Tháp 470: Nơi nghiên cứu vi khuẩn bệnh than đầu tiên

Bản thân tòa nhà vốn dĩ là một kiến trúc có từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã được Bộ Quốc phòng Mỹ bàn giao choViện ung thư quốc gia Frederick (NCIF, một đơn vị của Viện Y tế quốc gia – NIH) ngay từ năm 1988 và hoạt động cho tới năm 2003 thì bị phá bỏ hoàn toàn.

Kiến trúc kỳ quái không ngờ

Tháp 470 là cấu trúc cao nhất trong khu vực Fort Detrick và suốt nhiều năm nó còn là tòa nhà cao nhất ở quận Frederick. Cấu trúc của nó rất độc đáo: cao 7 tầng và cấu hình của nó được quyết định bởi 2 cỗ máy lên men cao 3 tầng với dung tích 2.500 ga-lông nằm ngay bên trong nó.

Và mặc dù tòa nhà được xây kín và có áp suất âm, thế nhưng người ta còn tạo thêm nhiều cửa sổ giả ở bên ngoài nhằm khiến cho người ngoài không mảy may hoài nghi về cấu trúc bất thường của nó, nhìn bề ngoài nó cho ra vẻ của một tòa cao ốc văn phòng hoặc doanh trại quân đội. Một số tầng bên trong tòa nhà là các sàn đi bộ (lưới thép) và tầng 5 có thể nhìn xuống các công nhân làm việc ở 3 tầng dưới.

Những bể chứa trong tòa nhà được sử dụng nhằm hoàn thiện các phương pháp sản xuất tác nhân vi khuẩn, đồng thời còn cung cấp một lượng nhỏ trong số các tác nhân này cho công tác phát triển và thử nghiệm tại các nơi khác trong cơ sở sản xuất.

Tòa tháp 470 còn có tên khác là Tháp Bệnh Than ở Fort Detrick, tiểu bang Maryland (Mỹ) Ảnh nguồn: Kemates2.tripod

Công tác sản xuất khuẩn than đã được áp dụng cho một số loại đạn sinh hóa học tại một số nhà máy lớn hơn đặt ở 2 tiểu bang Arkansas và Indiana. Hai tầng trệt của tòa nhà trong các thập niên 1950 và 1960 đã được các nhà khoa học dùng làm nơi tắm rửa và thay đồ để ra phố sau khi họ làm việc với các tác nhân chết người.

Cũng phải kể thêm rằng, sau khi hết giờ làm việc, các nhà khoa học sẽ quay lại gia đình họ và họ phải bí mật với người thân về sinh kế của mình. Một mạng lưới những đường ống được xả ra 2 cái “bể thanh trừng” đặt tại tầng hầm, nơi mà các tác nhân sinh học bị loại bỏ sẽ được xả thẳng xuống đó và được xử lý thật kỹ lưỡng để khiến chúng vô hại.

Tầng chóp của tòa nhà có đặt một hệ thống thông gió cực mạnh giúp giữ cho tòa nhà luôn ở “áp suất âm” (áp suất không khí bên ngoài tòa nhà luôn lớn hơn áp suất không khí bên trong), nó hoạt động như một tính năng an toàn dự phòng.

Nếu cửa đột nhiên mở ra ngoài ý muốn, hoặc nếu xuất hiện một vết nứt trên tường, thì không khí vẫn giữ bên trong chứ không thoát ra ngoài. Hoặc nếu bất kỳ chất bẩn nào lọt ra ngoài hành lang của tòa nhà thì chúng cũng sẽ không thoát ra bên ngoài.

Nội tình bên trong

Tổ hợp các phòng thí nghiệm chiến tranh sinh học quân đội Mỹ đã cho xây dựng nên Tháp 470 vào năm 1953 với chi phí hết 1,3 triệu USD làm một nhà máy thí điểm cho việc sản xuất ra các tác nhân sinh học như là một phần của chương trình tấn công BW của Mỹ.

Các nhà khoa học làm việc bên trong Tháp 470 Ảnh nguồn: Preservation Maryland.

Chương trình tuyệt mật này là một phần của nền quốc phòng Mỹ thời chiến tranh lạnh nhằm chống lại những mối đe dọa của chiến tranh sinh học.

Từ năm 1954 đến năm 1965, Tháp 470 được sử dụng làm nơi sản xuất ra khuẩn Bacillus Anthracis (nguồn gốc gây bệnh than), khuẩn Francisella Tularensis (căn nguyên gây bệnh sốt gan) và khuẩn Brucella Suis (bệnh lây từ súc vật sang người). Việc sản xuất các tác nhân sinh học trong Tháp 470 đã đình lại vào năm 1965 và sau đó tất cả các thiết bị sản xuất đã được đưa đi khử trùng.

Năm 1969, Tổng thống Richard Nixon đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ đơn phương rút khỏi cuộc chạy đua vũ trang sinh học, và chuyển giao nhiều tòa nhà ở Fort Detrick cho NIH dùng cho mục đích nghiên cứu ung thư. Nhưng nhiều tòa nhà (dù Tháp 470 không nằm trong số đó) từng dành cho nghiên cứu BW thì sau đó đã được quyết định chuyển cho Viện ung thư quốc gia (NCI), chúng được khử nghiệm và tái tạo để dùng mới.

Nhìn chung, một diện tích xấp xỉ 280.000m² tại Fort Detrick đã được chỉ định dùng làm khuôn viên cho NCI. Hoạt động thí nghiệm vẫn tiếp tục diễn ra ở Tháp 470 cho đến năm 1970 khi đó tòa nhà bị bỏ trống và quá trình khử nhiễm bắt đầu thực thi. Tiến trình khử nhiễm cuối cùng đã được hoàn tất vào tháng 6 năm 1971. Những chiếc chảo điện có chứa Paraformaldehyde được đặt khắp tòa nhà, rồi chúng được đốt nóng làm tỏa ra các đám mây khí ngợp ngụa bên trong cấu trúc được phong kín.

Một loại vi khuẩn mô phỏng tương tự như bệnh than đã được đặt bên trong tòa nhà nhằm ra dấu xem liệu khí có hoạt động hay không. Tiếp đó, quân đội Mỹ đã cho tiến hành các xét nghiệm mở rộng và không tìm thấy bằng chứng của bất kỳ tác nhân sinh học nào đã được tạo ra từ trước đó. Các mẫu thử được lấy từ xấp xỉ 1.500 điểm bên trong tòa nhà đã cho kết quả âm tính với B. anthracis.

Liền đó, quân đội Mỹ đã tuyên bố Tháp 470 an toàn để trú ngụ bao gồm cả những công nhân chưa được chủng ngừa bệnh than. Tới năm 1988, NCI đã chi tiền để mua lại Tháp 470 cũng với hy vọng rằng nó sẽ được tái cải tạo toàn bộ để biến thành các phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư. Thực tế là tòa nhà đã bị bỏ trống suốt 17 năm ròng và chỉ được dùng để chứa các tài liệu lưu trữ, hoặc chứa các đồ dùng dư thừa từ phòng thí nghiệm.

Một phần chậm trễ là do cấu trúc độc đáo và khác biệt của tòa nhà nên việc tái cải tạo lại nó được đánh giá là vô cùng tốn kém. Khoảng tháng 9 năm 2000, các chuyên gia an toàn đến từ Viện công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Duke và Tập đoàn quốc tế ứng dụng khoa học (SAIC) đã tái xem xét các dữ liệu xét nghiệm chất lượng khử nhiễm và kết luận rằng không có bất kỳ bằng chứng nào về các chất ô nhiễm còn sót lại bên trong Tháp 470.

Tiếp đó sang tháng 10 năm 2000, các nhà khoa học lại xét nghiệm thêm 790 mẫu lấy xung quanh đó và vẫn không cho thấy dấu vết nào của khuẩn B. anthracis sống hay chết. Những mẫu mới này đã được phân tích bằng cách áp dụng các phương pháp nuôi cấy thông thường hoặc bằng phản ứng chuỗi Polymerase (PCR, một cách thức xét nghiệm dựa trên ADN nhạy hơn).

Cuối cùng Tháp 470 rơi vào tình trạng cấu trúc hoang phế: lớp gạch vữa bên ngoài tòa nhà bong tróc và mái nhà bị dột. Các hệ thống dầm và cột nhà bị ăn mòn, lớp vữa trát nứt nẻ, sơn tường phồng rộp, tất cả đã tạo nên sự xuống cấp của tòa nhà chính và các cấu trúc lân cận đó.

Năm 1999, các kỹ sư của NCI đã khuyến nghị nên phá dỡ Tháp 470. Bà Carol Shearer, kỹ sư dự án 470 và còn là một chuyên gia về phá dỡ các cơ sở vũ khí sinh học trước đây ở Liên Xô, giải thích rằng mối bận tâm chính không phải là bệnh than mà là tiếng ồn và độ rung của tòa nhà, và quan trọng nhất là phá vỡ yếu tố khoa học trong các tòa nhà đối diện và liền kề. Phải mất một khoảng thời gian trưng cầu dân ý, tiểu bang Maryland mới phê chuẩn phá dỡ Tháp 470. NIH đã phá dỡ tòa nhà từ giữa tháng 2 đến tháng 12 năm 2003. Giới chức tỏ ra không quan tâm đến khử bệnh than mà để mắt tới sơn chì và a-mi-ăng.

Tiến sĩ Michael Donnenberg, trưởng khoa Các bệnh truyền nhiễm (DID) công tác tại Trường Y, Đại học Maryland, phát biểu: “Tôi không cho rằng họ (các nạn nhân) gặp vấn đề lớn với việc khử nhiễm tòa nhà. Các bào tử bệnh than có thể tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài ngay cả khi chúng ở dạng hơi xịt và phát tán vào hệ thống thông gió của tòa nhà, cuối cùng chúng sẽ lắng xuống và các bề mặt có thể dễ dàng khử nhiễm”. Bà Tina Kreisher, phát ngôn viên của Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) phát biểu: “Có 4 giải pháp hóa học mà EPA đang áp dụng để xử lý khử nhiễm, mà có thể dùng cho các khu vực đã phơi nhiễm bệnh than. Một trong những loại phổ biến nhất là dung dịch Sodium hypochlorite tương tự như thuốc tẩy gia dụng; 3 loại còn lại gồm nhũ tương đậu nành, bọt Sandia và Formaldehyde”.

Tiến sĩ Joseph Barbera, đồng giám đốc của Viện quản lý rủi ro, thảm họa và khủng hoảng (ICDRM) của Đại học George Washington, khẳng định: “Sau khi khử nhiễm, nguy cơ mắc bệnh sẽ thấp khi lỡ tiếp xúc với bệnh. Câu hỏi ở đây là thấp đến mức nào là chấp nhận được? Bệnh than là một loại vi khuẩn, nó cũng có thể được đánh giá và xử lý hợp lý”. Tiến sĩ Michael Donnenberg nói thêm: “Một người chỉ đổ bệnh khi hít phải từ 8.000 đến 50.000 bào tử bệnh than, và các bào tử này cũng chỉ có thể lây nhiễm nếu một khi da người bị nứt / đứt”.

Người chết bí ẩn

Các cư dân của quận Frederick tỏ ra rất quen thuộc với câu chuyện về các vụ chết người diễn ra trong Tháp 470 hoặc là kết quả của áp lực công việc ở đó. Có một câu chuyện ám ảnh kể rằng một người đã bị chết và xác bị kẹp giữa các bức tường của tòa nhà. Có nguồn tin rò rỉ rằng do bởi một vụ tai nạn chết người xảy ra bên trong Tháp 470 do liên quan đến các tác nhân sinh học chết người nên chính phủ Mỹ cũng không dám đảm bảo tòa nhà an toàn để trú ngụ, và vì thế tốt nhất là đóng cửa và niêm phong nó.

Cổng chính dẫn vào Fort Detrick Ảnh nguồn: US Army

Cũng có ý kiến cho rằng nên để y nguyên tòa nhà vì chính phủ cũng không dám chắc 100% vi khuẩn độc liệu có “sổng chuồng” hay không. Trên thực tế đã xảy ra một vụ tràn lớn tại Tháp 470 vào năm 1958, một kỹ thuật viên trong lúc cố gắng mở cái van bị mắc kẹt ở đáy của một trong 2 bồn lên men thì đã vô tình giải phóng xấp xỉ 2000 ga-lông dịch nuôi cấy khuẩn B. anthracis.

May thay, do các thiết kế an toàn tuyệt đối của tòa nhà nên dịch khuẩn chỉ tràn ra 1 phòng, không gây nhiễm độc Fort Detrick hay cộng đồng dân cư địa phương, và nhất là không có ai (bao gồm cả kỹ thuật viên) đổ bệnh. Kết quả của sự cố đã chỉ ra sự hiệu quả của các thực hành an toàn sinh học đã đi tiên phong từ những ngày đầu của “công nghệ vũ khí sinh học” tại Fort Detrick.

Trước khi phá dỡ Tháp 470, Tiến sĩ George Anderson của Viện nghiên cứu phương Nam (SRI), ông là chuyên gia được quốc tế công nhận về khuẩn B. anthracis, đã xem xét toàn diện hàng loạt tài liệu về Tháp 470 cũng như tiến hành phỏng vấn nhiều người trong cuộc (một số người vẫn đang sinh sống ở Frederick, họ từng làm việc trong tòa nhà) và biết rằng không có ai bị chết do bệnh than trong Tháp 470, mặc dù có 2 công nhân làm việc ở Fort Detrick đã qua đời do nhiễm với các tác nhân mà qua nghiên cứu gọi là “vũ khí sinh học”, họ là một nhà vi sinh học, chết năm 1951; một thợ điện chết năm 1958 do hít phải bệnh than; người thứ 3 là công nhân chết do chứng xuất huyết não Bolivia.

Phan Bình (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn