Vì sao con người không tin khoa học?


Ngày 27-12-1831, một chàng trai trẻ 22 tuổi lên chuyến tàu HMS Beagle khởi hành từ Plymouth, nước Anh đi vòng quanh thế giới. Chuyến tàu đi ròng rã 5 năm mới kết thúc.

Trong 5 năm ấy, chàng trai quan sát các loài thực vật, động vật của nhiều vùng khác nhau và trong đó có một quan sát đặc biệt quan trọng, đó là anh phát hiện ra loài chim sẻ ở đảo Galapagos và loài chim sẻ sống ở sâu trong lục địa tuy giống nhau nhưng lại phát triển những đặc tính sinh học khác nhau để phù hợp với việc kiếm ăn ở môi trường sống cụ thể của mình. Sau này, chàng trai ấy viết cuốn “Nguồn gốc các loài” và đưa ra thuyết Tiến hóa gây chấn động dư luận. Chàng trai ấy là Charles Darwin.

Một năm có 365 ngày, có riêng một ngày người ta dành cho Darwin. Thế nhưng, vào đợt kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông, người ta tổ chức một cuộc thăm dò và kết quả là chỉ có 39% người Mỹ tin vào thuyết Tiến hóa.

Cùng thời điểm này, ở nước Anh, quê hương của nhà bác học, tờ The Guardian đưa ra số liệu đến một nửa người trưởng thành không tin vào học thuyết của Darwin và trong số ấy, 22% tin vào Sáng Thế Ký của Thượng Đế.

Hàng triệu người Ấn Độ theo đạo Hindu tham gia lễ hội trên sông Hằng trong những ngày qua khiến dịch bệnh bùng nổ.

Trong Bảo tàng Sáng Thế ở Petersburg, bang Kentucky, có tranh vẽ Adam và Eve chia sẻ một khu rừng cùng một con khủng long vào 10.000 năm trước, dù ta tưởng chuyện khủng long tuyệt chủng từ 65 triệu năm trước trong khi con người hiện đại mới có mặt từ 200.000 năm trở lại đây là chuyện rõ như ban ngày. Mà vốn dĩ Mỹ và Anh là hai quốc gia hàng đầu về nghiên cứu khoa học.

Tôi đã lập tức nghĩ đến câu chuyện trên khi xem những tấm hình về hàng triệu người theo đạo Hindu ở Ấn Độ ùn ùn ăn mừng lễ hội Kumbh Mela và sau đó phải trả giá với những thành phố ngùn ngụt ngọn lửa thiêu xác người chết vì COVID-19.

“Niềm tin của những người hành hương sẽ vượt qua nỗi sợ với loài virus”, Thủ hiến tiểu bang Uttarakhand trả lời phỏng vấn báo chí trước khi lễ hội diễn ra. Quả là như thế, chỉ trong vài ngày, 3 triệu người nhảy xuống sông Hằng linh thiêng để tắm, nỗi sợ về một loài virus mới xuất hiện được hơn một năm nay mà khoa học cảnh báo chẳng đáng là gì so với sức mạnh phủ trùm của các vị thần trong hàng ngàn năm qua.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi còn từng đề nghị nghiên cứu giả thuyết nước sống Hằng có chữa được COVID không. Thế mà, chỉ mới một thời gian ngắn trước, những chính trị gia theo đạo Hindu đã chỉ trích những người Hồi giáo vì tổ chức các buổi cầu nguyện lớn ở New Delhi. Thật ra thì họ giống nhau cả.

Tại sao lại có những thứ phản khoa học như thế trong một thời đại mà ta cứ ngỡ là rất vị khoa học? Chẳng phải chúng ta vẫn thường xuyên đọc những bài báo phàn nàn về việc con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ, vào điện thoại, vào máy tính bảng - mà công nghệ chính là một totem của khoa học hiện đại?

Thậm chí, công thức để viết những bài báo vô thưởng vô phạt trong các mục chăm sóc sức khỏe chính là “khoa học đã chứng minh rằng” - từ “khoa học” bị lạm dụng nhiều đến nỗi trở nên trơ lỳ. Nhưng, có vẻ như, sự thống trị của khoa học công nghệ chỉ là lớp vỏ ngoài mỏng manh lúc nào cũng có thể bị chọc vỡ ra. Còn con người dựa dẫm vào khoa học vì sự dễ chịu và tiện nghi mà những phát minh khoa học mang đến, chứ không hẳn là vì những chân lý hay sự thật về thế giới.

Để tìm hiểu về hiện tượng kỳ lạ này, giáo sư Andrew Shtulman của Khoa Khoa học nhận thức Đại học Occidental đã nghĩ ra một bài kiểm tra như sau. Ông mời 150 sinh viên từng tham gia các lớp về khoa học và toán học đến để đọc khoảng vài trăm kết luận khoa học và yêu cầu họ đánh dấu những kết luận đúng. Một kết quả khá bất ngờ là họ phải mất nhiều thời gian hơn một chút để tích vào ô “Trái đất quay quanh Mặt trời” so với ô “Mặt trăng quay quanh Trái đất”.

Cả hai kết luận trên rõ ràng là chính xác nhưng nếu như Mặt trăng quay quanh Trái đất là điều ta có thể cảm nhận được dễ dàng thì Trái đất quay quanh Mặt trời là điều đi ngược với cảm giác thông thường của ta và chỉ được biết thông qua giáo dục.

Điều này ngụ ý rằng con đường để khoa học đến với nhận thức luôn có một lực ma sát cản lại là niềm tin mang tính bản năng. Cho nên, hãy thông cảm với những nhà thần học ngày xưa đã cho rằng Copernicus là kẻ dị giáo, bởi ngay cả những người được trang bị học vấn đàng hoàng, được nuôi dạy trong môi trường thế kỷ 21 với bóng đèn khoa học chói lóa trên đỉnh đầu, thì đâu đó trong tâm trí vẫn còn tàn dư của cái cảm nhận rằng Mặt trời quay quanh Trái đất, nữa là những người thiên cổ không có trong tay một tấc công cụ nào.

Tranh “Một con khủng long trong khu vườn Eden”.

Trong bài kiểm tra tương tự do nhà tâm lý Kevin Dunbar của Đại học Maryland tổ chức, ông còn quan sát được việc các mạch máu đổ dồn về phần vỏ não ở trước trán khi những người tham gia xác thực những tuyên bố tưởng đã là nghiễm nhiên trong khoa học, mà phần vỏ não này vốn có nhiệm vụ kiểm soát ý thức. Theo Dunbar, đây là bằng chứng cho thấy sự chấp nhận một số tri thức khoa học thực ra không phải là ta thu nạp sự thật mà là ức chế những lầm tưởng.

Sự thật thì thường khó nuốt, câu ấy đúng trong nhiều lĩnh vực và càng đúng hơn trong lịch sử nghiên cứu khoa học. Những đột phá vĩ đại thay đổi hoàn toàn trục kiến thức của chúng ta, từ thuyết Nhật tâm đến thuyết Tiến hóa, từ thuyết Tương đối đến cơ học lượng tử hầu như đều mang đến những sự thật gây khó chịu và để đi đến những thành tựu khoa học, nhân loại phải từ bỏ cõi an trú của trực giác để nhảy vào một miệng núi lửa những sự thật đốt cháy da thịt.

Mà đâu chỉ nhảy một lần. Chân lý khoa học khác với chân lý tôn giáo. Cơ sở của chân lý tôn giáo là sự chắc chắn, còn cơ sở của chân lý khoa học là sự nghi ngờ. Karl Popper, nhà triết học về khoa học cho rằng “Chân lý và sự chắc chắn cần phải được phân biệt rõ ràng. Tri thức là đi tìm chân lý. Không phải là cuộc tìm kiếm sự chắc chắn”. Hay theo cách nói của Richard Feynman thì bản chất của khoa học là “sự lao động cật lực để chứng minh rằng mình đã sai”.

Không cần phải lấy những ví dụ to tát về việc Einstein đã chứng minh Newton sai như thế nào và ngày nay người ta lại đặt dấu hỏi với Einstein ra sao, chỉ cần nói về món socola thôi, khi thì các nhà khoa học nói rằng đây là món ăn gây hại cho sức khỏe, một lúc khác họ lại bảo nó giúp làm đẹp da, giữ dáng. So với việc đánh cược vào một thứ thay đổi như chảo chớp của khoa học thì với nhiều người, trong nhiều vấn đề, tôn giáo hay trực giác có vẻ là những “chú ngựa” ổn định và an toàn hơn.

Khoa học luôn đặt con người vào cảm giác bất an như thế. Không ở đâu mà “cái tôi” của ta dễ bị tổn thương hơn trong khoa học, bởi ta luôn phải đối mặt với việc ta đã sai. Mà hơn nữa, có nhiều loại sự thật khác nhau và không phải lúc nào sự thật khoa học cũng tốt hơn những sự thật khác.

Nhưng, có những sự thật chủ quan có thể đẩy con người vào ngõ cụt. Như là cầu nguyện có thể áp chế được COVID. Như là dòng sông Hằng có thể tẩy rửa bệnh tật. Hay như là biến đổi khí hậu là sự phóng đại của giới khoa học hay sốt sắng. Quả vậy, theo khảo sát, 1/4 dân số Mỹ - đất nước có lượng phát thải cacbon cao gần nhất thế giới - cho rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa không đáng kể!

Nhưng, bất ngờ hơn nữa, trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Psychological Science của hai tác giả Matthew Feinberg và Robb Willerthuộc trường UC Berkeley, phần lớn những người khi đọc các thông điệp khủng khiếp về biến đổi khí hậu không muốn tin vào điều này là bởi, sự thật “bất tiện” ấy đe dọa nhu cầu được nhìn nhận thế giới là một nơi có tổ chức, vững chãi và công bằng, nơi những người lao động lương thiện được tưởng thưởng và những kẻ phá hoại sẽ bị trừng phạt. Trong khi đó, biến đổi khí hậu thì tạo nên một ngày tận thế như nhau cho tất cả mọi người, dù người mang tội hay không mang tội.

Song, thế giới đúng là một nơi tàn nhẫn như thế, nơi nguồn gốc của con người không có gì thần thánh mà chỉ là loài cá vây chân, nơi Trái đất không đời nào là cái rốn của vũ trụ, nơi nghi lễ tôn giáo không cứu được con người khỏi virus, nơi môi trường đang bị phá hủy không thể hồi vãn.

Và nói chung là, như Carl Sagan, một trong những nhà thiên văn học được công chúng biết đến rộng rãi nhất, từng viết: “Thà là sự thật khó nuốt, theo tôi, còn hơn là những ảo tưởng an ủi”.

Hiền Trang

Nguồn tin: cand.com.vn