"Văn chiêu hồn" – Nhìn từ đối thoại văn hóa


"Đối thoại văn hóa" trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay hầu như được nhìn nhận một cách tương đối thống nhất. Đó là quá trình giao lưu, hợp tác, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau khẳng định vị thế, cùng thể hiện khát vọng hòa bình, hữu nghị. Để có thể đối thoại cần phải có 4 yếu tố: hiểu biết, bình đẳng, tôn trọng, biết lắng nghe.

Ngày nay người ta khẳng định chỉ có đối thoại mới giải quyết vấn đề theo hướng tính người nhất, vì con người nhất. Nếu cuộc sống là đối thoại, thì con người là trung tâm của những đối thoại. Về bản chất, văn chương là tiếng nói đối thoại, càng đậm tinh thần đối thoại có nghĩa càng giàu có giá trị nhân bản. Soi ánh sáng đối thoại của triết học văn hóa hôm nay vào "Văn chiêu hồn" của Nguyễn Du ra đời đã trên dưới 250 năm càng thấy kiệt tác ánh lên những vẻ đẹp nhân văn lộng lẫy hiếm có, khác thường, đi trước thời đại.

Những cô hồn vất vưởng- (tranh có tính chất minh họa).

Nhà văn bao giờ cũng đối thoại bằng mô hình, thông qua một mô hình nghệ thuật. Trở thành tài năng, mô hình này biểu hiện phong cách của nhà văn. "Truyện Kiều" là một mô hình nghệ thuật rất riêng, đặc sắc. Đến "Văn chiêu hồn" là một đặc sắc khác.

Trước đó, Vua Lê Thánh Tông có "Thập giới cô hồn quốc ngữ văn" cũng là văn tế cô hồn nhưng chữ "giới" ở đây có nghĩa là khuyên răn nên áng văn tế này thiên về giáo dục đạo lý, nói về người chết để dạy người sống. "Văn chiêu hồn" của Nguyễn Du cũng nằm trong "nhiệm vụ" chung của văn học trung đại răn dạy đạo lý nhưng rất nghệ thuật, nhất là rất cảm động nên thấm thía.

Nguyễn Du dùng hình thức song thất lục bát chứ không theo thể phú truyền thống, vừa hợp với tài năng sáng tác lục bát điêu luyện ("Truyện Kiều"), cũng là một cách đối thoại hô ứng về hình thức với các tác phẩm đỉnh cao cùng thời ("Chinh phụ ngâm", "Cung oán ngâm khúc", "Ai tư vãn"...). Hình thức này rất phù hợp với mô hình nội dung vừa để kể, tái hiện (tự sự), vừa thể hiện tình cảm đau xót, bi ai (trữ tình).

Thực ra có hai mô hình, một là mô hình nói về những con người lúc đang còn sống và mô hình nói về những "cô hồn" lang thang dưới cõi âm. Nhưng tâm huyết, tình cảm của nhà thơ dồn cho mô hình sau nhiều hơn nên người đọc bị cuốn theo mà có khi "quên" đi mô hình đầu.

Thực ra tác giả cũng đã có ý "đồng nhất" hai "mô hình" này ngay từ đầu tác phẩm: "Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt/ Toát hơi may lạnh buốt xương khô/ Não người thay buổi chiều thu/ Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng/ Đường bạch dương bóng chiều man mác/ Ngọn đường lê lác đác sương sa/ Lòng nào là chẳng thiết tha/ Cõi dương còn thế nữa là cõi âm".

Tuy là thế giới dương gian nhưng cũng không mấy sức sống, thê lương, lạnh lẽo nên không có bóng người. Nó chẳng khác một "nghĩa trang" trên dương thế đầy âm khí. Mô hình này có tác dụng như một điểm gợi dẫn để đưa bạn đọc đến với mô hình cơ bản là "cõi âm".

Một thế giới cõi âm cực kỳ bi đát, đói khát, đau khổ, đen tối với những cô hồn lang thang, vất vưởng, có kẻ còn đầu, có kẻ mất đầu, ngơ ngác, ngẩn ngơ, xiêu dạt, không chốn nương tựa... Những cô hồn "lôi thôi bồng trẻ dắt già" đêm đến thì bìu ríu kéo về: "Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi/ Hoặc là nương ngọn suối chân mây/ Hoặc là bụi cỏ bóng cây/ Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ/ Hoặc là nương thần từ, Phật tự/ Hoặc là nơi đầu chợ cuối sông/ Hoặc là trong quãng đồng không/ Hoặc nơi gò đống, hoặc vùng lau tre", cho đến khi "Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn/ Lặn mặt trời lẩn thẩn tìm ra...".

Đó là một thế giới cực kỳ đáng thương về hình ảnh những thân phận lạc loài, bất hạnh tác động trực tiếp đến người đọc để tạo nên một hiệu ứng bi cảm rất rõ rệt. Ở thế giới đó ai cũng ai: "Còn chi ai quý ai hèn/ Còn chi mà nói ai hiền ai ngu", đều đáng được hưởng sự đoái hoài chút ít yêu thương của người sống!

Sự thấu hiểu đến tận đáy "thập loại chúng sinh" của Nguyễn Du thể hiện ở sự khái quát cao nhất một quá trình biến đổi trong thế đối lập (cả khi còn sống và khi đã chết) của một loại người. Ví như kẻ buôn bán: "Cũng có kẻ đi về buôn bán/ Đòn gánh tre chín dạn hai vai/ Gặp cơn mưa nắng giữa trời/ Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?". Nhưng dù là loại người nào thì khi chết cũng đều "bình đẳng", mà người dương thế gọi chung là "ma": "Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người/ Hương khói đã không nơi nương tựa/ Hồn mồ côi lần lữa đêm đen…". Nhưng "ma" ở đây thật đáng thương vì là những "cô hồn", "mồ côi", "lênh đênh"...

Xét về mặt mô hình, đây là một thế giới "ma" nhưng rất đặc biệt là "ma" mồ côi tức những người bị chết "bất đắc kỳ tử", xa quê hương bản quán, vô thừa nhận, nên khi chết không được hương khói, cúng tế. Dân gian gọi họ là những "cô hồn". Về mặt thể loại, là văn tế, thống thiết, bi ai, ngậm ngùi nhưng vượt qua hình thức thể loại, nó trở thành tiếng lòng của tác giả như "tri âm" cùng các nhân vật, đối thoại, giãi bày, chia sẻ, đồng cảm. Đọc lên, như không còn thấy câu chữ mà chỉ thấy tình người, thấy nước mắt của Nguyễn Du vẫn còn nhòe trên văn bản.

Như nói về "kiếp" "buôn nguyệt bán hoa": "Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp/ Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa/ Ngẩn ngơ khi trở về già/ Đâu chồng con tá biết là cậy ai?/ Sống đã chịu một đời phiền não/ Thác lại nhờ hớp cháo lá đa/ Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?". Đọc những lời này càng thấm thía hơn về cô Kiều đau khổ, càng thấy rõ hơn vì sao Nguyễn Du viết "Kiều" hay thế và cảm động đến vậy. Chỉ 8 câu thơ mà gói vào đó một "kiếp" cả khi sống lẫn lúc chết.

Hai chữ "nhỡ nhàng" đã khái quát cả một đời không "thuận buồm xuôi gió" mà long đong cơ nhỡ. "Nhỡ nhàng" vì dại dột, vì bắt đầu là sự cả nể, hay không thể khác do hoàn cảnh... Hai chữ "ngẩn ngơ" bẻ gãy đôi một cuộc đời bạc phận, quá khứ khi trẻ và hiện tại "phiền não". "Ngẩn ngơ" vừa là ngơ ngác với hôm nay vừa là tiếc nuối cái hôm qua, vừa trăn trở bẽ bàng quá khứ vừa xót xa trống không hiện tại... Sống đã vậy, chết rồi cũng nhờ sự bố thí "hớp cháo lá đa"... Hình tượng ám ảnh. Câu chữ ám ảnh. Thơ hay trước hết phải tạo ra sự ám ảnh...!!!

Bìa một cuốn "Văn tế thập loại chúng sinh” của đại thi hào Nguyễn Du.

Nếu đối thoại là biết lắng nghe thì Nguyễn Du đi trước thời đối thoại hôm nay hàng trăm năm. Thậm chí ông nghe kỹ, tinh và đau đời hơn cả hôm nay rất nhiều. Có mấy ai "nghe" thấy tiếng khóc ai oán của những oan hồn tiểu nhi có lẽ chỉ kịp khóc để chào đời, chưa kịp có những tiếng khóc sống với đời: "Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé/ Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/ Lấy ai bồng bế vào ra/ U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng". "U ơ" là âm thanh khuyết thiếu, chưa thành tiếng khóc của "u oa" hay "oa oa" đủ đầy, tròn trịa!!!

Đối thoại là tiếng nói thì "Văn chiêu hồn" là tiếng nói của phong tục cúng cô hồn đậm tinh thần nhân văn nhân nghĩa của người Việt. Ngày trước làng nào cũng thường có một cái miếu cô hồn nơi đồng không mông quạnh để các cô hồn có chỗ nương bóng tụ bạ. Trong miếu thì ngày rằm, mồng một, nhất là Rằm tháng Bảy người dân thắp thẻ hương an ủi, cúng ít cháo cho vào các lá đa... Nới rộng hơn, người ta dành cả ngày Rằm ấy để cúng cô hồn. Câu "Cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng bảy" cho thấy cái tình thương chúng sinh người Việt lớn lắm! Mọi cái cúng đều "không bằng" cơ mà!

Thi phẩm là tiếng nói của "văn tế", đúng hơn là tiếng khóc của lòng người, của tình thương người. Ngày trước, cũng vào ngày Rằm tháng Bảy, các cụ tổ chức cúng cô hồn ở đình, chùa. Cụ nào "đẹp" giọng nhất đọc "Văn chiêu hồn". Đọc đến đâu người nghe sụt sùi nức nở đến đấy. Đọc xong là một khoảng lặng đến rợn người (Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay). Mãi lúc sau tiếng thanh la chũm chọe mới gượng gạo cất lên...Thơ hay là để cho tiếng lòng tìm đến tiếng lòng!

"Văn chiêu hồn" còn là tiếng nói, tiếng gọi "giải thoát" hướng về nhà Phật: "Mười loài là những loài nào?/ Gái trai già trẻ đều vào nghe kinh.../ Ai ơi lấy Phật làm lòng/ Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi". Hướng về Phật tức là có sự giải thoát nên nỗi đau vơi hẳn, ý thơ nông hơn, tình thơ nhẹ đi. Vì thế mà cả đoạn cuối này cứ như không phải của Nguyễn Du mà của nhà Phật. Giọng Nguyễn Du đã hòa vào giọng nhà Phật. Văn bản thiên về lời nhà Phật, tình nhà Phật!

Tại sao vậy? Có một sự thật là ngày xưa cúng cô hồn thường ở nhà chùa (nơi tụ tập đông người hơn cả), do nhà chùa tổ chức. Nên một ý kiến rất có lý là Nguyễn Du làm bài này ở nhà chùa, cho nhà chùa!?

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn tin: cand.com.vn