Thơ ngắn trong ""Viết chờ sen lên""


"VIẾT CHỜ SEN LÊN", tập thơ mới nhất của anh. Anh viết nhiều thể loại, khiêm nhường không hô hào, giọng điệu dân dã. Lần đầu tôi được trò chuyện cùng anh: "Lạy cây, lạy cỏ/ Lạy ngõ, lạy vườn/ Lạy nếp nhà mưa nắng/ lạy đêm trắng hoa cau/ Lạy nỗi đau nguồn cội/ Lạy lời nguyền khói hương" (Khúc hát ngày về đất tổ).

Chất đồng dao đã hòa hợp linh ứng trong ngày trở về cội nguồn. Nhà thơ muốn ôm tất cả, lạy tất cả thế giới quanh mình. Một sự hòa nhập kiểu như "Hôm nay tôi ngồi sinh nhật Gió" (Sinh nhật), vô vi và huyền ảo.

Bìm bịp ngủ trong lồng ngực em
Anh mơ làm con nước
Dâng đến ngày
Biển ở trên cao

Giấc mơ thật lạ lùng "bìm bịp ngủ trong ngực", "biển ở trên cao", cho nên nhà thơ mới quả quyết có một "Hòn đảo tự do anh kiến tạo hình hài" (Biển ở trên cao). Đấy là ước vọng qua biểu tượng hòn - đảo - tình - yêu của Trần Nam Phong dựng lên. Không lạ gì thủ pháp ẩn dụ hoặc tượng trưng sẽ làm cho người đọc ngẫm và cảm nhiều hơn là thế.

Đọc mãi tôi dừng lại ở thể thơ ngắn.

Ba bài thơ hay nhất trong tập, điển hình cho phong cách thơ ngắn rất văn hóa phương Đông làm tôi chú ý nhất.

BÀI 1:

Cúi xuống
Cùng chuỗi cườm
Tiếng chim gáy cất lên
Em họa mi trong mắt
Anh biết
Niềm khải hoàn
Sắp đến

Bình minh
Mang cơn mưa
Về gieo hạt

Anh nhặt được
Những ánh sao
Còn ướt

(Bình minh)

BÀI 2:

1

Nối máy gọi mùa thu
Nghe tiếng chim gù
Trước cửa

3

Trăng thức để tròn
Sao tình em
Lại khuyết

2

Vàng phai mùa lá đổ
Hoàng bào đêm
Em có biết

4

Gió ngậm tóc đi tu
Sen thơm vào cốm nõn
Mình anh thơ thẩn tìm thu

5

Ra bể tìm sông, sông giấu mặt
Mùa đi
Vời vợi mảnh buồm nâu

(Tìm thu)

BÀI 3:

1

Giăng lưới bắt chim
Chỉ nhận được cái bóng
Chuyển động cùng nước

2

Không thể đồ họa đường bay chim én
Đơn giản
Phía trước là bầu trời của chúng

3

Đầm sen, bình sen, hồ sen
Em chớ đi tìm
Bông sen của riêng ai

4

Có một phản thế giới
Trong bước chân em
Mà anh không biết

5

Ngày anh ra đời
Bầu trời mở về phía em
Tiếng chim khách

(Mật mã không gian)

Đọc anh, tôi liên tưởng đến trường phái thơ Haiku Nhật Bản. Đâu đó lời thơ gieo vào lòng ta niềm cô đơn trắc ẩn của con người trên thế gian. Thơ kiệm lời, đậm tính thiền. Thơ Haiku, luôn nhắc nhở ta sống với tâm thế bổn thiện nhân văn, tôn trọng cá tính mỗi người trong cộng đồng rộng lớn. Trần Nam Phong nhẹ nhàng hiền hậu, có cái gì đó làm tôi như gặp lại một người Nhật nơi miền Trung gió cát.

Nhiều khi vườn có thêm bông hoa đẹp nép dưới muôn sắc, bạn vô tình lướt qua, không để ý. Người làm thơ nào cũng mong sao thơ mình neo được đôi chút trong lòng người xem.

Gió ngậm tóc đi tu
Sen thơm vào cốm nõn
Mình anh thơ thẩn tìm thu

(Tìm thu)

Tâm trạng buồn. Một cái gì man mác mà không nói ra. Nhà thơ giấu kín trong lòng, để mặc "Gió ngậm tóc đi tu". Câu thơ hay đến buốt, hình tượng lạ ít gặp trong thơ. Buồn! Giữa khung cảnh ấy, mình anh "tìm thu" trong cô đơn. Và anh ngộ ra "Có một phản thế giới/ Trong bước chân em/ Mà anh không biết". Mãnh liệt và táo bạo. Trần Nam Phong tìm thấy chìa khóa để mở. Ý tưởng thơ sâu sắc như đánh thức bản ngã con người đứng lên và làm chủ chính mình (Mật mã không gian).

Thong thả, chầm chậm là đặc tính của thơ "biểu hiện", nhưng lại kiến tạo nên một thế giới quan, nhân sinh quan vì con người và cho con người:

Bình minh
Mang cơn mưa
Về gieo hạt

(Bình minh)

Tin rằng những hạt giống ánh sáng của "bình minh" sẽ ngập tràn trên cánh đồng của tình yêu nhân loại. Viết câu thơ ngắn, cô đặc, khúc chiết khi dùng từ ngữ đâu phải dễ. Tư duy kiểu thiền làm cho thơ giàu triết lý, mang hơi thơ dân dã. Hình tượng, biểu tượng như bức tranh thủy mặc phóng khoáng mà sâu lắng.

Ba bài thơ trên như ba cánh mỏ neo lặng lẽ nói rằng, hãy chia vui cùng tác giả. Tôi đang ở đây! Trang thơ trên giá sách, không phải lúc nào cũng vừa lòng, nếu tìm, bạn sẽ có món hàng vừa ý. Trần Nam Phong đã làm được điều ấy.

Quảng Bình, 13/12/2020 - 12/2/2021

Hoàng Vũ Thuật

Nguồn tin: cand.com.vn