Từ biệt nhé, 2020!


Buồn vui hạt gạo trong “năm kỷ lục”

Bà Mai Thị Khê chống gậy lê từng bước nặng nề đến bên tủ kính để lấy cho chúng tôi xem ảnh con trai bà và vợ. Cả hai đã đi Bình Dương làm công nhân nhiều tháng nay, để lại người mẹ năm nay 87 tuổi và gần như liệt một chân ở nhà. Con cái thì đứa gửi họ hàng, đứa theo cha mẹ đi làm. Họ không có lựa chọn nào khác: vụ lúa-tôm trắng tay vì hạn hán và ngập mặn liên tiếp đã khiến gia đình đổ nợ.

Ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau) được xem như quê hương thứ hai của bà Khê. Nhiều năm trước, bà theo chồng đến đây lập nghiệp, nuôi con nhờ làm ruộng. Ban đầu chỉ trồng lúa, sau này đời con bà làm xen lúa-tôm. 2 năm nay, không có lấy một vụ trúng cả tôm lẫn lúa. Nước bị xâm mặn quá nhiều, mưa bão khiến đáy vuông tôm lạnh, tôm chết hàng loạt. Đất cũng đã bạc màu, nhổ rễ cây lúa lên đen sì. Vô phương cứu chữa.

“Ở đây chỉ còn 30% người trong độ tuổi lao động chính còn ở lại địa phương, còn 70% đã li hương, đi làm ngoài tỉnh, thường là công nhân ở các khu công nghiệp” - anh Lê Thành Văn, trưởng ấp Thanh Tùng, cho biết. Ông sui gia của bà Khê năm nay đã 77 tuổi, vẫn phải ra đồng hằng ngày. Ông là cha của đứa con trai đã phải lên Bình Dương vì đổ nợ.

Câu chuyện của bà Khê dường như là một phần bức tranh chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL). Giữa tháng 12 vừa qua, báo cáo kinh tế thường niên đầu tiên về ĐBCSL cho biết có 1,3 triệu người đã di cư khỏi vùng đất trù phú này để đi kiếm ăn tha phương. Trên toàn tỉnh Cà Mau, có 200 ngàn người đã bỏ xứ đi trong một thập niên.

Hiện ĐBCSL có 17,3 triệu dân, là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư cao nhất. Trong 10 năm qua, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0%, so với 1,14% của cả nước. 2 năm qua, khi hoa màu thường xuyên mất mùa, dân số cả vùng giảm 0,3%.

Đây đã từng là nơi gánh vác kinh tế của cả nước, nhờ lúa gạo. Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, miền Tây đóng góp sản lượng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và gần 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP). Bây giờ, con số này chỉ còn khoảng 18-19%, theo báo cáo nói trên.

Cháu bà Khê không hề biết làm ruộng, như hầu hết những đứa trẻ trong vùng. Thế hệ thứ ba này được định hướng tập trung vào việc học để “tránh phải làm lúa”, theo lời bà. Đấy là một cuộc đánh bạc với đất trời: vào những năm mất mùa, dù mồ hôi đổ nhiều đến đâu chăng nữa, thu nhập từ làm lúa đôi khi chỉ bằng một nửa lương công nhân đi cắt cây ở khu công nghiệp cách đó khoảng 5 cây số. Giờ thì công việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thậm chí còn khiến gia đình mắc nợ.

Một trong những lý do chính khiến người lao động li nông tăng đột biến là giá lúa thường quá thấp, dù sản lượng trồng lúa ở ĐBSCL khá ổn định trong 10 năm qua. Vụ Hè thu năm ngoái, lúa IR50404 của nhà ông Tư Bình ở Tịnh Biên (An Giang) rơi xuống dưới 4.000 đồng/kg, mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua. Với giá này, mỗi công đất (1 công = 1.000m2), ông lỗ đến 200 ngàn đồng. Với 5 mẫu đất (1 mẫu = 10.000m2 - mẫu Nam bộ), thiệt hại là 10 triệu, mới tính chi phí giống lúa và thuốc sâu, chưa kể công thuê mướn.

Tháng 10 vừa rồi, sau 30 năm, lần đầu tiên giá gạo Việt Nam vượt qua Thái Lan, thậm chí bỏ xa giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái đến gần 30USD/tấn. Đấy là lần thứ hai trong năm nay giá gạo Việt tăng vượt Thái Lan.

Hiệu ứng đến rất nhanh, giá lúa gạo của ĐBSCL cũng tăng lên mức kỷ lục trong 10 năm qua: vụ Hè thu 2020, giá lúa tăng lên gần 1.000 đồng/kg so với vụ Đông xuân. Bất chấp sản lượng giảm gần 2,5%, xuất khẩu gạo năm 2020 vẫn đạt trên 3 tỉ USD.

Tất nhiên là không phải do trình độ sản xuất công nghiệp của chúng ta đã hóa thánh Gióng sau một đêm. Theo tham luận “Thực trạng ứng dụng cơ khí nông nghiệp thông minh tại ĐBSCL” của một nhóm các nhà nghiên cứu Việt Nam, trình độ sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL mới chỉ dừng ở mức cơ bản, tham gia chủ yếu vào các khâu làm đất và thu hoạch, còn lại hầu như chưa được ứng dụng cơ khí hóa.

Các chuyên gia nông nghiệp dễ dàng chỉ ra những cú hích chủ đạo cho giá lúa gạo tăng: một là trong vài năm gần đây, Việt Nam tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại quan trọng như CPTPP, EVFTA và gần đây là RCEP; thứ hai, đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Chính phủ, với trọng điểm là tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, tập trung vào nâng cao chất lượng hơn là sản lượng; thứ ba, gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” vào cuối năm ngoái góp phần quảng bá tốt hình ảnh của gạo Việt.

Cách nhà bà Khê không xa, giống lúa “ngon nhất thế giới” đang bắt đầu được nhân rộng, từ một quyết định của UBND tỉnh Bạc Liêu. Khi chúng tôi hỏi thì bà cũng không biết thông tin này. Cuộc sống của gia đình bà xuống dốc đã nhiều năm nay, sau những lần tự giác “đánh bạc” với đất trời mà chưa bao giờ dám đòi hỏi nhiều hơn từ các “ông” xã, huyện. Bà không dùng smartphone, không còn quan tâm nhiều đến sinh kế nữa. Mỗi lần các con về đều cho bà 2-3 trăm ngàn, trong khi cơm thì có họ hàng sống ngay cạnh nuôi mỗi ngày.

Bà Khê giờ chỉ quan tâm đến các cháu: “Sao cho để đừng phải làm nông nữa, khổ lắm mà không có tiền”. Thế hệ tiếp theo này đã được ông bà bố mẹ xác định luôn là không nên đi theo nghề này nữa, vì chủ nghĩa kinh nghiệm và khả năng tự xoay xở không còn giúp nông dân được nhiều nữa, trong một cuộc chơi ngày một khốc liệt hơn.

Thông tin về mọi khía cạnh của sản xuất nông nghiệp ngày nay đều minh bạch đến độ có thể tìm thấy trên internet và các công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp ngày một tiến xa hơn. Bộ mặt của ngành sản xuất nông nghiệp và số phận của hàng triệu con người ở ĐBSCL sẽ ngày càng phụ thuộc hơn vào những chữ ký trong một cuộc họp tầm quốc tế, một nước đi marketing thông minh, một nghiên cứu có giá trị, hoặc một đề án có tính trăn trở ở thượng tầng.

Cú hích vào cuối năm nay với điểm sáng xuất khẩu gạo có thể là khởi đầu cho một cuộc bừng tỉnh về nhận thức, hy vọng là như thế. Nếu cuộc di cư khổng lồ này còn tiếp tục, các chuyên gia dự báo rằng đến năm 2030, dân số miền Tây có thể giảm xuống dưới 17 triệu người, tương đương dân số một tỉnh tiếp tục bỏ xứ đi.

Đây có thể chỉ là con số trên bàn giấy chính sách nhưng đời thật đau đớn hơn nhiều, khi các gia đình li tán và đứt gãy những giấc mơ tương lai. Những giấc mơ mà cha ông bây giờ chỉ mong con cái bỏ nghề, thà đi làm công nhân chứ không làm lúa nữa.

(Phạm An)

Năm hoàn thiện luật

Phải thừa nhận rằng đại dịch COVID-19 đã thu hút gần như toàn bộ năng lượng của cộng đồng. Mọi quan tâm đều đổ dồn vào từng diễn biến của dịch bệnh, từng bước nhỏ nhất trong công tác phòng chống dịch. Và kéo theo nó là những hậu quả để lại của COVID-19, đặc biệt ở đời sống và kinh tế. Những lo nghĩ của mỗi người dân đều hướng về đó và khiến cho họ cũng xao lãng trước các chuyển động khác vốn dĩ cũng mang tầm quan trọng rất lớn. Một trong những chuyển động như thế chính là các thay đổi, điều chỉnh về luật pháp trong năm 2020 mà đa số các thay đổi, điều chỉnh này hướng đến trọng tâm là đời sống của người dân.

Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020, Luật Cư trú 2020... là những luật tiêu biểu được Quốc hội thông qua trong năm qua. Có thể nói, đó là một nỗ lực rất lớn để hướng tới một xã hội phát triển phù hợp với thời đại hơn, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho người dân. Đặc biệt là Luật Cư trú 2020, được thông qua vào tháng 11-2020 và sẽ có hiệu lực sớm từ 1-7-2021.

Quyết định thông qua luật này cho thấy 2 điểm rất rõ. Thứ nhất, nỗ lực và cam kết của Bộ Công an trong việc tạo ra một điều kiện thuận tiện hơn cho người dân. Thứ hai, tầm nhìn hướng tới việc quản lý dữ liệu dân cư bằng số hóa để tạo ra một hành lang thông tin phục vụ cho rất nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa... có hệ thống hơn, khoa học hơn.

Không thể phủ nhận rằng việc Luật Cư trú 2020 có hiệu lực ngay từ 1-7-2021 sẽ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của các cấp quản lý. 6 tháng là thời gian cực ngắn và nói không ngoa, nó như một cuộc đua thực sự mà lực lượng Công an sẽ phải làm việc hết mình để hệ thống hóa dữ liệu, liên thông dữ liệu và thống nhất dữ liệu công dân.

Đối với người dân, sau ngày 1-7-2021, những sinh hoạt thường ngày sẽ trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều nhưng ít ai hiểu rằng để có được sự dễ dàng ấy, thực sự không phải là một công việc đơn giản chút nào. Việc thay đổi một thói quen quản lý hành chính kéo dài bao nhiêu thập niên là một thách thức rất lớn đủ để khiến nhiều cá nhân phải cảm thấy ngại. Nhưng, ngành Công an đã chấp nhận thử thách này, bằng một cam kết rõ ràng, mạch lạc trước Quốc hội, trước nhân dân theo đúng tinh thần “việc không làm hôm nay thì biết bao giờ mới có thể làm được”.

Các thay đổi mang tính hoàn thiện hệ thống luật pháp trong năm 2020 đã đi đúng tinh thần lấy nhân dân làm trọng tâm và hướng tới mục đích mà Đảng đặt ra là “dân hưởng thụ”. Đừng vội nghĩ thụ hưởng chỉ đơn thuần gắn với một đời sống sung túc về vật chất lẫn tinh thần. Thụ hưởng chính là việc điều kiện sinh sống, làm ăn, giáo dục, phát triển của người dân thông thoáng hơn, không bị ràng buộc bởi những thủ tục quá phức tạp. Và thụ hưởng cũng có nghĩa là người dân phải cảm nhận được sự an toàn trong sinh hoạt thường nhật của mình.

Điều chỉnh trong Luật Đầu tư 2020 về việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng chính là một quyết sách hướng đến cái thụ hưởng ấy. Rõ ràng, Quốc hội và các Bộ, ngành liên quan đã nhìn thấy rất rõ, đã nghe được những đòi hỏi thiết thực của người dân suốt thời gian qua để tiến tới quyết tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách phù hợp nhất.

Có một ví dụ mà chúng ta nên chú ý tới trong công cuộc hoàn thiện luật ở năm 2020 vừa qua. Đó chính là Nghị định 144/2020/NĐ-CP, một văn bản dưới luật. Trong nghị định này, có một quy định đã được bãi bỏ so với Nghị định 79/2012/NĐ-CP là quy định cấm hát nhép. Một chi tiết đơn giản ấy thôi cho thấy rất rõ rằng Chính phủ đã để chính thị trường văn nghệ quyết định và những người tham gia thị trường ấy phải tự chịu trách nhiệm với hành vi của mình theo đúng đạo đức nghề nghiệp.

Gỡ bỏ một điều cấm và để chính thị trường đào thải, Chính phủ thể hiện rất mạnh mẽ thông điệp “Cái gì người dân có thể tự quyết định được và có quyền quyết định mang tính trọng tâm thì Chính phủ sẽ không cần phải can thiệp quá sâu”. Nói thẳng, dù chỉ là một văn bản dưới luật liên quan đến một ngành hẹp (nghệ thuật biểu diễn) nhưng nó lại thể hiện được một tinh thần quản trị nhà nước tiến bộ, căn cứ từ thực tiễn và đòi hỏi ý thức, trách nhiệm từ chính những đối tượng nằm trong hệ quy chiếu của văn bản này.

Nhiều năm qua, chúng ta vẫn nghe những than thở kiểu như “hệ thống luật ở Việt Nam còn nhiều kẽ hở” hoặc “các quy định pháp luật ở Việt Nam quá phức tạp, là trở ngại cho đời sống xã hội”. Và khi hệ thống luật đã và đang hoàn thiện dần trong suốt thời gian qua, chúng ta cần ghi nhận đó chính là những nỗ lực được hình thành từ một hành lang thông tin đa chiều mà ở đó, tiếng nói của người dân đã tìm được địa chỉ. Đúng là mạng xã hội đã và vẫn tạo ra rất nhiều diễn biến phức tạp trong xã hội nhưng nó cũng đang là một kênh phản hồi khá tích cực để giúp hoàn thiện chính sách. Mấy năm gần đây, đã có khá nhiều quyết định, chính sách được ban hành sau khi có những phản ảnh từ phía người dân trên mạng xã hội.

Tất nhiên, trong một hành lang thông tin như thế, bản thân mỗi cá nhân đều phải hiểu trách nhiệm phát ngôn của mình là quan trọng đến mức nào và không nên lầm lẫn giữa phản biện xây dựng với chống đối, gây hỗn loạn trong cộng đồng.

Những bước hoàn thiện luật pháp trong năm 2020 cho thấy đây sẽ là bước đà cho nhiều nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp trong tương lai gần. Chính trong Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 vừa rồi, một trong những đề xuất được đưa ra chính là “tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống pháp luật, xóa bỏ kẽ hở, cơ chế xin-cho trong quản lý kinh tế-xã hội”. Điều đó cho thấy, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã cùng đặt nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống luật pháp làm ưu tiên hàng đầu. Đơn giản, khi có một hệ thống pháp luật ổn định, khoa học, phù hợp nguyện vọng của người dân, xã hội sẽ phát triển văn minh hơn và bản thân người dân cũng sẽ có ý thức tôn trọng luật pháp hơn.

Trong những năm tới, với nhiều thay đổi trên thế giới, sẽ có nhiều chuyển dịch lớn mà Việt Nam sẽ tham gia hợp tác chặt chẽ hơn với những đối tác nước ngoài ở nhiều lĩnh vực. Ở một sân chơi lớn như vậy, luật lệ luôn là thứ được đặt lên hàng đầu để làm thước đo cho các ứng xử. Như thế, đòi hỏi về một hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn để vừa giúp cho các hoạt động hợp tác thuận lợi hơn, vừa đảm bảo phù hợp với luật chơi chung sẽ là một đòi hỏi cấp bách và thiết thực. Và chính những lợi ích từ các hợp tác ấy cũng như một “đơn đặt hàng” đối với công tác hoàn thiện hệ thống luật pháp hiện nay.

Năm 2020 đã qua và chúng ta bước vào năm 2021 với 11 luật, bộ luật mới được sửa đổi, hoàn thiện sẽ có hiệu lực. Trong 11 luật, bộ luật được sửa đổi hoàn thiện này, có tới 9 luật, bộ luật được điều chỉnh trong năm 2020. Tất cả các điều chỉnh ấy đều phát xuất từ chính các trường hợp thực tiễn trong đời sống ví dụ như Luật Giám định tư pháp, luật về hòa giải, đối thoại tại tòa, Luật Xây dựng... Rõ ràng, các bất cập trong đời sống xã hội đã được nhìn nhận một các rất nghiêm túc và nó thể hiện rất chính xác một chân lý. Đó chính là có gần dân thì mới hiểu nhu cầu của người dân và từ đó, xây dựng được những chính sách phục vụ người dân thực sự.

(Hà Quang Minh)

Phải đầu tư niềm tin vào thế hệ trẻ

(Trao đổi với tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều)

- Phóng viên: Năm 2020, một trong những sự kiện được chú ý nhất của đời sống văn hóa là đại hội các hội nghề nghiệp. Từ Hội Mỹ thuật, Hội Nhà văn đến Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đều có sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Những người trẻ hơn đang được giao trách nhiệm quy tụ và phát triển văn nghệ nước nhà. Tôi nghĩ, đó là một hy vọng mới để bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ 21?

- Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Mọi sự thay đổi đều luôn mang đến niềm hy vọng. Nhưng, có một điều tôi muốn nói là Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10 đúng bản chất là sự chuyển giao thế hệ chứ không thể gọi là trẻ vì tất cả đều qua tuổi 50. Với tuổi đó, người xưa gọi là tuổi “tri thiên mệnh”. Làng tôi ai đến tuổi 50 thì được công nhận là “lão” và có nơi hiện nay còn làm lễ “lên lão”. Nhưng, chúng ta chưa đủ yếu tố và cả sự tự tin để trẻ hóa Ban Chấp hành Hội Nhà văn lúc này. Chúng ta phải đợi chờ. Trong lúc đợi chờ thì những người ít già hơn sẽ phải đảm đương công việc.

- Tôi thấy trong diễn văn nhậm chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông dùng khái niệm “đặt cược vào thế hệ trẻ”. Liệu sự đặt cược có mang tính mạo hiểm không?

- Cuộc đặt cược nào cũng có tính “mạo hiểm”. Riêng đối với Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 10, khi tôi nói thế là tôi và Ban Chấp hành đã tự chặt đứt “cây cầu” để rút lui. Như thế chúng tôi chỉ có tiến lên mà không còn đường bỏ chạy. Nhưng, cái nghĩa cơ bản là tôi muốn nói với mọi người hãy tin vào thế hệ các nhà văn trẻ, những người mà tôi đang nhìn họ từ dưới 40 tuổi. Cho dù chúng ta không tin vào thế hệ trẻ thì thế hệ ấy vẫn thay thế chúng ta, bởi chúng ta sẽ dần dần tàn lụi. Không ai chống lại được thời gian. Đầu tư lòng tin vào thế hệ trẻ là một đầu tư đáng giá nhất.

- Thực tế cho thấy, những người trẻ đang làm chủ các kênh giải trí trên mạng nhưng tuổi trung bình của hội viên Hội Nhà văn nằm ở ngưỡng ngoài 60. Tôi cho rằng, cần cải thiện phương pháp hoạt động để thu hút người trẻ gia nhập Hội.

- Đây là một điều không dễ. Trước hết, chúng tôi phải làm sao làm cho những người viết văn trẻ muốn tham gia Hội Nhà văn Việt Nam. Như thế, chúng tôi phải tạo cho họ một cơ hội, một môi trường và một diễn đàn và lắng nghe họ cũng như tôn trọng họ. Chúng tôi muốn có một giải thưởng dành riêng cho những người trẻ và những điều kiện khác nữa. Một giải thưởng mà chúng tôi muốn cho mọi người thấy được những tín hiệu đầy hy vọng vào một nền văn học trong tương lai. Tôi tin những năm tới sẽ nhiều hơn những người viết trẻ muốn vào Hội.

- Ông từng đến nhiều quốc gia, ông thấy những hội nghề nghiệp của họ có ưu điểm gì?

- Trước hết, những người đảm đương vị trí đứng đầu là những người thực sự dấn thân cho tổ chức văn chương của họ, vì không ai muốn đánh mất thời gian tư duy, đọc và viết của mình. Việc bầu bán của họ không hề phức tạp mà gần như cử ra hoặc tự nguyện gánh vác vị trí đó. Thứ hai là mỗi người đứng đầu chỉ trong một nhiệm kỳ rất ngắn và hầu như họ chỉ làm 1 nhiệm kỳ. Họ quan niệm người đứng đầu tổ chức văn chương là người có khả năng điều hành công việc của một tổ chức chứ không phải là người có uy tín nhất về sáng tác. Thứ ba là họ chỉ tập trung vào chuyên môn và thúc đẩy văn hóa đọc.

Ảnh: L.G

- Một trong những thách thức của nền văn hóa hiện nay là hội nhập quốc tế. Thực sự, chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ cho sân chơi thế giới rộng lớn. Hòa nhập mà không bị hòa tan là điều then chốt?

- Khi chúng ta hòa nhập vào một cộng đồng và để có một vị trí riêng trong cộng đồng ấy thì chúng ta phải khác biệt và có bản sắc. Nếu không, chúng ta sẽ bị đồng hóa ở nghĩa nào đó, hình thức nào đó và chúng ta bị nhấn chìm. Thế giới không cần và chẳng bao giờ để ý nếu chúng ta chỉ là một bản sao nhạt nhẽo.

- Xã hội hóa hoạt động nghệ thuật là một xu thế tất yếu. Thực tế, xã hội hóa sân khấu và xã hội hóa điện ảnh đã có ít nhiều thành tựu, còn xã hội hóa văn chương có thể hình dung như thế nào?

- Xã hội hóa sân khấu và điện ảnh có chứa đựng khả năng quảng bá hình ảnh cho người đầu tư. Còn với văn chương thì tính hiệu quả trong khía cạnh ấy khiêm tốn hơn nhiều. Chúng ta thường chỉ nghĩ xã hội hóa văn chương là các nhà đầu tư sẽ bỏ tiền cho sự phát triển văn học. Đó chỉ là một yếu tố. Khi chúng ta làm cho xã hội muốn đọc tác phẩm văn chương thì đó cũng là một con đường vô cùng quan trọng của cái gọi là xã hội hóa văn chương.

- Nghĩa là nhà văn phải có tác phẩm đáp ứng được nguyện vọng của công chúng?

- Đúng! Vấn đề là các nhà văn phải làm ra những tác phẩm mà xã hội phải tìm đến. Nói cách khác, văn học có sức lan tỏa trong xã hội. Khi một tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, nó sẽ có sức mạnh lâu dài nhiều lần so với các sản phẩm khác. Khi các nhà văn tạo ra sự ảnh hưởng thực sự trong xã hội thì con đường xã hội hóa sẽ đầy hứa hẹn. Nhưng, khi các tác phẩm văn chương không để lại ấn tượng mạnh trong xã hội thì các nhà đầu tư sẽ khó mà tự nguyện bỏ tiền của mình vào một nơi mà sự hy vọng quá ít ỏi.

- Và chúng ta cùng kỳ vọng những người viết trẻ có thể sẽ làm được điều này!

- Vâng! Cùng kỳ vọng!

- Xin cảm ơn ông!

(Lê Thiếu Nhơn thực hiện)

Phạm An - Hà Quang Minh - Lê Thiếu Nhơn (thực hiện)

Nguồn tin: cand.com.vn