Thể Công - vang bóng một thời


Kỳ vọng lớn lao

Năm 1967, CLB Thể Công có một quyết định táo bạo khi đưa lứa cầu thủ trẻ 18 tuổi của mình (26 người) sang Triều Tiên tập huấn 1 năm.

Thời điểm đó, Triều Tiên vừa mới lọt vào tứ kết World Cup 1966 và thuộc đẳng cấp rất khác so với bóng đá Việt Nam. Cũng bởi thế mà những Nguyễn Trọng Giáp, Ba Đẻn, Vương Tiến Dũng, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải… sau 1 năm rèn luyện tại đây đã tiến bộ vượt bậc. Sau khi lứa trẻ này trở về, Thể Công vô địch ngay lập tức và thống trị giải miền Bắc trong nhiều năm tiếp theo.

Gần 40 năm sau, trong bối cảnh Thể Công dần đánh mất vị thế ở giải vô địch quốc gia, thậm chí phải xuống hạng, một kế hoạch tương tự được lập ra với kỳ vọng vực dậy tên tuổi của bóng đá quân đội.

Lứa Thể Công 1987 tại Bulgaria.

Thế là đầu năm 2006, 20 cầu thủ trẻ Thể Công lứa 1987 bắt đầu lên đường sang châu Âu tập huấn dài hạn. Trên thực tế, đây cũng là lứa cầu thủ đã được chuẩn bị từ 10 năm trước, khi vào thời điểm 1997, không đâu ở Việt Nam đào tạo lứa U10 nhưng HLV Nguyễn Thanh Hải đã quyết định làm và thuyết phục được lãnh đạo đội bóng. Chính sự thể hiện tốt đã giúp lứa cầu thủ 1987 này được kỳ vọng lớn lao và đội bóng cũng không tiếc tiền để đầu tư.

Cần nói thêm rằng lúc này đứng sau Thể Công là Tập đoàn Viettel và họ không ngại chi ra số tiền rất lớn để đầu tư. Hay nói đơn giản, với Thể Công lúc đó, tiền không phải là vấn đề.

Cả đội ăn mãi không… hết tiền

Theo kế hoạch ban đầu, lứa 1987 của Thể Công sẽ được đưa sang tập huấn tại Bulgaria trong vòng 1 năm, nhưng sau đó chỉ tập ở đây 6 tháng rồi tập tiếp 6 tháng ở Đức. Dĩ nhiên, điều kiện tài chính của đội bóng giúp các cầu thủ trẻ Thể Công có được chế độ tập luyện, ăn ở rất tốt. Các cầu thủ cũng không còn hưởng lương theo cấp bậc mà được ký hợp đồng chuyên nghiệp với mức đãi ngộ tương xứng.

Nhớ lại quãng thời gian được sang châu Âu tập huấn cùng đội trẻ Thể Công, hậu vệ Quốc Long (hiện chơi cho Sài Gòn FC) chia sẻ: "Thời gian được tập huấn cùng các thầy nước ngoài ở châu Âu đã cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, giúp mình phát triển nhiều hơn. Từ lối chơi, phong cách đều học hỏi được rất nhiều từ những lần đi tập huấn như thế.

Thời gian ở Bulgaria ít có các trận đấu cọ xát, nhưng bù lại sau đó sang Đức thì đội được thi đấu nhiều hơn, được tiếp xúc với những cầu thủ tốt hơn. Lúc ấy anh em trong đội cảm thấy mình phát triển lên rất nhiều. Ở Đức, đội được tập huấn ở trong một trung tâm nằm trong rừng, tách biệt hoàn toàn với bên ngoài nên anh em chỉ biết ăn và tập thôi".

Sau 1 năm tập luyện tại Bulgaria và Đức, lứa cầu thủ 1987 trở về nước và được đôn lên đội 1 Thể Công với mục tiêu trước mắt là đưa đội bóng trở lại V.League.

Và ở mùa giải 2007, tất cả đã không phải thất vọng. Thể Công vô địch giải hạng Nhất, Trịnh Quang Vinh giành danh hiệu "Vua phá lưới", Quốc Long, Ngọc Duy cũng đều chơi ấn tượng. Thậm chí HLV Nguyễn Thanh Hải, người đưa lứa 1987 sang châu Âu, còn khẳng định tiềm năng của các học trò vẫn chưa được phát huy tối đa.

Tuy nhiên lên chơi tại V.League lại là câu chuyện hoàn toàn khác. HLV Galhidi chủ động xây dựng lối đá phòng ngự phản công, chứ không phải tấn công như cách các cầu thủ trẻ vẫn quen tập ở châu Âu. Không những thế, việc phải đá trái sở trường khiến nhiều cầu thủ không phát huy được khả năng.

Ngoài ra, một lý do khác được nhiều người nói là việc lứa cầu thủ con cưng của Thể Công được đội bóng quá cưng chiều. Đã có những câu chuyện đồn thổi về việc đầu bếp không thể nấu ăn với đúng số tiền được cấp vì nó quá… nhiều. Số tiền thừa sau mỗi tuần lại được cả đội gom lại và cùng đi "cải thiện" ở một nhà hàng hạng sang.

Tất nhiên đó chỉ là những lời truyền miệng của giới trong nghề với nhau, nhưng không thể phủ nhận việc lứa cầu thủ Thể Công khi đó đã được lãnh đạo đầu tư không tiếc tiền.

Chỉ tiếc rằng những đãi ngộ đó không được cụ thể hóa bằng thành tích trên sân, khiến cho lãnh đạo dần mất niềm tin và rồi sau khi mùa giải 2009, cái tên Thể Công chính thức biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam khi chuyển giao đội một cho Thanh Hóa, chỉ giữ lại đội dự bị đá giải hạng Nhất với tên gọi Trung tâm bóng đá Viettel. Nhưng rồi đội dự bị này một năm sau cũng được chuyển giao nốt cho Hà Nội T T (hiện nay là Hà Nội FC). Bóng đá quân đội quyết định "đập đi xây lại từ đầu".

"Giá như chúng tôi có thêm thời gian thì Thể Công sẽ khác"

Thể Công giải thể, các cầu thủ cũng ly tán mỗi người một nơi. Với những người như Quốc Long, Ngọc Duy hay Trịnh Quang Vinh, dù thành công với những bến đỗ mới nhưng họ vẫn chưa bao giờ thôi tiếc nuối vì không thể tiếp tục cống hiến cho Thể Công.

"Thời điểm bọn tôi được lên đội một cũng đặt rất nhiều kỳ vọng, nhưng thời gian để hòa nhập với môi trường chuyên nghiệp không dài. Sau 2 năm, đội bóng đã chuyển giao và giải thể. Biết tin chuyển giao như thế chúng tôi rất buồn. Từ lúc còn là cầu thủ trẻ mình đã có ước muốn rằng sau này trưởng thành sẽ cống hiến cho Thể Công. Ngay bản thân mình và anh em cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ xa rời Thể Công", Quốc Long ngậm ngùi kể lại.

Các cầu thủ trẻ tập huấn tại Đức vào năm 2006. Dễ nhận ra sau lưng họ chính là thủ môn huyền thoại Oliver Kahn.

Trong khi đó, Ngọc Duy cho rằng nếu lứa cầu thủ 1987 có cơ hội được chơi với nhau nhiều hơn, mọi chuyện với Thể Công có thể đã rất khác. "CLB đã đầu tư cho lứa 1987 để sau này về với trách nhiệm rất lớn là làm trụ cột, giúp vực lại Thể Công. Thời điểm Thể Công không còn nữa bản thân mình thấy trống rỗng vô cùng. Số cầu thủ lứa 1987 ở đội một khi đó khoảng 14, 15 người. Nếu anh em có nhiều thời gian hơn, chơi bóng với nhau từ 3 đến 5 năm nữa thì sự đóng góp và hiệu quả của đội bóng sẽ tốt hơn".

Sự tiếc nuối của Ngọc Duy hay Quốc Long là điều dễ hiểu nhưng như người Pháp vẫn hay nói "với một chữ nếu, người ta có thể nhét cả Paris vào một cái chai", sự kết thúc của cái tên Thể Công vào năm 2009 lại mở ra một tương lai khác. Giờ đây "hậu duệ Thể Công" là Viettel đã trở lại được với V.League và dần khẳng định được vị thế của mình. Thế hệ 1987 của Thể Công có tài, nhưng có lẽ họ đã không gặp thời.

Thế hệ cầu thủ Thể Công luyện tập ra sao ở Triều Tiên để vô địch ngay sau khi về nước?

Trong một lần trò chuyện cùng cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải, chúng tôi đã được nghe ông kể lại kỷ niệm 1 năm tập luyện ở Triều Tiên gian nan nhưng mang lại sự thay đổi rất lớn cho những cầu thủ trẻ Thể Công ngày ấy.

Ông nhớ lại: "Chúng tôi coi Triều Tiên là bậc thầy. Chúng tôi tự mình huấn luyện lối chơi nhưng cũng đã học được phong cách và ý chí chiến đấu của họ. Về trình độ, thời đó mình không là gì so với Triều Tiên. Họ vừa vào top 8 thế giới còn chúng ta đang lẹt đẹt ở Đông Nam Á. Về thể lực, Triều Tiên chơi ngang ngửa với các đội châu Âu. Lối đá của họ rất tiên tiến và hiện đại.

Khi xưa, chúng tôi cứ nói vui rằng: "Triều Tiên ăn sâm chạy suốt ngày", có nghĩa là riêng thể lực mình không theo được. Đối phương đá kinh khủng lắm, hồi đầu chúng tôi không thể chạy nổi với họ, trong sân chỉ theo được 45-60 phút là hết hơi.

Ở Triều Tiên chủ yếu là các đội bóng quân đội, chúng tôi đều thi đấu với họ cả. Mà không phải đá 90 phút đâu, mỗi trận lên tới 120 phút, 60 phút một hiệp. Lịch thi đấu cũng chẳng được 3 ngày/trận, hôm trước đá hôm sau lại ra sân "chiến" luôn. Chúng tôi đá đến nỗi lúc đầu đăng kí 26 cầu thủ thì đến khi hết giải chỉ còn đúng 1 đội hình duy nhất. Nhưng bù lại điều đó giúp toàn đội có được sự tiến bộ, thể lực các đội miền Bắc phải chào thua hết, chỉ chạy được với Thể Công trong hiệp đầu thôi.

Đi một năm về xong chúng tôi đánh bại được tất cả các đàn anh, vô địch ngay lập tức, không đối thủ nào đá lại được. ĐTQG lúc đó có 23 người thì Thể Công luôn chiếm đến 13. Tôi nhớ trận đấu giữa ĐT Việt Nam gặp Cuba năm 1970 tại Hà Nội chúng ta hòa 1-1, nhưng riêng đội Thể Công đá thì thắng Cuba 3-2. Có thể nói, Thể Công đi Triều Tiên sau 1 năm về tạo một hiệu ứng rất lớn. Cứ nghe đến Thể Công là khán giả đến xem rất đông bất kể chiến tranh".

Đơn Ca

Nguồn tin: cand.com.vn