Tranh cãi về phong trào ưu sinh ở Mỹ đầu thế kỷ XX

Tại các cuộc thi, ban giám khảo sẽ kiểm tra và xếp hạng các “thí sinh nhí” dựa trên thể trạng và trí tuệ. Và sau đó, phần thưởng sẽ được trao cho bố mẹ của các em bé chiến thắng.

Những cuộc thi kiểu này một phần là để thúc đẩy thể chất và thói quen vệ sinh cho những người mới làm cha mẹ, song các cuộc thi vốn luôn có mặt tối, và trong trường hợp này là những nguyên tắc mang màu sắc phân biệt chủng tộc của thuyết ưu sinh, một loại “khoa học ứng dụng” ủng hộ việc sử dụng các phương thức cải tạo gen, thường là gen của con người. Khi các cuộc thi trở nên phổ biến hơn, mọi chuyện đi xa tới mức việc đánh giá những đứa trẻ nhiều khi dẫn đến sự dò xét cả một gia đình.

"Những đứa trẻ tuyệt vời hơn"

Năm 1908, Hội chợ bang Louisiana là nơi đầu tiên tiến hành cuộc thi “Better Babies”. Một bài báo năm 1913 miêu tả: “Một bác sỹ sẽ chấm điểm em bé theo đúng cách người ta xếp hạng thú cưng… Đầu tiên là cần đề ra một tiêu chuẩn, sau đó là so sánh mỗi thí sinh với tiêu chuẩn đó theo thang đáp ứng 100%”.

Những em bé được xếp thành một hàng dài, sau đó các y tá và bác sỹ sẽ thăm khám từng bé rồi ghi chép và tính điểm, chiều cao, cân nặng, chu vi vòng ngực, và thể chất. Những em bé quá nhút nhát trong các bài kiểm tra tương tác sẽ bị trừ điểm. Thường thang điểm sẽ là 1.000, trong đó 700 điểm cho hình dáng bên ngoài, 200 điểm cho thể chất và tinh thần, 100 điểm cho các đo đạc khác.

Những em bé thắng cuộc sẽ nhận được những chiếc cúp bằng bạc.

Người khởi xướng cuộc thi này là một y tá có tên Mary DeGarmo, người ủng hộ những điều kiện sinh hoạt tốt đẹp hơn cho trẻ em. DeGarmo muốn các gia đình chú trọng đến việc tăng cường sức khỏe và vệ sinh trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ, vì vậy bà đã phối hợp với Jacob Bodenheimer, một bác sỹ tại Louisiana để phát triển một mẫu đánh giá, giúp các cha mẹ có thể căn cứ vào đó và xác định thành quả trong quá trình nuôi dưỡng con mình.

Gia đình các em bé tham dự một cuộc thi.

Với mẫu đánh giá của DeGarmo và Bodenheimer, các chuyên gia và các nhóm gồm các y tá và bác sĩ, đánh giá trẻ em trong độ tuổi từ 6 đến 48 tháng về các thuộc tính thể chất gồm cân nặng, chiều cao và chu vi ngực cũng như năng lực tinh thần và ngoại hình. Các phiếu ghi điểm dựa trên số liệu về các đặc tính cơ thể trung bình của Luther Emmett Holt, người sáng lập Hiệp hội Nhi khoa Mỹ. Trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XX, Holt đã thu thập dữ liệu về 100 trẻ sơ sinh khỏe mạnh, và chi tiết kích thước cơ thể nhiều trẻ sơ sinh khỏe mạnh khác.

Để đánh giá năng lực tinh thần của trẻ sơ sinh, các y tá và bác sĩ đã khởi xướng xây dựng các bài tập tương tác với trẻ và đánh giá phản ứng của chúng. DeGarmo coi cả tư chất và quá trình nuôi dưỡng là 2 yếu tố đóng vai trò quan trọng làm nên sức khỏe tinh thần và thể trạng của trẻ sơ sinh. Bà khẳng định “vệ sinh đảm bảo và hợp lý, cũng như thức ăn, quần áo và môi trường” là những yếu tố giúp làm nên các “Better Babies”.

Dựa trên nền tảng của phong trào ưu sinh của thế kỷ XX, vào năm 1890, Mary de Garmo sáng lập Hội các bà mẹ ở Shreveport, Louisiana. Tổ chức này hoạt động với mục tiêu cải thiện phúc lợi cho trẻ em bằng cách giúp các bà mẹ trong khu vực có cơ hội giao lưu và hỗ trợ nhau, cùng chia sẻ những lời khuyên để nuôi con khỏe mạnh.

Năm 1908, de Garmo lập luận rằng việc tạo ra các tiêu chuẩn để đo lường sức khỏe trẻ sơ sinh sẽ giúp các bà mẹ đo lường sự thành công của họ trong việc nuôi dạy con cái. Bà đề xuất các cuộc thi cho em bé tốt hơn, các cuộc thi trong đó các giám khảo sẽ đánh giá sức khỏe của các em bé tham gia và sẽ thưởng cho những đứa trẻ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt nhất. Theo bà, việc tập trung vào các biện pháp cải thiện sức khỏe của trẻ em càng sớm càng tốt trong thời thơ ấu sẽ giảm thiểu và ngăn ngừa dị tật sức khỏe trong tương lai ở độ tuổi trưởng thành.

Trẻ em trong một cuộc thi năm 1938.

Ý tưởng này nhanh chóng gây sự chú ý và được nhiều người biết đến. Vào những năm 1910, tạp chí Womans Home Companion đã đăng tải mẫu phiếu chấm điểm quốc gia, và cùng DeGarmo thành lập ban tổ chức các cuộc thi. Womans Home Companion nhấn mạnh: “Đằng sau sự hấp dẫn của ý tưởng này là mục đích khoa học nghiêm túc – những em bé khỏe mạnh, những em bé chất lượng, và năm này qua năm khác, Những Em bé Tuyệt vời Hơn”.

Các cuộc thi Better Babies trên thực tế đã giúp giải quyết một vấn đề lớn trong nền y tế công tại Mỹ thời điểm đó. Đầu thế kỷ XX, tỷ lệ tử vong sau sinh tại quốc gia này vẫn còn ở mức cao, ước tính cứ 1 trên 10 trẻ em sẽ qua đời trước sinh nhật đầu tiên. Các chuyên gia về y tế và quan chức chăm sóc sức khỏe công đã chật vật tìm cách cải thiện sức khỏe cho trẻ em. Vì vậy các cuộc thi này chính là cơ hội để y bác sỹ đánh giá tình trạng sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của trẻ em trên toàn đất nước.

Trong các cuộc thi đầu tiên, cha mẹ của những em bé có số điểm thấp sẽ được trao những cuốn cẩm nang giúp họ chăm sóc con mình tốt hơn. Thời điểm đó, chỉ trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng – 4 tuổi mới được tham gia, song dần dần độ tuổi của các “thí sinh” được tăng lên, và thậm chí còn có cả các cuộc thi dành cho người trưởng thành.

Mary De Garmo tin rằng các cuộc thi đã phản ánh rõ ưu nhược điểm trong bộ gen của các em bé, và rộng hơn là cả các gia đình. Thực tế bà nghĩ rằng việc khích lệ những mã gen tốt và trao thưởng cho các cha mẹ tuân thủ những lời khuyên của bà là cách để cải thiện nòi giống nhân loại.

…và góc tối gây tranh cãi

Những người theo chủ nghĩa ưu sinh tin rằng con người có thể cải thiện thế hệ sau thông qua việc nhân giống chọn lọc, giống như chăn nuôi hoặc thuần chủng các loài động vật. Phong trào này trở nên phổ biến ở Mỹ đầu thế kỷ XX khi xu hướng bài ngoại trở nên phổ biến cùng với làn sóng công nghiệp hóa và nhập cư.

William Charles Flynn, một trong những em bé thắng cuộc.

Mong muốn tạo ra một thế hệ con người tốt hơn có thể là cao cả, nhưng trên thực tế, lý thuyết này phần lớn được sinh ra từ các hệ tư tưởng phân biệt chủng tộc và thực dân. Các nhà nghiên cứu da trắng tuyên bố rằng việc “lai tạp” hay tạo ra các chủng tộc mới trên thế giới cần phải bị ngăn chặn để bảo toàn dòng giống của người da trắng cũng như bộ gen của họ.

Chính những quan điểm này đã làm “biến tướng” các cuộc thi Better Babies, nơi các gia đình “đúng đắn” – hay chính xác hơn là da trắng - được khen thưởng vì có con. Những người theo chủ nghĩa ưu sinh đã liên kết ngoại hình, trí thông minh và thậm chí cả tính cách với gen, cho rằng những cuộc thi này là thước đo đối với sức khỏe di truyền.

Vì vậy, dù các cuộc thi ban đầu tuyên bố tinh thần công bằng và nhằm thúc đẩy sức khỏe của trẻ sơ sinh trên toàn quốc, song phần thưởng cuối cùng luôn thuộc về những đứa trẻ phù hợp với định nghĩa ưu việt của xã hội: tầng lớp trung lưu, và trên hết là người da trắng.

Các cuộc thi “Better Babies” trở nên phổ biến đến mức rất nhiều gia đình đều muốn tham gia cuộc thi. Vào năm 1920, Kansas đã ra mắt cuộc thi nơi các gia đình sẽ trình bày toàn bộ gia phả để chứng minh sự ưu việt của dòng dõi mà họ kế thừa. Theo tờ Emporia Gazette, các cuộc thi này “đưa các nguyên tắc sẵn có về di truyền và khoa học, những điều đã đem đến cuộc cách tân cho nông nghiệp và gây giống, lên một tầm cao mới - ứng dụng vào các gia đình của loài người”.

Một tờ báo địa phương khác của Kansas đi xa hơn khi bình luận: “Những người dân của bang tiến bộ này không chỉ có ý định nhân giống những con vật tốt hơn. Họ đang đặt ra mục tiêu nâng cao những công dân tốt hơn, cụ thể là áp dụng một số nguyên tắc di truyền từng làm nên điều kỳ diệu trong cải tiến chăn nuôi cho con người”.

Các hội chợ trên cả nước trở thành những sự kiện còn hơn cả thi đấu. Tại đó có các gian trưng bày, nơi người tham quan có thể tìm hiểu về các nguyên tắc của chọn lọc giống và cách áp dụng chúng vào cuộc sống của chính mình. Nhiều người chưa kết hôn thậm chí còn có thể tìm hiểu cách chọn vợ hoặc chồng phù hợp với mình về mặt di truyền để đảm bảo những đặc điểm mong muốn ở con cái họ.

Khi mọi chuyện đi quá xa

Các cuộc thi “Better Babies” rõ ràng đã đi quá việc xếp hạng trẻ em. Định nghĩa về sự khỏe mạnh và vượt trội ở những đứa trẻ này không thể tách rời khỏi ý tưởng rằng người da trắng khỏe mạnh và vượt trội hơn hẳn với những người khác vì bộ gen của họ.

Một cuộc thi “Better Babies” tại Hội chợ Hạt Shelby.

Những người theo thuyết ưu sinh cho rằng các suy nghĩ yếu đuối hay thậm chí cả nghèo đói đều là các đặc tính được thừa hưởng, và vì vậy xã hội phải triệt tiêu “dòng giống” này. Vô tình và rất thiếu may mắn rằng ở thời điểm đó nhiều người Mỹ nghèo khó, suy dinh dưỡng và không được học hành lại chủ yếu là những người da màu và người nhập cư.

Theo những “nhà ưu sinh học”, con người hoàn hảo là người da trắng và những người giàu có, có học thức, giàu có và chỉ có những người đó mới nên tiếp tục sinh sản. Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt cũng là một trong số những người có tư tưởng này. Ông từng nói rằng nước Mỹ “đã cho phép sự nhân giống vô tội vạ từ những nguồn gen tồi tệ nhất”.

Ngược dòng lịch sử, năm 1883, em họ của Darwin là nhà nhân chủng học Francis Galton đã đưa ra thuật ngữ thuyết ưu sinh, sau thời gian bị ám ảnh bởi những công trình nghiên cứu của người anh họ Charles Darwin. Ông cho rằng ưu sinh là một môn khoa học xử lý mọi tác động theo hướng cải thiện chất lượng giống loài ở khía cạnh bẩm sinh, đồng thời là nghiên cứu cách thức giúp hoàn thiện chủng tộc thông qua các lựa chọn về di truyền. Galton tin tưởng rằng cần phải lựa chọn những đặc điểm tốt đẹp nhất về mặt thể chất lẫn tâm lý để tạo ra những con người hoàn hảo nhất, cải thiện cả xã hội theo hướng ưu việt hơn.

Trên thực tế, thái độ của công chúng đối với các khái niệm này đã mở đường cho những thay đổi trên cả nước Mỹ và nhiều quốc gia trong thời kỳ phổ biến của phong trào ưu sinh học những năm 1920. Đạo luật Di trú năm 1924 đã hạn chế một lượng lớn người nước ngoài có thể vào Mỹ. Tổng thống Calvin Coolidge còn tuyên bố “nước Mỹ chỉ dành cho người Mỹ” khi công bố đạo luật này. Năm 1927, Tòa án Tối cao Mỹ thông qua luật cho phép triệt sản một số người bị cho là khiếm khuyết theo đánh giá của những người có “thẩm quyền”. Ngoài Mỹ, một số quốc gia khác như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy và Phần Lan cũng đã có đạo luật tương tự.

Phong trào ưu sinh về sau suy thoái cùng với nỗi kinh hoàng mà Đức Quốc xã đem lại cho thế giới dưới danh nghĩa sự thuần khiết chủng tộc mà người Mỹ vẫn biết đến.

Thái Hân (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn