Xét tuyển đại học bằng học bạ - lợi hay hại?


Đã có gần 100 trường đại học thông báo đã nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức xét tuyển này. Theo đó, nhiều thí sinh sẽ trúng tuyển đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT. Việc xét tuyển bằng học bạ sẽ tạo thêm cơ hội cho các trường đại học, cao đẳng tuyển chọn thí sinh vào trường.

Theo nhận xét của Ban đào tạo nhiều trường đại học, quá trình phấn đấu trong 3 năm học được ghi nhận với phương thức xét tuyển học bạ, điều này có lợi cho những thí sinh học tốt nhưng có kết quả thi không cao.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia, các nhà nghiên cứu giáo dục và cả các bậc phụ huynh lẫn học sinh không khỏi băn khoăn bởi chất lượng đào tạo của chúng ta không đồng đều giữa các vùng, miền và vấn đề kiểm soát việc đánh giá kết quả học tập của học sinh nhiều nơi chưa chặt chẽ, thiếu khách quan, chưa đảm bảo đánh giá đúng thực chất năng lực của học sinh.

Cổng trường đại học là đích đến quan trọng của các em học sinh.

Tuyển sinh qua xét học bạ chắc chắn sẽ nảy sinh những nghịch cảnh khi thí sinh trúng tuyển bằng xét học bạ có thể có điểm thi thấp hơn thí sinh xét tuyển vào trường bằng kết quả bài thi THPT nhưng bị trượt do xét học bạ. Thậm chí, có thí sinh trúng tuyển đại học bằng xét tuyển học bạ nhưng lại trượt tốt nghiệp THPT… tạo ra sự không công bằng trong xã hội.

Khi xã hội quá coi trọng bằng cấp thì tâm lý khoa cử sẽ càng thêm nặng nề. Ở Việt Nam, không chỉ có các bậc phụ huynh, mà ngay cả học sinh đều coi việc vào đại học là một bước của sự thành công trong cuộc đời, nó sẽ mở ra con đường giúp con em có một công việc ổn định, một tương lai tương sáng. Văn hóa học để làm quan, học để lấy bằng quá ám ảnh con người Việt Nam.

Hầu hết mọi người đều nghĩ, cầm trong tay tấm bằng kỹ sư, cử nhân thì không khó kiếm việc làm, lập nghiệp và quan trọng nhất là có bằng sẽ có cơ hội thăng tiến. Ở Việt Nam ta đã có ông Thứ trưởng, Bộ trưởng nào là không có bằng đại học đâu?

Theo đà này, nếu chúng ta cứ áp dụng xét tuyển đại học bằng học bạ, dự đoán từ năm sau số lượng học sinh khá, giỏi của hệ THPT sẽ lại tăng đột biến, vì sẽ diễn ra tình trạng phụ huynh âm thầm "chạy điểm" để con em có học bạ đẹp. Và dễ dẫn tới việc nhà trường và giáo viên sẽ nới tay hơn, ra đề dễ hơn để các em có được điểm cao. Việc làm này, vừa là để giúp học sinh có bảng điểm đẹp, có cơ hội tốt cho tương lai, lại vừa giúp nâng "vị thế", tiếng tăm của nhà trường, của huyện nhà, tỉnh nhà khi có tỷ lệ tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ vào đại học cao. Như thế, lại tạo ra một sự gian dối mới, sẽ khiến căn bệnh thành tích trong giáo dục càng trầm kha hơn.

Trở lại kỳ tuyển sinh 2020, các học sinh sẽ bị cuốn theo cuộc chạy đua xét tuyển, mà quên mất mình yêu thích ngành nào, tất cả sức lực chỉ dồn vào việc so sánh điểm của trường này với trường kia, rồi chỉ chăm chăm rút, nộp hồ sơ để miễn sao chắc suất đỗ đại học. Trong khi đó những sở thích, sở trường, khả năng của bản thân, đam mê riêng muốn theo đuổi ở mỗi em dường như đều bị bỏ qua, vì sức ép của gia đình là phải vào bằng được một trường đại học và học một ngành mà mình không thích.

Chúng ta đều biết, mỗi trường đại học đều có những tiêu chí, mục đích tuyển sinh cũng như đào tạo khác nhau. Do vậy, các trường cần được chủ động trong tuyển sinh theo cách phù hợp nhất với yêu cầu, mục tiêu của mình, miễn sao điều đó là công bằng, minh bạch.

Bên cạnh đó, học sinh bỏ tiền đi học để nuôi dưỡng những ước mơ và ý thức được tương lai của mình, thì cũng phải được tìm hiểu, đánh giá về ngôi trường mình sẽ theo học. Ngược lại, nhà trường cũng cần được biết rõ nhất về học sinh thông qua việc đánh giá bằng những tiêu chí của họ. Đến lúc đó, cơ sở đào tạo và người học quan tâm đến hiệu quả, chất lượng hơn là chỉ vì bằng cấp.

Trong bối cảnh giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều hạn chế, để từng bước có một tầng lớp trí thức, các nhà khoa học ngang tầm quốc tế và khu vực, ở đó không thể có sự nửa vời, sự tự hạ thấp tiêu chuẩn trong việc tuyển sinh khi mà mỗi năm một kiểu như hiện nay.

Các trường đại học vẫn cần tổ chức thi tuyển đầu vào chung để đảm bảo chất lượng, sau đó người học lựa chọn ngành học, các hình thức học khác nhau tùy vào hoàn cảnh, nhu cầu. Có thể mở rộng đầu vào, nhưng dứt khoát phải siết chặt chuẩn chất lượng đầu ra. Làm được như vậy thì xã hội mới yên tâm, tin tưởng vào mục tiêu một nền giáo dục tiên tiến là "Nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực".

Cù Tất Dũng

Nguồn tin: cand.com.vn