Tôi và chúng ta


Một thanh niên người Mông ở Đồng Văn, Hà Giang, vốn là giáo viên trường làng quyết bỏ dạy để đến Sapa học tiếng Anh và ngành dịch vụ lữ hành nguyên một năm trời.

Sau khi “tốt nghiệp”, chàng trai Mông ấy về lại bản, biến căn nhà của cha mẹ thành một điểm kinh doanh du lịch mô hình “ở ghép” (homestay) và thành công. Với lượng khách trung bình khoảng 60 khách/tháng và mức giá 250 ngàn/ ngày, chàng trai Mông này đã gây dựng được một cơ nghiệp mới và còn tư vấn cho bà con trong vùng phát triển dịch vụ lữ hành.

Câu chuyện có hậu nhưng hậu vị ấy cũng có cả ngọt và chút đắng. Nhìn vào sâu hơn câu chuyện, ắt hẳn sẽ bật ra những câu hỏi lớn về cái “tôi” và cái “ta”.

Chàng trai này vốn dĩ học Cao đẳng Sư phạm ở Hà Nội, tốt nghiệp năm 2018. Anh về bản dạy học nhưng chỉ được hai tháng là bỏ. Lý do bỏ dạy của anh chắc chắn không chỉ nằm trong mấy giải thích ngắn gọn kiểu “không thích gò bó, đam mê du lịch” như câu chuyện được kể lại. Có lẽ, nó nằm nhiều ở đời sống. Nếu cứ làm việc như một ông giáo làng, rồi anh sẽ có gì? Lấy vợ, đẻ những đứa con, lại tiếp tục cuộc đời cặm cụi với bục giảng, và chờ đợi những đứa trẻ lớn lên thành người.

Ai cũng có ước mơ đổi đời. Từ bỏ dạy học, liều lĩnh theo học ở một địa phương khác với vẻn vẹn 500 ngàn đồng lộ phí trong túi, chàng trai ấy đã vẽ nên giấc mơ của rất nhiều người, chứ không phải của riêng mình, trở thành một bức tranh hoàn thiện.

Điều khiến chúng ta phải suy nghĩ ở đây là những người ở lại phía sau lưng của “người vẽ giấc mơ” sẽ như thế nào? Nền tảng ban đầu của việc anh ta nhận làm giáo viên là gì? Một ước mơ sống vì người khác (chúng ta) thể hiện qua việc mang con chữ về vùng sâu vùng xa ư? Hay chỉ đơn thuần chọn một ngành học phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mình, ngõ hầu nghĩ tới chuyện tốt nghiệp sẽ có việc làm?

Từ cái xuất phát vì người khác kia, bước vào thực tế với đầy những khó khăn và hình dung về một tương lai không có nhiều thay đổi, bản thân chủ thể đã bị thôi thúc phải vì cái tôi của mình trước đã. Chính vì cái tôi này, anh ta mới quyết định bỏ dạy để đi làm du lịch.

Như vậy, chúng ta càng rõ hơn một chân lý dù nó có vẻ phũ phàng. Khi chưa thể đảm bảo cho “tôi” thì rất khó đế sống theo đuổi một lý tưởng “cho chúng ta”.

Chàng trai người Mông đã có một quyết định đúng. Anh ta phải đảm bảo cái “tôi” được vững mạnh thì mới có thể nghĩ đến cái “chúng ta”. Không dạy học nữa, anh chỉ từ bỏ cái “vì chúng ta” một cách tạm thời. Bây giờ, thành công rồi, anh quay lại chỉ dẫn cho đồng bào của mình cách làm du lịch để đổi đời và đó chính là một cách “vì chúng ta” theo phương pháp khác.

Điều đó khiến chúng ta buộc phải nghĩ về trách nhiệm đối với đồng bào ở vùng sâu vùng xa. Đúng là trẻ em ở đó cần được học như bất kỳ trẻ em ở nơi nào trên cả nước, nhưng chúng cần hơn nữa việc được dạy những nghề có thể mang lại một đời sống ổn định, sung túc sau này ở ngay trên quê hương mình. Một bản, một làng có thể sẽ chỉ có vài người học để thành giáo viên, kỹ sư hay thậm chí nhà khoa học nhưng họ sẽ cần nhiều hơn những con người trưởng thành, lành nghề, đủ để bám quê mà sống, nhằm gìn giữ những nét văn hoá riêng của vùng, của miền.

Sẽ rất khó để đòi hỏi một cá nhân phụng sự vì cộng đồng nếu như cá nhân đó không được quan tâm để lớn lên, trưởng thành và có một cái tôi vững vàng. Mục đích của giáo dục không chỉ nằm ở phổ cập kiến thức mà nó cần phải được mở rộng hơn, được thiết kế cho phù hợp hơn với từng điều kiện riêng của mỗi địa phương.

Đó mới chính là thứ giáo dục bền vững, xây dựng trên nền tảng từ “tôi” đi đến “chúng ta”.

Văn Đoàn

Nguồn tin: cand.com.vn