Vũ khí tranh cử mới?

Điều gì thực sự đang xảy ra thế này? Ông tổng thống của một trong những đất nước có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới bị tấn công bởi con virus đáng sợ nhất thế giới! Ở thời điểm ấy, có cả thảy 213 quốc gia, vùng lãnh thổ đã xuất hiện COVID-19, có trên 35 triệu người nhiễm bệnh và trên 1 triệu người chết.

Ở thời điểm ấy, nước Mỹ của ông Donald Trump có hơn 7,6 triệu ca nhiễm, trên 215 000 người tử vong, trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới. Và ở thời điểm ấy, ông Doanld Trump vẫn bị phe Dân chủ tố cáo về chính sách chống COVID-19 yếu kém, không hiệu quả. “Ông là tổng thống tệ hại nhất mà chúng ta từng có!” - ông Joe Biden, đối thủ cạnh tranh ghế tổng thống với ông Donald Trump đã nói như thế trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai người vào ngày 29-9.

Ông Trump và phu nhân Melania có kết quả dương tính với nCoV.

Và một trong những chứng minh cho cái mệnh đề “tệ hại nhất” chính là việc ông Donald Trump đã ứng xử quá chủ quan với đại dịch toàn cầu. Mà đấy là những chứng minh có lý, bởi tất cả đều nhớ khi đại dịch bắt đầu xuất hiện ở nước Mỹ, ông Trump từng ví von nó chỉ như một dịch cúm thông thường và do vậy, người dân không cần sợ hãi đến mức phải đeo khư khư cái khẩu trang khi ra đường.

Các nhà phân tích lập luận đơn giản: Nếu người Mỹ vì sợ COVID-19 mà ở nhà thì nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và nếu nếu kinh tế ảnh hưởng nghiêm trọng thì tỉ lệ thất nghiệp sẽ gia tăng. Kinh tế vừa đi xuống, tỉ lệ thất nghiệm vừa đi lên có nghĩa là những thành quả mà ông Trump tự hào nhất, cái thứ mà ông cho rằng có thể khiến “nước Mỹ vĩ đại trở lại” sẽ tan ra như bong bóng xà phòng.

Có lẽ ông Donald Trump và đội ngũ vận động tranh cử của ông hiểu rằng ở cuộc tranh luận lần 2 với đối thủ Joe Biden vào ngày 15-10 tới đây, rất có thể COVID-19 vẫn sẽ là vấn đề chính mà mình bị “chiếu tướng”. Trong bối cảnh hàng loạt những cuộc thăm dò dư luận cho thấy chỉ số tin tưởng cử tri Mỹ đặt vào Joe Biden có phần nhỉnh hơn thì việc bị “chiếu tướng” có thể khiến ông Trump thiệt đơn thiệt kép. Trong bối cảnh quan trọng trước cuộc tranh luận có tính chất quyết định này, nhất định phải làm một điều gì đó để lật ngược vấn cờ. Tháng 10 của những năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ luôn có “một điều gì đó” diễn ra, giúp cho người này hưởng lợi và khiến người khác rót đài chóng vánh.

Giới quan sát gọi đấy là bất ngờ tháng 10. Có quá nhiều câu chuyện về “bất ngờ tháng 10”, ví dụ như cái ngày 26-10-1972, khi Cố vấn An ninh quốc gia, trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ Henry Kissinger đột ngột đưa ra tuyên bố về cuộc chiến tranh Việt Nam: “Chúng tôi tin hòa bình đang nằm trong tầm tay”. Tuyên bố đó xuất hiện trong bối cảnh người dân Mỹ đã chán ngán và thực hiện hàng loạt cuộc biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh. Thành thử, nó giống như một miếng mỡ được thả vào cái chảo đang khét lẹt vì bị đặt trên than hồng quá lâu.

Và cũng vì “miếng mỡ” đó là đương kim Tổng thống Nixon đã có một chiến thắng áp đảo, để tiếp tục nhiệm kỳ 2 của mình. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị sau đó nhận định tuyên bố của Kissinger chỉ là một đòn phép chính trị, giúp Nixon chiến thắng, còn thực tế diễn ra không đúng như những gì ông ta tuyên bố.

Một “bất ngờ tháng 10” đáng chú ý khác diễn ra trong chính cuộc chạy đua giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton 4 năm về trước. Khi đó, Giám đốc FBI bất ngờ tuyên bố sẽ điều tra bê bối sử dụng email cá nhân của bà Clinton khi bà còn làm Ngoại trưởng Mỹ. Tin này đã làm đảo chiều ít nhât 1% tỷ lệ ủng hộ của cử tri các bang chiến trường như Michigan, Pennsylvania, Wisconsin và được cho là một đòn trời giáng khiến bà Clinton thua cuộc.

Tổng thống Trump vẫy tay cảm ơn người ủng hộ bên ngoài Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed.

Nhìn nhận như vậy sẽ thấy cái tuyên bố ngắn gọn “Đệ nhất phu nhân Melania và tôi có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV” cũng là một dạng bất ngờ tháng 10. Và đấy là một bất ngờ nằm ngoài mọi... bất ngờ. Trong cuốn hồi ký gây tranh cãi xuất bản cách đây vài tháng của mình, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton cũng đã dự báo về một “bất ngờ tháng 10” mà ông Donald Trump có thể tạo ra trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay.

Theo một người lão luyện chính trường và có thời gian dài gần gũi với ông Donald Trump như John Bolton thì nó có thể liên quan đến một thỏa thuận đặc biệt nào đó với CHDCND Triều Tiên. Tháng 10, nếu quả nhiên ông Trump có một thỏa thuận đặc biệt với Triều Tiên - điều mà những người tiền nhiệm của ông chưa làm được, điều mà ông rất muốn làm sau những cuộc gặp gỡ mang tính bước ngoặt với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì rõ ràng tỉ lệ ủng hộ của các cử tri Mỹ dành cho ông có thể gia tăng đột biến. Nhưng hóa ra “bất ngờ tháng 10” lại không phải là “câu chuyện Triều Tiên” như dự báo của John Bolton, ít nhất là cho đến lúc này. Mà thế cũng phải, mới nếu “bất ngờ” lại là thứ đã được dự báo trước trong một cuốn hồi ký thì nó cũng chẳng phải là một bất ngờ gây sốc.

Điều sốc nhất bây giờ là Tổng thống Mỹ nhiễm COVID-19. Hàng loạt các nhà phân tích mổ xẻ câu chuyện này, chỉ ra cái lợi, cái hại của ông tổng thống ở thời điểm này. Ví dụ, nếu ông không đủ sức khỏe để tiếp xúc cử tri thì đấy sẽ là một bất lợi lớn cho ông. Ví dụ, ông từng bảo “COVID-19 không nghiêm trọng”, thế mà bây giờ chính mình dính COVID-19 - vậy những điều ông nói có thuyết phục không? Lướt qua các mặt báo, người ta sẽ dễ dàng bắt gặp hàng loạt phân tích kiểu như vậy. Nhưng, điều quan trọng nhất là: ông tổng thống đã làm gì, những người thân cận ông đã làm gì, đội ngũ vận động tranh cử của ông đã làm gì trong bối cảnh hết sức nhạy cảm này?

Thì đây: Cô con gái Ivanaka, đồng thời là cố vấn của ông đã chủ động đăng bức ảnh ông đang miệt mài làm việc ở một căn phòng được cho là thuộc Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed. “Không gì có thể ngăn bố làm việc vì người dân Mỹ. Không dừng bước” - Ivanaka viết vậy. Sau đó rất nhiều nhân viên Nhà Trắng đăng lại bức ảnh này trên mạng xã hội, cùng với một thông điệp rất rõ ràng: Ông Donald Trump là một cỗ máy không ngừng nghỉ. Điều mà những người này muốn lan tỏa đến các cử tri nằm ở chỗ: bệnh tật cũng không thể khiến ông không hành động vì nước Mỹ.

Ở một phương diện khác, một bộ phận không nhỏ những người ủng hộ ông Donald Trump đã tập hợp lại trước Walter Reed để cầu nguyện cho ông. Và mọi thứ có vẻ được đẩy tới cao trào vào ngày 4-10 khi ông quyết định ngồi ghế sau một chiếc SUV màu đen, đeo khẩu trang, vẫy tay qua cửa kính ô tô, cảm ơn người hâm mộ. Đã có những người chỉ trích hành động này là mạo hiểm, ví dụ một bác sĩ của Walter Reed, có tên: James Phillips. Theo vị bác sĩ này thì những điều ông Donald Trump làm giống như một “màn kịch chính trị” và nó có thể gây nguy hiểm cho những những mật vụ ở trong xe ô tô cùng ông.

“Họ sẽ phải cách ly 14 ngày. Họ có thể bị lây bệnh. Họ có thể chết. Vì màn kịch chính trị của ông Trump mà tính mạng họ bị đặt vào vùng nguy hiểm” - Phillips viết trên Twitter. Ngay sau đó phát ngôn viên Nhà Trắng đã phản bác, bởi theo vị này thì "các biện pháp phòng ngừa thích hợp đã được thực hiện".

Ở đây, bất chấp những tranh cãi khác nhau thì cái sự thật: Ông Donald Trump không bị COVID-19 đánh bại (nếu quả đúng là ông nhiễm bệnh) đã được chứng minh!

Và sự chứng minh được đẩy lên một nấc cao hơn vào chiều ngày 5-10, khi ông quyết định rời Walter Reed về lại Nhà Trắng. "Tôi vừa rời Trung tâm Quân y quốc gia Walter Reed và đó thực sự là một trải nghiệm đặc biệt, cùng với các bác sĩ, y tá, các kỹ thuật viên cấp cứu và tôi đã học được rất nhiều điều về nCoV. Có một điều chắc chắn, đó là đừng để nCoV chi phối bạn. Đừng sợ nó. Các bạn sẽ đánh bại nó. Chúng ta có các thiết bị y tế tốt nhất. Chúng ta có những loại thuốc tốt nhất, tất cả đều được phát triển gần đây" - ông Trump nói trong một video. Và ông lại nói: “Tôi cảm thấy khỏe hơn so với 20 năm trước”.

Thế đấy! Ông Trump đột ngột thông báo mình dương tính với COVID-19, rồi ra sức chứng minh con virus quái quỷ khiến cả thế giới khiếp sợ không thể đánh gục nổi mình - một người đàn ông 74 tuổi, có biểu hiện thừa cân. Và đây có thể sẽ là những minh chứng quan trọng, những luận điểm quan trọng ông Trump đưa ra để “bốp chát” lại ông Joe Biden trong cuộc tranh luận thứ 2 vào ngày 15-10 tới đây.

Lấy chính mình làm nhân chứng cho nhận định “con virus kia không đáng sợ”, liệu ông Trump có lật ngược thế cờ?

Trịnh Phan Phan

Nguồn tin: cand.com.vn