Về Lam Sơn tìm hào khí Lũng Nhai: Cuộc khởi nghĩa vĩ đại


1. Rời Hà Nội, theo đường Hồ Chí Minh đi khoảng 180km là đến thị trấn Lam Sơn (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Trườn sang đường 47, vượt cầu Bái Thượng qua sông Chu thêm chừng 10km nữa là tới làng Mé (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân), nơi có tấm biển chỉ đường đến di tích Hội thề Lũng Nhai.

Đường dốc đứng, đất ít sỏi đá nhiều, các sống trâu chắn lối nên xe máy không lên nổi. Bỏ xe đi bộ, phải khá vất vả chúng tôi mới leo được đến đỉnh đồi. Một bãi đất tương đối bằng và thoáng, có một ngôi nhà gạch cũ sơn màu vàng, sân gạch phủ mái tôn và dăm ba chiếc ghế xi măng cũ. Cửa đóng, nhưng nhìn dòng chữ đỏ "Lũng Nhai tiền sử" và hoa văn trên cánh cửa, dễ nhận thấy sẽ có những đồ thờ trang trọng bày bên trong ngôi nhà nhỏ. Đó là đồi Bái Tranh, gò đất nổi phía đầu của dãy núi Bù Mé, nhìn về phía sông Âm, sông Chu xa xa.

Di tích Hội thề Lũng Nhai tại đồi Bái Tranh (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa).

Theo sử sách, đầu thế kỷ XV, Hồ Quý Ly lên ngôi, người dân không phục. Những nỗ lực và cải cách của nhà Hồ chưa đem lại hiệu quả thì giặc Minh thừa cơ xâm lấn, đặt ách cai trị ở nước ta. Không chịu làm kiếp nô lệ, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, nhưng nhanh chóng bị đàn áp đẫm máu. Ở miền tây Thanh Hóa, cũng có nhiều cuộc nổi dậy ứng nghĩa, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi ở núi rừng Lam Sơn.

Lê Lợi là con út trong một gia đình làm hào trưởng ở Khả Lam (huyện Thọ Xuân ngày nay), hơn 30 tuổi, nhưng tài trí đã sớm lừng danh trong vùng, được nhiều người kính phục. Giặc Minh nhiều lần tìm cách mua chuộc Lê Lợi, nhưng ông vẫn âm thầm nuôi chí lớn đuổi giặc giúp dân, chăm chỉ đãi người hiền, thu nạp sĩ tốt, tích lũy lương thảo, mưu đồ khởi nghĩa.

Vào ngày tốt tháng 2 năm Bính Thân (1416), tại Lũng Nhai, Lê Lợi dẫn đầu 18 nghĩa sĩ có cùng chí hướng, đứng trước hương án, cắt máu ăn thề. Lời thề rằng: "Tôi, phụ đạo Lê Lợi đứng đầu, với 18 người từ Lê Lai đến Trương Chiến, tuy sinh khác họ, quê quán xa cách nhưng kết nghĩa cùng nhau, xem nhau như cành liền chung một tổ… đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương để làng xóm được yên…". Sử sách gọi đây là Hội thề Lũng Nhai, dấu mốc đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Từ sau cuộc hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Du lịch Thanh Hóa, UBND huyện Thường Xuân tổ chức năm 2013 tại địa phương, đồi Bái Tranh chính thức được một số nhà sử học tên tuổi xác nhận là nơi đã diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Di tích được khởi dựng để nhân dân tưởng nhớ.

Chúng tôi cùng đứng trên đồi Bái Tranh, phóng tầm mắt nhìn sang phía đông ngắm ngọn núi Rồng có dòng sông Âm chạy quanh. Xa xa là dòng sông Chu. Ngước về phía tây là cả dãy núi đá Bù Mé sừng sững vững chãi, có thể nuôi giấu cả ngàn người trong thung lũng kín đáo. Bên dưới là thung lũng rộng lớn với hàng trăm mẫu ruộng, xen lẫn là các xóm làng trù phú bình yên. Ngắm nhìn non sông gấm vóc, mỗi người chí hướng đều dạt dào cảm xúc và trách nhiệm với quê hương, cũng không là điều lạ.

Núi Miềng, nhìn từ đồi Bái Tranh.

Mới thấy, một thổ hào ngoài 30 tuổi cùng 18 người nông dân manh lệ, chỉ riêng việc dám chống lại hoàng đế Minh Thành Tổ Chu Đệ nổi tiếng hung bạo và hùng mạnh bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa với đội quân đông gấp vạn lần, đã có thể coi là anh hùng. Không chỉ thế, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn đã thành công rực rỡ. Trải qua 10 năm gian khổ (1418 - 1428), cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi cuối cùng, đất nước ta sạch bóng quân thù. Lê Lợi dựng nên nhà Hậu Lê, trải qua nhiều thăng trầm nhưng cơ đồ bền vững suốt 400 năm, dài nhất trong các vương triều của Việt Nam.

2. Hơi nóng từ mặt trời và cát sỏi khá dữ dội. Đang oi bức, một ý nghĩ bỗng lóe lên của người đồng hành khiến tôi chợt thấy ớn lạnh: "Thiếu nước. Bốn bề của Bái Tranh khô cằn, không có một giọt nước. Không hiểu 600 năm trước, nơi đây từng có dòng suối hay mạch nước nào không, nhưng thời điểm Hội thề diễn ra vào tháng 2 là chính giữa mùa khô, sông suối và nước ngầm đều khô cạn. Khoảng cách từ đây đến bờ sông Âm, sông Chu là khá xa. Đường lên núi rất dốc, muốn vận chuyển một lượng nước lớn lên đồi cũng là một kỳ công".

Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, cách làng Miềng 3km.

Tôi hiểu ý anh bạn đang đặt câu hỏi, tại sao lại chọn nơi đây để diễn ra một Hội thề trang trọng có hàng trăm người tham dự? Bởi vì tuy số người được đọc tên trong văn thề là 19 người, nhưng họ là đại diện cho từng nhóm có tham dự buổi lễ. Như gia đình công thần Lê Lai có 5 người tham dự, nhưng trong văn thề chỉ xướng tên có một mình ông.

Các danh tướng thân tín của Lê Lợi như Lê Sát, Lê Thạch, Lê Khôi, Nguyễn Xí… vốn là tâm phúc hoặc ở cùng nhà vua từ bé, chắc chắn sẽ có mặt tại hội thề đó. Các thủ lĩnh khác như Lưu Nhân Chú, Bùi Quốc Hưng… cũng sẽ có thân tín đi theo. Chưa kể là những người phục vụ và bảo vệ cho hội thề được diễn ra an toàn và trang trọng.

Có thể khẳng định, đỉnh gò Bái Tranh chỉ rộng vài trăm mét vuông thì không đủ chỗ chứa hết số người ấy, nhất là khi cần tách biệt nơi hành lễ trang nghiêm kính cẩn và khu vực làm cỗ bàn bề bộn. Người ta sẽ giết ngựa mổ trâu, tổ chức cắt máu hiến tế, bày biện chế biến, ăn uống như thế nào trên khoảng đồi này, đặc biệt là nếu không có nước? Kể cả làm dưới chân núi, thì cũng là hướng của 19 người và hương án hướng về.

"Đành rằng, phần đông người tham dự hội thề Lũng Nhai là các nông phu và võ sĩ, nhưng bản thân Lê Lợi là một người văn võ toàn tài, bên cạnh có những văn sĩ tài năng kiệt xuất như Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chú…, lại không nhận ra?" - anh bạn tôi tiếp tục lẩm bẩm, tự hỏi và như đã tự trả lời.

Tất nhiên, đó chỉ là một trong những ý nghĩ ban đầu khiến chúng tôi hoài nghi về địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai. Các nhà nghiên cứu không ủng hộ quan điểm lấy đồi Bái Tranh làm nơi tưởng niệm hội thề đã đưa ra rất nhiều ý kiến phản biện.

Nổi bật nhất là những ý kiến cho rằng đồi Bái Tranh quá xa xôi, đường đi lại bị cách trở bởi sông lớn. Hơn nữa, đồi Bái Tranh không thuộc hương Lam Sơn, địa bàn quản lý của Lê Lợi… Tranh luận vẫn chưa có hồi kết. Nhưng chúng tôi không đưa lại những bằng chứng cũ đó nữa, mà tự lần ngược trở lại vấn đề theo cách của mình.

3. Tên gọi Bái Tranh đang được giải thích vì đây là nơi linh thiêng, người dân thường tranh nhau đến để bái vọng tưởng nhớ Hội thề Lũng Nhai. Chữ "bái" ở đây là danh từ hay động từ? Không, có một thực tế rằng Bái Thượng, Bái Đô, Bái Hạ, Xuân Bái…, là tên gọi khá phổ biến ở vùng này. "Bái" theo tiếng địa phương là bãi đất rộng rãi bằng phẳng có nhiều cây cỏ dại. Bái Tranh đơn giản là bãi cỏ tranh.

Tương tự, núi Bù Mé, thực chất là Bù Me, Bù Mẹ (tùy theo phát âm của người Mường hoặc Thái) cũng là một tên gọi khá phổ biến, nghĩa là ngọn đồi có nhiều cây cỏ chít, bên trong chứa con sâu chít ăn rất ngon. Những dấu tích còn lại ở xung quanh Bái Tranh như gươm giáo, mộ cổ, bát hương…, chủ yếu do người dân địa phương cung cấp và tự "khảo cổ", có liên quan đến Lũng Nhai?

Không đủ cơ sở kết luận, dù có thể chúng liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, hoặc không. Nên nhớ, cả vùng đất này từ thời Lê Lợi trải 600 năm sau có vô số bể dâu, từng là bãi chiến trường của rất nhiều cuộc xung đột khốc liệt. Những dấu tích của chiến tranh đó, chưa hẳn đã liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chứ chưa nói rằng có quan hệ đến hội thề Lũng Nhai.

Ông Phạm Tấn: Hội nghị Lũng Nhai được tổ chức tại làng Miềng.

Bù Mé là dãy núi có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn trong những ngày đầu khởi nghĩa, như Chí Linh, Mường Mọt, Nang Cát, Lư Sơn, Mường Xôi… sau này. Thực tế chứng minh, sau Lê Lợi, cũng có rất nhiều thủ lĩnh cũng chọn nơi đây làm căn cứ khởi động sự nghiệp. Ít nhất có ba người. Nhưng lấy ngọn đồi Bái Tranh rất dốc, nhỏ hẹp, bất tiện về giao thông…, để tổ chức một sự kiện trọng đại như Hội thề Lũng Nhai, liệu có thỏa đáng?

Mặc dù cùng nhau tìm lại Di tích Lũng Nhai để noi gương người xưa mà phấn chấn tinh thần trước khi khởi nghiệp, nhưng những tồn nghi khiến chúng tôi phải nghiêm túc xem xét lại. Quả thật, mặc dù di tích được đặt tại địa điểm này, nhưng Hội thề Lũng Nhai vẫn được khá nhiều bậc trí thức và nhân dân địa phương xác định đã diễn ra ở nơi khác. Thật bất ngờ, có ít nhất ba địa danh đang được coi là Lũng Nhai.

Và khi gặp ông Phạm Tấn, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, thì ông cho rằng, Hội nghị Lũng Nhai được tổ chức ở một nơi khác, đó là làng Miềng, xã Phú Thịnh, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.

(Còn nữa)

Lê Quân

Nguồn tin: cand.com.vn