Thượng tướng Vũ Lăng & 30 ngày đêm quyết chiến trên đồi C1

Được một tí pháo thì tốt

Những năm gần đây, trên các cơ quan truyền thông mỗi khi nhắc đến Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) thường chỉ hay nhắc đến đồi A1. Thậm chí nhiều cựu chiến binh nhân danh nhân chứng lịch sử đã mạo nhận mình là chiến sĩ đánh đồi A1. Thực tế, chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ có đồi A1. Còn nhiều trận quyết chiến khác ở nhiều cao điểm khác nhau mà cuộc chiến trên đồi C1 do Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) thực hiện cũng vô cùng ác liệt.

Đồi C1 thấp hơn đồi A1 nhưng lại ở vào vị trí bất lợi: đạn thẳng từ C1 bắn vỗ mặt, đạn thẳng từ A1 và D1, hai vị trí kẹp hai bên nách, bắn chéo vào sườn. Để chống đỡ với những loạt đạn bắn thẳng, Trung đoàn đã phải dùng những con cúi bằng rơm bện, dài khoảng 2 mét, đường kính 1,5 mét, lăn lên phía trước, rồi bò phía sau khoét đất.

Liên tục 18 đêm liền Trung đoàn 98 đã kiên trì đào trận địa. "Công cuộc đào giao thông hào, trận địa cũng là một cuộc chiến đấu dằng dai đổ máu không ngừng", Thượng tướng Vũ Lăng kể trong hồi ký.

Thượng tướng Vũ Lăng (1921 - 1988) - Ảnh: Tư liệu gia đình.

Được lệnh về Bộ chỉ huy chiến dịch họp, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng nhận nhiệm vụ tiêu diệt C1 rồi phát triển xuống C2 - một quả đồi thấp hơn. Ông chắc mẩm thế nào cũng được Bộ cấp cho trọng pháo 105 ly để công đồn. Suốt mấy năm kháng chiến, chưa lần nào đơn vị được chi viện loại súng này. Nhưng thảo luận kế hoạch tác chiến xong, không thấy cấp trên đả động tới việc tăng cường trọng pháo 105 ly cho Trung đoàn, trong thâm tâm Vũ Lăng không được vui cho lắm.

Sau buổi họp, biết ông thắc mắc về vấn đề pháo, một cán bộ cao cấp ở Cục Tác chiến an ủi: Bộ chỉ huy sẽ không cho Trung đoàn 98 cối 120 ly hay pháo 75 ly, mà chỉ cho thêm một trung đội súng cối 81 ly. Vũ Lăng không nói gì, nhưng trong lòng ông vẫn còn lo ngại, không biết về sẽ đả thông làm sao cho anh em thông suốt đây, vì tư tưởng của anh em rất thích có pháo. Người cán bộ Cục Tác chiến báo cáo mọi chuyện lên Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Tổng Tư lệnh cho mời Vũ Lăng lên, tươi cười hỏi: "Thế bây giờ cậu thắc mắc điều gì nhất?"

Trung đoàn trưởng 98 nóng bừng mặt, sau ít giây lúng túng đã nói thật: "Kể ra, Bộ cho được một tí pháo thì tốt ạ". Tổng Tư lệnh vỗ vào bả vai Vũ Lăng, cười: "Thôi được, sẽ cho cậu hai khẩu 75 và ba mươi viên đạn 105".

Sướng quá, Vũ Lăng đáp ngay: "Vâng! Thế thì có thể xin cam đoan giữ đúng lời hứa với anh". Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò: "Được rồi! Giờ về phải quán triệt quyết tâm cho anh em! Đơn vị cậu đã có thành tích. Lần này phải cố gắng, đánh cho gọn, cho nhanh, phương châm chung là "Đánh chắc tiến chắc" nhưng trong từng trận phải đánh nhanh giải quyết nhanh".

Khó khăn chồng chất

Chiều 30/3/1954, Trung đoàn trưởng Vũ Lăng cho toàn đơn vị triển khai tác chiến sớm. Lúc bộ đội xuất kích, ông bắt tay rồi nói lời động viên với các chiến sĩ. Xong ông yên tâm trở về sở chỉ huy.

Giao thông hào lõng bõng nước và bùn non vì dư âm còn lại của trận mưa mấy ngày trước, nhưng chiến sĩ Trung đoàn 98 vẫn bước đi rào rào, mặt mũi tươi tỉnh như đi hội. Trung đoàn trưởng không thể quên được hình ảnh nhiều anh em vừa đi vừa nhảy nhót, cười nói rúc rích.

Đúng 17 giờ, trọng pháo khai hỏa. Núi rừng rung chuyển ào ào. Chỉ 30 phút sau, Tiểu đoàn chủ công do Bùi Hữu Quán chỉ huy đã hoàn toàn làm chủ đồi C1. Được tin, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tặng thưởng cho Tiểu đoàn chủ công Huân chương Quân công hạng Ba.

Gia đình Thượng tướng Vũ Lăng trao tặng kỷ vật cho Quân đoàn 3. Ảnh: Vũ Duy Hiển.

Nhưng sau khi chiếm được C1, triển khai quân đánh xuống C2, đơn vị đã vấp phải những lưới lửa ác liệt ở yên ngựa. Những khẩu trọng liên bốn nòng không rõ ở đâu đã bắn xối xả vào đội hình của trung đoàn nhiều lần. Pháo ở Hồng Cúm giội về, pháo từ Mường Thanh bắn tới, chiến sĩ ta gần như phơi lưng dưới làn đại bác của địch.

Trọng pháo địch còn bắn chặn cố định, phong tỏa mất đường liên lạc về hậu tuyến của trung đoàn. Cùng lúc đó, bên đồi A1, Trung đoàn 174 cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, hỏa lực địch từ A1 bắn lướt sườn sang Trung đoàn 98 ở đồi C1 rất gắt. Mạng dây điện thoại bị bắn đứt tứ tung, bộ đàm cũng hỏng. Liên lạc gián đoạn. Khó khăn chồng chất khó khăn.

Quân Pháp đã giành lại cột cờ. Trung đoàn 98 bị dồn xuống một thế thấp hơn, chân đứng bấp bênh không vững, lúc nào cũng bị uy hiếp. Vì thế, phải cố gắng chiếm lại cột cờ bằng bất cứ giá nào.

Chính trị viên tiểu đoàn Hoàng Niệm kịp thời chỉ huy bộ đội phản công quyết liệt, đánh giáp lá cà bằng tiểu liên, lựu đạn, và cả lưỡi lê nữa. Kết quả đơn vị đã giành lại được cột cờ! Trung đoàn trưởng Vũ Lăng nhẩm tính lại, căn cứ vào các báo cáo của Chính trị viên Hoàng Niệm, các chiến sĩ đã trải qua 20 lượt giành đi giật lại cái cột cờ từ sáng tới trưa.

Đợt tiến công tạm ngừng. Hai bên giữ nửa quả đồi C1. Trung đoàn trưởng Vũ Lăng được lệnh về Bộ chỉ huy chiến dịch họp. Trong cuộc họp này, về sau được Thiếu tướng Nguyễn Dũng Chi nhớ lại, ông gọi là hội nghị "sấm sét" sơ kết ở Mường Phăng. Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã "xát xà phòng" (tiếng lóng - có nghĩa là phê bình) các bộ tư lệnh đại đoàn, các ban chỉ huy trung đoàn chủ chốt.

Tiểu đoàn trưởng Dũng Chi được Thiếu tướng Lê Thiết Hùng, đại diện Tổng quân ủy cho hay: "Anh Văn bảo trong số các trung đoàn trưởng chỉ huy, chỉ có Vũ Lăng là ít vấp váp nhất". Còn Thượng tướng Vũ Lăng kể lại:

"Anh Văn phê bình rất nghiêm khắc tư tưởng chủ quan của cán bộ. Chính vì tư tưởng chủ quan ấy mà có những trận đánh không gọn gàng, tuy thắng nhưng cán bộ, chiến sĩ thương vong nhiều. Có thể nói chưa bao giờ tôi thấy anh nóng giận. Vậy mà lần ngày anh phải tỏ ra rất không hài lòng".

Sau cuộc họp, Vũ Lăng được gọi đến hầm làm việc của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ông hồi hộp bước vào và ngạc nhiên khi nhìn thấy nét mặt tươi tắn của Đại tướng. Rót nước cho ông uống, Đại tướng nhìn thẳng vào ông, ôn tồn nói: - C1 tốt đấy! Nhưng C2 phải rút kinh nghiệm.

"Chỉ mới có bằng ấy câu thôi, tôi đã ứa nước mắt vì thấy mình có khuyết điểm, thấy cấp trên đã hiểu mình, cấp trên rất độ lượng, khoan dung.... Chỉ cần có bằng ấy câu thôi, tôi cũng đã thấm sâu tất cả những ý gì mà anh Văn muốn phê bình, và cũng muốn cổ vũ tôi, an ủi tôi, đồng thời chỉ thị cho tôi nữa", Thượng tướng Vũ Lăng nhớ lại trong hồi ký.

Làm chủ đồi C1

Đang họp ở Bộ chỉ huy chiến dịch tại Mường Phăng thì có tin quân Pháp cho xe tăng phản kích chiếm lại C2. Vũ Lăng được lệnh rời cuộc họp trở về tức khắc. Vừa mới tới sở chỉ huy tiền phương, ngoài C1 báo về: địch phản kích lần này rất mạnh và đã chiếm được cột cờ. Lần này chúng còn đem theo hai súng phun lửa. Chiến sĩ ta chưa hề được nom thấy loại súng này bao giờ, chứ chưa nói tới việc hiểu được tính năng tác dụng của nó.

Quân hai bên giáp nhau, chỉ cách nhau có vài chục mét. Bên ta mất 2/3 quả đồi, bị dồn xuống một thế thấp. Anh em cán bộ chiến sĩ tuy đã mệt mỏi lắm, nhưng vẫn kiên quyết xin cho đánh. Thái độ ấy càng cổ vũ và củng cố lòng tin của Trung đoàn trưởng Vũ Lăng. Cùng lúc đó, Bộ chỉ huy chiến dịch tăng cường cho Trung đoàn 98 một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 176 (Đại đoàn 316) đánh C1 và một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 9 (Đại đoàn 304) đánh C2.

Cuộc chiến đấu giữa ta và địch bất phân thắng bại. Đơn vị trợ chiến của Trung đoàn 176 đã sang. Nhưng điều mà Vũ Lăng rất lo lắng là đơn vị này vốn chỉ quen tiễu phỉ, chưa có kinh nghiệm công kiên, phòng ngự. Ông phải sang đơn vị trợ chiến gặp đại đội trưởng chủ công Lê Văn Dỵ (được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2008) bàn cách tổ chức phòng ngự chung và bàn cả cách tranh thủ bắn tỉa tiêu hao địch. Trung đoàn trưởng Vũ Lăng còn cho vận dụng kinh nghiệm "đánh lấn" của Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308) ở đồi C1 để đánh địch.

Đêm 30/4/1954, theo đúng kế hoạch, Trung đoàn 98 bắt đầu chuyển sang tấn công. Đồi C1 lại chìm ngập trong lửa khói. Một loáng sau tin chiếm được cột cờ bay về làm tưng bừng cả sở chỉ huy. Từng đợt phản công của địch sau đó đều bị chặn đứng. Sau 30 ngày đêm chiến đấu cực kỳ ác liệt, Trung đoàn 98 hoàn toàn làm chủ đồi C1. Một mặt tăng cường phòng ngự ở C1, mặt khác Trung đoàn trưởng Vũ Lăng chỉ huy gấp rút chuẩn bị đánh xuống C2.

Thượng tướng Vũ Lăng (1921 - 1988) tên thật là Đỗ Đức Liêm, quê tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là vị tướng lập được nhiều chiến công lớn trong các chiến dịch Điện Biên Phủ (1954); Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) giải phóng Buôn Ma Thuột và tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, cắm cờ trên nóc tòa nhà Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa trong Chiến dịch Hồ Chí Minh (1975). Năm 2019, Thủ đô Hà Nội đã gắn biển con đường mang tên Thượng tướng Vũ Lăng tại huyện Thanh Trì.

"Đã có đêm tôi ra trận cùng với anh em để kiểm tra và cổ vũ, hướng dẫn cho họ mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Nom những người chiến sĩ lấm láp, hì hục với chiếc xẻng sáng loáng trong chiến hào, mặt bóng nhẫy mồ hôi, loang lổ vết máu, lòng tôi cuộn lên biết bao niềm kiêu hãnh, cảm thương khó tả. Chính họ, những người anh hùng ấy đã gây một tác động mãnh liệt tới tinh thần và quyết tâm của tôi trong suốt cuộc chiến đấu ấy, cũng như mãi mãi về sau này" (Ký ức về Điện Biên Phủ của Thượng tướng Vũ Lăng).

Kiều Mai Sơn

Nguồn tin: cand.com.vn