Từ quan đến dân

Hồi nào lên ngựa xuống xe

Kêu dân, dân dạ, bây giờ dạ dân.

Nói một cách nôm na, dân là những người chung sống trong một khu vực địa lý; chẳng có chức tước gì, chẳng xênh xang võng lọng, lên ngựa xuống xe (như quan/ quan lại), sống cuộc đời bình dị, tay làm hàm nhai, chứ không cậy nhờ vào bổng lộc nào khác.

Mà dân còn dùng để chỉ hạng người chung một giới, cùng hoàn cảnh, nghề nghiệp như dân làm báo, dân buôn bán… Ngày trước có từ phổ biến là tứ dân - nhằm chỉ bốn thứ dân: sĩ, nông, công, thương nhưng dân tứ chiếng lại là dân từ nhiều nơi khác hội tựu, về sau còn nhằm chỉ hạng giang hồ, dao búa bặm trợn, gần như dân bụi đời, dân lựu đạn, dân anh chị, dân du côn du kề, ba bứa…

Về dân anh chị, người miền Nam và miền Bắc, từ những năm 20 thế kỷ XX đã hiểu khác nhau nên mới xảy ra ngộ nhận đáng tiếc. Lúc những người dân cu li, nghèo đói từ Bắc vào Nam làm phu trong đồn điền cao su, sau khi hỏi họ tên, quê quán, tên cai lại hỏi anh A: “Mày có anh chị không?”, người phu thật thà: “Có”. Ngay lập tức hắn tát ngay vào mặt một cú như trời giáng, rồi quay sang mắng luôn bà mẹ anh A: “Con cái của bà anh chị à? Thế thì tôi phải trị thẳng tay, rõ chưa?”. Dân anh chị là loại đầu gấu, sống nghề dao búa, giang hồ cờ bạc, bợm bãi…

Ảnh L.G

Còn dân chơi thì sao? Nếu chịu khó tra từ điển ắt ta cũng tìm ra định nghĩa, dù hiếm hoi, chẳng hạn “Phương ngữ Nam Bộ” (NXB Hội Nhà văn – 2015) của nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên giải thích, đó là “kẻ du thủ du thực, chỉ biết ăn chơi cho thỏa thích”.

Thiết nghĩ, chưa hẳn đúng, phải tùy theo trường hợp cụ thể. Chẳng hạn khi nhìn về quý ngài xài tiền như nước, gái gú hà rầm, biết ngóc ngách, tường tận các thú vui/ thú chơi của dân thượng lưu cỡ như Hắc, Bạch công tử thuở xưa, dù xứng đáng gọi dân chơi nhưng chắc gì đã “du thủ du thực”?

Không rõ từ “dân chơi” xuất hiện từ thời nào? Nhưng rõ ràng ở Sài Gòn có câu cửa miệng Dân chơi cầu Ba Cẳng. Có thể hiểu đó là cụm từ nhằm chỉ những ai dù tự nhận dân chơi nhưng lại chơi không đẹp, chơi nhếch nhác, chơi chịu… Mà đã chơi hẩu lốn, tầm xàm ấy, chẳng trách gì thiên hạ mỉa mai: “Dân thường chơi đẹp, đè bẹp dân chơi”!

Dân, có nhiều loại dân.

Có những từ liên quan đến dân, nay không còn thông dụng, nếu còn chỉ… trong tác phẩm văn học, chẳng hạn, “dân đinh” là dân đến tuổi phải đóng thuế; hoặc dân tuần/ dân canh tức thanh niên được cắt cử canh tuần trong làng xóm, nay gọi dân phòng; dân lậu là người không có tên trong sổ bộ của làng, khác với dân bộ...

Ở Nam Bộ, có nhiều tiếng lóng chỉ những hạng dân khác nhau, theo nhà nghiên cứu Huỳnh Công Tín, đó là dân áp phe, dân cầu Ông Lãnh, dân cậu, dân chơi miệt vườn, dân hai huyện, dân hào mé, dân thầy chú, dân thương hồ, dân tứ chiếng, dân ngũ Quảng…

Hãy nghe, ông Tín giải thích cụm từ “dân chơi miệt vườn”: “Một thanh niên hay một thiếu nữ ra thành phố, đô thị với cách ăn mặc “diêm dúa, chim cò”, nói năng “tự phụ, ta đây” thiếu hiểu biết, không phù hợp, người Nam Bộ dùng cụm từ này để nhận xét về họ: “Thấy cách ăn mặc, kiểu nói năng ấy, đủ biết hắn ta là dân chơi miệt vườn rồi”. Như vậy quán ngữ này ngầm phê phán thói hư tật xấu, chưng diện không đúng cách, sắc thái biểu cảm là coi thường, đánh giá không cao” (“Về chuyện địa danh và chữ nghĩa Nam Bộ” - NXB Văn hóa Văn nghệ - 2017, tr.243).

Nhân bàn về “dân chơi miệt vườn”, xin nói luôn, lâu nay khi nói về đồng bằng sông Cửu Long, ta thường nghĩ đến cụm từ “văn minh miệt vườn”. Ít ai biết, cụm từ này do... nhà văn Sơn Nam nghĩ ra!

Thay lời tựa trong tập “Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn” (1970), ông lý giải: “Miệt vườn là danh xưng có sẵn. Tiếng văn minh kèm theo phía trước là do người khởi thảo tập sách này nêu lên, nghĩa rằng văn minh là nếp sống vật chất, là ăn, mặc, ở, cách thức sanh nhai.

Trong hoàn cảnh địa lý và lịch sử đặc biệt, dân Việt đã sáng tạo một nếp sống hùng mạnh, phóng khoáng, đã chinh phục. Lẽ dĩ nhiên, nếu người Tây Ban Nha, người Nhựt, người Lào, người Cam Bốt gặp một hoàn cảnh lịch sử, địa lý tương tự thì họ có phản ứng khác, cất nhà, cày cấy theo hình thức khác. Vì họ không nằm ở trong nguồn văn minh Việt Nam”.

Chí lý thay.

Đã nói dân ắt nhiều người nghĩ đến… quan! Bằng chứng tục ngữ có khá nhiều câu như Quan nhất thời, dân vạn đại; Quan có cần, dân không vội, quan có vội, quan lội quan sang; Của quan có thần, của dân có nọc; Quan bất phiền, dân bất nhiễu…. Không ít người vẫn gọi chung quan là quan lại, thật ra quan là quan, lại là lại - dù quan lại chỉ chung những người cùng làm việc triều đình. “Truyện nôm khuyết danh Trê cóc”, có câu:

Kẻo khi quan lại còn xa

Đây mà nổi giận lôi ra kéo vào

Trong bộ máy hành chính, quan là viên chức có trách nhiệm, người đứng đầu công việc; lại là kẻ thừa hành, người để quan sai phái. Thành ngữ tiếng Việt phân biệt rất rõ ràng, Quan hai, lại một; Quan tham, lại nhũng - hàm nghĩa kẻ trên ăn thì kẻ dưới cũng đớp, tuy có ít hơn. Ngày trước người ra bảo, Khôn làm lại, dại ở chùa. Có thật là khôn? Chắc gì, đã có câu răn đe chớ quên, Một đời làm lại bại hoại ba đời. Ghê chưa? Đời cha ăn mặn, đời con khát nước - lẽ đời là vậy. Thế nhưng thời buổi này khác trước, hễ đã là củi thì bị ném xoạch vào lò, chứ nào phải đợi đến đời con đời cháu xa xôi, mơ hồ. Biết vậy để sống tử tế hơn.

Có một điều thú vị, trong câu đối tiếng Việt, ta có thể tìm thấy nhiều câu “đá giò lái” về quan/ quan lại cực kỳ hóm hỉnh. Chẳng hạn, hề chèo bẻm mép: “Bẩm quan, quan là quan thì quan gần dân. Còn chúng con là dân thì chúng con giần quan!”. Ở đây, cái hay là “dần/ giần” trùng âm; và “giần quan” do nói lái từ “gần dân” một cách thông minh và... hợp lý! Lại có thêm câu đối láu cá:

Rực rỡ mé đường Tây, kẻ lại người qua, ca tụng sinh phần quan lớn lại;

Vế đối lại cũng hoành tráng không kém:

Vang lừng trong thôn Bắc, trên kinh dưới rái, một lòng tôn trọng cụ trong dân.

“Nhãn tự” của câu đối này, nằm gọn trong cả 3 từ cuối của mỗi câu. Thử hỏi, dân biểu - tức người được dân bầu, thay mặt họ để bênh vực quyền lợi ở nghị viện thì có gọi quan? Nếu không là quan đi nữa, thì dân Sài Gòn vẫn có quyền đi xe dân biểu. Oách quá, phải không nào? Đúng là oách xà lách vì khi ngồi trên xe xích lô (có trả tiền), mình muốn đi đến đâu thì cứ việc… biểu xe chạy tới đó! Rồi đôi khi đọc thơ văn ngày trước, ta gặp từ quan nhưng chắc gì đã… quan?

Tưởng chơi ba chữ cho vui vậy

Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?

Có lẽ nhiều người đồng tình rằng, “chữ” trong câu thơ của Nguyễn Công Trứ chính là… chữ/ chữ nghĩa. Đại khái, dù chỉ võ vẽ đùa nghịch phóng bút dăm ba chữ cho đỡ buồn, nào ngờ cũng đỗ quan/ quan trạng. Sự bông lơn, bỡn cợt này hoàn toàn phù hợp với tính cách phóng khoáng của thi sĩ Nguyễn Công Trứ - một nhà Nho vừa dấn thân, vừa tài tử.

Tưởng là thế nhưng rồi tra cứu “Việt Nam tự điển” do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo năm 1931, thật bất ngờ khi biết “chữ” trong câu thơ này có nghĩa là… đồng/ đồng tiền: “Chữ: Tiếng gọi một đồng tiền: Một chữ tiền, một chữ bạc”. Ngày xưa đơn vị tính tiền gồm: quan, tiền và đồng.

Hầu như ai cũng biết, 1 quan ăn 10 tiền; 1 tiền ăn 60 đồng, vậy suy ra 1 quan ăn 600 đồng. Quan là tỷ giá đồng tiền cao nhất ngày xưa. Trải qua các thời đại, cách tính có khác đi nhưng cách tính trên được áp dụng từ năm 1439 thời vua Lê Thái Tông: “Quy định này ổn định mãi khi nhà Nguyễn chấm dứt năm 1945” (Lịch sử tiền tệ Việt Nam sơ truy và lược khảo của Nguyễn Anh Huy - NXB Văn hóa Sài Gòn - 2010, tr.237).

Như đã biết chữ còn nghĩa là đồng - đơn vị nhỏ nhất này còn gọi là trự. Có điều thú vị, trự còn đồng âm theo nghĩa: “Thằng, con, tiếng gọi người hay vật với ý nửa khinh, nửa đùa: Bắt được một trự” - như “Việt Nam tự điển” (1970) của Lê Văn Đức ghi nhận. Xét ra, hiểu trự theo nghĩa nay tương đương với mống - tức là một trong số đông - nếu nói “Bắt được một mống” thì nghĩa vẫn y chang.

Với từ mống, ta thấy cách phân biệt của người Việt cũng không kém phần đáo để, chẳng hạn ta vẫn thường nói: “Mầm non mới nhú” thì cái sự nảy mầm ấy cũng gọi là mống. Thế nhưng với câu tục ngữ Khôn sống, mống chết thì mống ở đây lại có nghĩa khác, đó là chỉ sự dại dột, vụng về.

Nhân đây, xin nói luôn nếu từ phổ thông toàn dân đã gọi mầm mới nhú là “mống” thì người miền Nam còn gọi là “mộng”. “Phương ngữ Nam bộ” của Nam Chi Bùi Thanh Kiên ghi nhận với câu dẫn: “Mấy bữa rày, mưa chèm chẹp, lúa đập rồi không phơi phóng được, lên mộng nhiều quá”. Thế nhưng một khi ai đó nói trâu mộng, bò mộng thì phải hiểu là đang nói đến con trâu, con bò to béo - thường do đã… bị thiến! Oái ăm ghê. Tội nghiệp thiệt.

Với mống, một khi dùng từ trái nghĩa của dài trong mống dài, ta dùng từ nào mới chính xác? Như đã biết, dài không chỉ trái nghĩa với ngắn: “Lươn ngắn lại chê trạch dài/ Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm” mà còn có vắn: “Tóc mai sợi vắn sợi dài/ Lấy nhau không đặng thương hoài ngàn năm”. Nào đã hết, còn có từ trái nghĩa là cộc: “Con chim xanh đứng bóng thở dài/ Thương anh áo cộc vá vai hai lần”.

Áo cộc là áo ngắn tay nhưng một khi nói Áo cộc quần manh lại hiểu theo nghĩa bóng chỉ lớp người nghèo hèn. “Ông trăng mà lấy bà trăng/ Đẻ ra con rắn thằn lằn cộc đuôi”. Cộc đuôi là đuôi ngắn.

Vậy, ta chọn vắn/ ngắn/ cộc chăng? Không. Trái nghĩa với mống dài lại là… mống cụt, bằng chứng có câu cửa miệng: “Mống dài trời lụt, mống cụt trời mưa” - nói về kinh nghiệm xem thời tiết. Cụt trong ngữ cảnh này, không có từ nào có thể thay thế, nhưng thật ngộ, trong khi đó, với từ cộc lại hoàn toàn có thể. Thí dụ như: “Con cá đối nằm trên cối đá/ Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo/ Anh mà đối đặng dẫu nghèo em cũng ưng”. Đuôi cụt là cộc đuôi/ đuôi ngắn.

Ca dao xưa có câu: “Còn duyên anh cưới ba heo/ Hết duyên anh cưới con mèo cụt đuôi” thì rõ ràng cái đuôi con mèo này bị cụt - tức trước kia đuôi nó cũng dài (như bao con mèo khác), nhưng do tác động nào đó (từ bên ngoài) nên mới ngắn/ ngắn củn lại, chứ không phải nó thuộc hạng cộc đuôi/ đuôi cụt.

Hiểu như thế mới cảm được hết sự trào lộng tinh quái của chàng trai rẻ rúng cô gái “hết duyên” đến cỡ nào.

Lê Minh Quốc

Nguồn tin: cand.com.vn