Vụ bê bối tình báo - ngoại giao ở RAF Croughton


Gây chú ý vì một tai nạn chết người.

Căn cứ, được gọi chính thức là RAF (Lực lượng Không quân Hoàng gia) Croughton, nằm ở một góc của Northamptonshire ở miền trung nước Anh, nhưng không phải là một trạm RAF bình thường. Sự thật, “RAF” Croughton là căn cứ của hơn một nghìn điệp viên Mỹ, những người đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thu thập thông tin tình báo và nghe trộm khổng lồ của Mỹ ở Anh.

Mạng lưới này cũng bao gồm “RAF” Molesworth ở Cambridgeshire và “RAF” Menwith Hill ở Bắc Yorkshire, nơi cơ quan tình báo tín hiệu Anh GCHQ và đối tác cấp cao Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) của Mỹ, chặn liên lạc từ các vệ tinh nước ngoài trong không gian và từ điện thoại di động trên mặt đất.

Mạng lưới cũng bao gồm “RAF” Fairford ở Gloucestershire, nơi có một trong những đường băng lớn nhất thế giới và là nơi “thường trú” các máy bay ném bom tầm xa B-52 Stratofortress, máy bay do thám U-2 và máy bay ném bom tàng hình B2 của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) với Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tại London, ngày 21/7/2020.

Croughton được kết nối bằng mạng cáp trực tiếp tới trụ sở GCHQ ở Cheltenham và qua cáp quang tốc độ cao tới Trại Lemonnier - căn cứ quân sự của Mỹ ở Djibouti, nơi các máy bay không người lái vũ trang của Mỹ tấn công các mục tiêu ở Yemen và Somalia.

Croughton trở thành trung tâm của cuộc tranh cãi không phải vì lo ngại về việc Washington sử dụng Anh như một “tàu sân bay không thể chìm mới” để tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Trung Đông hoặc châu Phi, hoặc làm căn cứ để do thám đồng minh (bao gồm cả Thủ tướng Đức Angela Merkel).

Croughton bị bóc trần bí mật sau một tai nạn chết người. Đó là vụ thanh niên người Anh Harry Dunn thiệt mạng khi chiếc xe máy của anh đâm vào một chiếc ô tô chạy ngược chiều bên ngoài căn cứ Croughton vào tháng 8/2019.

Anne Sacoolas, người lái chiếc xe được cho là nữ sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã kết hôn với một sĩ quan tình báo Mỹ khác tại Croughton, được tuyên bố quyền miễn trừ ngoại giao. Vài ngày sau vụ tai nạn, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ đã âm mưu đưa bà này ra khỏi Anh càng sớm càng tốt bằng quyền miễn trừ ngoại giao.

Anna Sacoolas (trái), người đã lái xe tai nạn gây nên cái chết của Harry Dunn.

Gia đình Sacoolas được đưa đến một căn cứ không quân ở Virginia trên một chuyến bay đột xuất, có thể là trên một chiếc máy bay của trụ sở CIA tại Đức.

Vào tháng 12/2019, sau khi bị gây áp lực từ gia đình và bạn bè của Dunn, Anne Sacoolas bị buộc tội gây ra cái chết do lái xe nguy hiểm. Yêu cầu dẫn độ của Bộ Nội vụ Anh đã bị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ chối.

Vào tháng 5/2020, một “Thông báo Đỏ” của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol được công bố về việc bắt giữ Sacoolas nếu người này cố gắng rời khỏi Mỹ.

Mặc dù bối rối và khó chịu, sau đó Ngoại trưởng Boris Johnson buộc phải tuyên bố việc Mỹ từ chối dẫn độ Sacoolas là một sự “chối bỏ công lý”, nhưng ông nói rõ quan điểm của mình là chính phủ Anh không thể làm gì được. Vụ án dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào tháng 10/2020. Bộ Ngoại giao Anh yêu cầu cảnh sát giữ im lặng cho đến khi họ muốn có “tất cả mọi thứ trong trật tự”.

Anne Sacoolas không lái chiếc xe ngoại giao vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn đường bộ nghiêm trọng và chiếc xe không có biển số ngoại giao. Nhóm luật sư đại diện gia đình Dunn đã hỏi ý kiến của Sir Ivor Roberts, cựu đại sứ Anh và chuyên gia về luật ngoại giao.

Gia đình của Harry Dunn rời Bộ Ngoại giao Anh sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Dominic Raab tại London, ngày 9/10/2019.

Ông tuyên bố Sacoolas được hưởng lợi từ quyền miễn trừ ngoại giao là một “sự vô lý hoàn toàn”. Roberts đề cập đến một thỏa thuận bí mật năm 1995 giữa Bộ Ngoại giao Anh và Đại sứ quán Mỹ bao gồm các nhân viên Mỹ tại Croughton. Thỏa thuận quy định cụ thể rằng quyền miễn trừ ngoại giao không áp dụng cho “các hành vi được thực hiện ngoài nhiệm vụ của họ”.

Một “lỗ hổng” mà chính phủ Anh và Mỹ cho rằng cho phép Anne Sacoolas tuyên bố quyền miễn trừ ngoại giao đã được chốt lại trong một thỏa thuận được công bố vào ngày 21/7/2020 trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới London.

Ngày 22/7/2020, Anh và Mỹ đã nhất trí tước quyền miễn trừ truy tố hình sự đối với thân nhân của các nhà ngoại giao và nhân viên Đại sứ quán Mỹ tại Anh.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nhấn mạnh: “Việc tước quyền miễn trừ truy tố hình sự của Mỹ giờ đây được mở rộng tới các thành viên gia đình của các nhân viên ngoại giao Mỹ, qua đó chấm dứt quy tắc này trong các thỏa thuận trước đó và cho phép truy tố hình sự các thành viên gia đình của các nhân viên ngoại giao nếu những tình huống bi thảm tương tự xảy ra một lần nữa”.

Tiêu điểm Croughton

Mặc dù vụ tai nạn bên ngoài Croughton có thể không liên quan gì đến các hoạt động bí mật của căn cứ, nhưng vụ việc chết người đã khiến dư luận Anh quan tâm, dù trong suốt nhiều năm qua, Croughton hầu như không được chú ý.

Croughton bắt đầu hoạt động như một căn cứ quân sự của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh nhưng trong nhiều năm, nó đã thu thập thông tin tình báo thu thập được từ việc ngăn chặn liên lạc toàn cầu của kẻ thù và cả bạn bè đồng minh.

Nhờ cựu nhân viên NSA Edward Snowden kết hợp với các nguồn tin khác mà giờ đây mọi người biết rằng Croughton là một trung tâm liên lạc để định tuyến thông tin (bao gồm cả điện thoại di động của Merkel) được chặn bởi mạng lưới trạm nghe lén “Stateroom” của Mỹ được lắp đặt trong các đại sứ quán của họ trên khắp thế giới.

Các mái vòm che thiết bị viễn thông của RAF Croughton ở Northamptonshire.

Croughton cung cấp những gì được mô tả một cách hoa mỹ là “hoạt động hỗ trợ công nghệ” cho Cơ quan Thu thập Đặc biệt (SCS) của Mỹ đặt tại một cơ sở chung của CIA/NSA ở College Park bang Maryland. SCS (có tên mã F6) là một chương trình chung của CIA/NSA chịu trách nhiệm lắp đặt thiết bị nghe lén ở những nơi khó tiếp cận - như đại sứ quán nước ngoài, trung tâm liên lạc và chính phủ nước ngoài. Bộ Quốc phòng Anh khẳng định hơn 1.000 nhân viên Mỹ tại Croughton “không bay cũng không điều khiển” máy bay không người lái. Điều đó có thể đúng.

Croughton cung cấp thông tin tình báo nhưng được phân tích và xử lý ở Mỹ và tại RAF Molesworth. Molesworth là một căn cứ mở rộng của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đảm nhận một số vai trò ban đầu được giao cho Croughton.

Vào 6 năm trước, Mỹ thông báo rằng Trung tâm Phân tích Chung (JAC) của Bộ Chỉ huy Châu Âu (EUCOM) tại Molesworth, cùng với các hoạt động thu thập thông tin tình báo của Bộ Tư lệnh Châu Phi (AFRICOM), sẽ được hợp nhất thành Trung tâm Phân tích Tình báo Chung (JIAC).

Tuy nhiên, năm 2019, Washington đã từ bỏ kế hoạch này vì các tranh chấp tài chính, mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và sự tranh cãi liên quan đến các căn cứ quân sự Mỹ ở Đức. JIAC không đặt trụ sở tại Croughton mà tại Molesworth, nơi có nhiều không gian trống, cùng với “Trung tâm kết hợp tình báo” của NATO.

Kế hoạch mở rộng căn cứ của Mỹ

Nhưng nỗ lực của Chính phủ Anh và Mỹ đã bị cản trở. Gia đình Dunn nhận được sự giúp đỡ tích cực từ cố vấn và phát ngôn viên hiệu quả - Radd Seiger, một người bạn và luật sư người Mỹ; cùng với cựu lãnh đạo Hạ viện Anh Andrea Leadsom.

Ngày 9/7/2020, Leadsom phát động một cuộc tấn công dồn dập vào việc Mỹ đang xử lý vụ việc. Leadsom phát biểu trước Hạ viện Anh: “Nhiều cử tri, những người khác trên khắp đất nước Anh và thậm chí từ chính Mỹ, đã viết thư cho tôi để nói rằng nếu tôi, hoặc một thành viên trong gia đình của tôi, đang lái xe hoặc đi bộ gần căn cứ và một công dân Mỹ vô tình làm hại hoặc giết chúng tôi, người đó có thể đơn giản quay trở lại Mỹ mà không ai có thể làm gì được. Mặc dù Mỹ là đồng minh lớn nhất của chúng tôi và là một nửa đặc biệt mối quan hệ. Nhưng điều đó hoàn toàn không thể dung thứ được”.

LindisPercy, người đồng sáng lập Chiến dịch vì trách nhiệm giải trình về các căn cứ Mỹ (CAAB).

Scott Lucas, Giáo sư chính trị quốc tế Đại học Birmingham bình luận: “Vụ tai nạn giao thông giết chết Harry Dunn đã thu hút sự chú ý đến việc mở rộng đáng kể năng lực tình báo của Mỹ, để thu thập và phân tích tại các căn cứ ở Croughton và Molesworth. Nếu Anne Sacoolas không gây tai nạn giết chết Harry vào đêm tháng 8/2019, tôi nghĩ rằng ít người ở Anh có thể phát hiện việc mở rộng các hoạt động của Mỹ và NATO khi đối mặt với căng thẳng với Nga, và các cuộc nổi dậy trên khắp Trung Đông”.

LindisPercy, người đồng sáng lập Chiến dịch vì trách nhiệm giải trình về các căn cứ Mỹ (CAAB), cho biết: “Chính phủ Anh tiếp tục tạo ra lầm tưởng rằng chính họ là người đưa ra quyết định, trong trường hợp này là quyết định có tiếp tục mở rộng hay không của Croughton và Molesworth. Tất cả các căn cứ của Mỹ ở đây được gọi là “RAF”.

Khám phá thêm một chút và phát hiện ra rằng chính quyền Mỹ đang nắm quyền kiểm soát và chiếm đóng vững chắc và họ nắm giữ dây cương. Họ làm những gì họ thích - cho dù hợp pháp hay không. Đó là điều chắc chắn.

Điều đáng quan tâm là liệu Ủy ban An ninh và Tình báo Quốc hội Anh mới được thành lập có tiếp nhận vụ việc hay không. Vụ việc rất đáng để Ủy ban Quốc phòng Hạ viện tiến hành cuộc điều tra chính thức khi chính phủ khẳng định các căn cứ chính thức thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng Anh.

Trang Thuần (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn