Tiền điện tử, tiền ảo và những nguy cơ: Người dân cần nêu cao cảnh giác

1. Cuối tháng 1, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt giữ một nữ quái có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản để đầu tư tiền ảo.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2012 đến nay, bà T. đã giao cho Phương sử dụng khoảng 116 tỉ đồng đế lập 47 sổ tiết kiệm gửi tiến tại hai ngân hàng ở Hà Nội. Đến hạn tất toán, Phương lại được giao đến làm thủ tục gia hạn 47 quyển sổ trên tại các ngân hàng này. Do bà T. và ông L. (chồng bà T) không bao giờ đến ngân hàng để giao dịch hoặc gia hạn sổ tiết kiệm nên Phương đã nảy sinh ý định chiếm đoạt. Phương giả chữ ký của bà T. và chồng để thực hiện giao dịch rút hết hơn 100 tỉ và lập sổ tiết kiệm mới mang tên mình chỉ tử 5-10 triệu đồng.

Các nạn nhân căng băng-rôn tố cáo IFan lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng.

Sau đó Phương đã photo lại toàn bộ 47 quyển sổ tiết kiệm mới rồi khéo léo cắt phần thông tin cá nhân của bà T. trong 47 quyển sổ photo trước đó dán đè vào phần thông tin của mình trên sổ mới. Như vậy, nếu không kiểm tra, bà T. hoàn toàn không thể biết được tiền của mình đã bị “bốc hơi” và tin tưởng 47 quyển sổ tiết kiệm hơn 100 tỉ của mình vẫn được gửi trong ngân hàng. Toàn bộ sổ tiền chiếm đoạt được, nữ nhân viên kế toán đã đầu tư vào tiền ảo oneCoin và bị thua lỗ.

Đến ngày 13-1-2021, bà T. kiếm tra 47 quyển sổ tiết kiệm mới “ngã ngửa” khi biết sổ đã bị Phương làm giả nên đã trình báo Cơ quan công an. Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Thị Phương, đồng thời tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

2. Ước tính có khoảng 1 triệu người sở hữu và tham gia giao dịch “tiền ảo” với số tiền giao dịch hằng ngày lên tới vài trăm tỷ đồng. Chỉ riêng trên sàn giao dịch tiền ảo Remitano, khối lượng giao dịch hằng ngày giữa tiền ảo và tiền VNĐ vào khoảng từ 70-100 tỷ đồng, thời kỳ cao điểm có thể lên tới 300-400 tỷ đồng/ngày.

Một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi đầu tư tiền ảo thua lỗ.

Còn theo trang web “www.coin.dance”, khối lượng giao dịch theo tuần tại Việt Nam khoảng 1.615 tỷ đồng/tuần... Các sàn tiền ảo lớn đang được nhà đầu tư Việt Nam giao dịch, mua bán, đầu tư, lưu trữ là Binance, Okex, Houbi, Bittrex, Remitano, Santienao, Kenniex... Bên cạnh đó, nhà đầu tư còn giao dịch thông qua các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội, ứng dụng gọi điện, nhắn tin qua mạng (Telegram, Whatapp, Viber, Facebook...).

“Lợi dụng tính ẩn danh của các đồng tiền ảo, hầu như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này thường không đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng chủ yếu là đầu tư tài chính hoặc ICO các đồng “tiền ảo”. Các đối tượng và nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với nhau thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo...) và huy động thu lợi bằng tiền ảo thay vì tiền VNĐ như trước đây.

Một số mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo trên không gian mạng phổ biến hiện nay như: Đầu tư ngoại hối, ủy thác đầu tư tài chính; chào bán cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp; ICO các đồng tiền ảo; Mô hình giao dịch nhị phân. Tình hình vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp trên không gian mạng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước với nhiều phương thức thủ đoạn mới”, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết.

Theo đó, các đối tượng thường sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi để tạo lòng tin cho nhà đầu tư tham gia như tổ chức các sự kiện hoành tráng, các diễn giả tham gia là những người giàu có, doanh nhân nổi tiếng, các nhân vật có địa vị trong xã hội (các cán bộ từng đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước...); các diễn viên, ca sĩ, người mẫu nổi tiếng (vụ việc IFan lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng đã sử dụng hình ảnh của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng để thu hút và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư...).

Thứ hai là tạo ra nguồn thu nhập thụ động lớn suốt đời với chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhà đầu tư chỉ cần có máy tính hoặc điện thoại là có thể kiếm được hàng trăm triệu một tháng mà không phải làm gì nên đã thu hút được hàng triệu người tham gia.

Thứ ba là sử dụng không gian mạng để quảng cáo, quảng bá sản phẩm trên các hội nhóm, diễn đàn trên mạng xã hội có nhiều thành viên tham gia nhằm tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Thứ tư là đưa ra một số giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước hoặc các giấy chứng nhận của nước ngoài để tạo niềm tin cho nhà đầu tư về tính hợp pháp của dự án đầu tư.

Thứ năm là có sự cấu kết giữa các đối tượng người nước ngoài và Việt Nam trong tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp để gây dựng lòng tin, đánh vào tâm lý sính ngoại của người tham gia để thu hút tiền nộp vào. Vòng đời của một sản phẩm các đối tượng lập ra rất ngắn (khoảng vài tháng) đến khi lôi kéo được số người tham gia lớn với số tiền lớn hoặc khi mất khả năng thanh toán, chi trả cho nhà đầu tư các đối tượng đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Thời gian qua, lực lượng Công an đã triển khai công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn đối với hoạt động phạm tội có liên quan tiền ảo, đã tiến hành xác minh, điều tra hàng chục chuyên án, khởi tố và bắt giữ nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp sử dụng tiền ảo để thực hiện hành vi phạm tội, chiếm đoạt tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về “tiền ảo”. “Tiền ảo” chưa được ghi nhận trong bất cứ văn bản quy phạm pháp luật nào của hệ thống pháp luật dẫn đến nhiều hệ lụy xấu cho an ninh tiền tệ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, gây mất trật tự an toàn xã hội.

"Việt Nam cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào; nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo không được pháp luật bảo hộ. Người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo", đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo.

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh khẳng định: Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa.

Theo Điều 105 Bộ luật Dân sự, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bao gồm cả bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở 1 trong 4 dạng. Thứ nhất, vật đó phải là bộ phận của thế giới vật chất, tồn tại dưới dạng chất rắn, lỏng, khí và con người có thể chiêm ngưỡng, kiểm soát được, như nhà cửa, ô tô, xe máy...

Thứ hai, tiền - phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành và được Nhà nước bảo hộ.

Thứ ba, giấy tờ có giá trị, có thể chuyển giao được trong giao lưu dân sự.

Thứ tư, quyền tài sản, tức quyền giá trị được thể hiện bằng tiền, bao gồm quyền đòi nợ, quyền sử dụng đất, quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ...

Đối chiếu các quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong 4 dạng trên.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhiều lần khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, ngày 21-7-2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề tiền ảo, khẳng định: "Tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng (phương tiện thanh toán không hợp pháp) làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (đã sửa đổi, bổ sung).

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư tiền ảo

Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), Hiện tại, NHNN không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Ông Sơn phân tích, trên thực tế vẫn còn có doanh nghiệp thực hiện huy động vốn bằng tiền ảo thời gian qua. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

NHNN khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo.

Cũng theo đại diện NHNN từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Bộ Tư pháp xây dựng đề án và tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện khung khổ pháp lý trong vấn đề tiền ảo, tiền mã hóa. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã hoàn thành đề án trình Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính làm đầu mối triển khai nghiên cứu và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo. Tháng 5-2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

M.Tiến - M.Trí

Nguồn tin: cand.com.vn