Tiếng đàn của thần rừng


Sáng mờ sương, tôi dậy sớm, rón rén từng bước chân trên mặt gỗ nhà sàn, cố để không phát ra tiếng động. Nhưng chủ nhà trọ đã dậy từ lâu. Ở xứ mờ sương này, gà cứ như thể thức suốt đêm mà eo óc gáy, chưa chuyển canh đã le lói tiếng gà.

Bên bếp lửa, con gái chủ nhà đang học lớp chín vừa trông nom cám bã, vừa ý tứ vùi ít khoai sắn chờ khách dậy sẽ đặt thêm vào mâm cơm bữa sáng. Tất cả thiếu nữ ở bản cùng lứa với cô bé này đều được coi là lao động chính trong nhà. Trừ lúc đến trường, cuộc sống của họ chủ yếu xoay quanh nương rẫy, bếp lửa và dưới sàn nhà.

Tôi mở chuyện cùng cô gái nhỏ: "Suốt đêm qua chị cứ mơ màng, nghe thấy cả tiếng đàn như tiếng suối rót từ sâu bên trong lòng núi rồi chảy khắp những mái nhà, đường sá, vườn tược… Gần đây có con suối nào không?".

Thiếu nữ vừa cời lửa, vừa đáp khẽ: "Có đấy, chị men theo đường mòn, tới lưng chừng bản sẽ thấy một bên là cánh đồng, bên kia là vách núi. Vách núi hình mặt người, nhưng nhìn kĩ lại là hình cây đàn. Người già kể, bản Thái của em được sinh ra từ những tiếng đàn".

Leo ngược dốc, tôi đi ngang qua vách núi hình cây đàn đang vang lên muôn tiếng bổng trầm, róc rách. Con dốc ngập tràn hoa ngũ sắc là ranh giới chia đôi hai bản người Thái trắng và Thái đen, cùng nhìn ra cánh đồng thoai thoải. Mùa màng đã xong xuôi, thóc lúa ngủ kỹ trong bồ, ruộng đồng trơ gốc rạ.

Thỉnh thoảng, từng đàn chim tìm những hạt lúa sót còn ngậm sương bay phập phù trước mặt. Đàn bướm hoang im lìm như những miếng vải nâu loang màu chọn bám lên loài cây hoa đỏ rực. Tiếng suối đầy mê dụ, đến mức tôi đã ở sát sạt rồi, bước qua cả vạt lau rừng tim tím lúc nào không hay.

Kỳ lạ thay, trước mắt tôi chỉ là một dòng chảy nhỏ, mảnh dẻ, se sẽ lách qua rễ cây rừng. Cảm giác dòng chảy ấy không thể đủ sức tạo nên cung bậc thanh âm huyền diệu kia. Cứ hồ nghi, hay nước nghe hơi người mà trốn đi đâu mất. Mãi tới khi cất bước trở về, tôi chợt nhận ra, rất có thể tiếng suối vọng sâu trong lòng núi, chân càng bước xa, tai càng nghe thấu.

Tôi hỏi người dân qua đường về tiếng suối mình luôn gặp trong mơ, về dòng chảy mỏng mảnh của thực tại tưởng chừng không thể nào vang xa đến thế. Lạ thay, những người đàn ông im lặng, phụ nữ thì reo lên.

Họ đều bảo, chẳng có đâu mà suối, là tiếng đàn đó thôi. Đàn của thần rừng trong truyện cổ cả nghìn năm trước. Nói rồi ai cũng chỉ tay về "khau cút" phía nóc nhà ở bản mình: "Sừng trăng đấy, người đi xa, dù còn hay mất, tai nghe đàn, mắt nhìn khau cút là về được bản mình, nhà mình, không sợ lạc".

*

Không ai biết tôi đến với miền sương trắng này chỉ để trốn chạy một câu chuyện mờ nhòe, buồn tủi. Tôi sinh ra ở ngôi làng nhỏ, nhà dựa lưng vào núi, trước mặt là sông, quanh năm sông núi chở che gần gụi và lặng lẽ. Tính cho tới khi tôi xa quê học hành, cư ngụ, chưa một lần núi sông biến động.

Bao mùa giông bão, lũ lụt, đi cũng chưa thấy cây lớn nào gãy đổ, chưa mỏm núi nào sụt đi... Cảm giác ấm áp, lành hiền vỗ về tôi cả khi xa cách. Ấy vậy nên khó tránh khỏi hoang mang khi những miền đất quanh ta biến động. Không ai có thể mặc nhiên mà an vui riêng mình…

Tôi và Du cãi nhau chỉ vì những chuyện anh cho rằng đó thuộc về phần "thiên hạ". Bao số phận nhỏ nhoi bị vùi lấp trong nhiều trận sạt lở. Dịch bệnh tràn lan tưởng chừng chộp vào ai thì người nấy chịu. Sau mỗi chuyến tác nghiệp, tâm trí tôi tan loãng rồi như bị rút kiệt.

"Em suốt ngày bao đồng, lo cho thiên hạ, cái nhà này nếu anh không gánh gồng kinh tế rồi việc họ hàng quê quán thì em còn rảnh rỗi để bao đồng không? Anh đã nói bao lần, tốt nhất là em nên nghỉ việc". Câu nói của Du đẩy tôi ra khỏi nhà.

Chúng tôi từng có con. Một thiên thần bé bỏng nằm trong bụng tôi, chỉ chờ đến khoảnh khắc tuyệt diệu và đủ duyên cớ sẽ chào đời. Trong chính buổi sáng Du rời thành phố về quê lo chuyện họ mạc, cú trượt cầu thang đã phũ phàng tách thiên thần bé bỏng ấy ra khỏi cuộc đời chúng tôi. Đó mãi là mối dằn vặt, uất hận của Du. Rằng lẽ ra tôi phải hết sức cẩn thận, lẽ ra đã có người giúp việc thì tôi không nên rời khỏi căn phòng, lẽ ra tôi nên về quê theo anh...

Minh họa: Đỗ Dũng

Suốt thời gian trọ lại ở làng bản, tôi thường băng qua con dốc đầy hoa ngũ sắc, ghé vào một nhà nào đó, tần ngần ngồi cả buổi xem phụ nữ Thái đen thêu khăn piêu. Bà lão đã ngoài bảy mươi tuổi, không hiểu tiếng Kinh, nói chuyện với tôi bằng nụ cười và bàn tay ram ráp, ấm nóng.

Thỉnh thoảng, bà đưa tay chạm tay vào má, vào vai tôi, ấm nồng như bà, như mẹ thuở tôi còn ở quê ngồi trên chiếc ghế gỗ con con xem người lớn thổi cơm. Từng mũi kim thêu sáng nhoi nhói trên mặt vải thổ cẩm nhuộm chàm. Màu chàm loang thẫm, cáu bện vào đôi tay.

Cuộc đời phụ nữ xứ này, nếu cứ đến tuổi thiếu nữ rồi lấy chồng, sinh con, lao động và thêu thùa, thì đôi tay luôn mang màu chàm thẫm. Sắc màu ấy đối lập hoàn toàn với từng đường chỉ thêu xanh, đỏ, tím, vàng rực rỡ, an nhiên. Những đường díc dắc, răng cưa, sợi dây tình yêu dần hiện lên mặt vải như phép màu kỳ lạ.

Nhà có khách, đồng bào Thái mặc nhiên hồ hởi bày ra cả bữa tiệc toàn rau, quả rừng xen lẫn chẩm chéo và cá suối. Con gái bà cụ đi làm nương về muộn, tắm giặt xong là sà vào cơm nước. "Đàn ông trong nhà làm ăn xa cả, ngày xưa thì lên mạn công trình thủy điện, giờ xuống Bắc Ninh, Hưng Yên làm công nhân ở khu công nghiệp. Bố em mất lâu rồi, từ khi chúng em còn rất nhỏ, em không nhớ mặt ông được nữa. Bản này giờ chỉ toàn đàn bà con gái. Em tên Xinh", cô gái vừa rót rượu, vừa trò chuyện rất tự nhiên.

Tôi nhoẻn cười khi nghe tên cô. Cô cũng xinh thật. Tóc búi gọn sau gáy, cài cây trâm bạc, cổ cao ba ngấn vương những sợi tóc mảnh mai dịu nhẹ. Khuôn mặt Xinh mang vẻ đẹp thăm thẳm với đôi mắt ướt, làn môi hơi cong và sống mũi thẳng tắp. Như cô mà ở phố, có khi là hoa hậu, người mẫu cũng nên.

- Hiếm thấy ai đi du lịch một mình, chắc có người khiến chị buồn mà lên đây trốn thôi…

- Xinh đã từng thấy ai lên bản này chỉ để đi trốn chưa?

- Có đấy, một người…

Tôi và Xinh trò chuyện đến nửa đêm. Mẹ cô ăn cơm tối xong kêu đau lưng mỏi gối, vén màn vào ngủ cùng đám cháu nhỏ. Bốn năm đứa trẻ lít nhít là cháu của Xinh, chỉ một đứa là con. Chồng Xinh mất sớm, lúc con bé hơn một tuổi. Đau đớn, tủi phận, vài năm sau tang lễ, nàng dâu trẻ gạt nước mắt xin nhà chồng được "hạ tằng cẩu", gỡ trên đỉnh đầu xuống búi tóc dài đen nhánh, để từ nay không còn làm "con ma nhà người".

Mẹ cô mang lễ vật băng rừng, vượt núi đến quỳ lạy, xin nhà trai thương xót mà nhận lễ cho. Đứa con gái sớm mồ côi cha, từng theo không về làm dâu nhà khác nay thành góa phụ. Anh rể, em rể Xinh đều làm ăn xa, mấy chị em gái ở nhà làm thuê theo mùa vụ. Trước Tết hái cam, sau Tết hái chè, chăm nom vườn đào vườn mận đang kỳ đậu quả. Làm gì thì cũng khoác trên vai tay nải bằng vải cũ, trong đựng cơm nếp, muối chẩm chéo để trưa nghỉ tay sẽ ăn.

*

Người duy nhất ngoài tôi lên bản này để trốn chạy là thầy giáo Tình. "Thầy giáo lên bản dạy trẻ con được ba năm chưa thấy "đòi" về. Có cái chữ, con gái bản này lười lấy chồng hẳn, đua nhau học giỏi để còn xuống thành phố chơi. Thầy giáo bây giờ được quý hơn cả lão thầy mo già này rồi", ông Thưởi, thầy mo có tiếng khắp vùng mời tôi uống trà, giọng vẻ như than thở nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui rõ rệt.

Thầy giáo ngồi bên ông, từ tốn chuyện trò. Quê anh miền biển, cha anh vĩnh viễn nằm lại khơi xa sau bão biển. Đàn ông làng ai bước lên thuyền đận ấy đều không trở về. Chính Tình cũng không ngờ, mình sinh ra ở biển, cố gắng học hành, đỗ đạt rồi lại chọn núi rừng mà gắn bó.

Anh kể, khi đang kỳ thực tập năm cuối đại học thì mẹ anh mắc bạo bệnh qua đời. Lúc hấp hối, bà cứ nắm chặt tay đứa con trai duy nhất để đòi được theo cha anh, được đưa về phía biển tìm chồng… Biển khơi êm đềm suốt tuổi thơ anh, cũng là niềm đau đớn đến quặn thắt. Từng đợt sóng ngoài kia phả hơi mặn vào đôi mắt ầng ậng nước. Tình đi về phía núi rừng. Bốn bề chìm trong biển mây, cây cối cứ rằng rịt, bám riết, kể cũng hay, niềm chông chênh dần dần dịu lắng.

"Thiên nhiên sẽ khiến con người khuây khỏa. Ở đây một thời gian là chị nghiệm ra…".

"Ngay cả khi trời có sụp xuống, đất có lún sâu, chẳng ai lại nghĩ đó là lỗi của núi sông đâu chị nhỉ?".

Giọng thầy Tình ấm áp, thân gần như ruột thịt. Anh đã gặp ánh mắt rơm rớm, vô hồn của tôi nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại. "Đơn anh ký và để sẵn trên bàn, em về lúc nào thì ký vào, anh công tác xong chúng ta sẽ dứt điểm. Không thể sống mãi trong sự nhạt nhòa, vô định được".

Tin nhắn từ Du khiến tôi khuỵu xuống. Chưa bao giờ tôi nghĩ, khi mình đang trong cuộc trốn chạy này, lại đối diện với cuộc đổ vỡ khác, lớn lao và khó hiểu đến thế. Chúng tôi đã bên nhau gần mười năm, kể từ thời đại học. Sự rạn nứt, vỡ vụn chắc chắn không thể đến từ cái gọi là bao đồng, bất cẩn mà anh đẩy cho tôi.

"Cô ấy trúng gió rồi, gọi cô Xinh mang qua đây ít bạc".

"Bạc trong nhà sẵn mà, không cần gọi nữa".

"Thầy Tình cứ gọi thêm phụ nữ bản sang đây!".

Những giọng nói vẫn vang bên tai tôi mà toàn thân buốt lạnh. Tôi cảm giác mình nằm trên một dòng suối nhỏ. Từ đáy sâu vang vọng những tiếng đàn. Rồi âm thanh đẩy tôi lên cao, cao mãi, vượt qua cả tán rừng, vượt qua muôn tầng mây. Mặt trời đối diện với mặt người, không chói chang mà dịu dàng thương xót.

*

Đêm mùa xuân, buồn vui gì cũng cứ chộn rộn. Xinh nằm bên tôi, ân cần hỏi han, chăm sóc dù tôi chỉ cảm sốt qua loa. Tôi hỏi lại cô, làm sao qua được những đêm dài, khi bên cạnh toàn mái đầu "tằng cẩu" của đàn bà trong bản, có bao giờ cô thấy chông chênh… Xinh cười trong đêm, mắt ướt thêm, như sương vừa đọng. Giọng cô rủ rà rủ rỉ, có thế nào thì rừng vẫn chở che, và đất luôn ấm áp.

Xinh cảm nhận được điều đó trong chính niềm tủi phận, mất mát của mình. Lúc về nhà chồng năm mười sáu tuổi. Lúc nghe tin chồng qua đời. Lúc ngồi giữa bản làng, họ mạc làm lễ hạ "tằng cẩu". Lúc câm lặng thêu khăn piêu suốt đêm. Khi ấy, mọi thứ váng vất, chung chiêng lắm. May rằng, đất dưới chân người vẫn vững, và rừng đủ ngút ngàn ôm trọn mọi nỗi đau.

"Rồi em cũng có tình yêu mới chứ?", tôi khẽ hỏi. Má Xinh ưng ửng, mắt vẫn nhìn lên nóc nhà. "Có, mà rồi thành không! Người ta thương mình nhưng không bắt họ thương cả con mình được. Người ta không muốn thì mình chịu thôi", giọng cô nghèn nghẹn.

Qua trận mưa lay phay dìu dặt trong đêm, hoa mai anh đào bỗng nhiên nở sớm. Vườn nhà nào nhà nấy đều rực lên như những tấm chăn hồng. Cuộc đời nhiều khi buồn đấy, nhưng vẫn nên tin vào những điều êm ấm, để mà sống tiếp thôi.

Xinh xăm xắn mở một gian hàng. Cô tự tay chặt tre, xẻ ván, đóng đinh, lợp gianh, bày biện ít nông sản để du khách nào muốn thì mang về xuôi. Nào có nhiều nhặn gì, vẫn là những quả bưởi, quả cam hằng ngày đồng bào mang mời khách. Thêm mấy bó ngồng cải, rau dớn, dăm lọ chẩm chéo, vài treo thịt khô.

Chủ nhật, con gái và các cháu được nghỉ học, cũng líu ríu sắp đặt, thêm thắt gian hàng. Trời lạnh, nhưng nắng ấm vẫn cuồn cuộn bừng lên. Cảm tưởng mọi gam màu cứ lấp lánh như thổ cẩm đàn bà con gái xứ này thêu lên khăn piêu bất kể ngày đêm. Trong chính khung cảnh ấy, tôi gặp vạt khăn piêu bay chấp chới để lộ vùng thắt lưng mềm mại của Xinh. Buổi sáng đẹp một cách kỳ diệu đó, không chỉ mình tôi thơ thẩn đứng nhìn cô.

- Bé Thi rất ngoan và sáng dạ, Xinh đừng bắt con nghỉ học lên nương và thêu khăn…

- Không thêu khăn piêu thì không lấy chồng được đâu. Không làm nương thì cái lưng nó khinh ông trời, chỉ biết được những chuyện đằng sau gáy.

- Sao thế được, tôi nói với Xinh thế này…

Vẫn giọng nói thâm trầm, thầy giáo Tình chuyện trò với Xinh bên bếp lửa, ngay dưới sàn nhà. Xinh đã cho tôi xem gia tài khăn piêu thêu suốt thời con gái đến bây giờ. Thật khó mà tin nổi. Ba chiếc rương gỗ xếp chật góc nhà sàn, toàn khăn piêu.

Xinh thêu đẹp nhất vùng, nhiều khăn nhất vùng, nhưng chưa bao giờ được mang về nhà chồng, giờ chồng mất rồi cũng chỉ nghĩ những chiếc khăn sẽ ngủ giấc dài, ngủ thay những con người lam lũ. Trong bản, cũng có người thương Xinh, muốn cưới cô làm vợ, nhưng nhà bên ấy mời thầy mo về "đuổi tà" cho con trai khỏi u mê. Cuối cùng, đêm trăng bên suối, người ấy một mực vẫn muốn cưới Xinh, nhưng đòi cô cho đứa con gái ruột làm con nuôi nhà khác.

"Xinh đã trao hết cho người đàn ông đó, thêm lần nữa cho nó làm con người ta thì có sao đâu, mình lại có với nhau những đứa con khác", giọng người đàn ông cùng bản an ủi, mời mọc và lạnh băng như đá núi. Xinh thấy tai mình ù đi, dọc xương sống tê lạnh. Nếu người ta thương mình thật bụng, phải hiểu rằng mình đã rất đau. Đau đến mức lãng quên cuộc đời mà mình đang sống. Nếu không vì đôi mắt long lanh của bé Thi mỗi sáng đến trường, không vì những chiếc khăn piêu chờ trao cho con gái, thì Xinh đâu thiết sống.

*

- Thầy giáo Tết vừa rồi có về quê không?

- Em không về chị ạ! Em thường mơ cha, mẹ trở về, nhìn em cười nói. Cha mẹ em bảo, ở đâu cảm thấy sự ấm áp và che chở chính là ở đó có mẹ có cha…

- Rồi đã có nàng sơn nữ nào lọt vào mắt chưa đấy?

- Người ta còn khó với em lắm. Người phụ nữ, khi trải qua nhiều đau đớn, có lúc hi vọng mở ra rồi lại đóng sập, trái tim họ cũng hóa băng rồi…

- Hóa băng nhưng làm tan băng là ở mình chứ, đâu phải chỉ ở người ta…

Trong cuộc trò chuyện với thầy giáo Tình, phần nhiều chúng tôi toàn nói về ký ức. Tình kể, ngày đầu tiên anh đặt chân tới đây, gặp Xinh đi làm nương dắt theo con gái. Anh đưa cho con bé gói kẹo, nó nhoẻn miệng cười, huơ huơ đôi tay về phía trước, ý như muốn theo. Bỏ lại sau lưng thành phố, miền quê, tự xa rời muôn nỗi thân quen, gần gũi, đó là khoảnh khắc đầu tiên khiến Tình thấy xao động, ấm lòng. Mình vẫn có ích, ai đó vẫn cần mình…

"Ở đây có phong tục, hễ một chàng trai ưng cô gái nào thì mang khăn piêu đi mà dạm hỏi. Cô gái không ưng sẽ tìm cách mang trả lại, bằng không, chẳng nói gì là tốt đẹp rồi đấy", thầy mo Thưởi gợi ý cho thầy giáo miền xuôi. Bên bếp lửa, nét mặt anh vừa bần thần, vừa xốn xang.

Tôi lấy trong túi xách của mình chiếc khăn Xinh tặng. Xinh tặng tôi, nhưng câu nói lửng lơ: "Em tặng chị, chị giữ thì giữ, mà ưng tặng ai thì cứ tặng thôi". "Thế mình trao cho chàng trai đang cần khăn piêu để ngỏ lời thương nhớ Xinh, có ưng cái bụng không?", tôi hỏi. Xinh mủm mỉm cười, mặt đỏ nhừ như say rượu. Con gái cô đang học bài, hóng được chuyện, đứng phắt dậy reo to thành tiếng.

*

"Mày về ngay đi, có chuyện lớn rồi!", Hạnh, bạn thân của tôi gọi điện, giọng gấp gáp. Tôi chưa rơi một giọt nước mắt nào thì Hạnh đã khóc um lên. Vừa nấc, vừa nói trong cơn tức tưởi, hoảng loạn: "Lão Du phản bội mày từ lâu lắm rồi. Lão có con riêng ở quê. Ngày mày bị ngã cầu thang, chính là lão về quê xem mặt người ta. Chính họ hàng, bố mẹ lão đưa lời mai mối. Chỉ bọn mình ngu muội mới không lường được lòng dạ con người".

Tôi ngồi bên dòng suối cạn, nước róc rách như tiếng đàn rót thẳng vào tai. Giọng Hạnh như cũng tan theo nước. Tôi, Hạnh và Du ngồi chung bàn ghế giảng đường và sống cùng khu ký túc xá suốt bốn năm đại học. Hai đứa trong nhóm yêu nhau, Hạnh nhất mực tin vào tình yêu đó, hồ hởi sẻ chia, vun đắp đủ đường. Có những lần, tôi và Du cãi cọ, tôi lẩn trốn vào một góc nào đó giữ thành phố ồn ào, Hạnh tất tả đi tìm. Chỉ cô bạn thân biết tôi ở đâu, tôi cần gì.

"Tao sẽ ký vào đơn ly hôn, và không bao giờ tha thứ cho Du. Không phải bởi cuộc hôn nhân đổ vỡ, mà vì Du đã phản bội tình bạn của chúng ta…", tôi nhận ra mình rất bình tĩnh, tỉnh táo khi đối thoại với Hạnh. Đôi khi, tôi từng nghĩ rằng, nếu cứ mãi là bạn, bước song song thì chúng tôi mãi có nhau. Còn những dấu bước trùng, chưa hẳn sẽ lưu giữ được những điều trong trẻo và đáng quý.

Tôi không trách Du đã nói dối, đã đổ lỗi sang tôi, đã ngấm ngầm dấn vào mối quan hệ khác, đã sống bên tôi nhưng chưa bao giờ coi tôi là gia đình... Cũng như, tôi từng có cảm giác không thể tha thứ cho mình khi đánh mất đứa con. Nhưng giữa cơn đổ vỡ này, khi phải đối diện nó ở miền đất xa lắc, tôi thấm thía, ngậm ngùi mà nghĩ rằng, cuộc hôn nhân của chúng tôi, không xứng đáng được đón chào thiên thần nhỏ. Những thiên thần cũng biết khước từ mái nhà không hạnh phúc theo đúng nghĩa.

*

Trên chuyến xe đêm trở về thành phố, tôi cứ nghĩ mãi đến cái dáng dấp lầm lụi, cần cù của Xinh. Cô nắm tay con gái, đứng bên cạnh thầy giáo Tình, tiễn tôi về xuôi. Lại ngang qua vách đá hình mặt người, cũng là hình một cây đàn bốn mùa trầm bổng. Lại băng con dốc tràn hoa ngũ sắc, lung linh đấy mà đầy gai nhọn.

Buổi trưa trước lúc chia tay, mẹ của Xinh lại hồ hởi bày ra bữa tiệc toàn rau quả rừng. Bà hỏi tôi: "Ở bản có nghe được tiếng đàn không?". Biết bà không hiểu tiếng Kinh, tôi khẽ gật đầu. Người mẹ già cười móm mém: "Khách ngủ ở bản mà nghe được tiếng đàn của thần rừng là bản sắp có chuyện vui, chuyện chưa từng xảy ra ở xứ này".

Thật lạ lùng. Người phương xa nghe tiếng đàn trong mơ, lại gửi niềm vui cho vùng đất khác. Niềm vui không phụ thuộc vào người bản xứ mà chính ở nỗi xa xôi. Ông Thưởi nheo nheo con mắt, miệng hấp háy cười: "Đúng rồi! Chẳng mấy người nghe được tiếng đàn đâu. Cô là nặng duyên với miền xa lắm đấy".

Truyện ngắn của Lữ Mai

Nguồn tin: cand.com.vn