Tre xóm Lũy

Xóm Đông của ông Cương vốn ở cuối làng, còn gọi là xóm Lũy, đất cũng khá rộng rãi, các nhà đều có mảnh vườn đằng sau giáp với con mương, sau nữa là ruộng lúa. Bao năm nay, đằng sau xóm là một lũy tre ken dày. Thời ông cha, các bụi tre làm thành bức tường phòng thủ che chở cho dân làng.

Tối đến, cổng làng đóng kín, giặc cướp không dám liều lĩnh vượt qua. Có những tên trộm gà bị dân đuổi đã liều mình lao vào lũy tre để rồi phải kêu khóc van xin dân làng cứu giúp, nếu không sẽ chết chẹt trong đó. Những năm giặc Pháp càn quét, bên dưới bụi tre có các hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích. Giặc liên tục sụt hầm chông, liên tục bị bắn tỉa nên tức tối đổ xăng đốt.

Tre cháy xém một phần nhưng sức sống kỳ diệu của đất, của cây là không gì cản nổi. Gốc rễ đã đằm sâu trong ruột đất, mầm măng bậm bạp lớp lớp vươn lên thay thế những thân cây già. Phù sa của châu thổ, nắng mưa của trời, bàn tay lao động và tình yêu của con người đã hòa quyện vào mỗi cây. Các bụi tre san sát nhau, đi về làng, nhìn từ xa đã thấy màu xanh thân thuộc muốt mắt, thân thương như máu thịt mình.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Sáng sớm, tiếng dao chặt, tiếng cưa máy, tiếng kéo cây rào rào bên mấy nhà hàng xóm làm ông Cương thêm rối ruột. Cây đổ ngổn ngang, nhưng trong tầm mắt thì quang cả một vùng. Vừa lúc đó ông Nghị em trai ông gọi điện thoại hỏi thăm. Ông Cương mách luôn là lũy tre xóm mình đang phải chặt để mở đường. Ông Nghị trầm xuống một chút, rồi ông ấy cười khùng khục. Ông ấy bảo, anh thích ngắm tre thì lên đây với em. Từ ngày đi kinh tế mới lên trên này, em mang lên năm gốc tre, giờ nó đã thành mấy chục bụi rồi, đẹp lắm. Tre làm sao hết được, xã mình mở đường là việc tốt, anh cứ cho làm đi…

Bên hàng xóm, giọng ông Bảo oang oang:

- “Ông Cương ơi! Bao giờ ngả tre đấy!”.

Ông Cương đáp nhát gừng:

- “Chưa… chưa, ông ạ!”.

- “Ông liệu mà làm đi, cần người chúng tôi hỗ trợ”.

-“Vâng”…

Không cứ gì nhà ông Bảo mà mấy nhà trong xóm đang hào hứng việc mở đường lắm. Xã có dự án làm con đường trục cạnh con mương. Con đường này nối với đường huyện, đằng sau mỗi nhà sẽ hóa mặt tiền, rất tiện cho kinh doanh và sinh hoạt. Chả mấy mà xóm này lên phố, đâu còn thấy làng đâu.

Ngay nơi lũy tre đang phá đi này sẽ là đường bê tông ôtô con tránh nhau được, sẽ có đường điện hạ thế, cáp mạng internet chạy qua, sẽ mọc lên những cửa hàng, những ki ốt xinh xinh. Đất đã lên giá, không còn tính bằng “sào”, bằng “miếng” mà là mét vuông, đã nhiều người ngấp nghé dạm mua đất ở khu này. Các nhà trong xóm Lũy đang rậm rịch cùng hô “đằng sau quay” ra mặt đường để cùng tiến lên văn minh, hiện đại...

*

Thắp ba nén hương, vái người ba vái, ông Cương nhìn thấy đôi mắt cha mình như biết nói. Hình ảnh cha hồi còn sống bất chợt hiện về khiến ông Cương rưng rưng. Thời làm du kích, chính ông cụ đã bị giặc tra tấn chết đi sống lại cạnh bụi tre, máu chảy ướt đẫm dưới chân nhưng quyết không khai một lời. Chỉ cách chân ông vài mét là hầm bí mật giấu cán bộ. Người cha gà trống nuôi con có đôi bàn tay khéo léo được ông bà truyền dạy đời này sang đời khác đã tạo nên chiếc hầm bí mật bằng tre để nuôi du kích này.

Ông cụ đã dạy con từ cách ngả tre bằng dao, cưa bằng cưa răng “hạt mướp”, dạy con cách ngâm tre dưới bùn ao, pha tre, chẻ nan, chẻ lạt. Đã mấy chục năm rồi mà những chiếc đòn gánh, thang, chõng tre ông làm, gác bếp lên nước bồ hóng vẫn còn tốt lắm. Cha đã dạy, cây tre là bạn của người, phải biết ơn cây tre. Từ ngôi nhà, đến chiếc tăm, chiếc đóm cũng từ tre mà ra cả. Lá tre đun nước xông giải cảm, bẹ làm lót đan nón… Những đận đói kém, nhiều nhà lấy măng tre ăn tạm qua ngày…

- “Ông Cương à!”, tiếng ông Bảo lại gọi.

- “Mời ông vào xơi nước”.

- “Này ông ạ! Tôi nghĩ cũng tiếc đứt ruột. Mình chặt cây, chim chóc bay đi cũng buồn, bóng mát bao đời chẳng còn. Nhưng ông tính xem, nhà tôi bốn thằng con trai, chúng cũng đều đến tuổi trưởng thành. Kỳ này làm cái lễ khấn thổ công, chặt tre xong tôi thuê máy san ủi chia thành bốn suất cho 4 đứa ông ạ. Cái nhà cũ thì vợ chồng tôi ở cho yên tĩnh, các cháu nó vươn ra mặt đường làm ăn buôn bán cho bằng anh bằng em.

Thôi cũng là cuối đời anh em chúng mình được cái lộc về đất đai. Hầy, mấy thằng cu nhà tôi lại tếu táo: Bố ơi! Thế là anh em con đạt ước mơ thoát khỏi lũy tre làng rồi, bố ạ. Tôi lại thấy mắt cứ cay cay, đối với chúng nó, tre là cây ít giá trị kinh tế, còn với anh em mình, nó là cả một đời gắn bó. À thế còn bên nhà ông thì thế nào? Bao giờ thằng Thanh An nó về?”.

- “Bà nhà tôi đang ở với thằng cả ở trong Tây Nguyên trông con cho nó. Bà ấy bảo tùy ông ở nhà liệu mà giải quyết, tôi cũng không có ý kiến. Cháu Thanh An thì mai về, ông ạ. Cháu về, nhà tôi cũng giải quyết mấy bụi tre này để không ảnh hưởng đến tiến độ làm đường của xã đâu. Từ trước đến nay, xóm mình luôn cống hiến hết mình cho tập thể, có quản ngại gì…”.

*

Thanh An sắp xếp việc kinh doanh trên thị xã để về quê. Cậu hiểu và chia sẻ tâm tư của bố nhưng cũng nhiệt tình ủng hộ dự án làm đường. An thủ thỉ:

- “Bố ơi! Nếu bố đồng ý, theo con nhà mình sẽ giữ lại bụi tre ở phía trong cùng để lưu lại những kỷ niệm của ông bà, bố mẹ. Con ngắm rồi, bụi tre duy nhất này không ảnh hưởng tới con đường, nó sẽ là một chứng nhân của thời gian, bố nhỉ!”.

- “Bố đồng ý, con ạ! Cảm ơn con, đó có lẽ là cách hay nhất”! Ông Cương mỉm cười.

Ngả tre xong, ông Cương chọn đào lấy năm gốc đẹp nhất, khỏe nhất mang ra bờ sông trồng trên chòm đất năm phần trăm của gia đình. Nhìn năm gốc tre mới, ông tưởng tượng vài năm sau nơi đây lại lên xanh những hàng tre rì rào bát ngát. Ông thấy nhẹ lòng hơn khi nghĩ đến làng mình sẽ chẳng bao giờ thôi có bóng tre xanh.

Thanh An cùng ông Bảo bàn với bà con, mỗi nhà lùi vào thêm một mét so với thiết kế ban đầu để đường được mở rộng rãi. Tuy diện tích giảm một chút nhưng đường rộng, thuận tiện đủ bề, bộ mặt thôn xóm sẽ khang trang hơn. Thay vào tre, mọi người định trồng một số cây xanh hai bên đường lấy bóng mát sau này.

Từ khi lũy tre của xóm được giải phóng, xóm thay đổi nhiều, con đường mới bao mong ước dần thành hình rõ nét. Các gia đình náo nức san lấp hoặc chuẩn bị đào móng xây nhà, vật liệu xây dựng được chở về ùn ùn quanh xóm. Mấy cái ao tù nước đọng vốn là ổ muỗi gây dịch bệnh đã được lấp hết. Những ý tưởng của các gia đình được nêu ra, hàng xóm cũng trở thành “quân sư quạt mo” cho nhau trong xây dựng. Trên khu đất quay ra đường mới, Thanh An dự định mở một cửa hàng kinh doanh điện thoại và internet đặt tên là “Tre Ngà”.

*

Bình minh lên trên xóm Đông, những tia nắng nhảy múa, lấp lánh trong vườn, mây hồng ửng báo hiệu một ngày nắng đẹp. Ông Cương lúi húi đun nước pha ấm trà chào ngày mới. Có tiếng chuông điện thoại reo. Là ông Nghị gọi về.

- “A lô! Anh có biết không? Thật kỳ diệu. Trên nhà em hôm nay hoa tre nở rồi, đẹp lắm anh ạ. Mấy chục năm lên trên này, đây là lần đầu tiên em thấy hoa tre nở. Anh có thấy không, anh ơi”.

Ông Cương tự nhiên lâng lâng, một cảm xúc thiêng liêng tự đáy lòng mình cứ dâng trào. Ôi hoa tre… Ông cầm điện thoại chạy ra vườn. Bụi tre cuối cùng ông và Thanh An cố níu giữ kia rồi. Hoa tre nhỏ nhắn, rất nhiều chùm màu vàng nở như rút ruột mình. Màu vàng ấy đan vào nhau, nâng nhau lên, nắng sớm dệt thành một bức tranh huyền hoặc. Chưa bao giờ ông ngắm hoa tre với cảm xúc lung linh đến thế.

- “Anh cũng thấy rồi! Chú Nghị ơi! Hoa tre, hoa tre đẹp quá! Thanh An ơi! Ra xem hoa tre, con ơi!”. Ông Cương trào nước mắt nhìn lên.

Là bốn mươi, năm mươi hay sáu mươi tuổi, tre mới nở hoa? Ông Cương chợt nhớ cha mình đã nói khi xưa, loài tre cùng một gốc thì dù trồng ở nơi đâu, đến ngày nở hoa chúng đều đồng loạt nở. Trong đời ông cụ cũng mới thấy một lần, những bông hoa tre trên cây đang đung đưa theo gió. Có tiếng í ới của người trong xóm cũng phát hiện thấy hoa tre vườn mình đang nở, hình như người đầu tiên là ông Bảo. Thanh An lấy điện thoại, cậu đang nói chuyện và quay trực tiếp cho bạn bè cùng xem. Hoa tre đúng là có nhiều người chưa được thấy bao giờ...

Ông Cương xúc động trào nước mắt. Nhất định làm xong đường, mở rộng thôn xóm xong, quy hoạch lại vườn tược xong, ông sẽ trồng bao quanh vườn những khóm tre mới. Chỉ nghĩ đến đó thôi, ông Cương đã thấy vui như Tết, ông ngó lên vòm tre, cả khóm tre đưa gió lên khúc nhạc xào xạc…
Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hòa

Nguồn tin: cand.com.vn