệm CLB Gốm Sài Gòn không khỏi trầm trồ: "Tôi theo dõi vợ chồng Ngô Trọng Văn từ lúc anh làm bộ "Nguyệt dạ". Và quả thực không hổ danh khi tác phẩm này giúp Ngô Trọng Văn đoạt giải thưởng cao nhất trong triển lãm chung "Gốm Sài Gòn" hồi đầu năm 2020. Với sức sáng tạo dồi dào, tôi tin tưởng rằng vợ chồng họ sẽ còn đi xa, tiến xa hơn nữa, để miền Nam luôn tự hào có một đôi vợ chồng luôn mang đến cho người yêu nghệ thuật những tác phẩm gốm tuyệt mỹ".

Mai Quỳnh Nga

Nguồn tin: cand.com.vn