Cảnh giác với những hình thức lừa đảo trên không gian mạng

06/09/2024

Trong quá trình tiếp xúc với các đối tượng qua điện thoại, qua không gian mạng, mỗi chúng ta cần nâng cao cảnh giác ghi nhớ nguyên tắc cán bộ cơ quan Nhà nước không làm việc qua mạng, qua điện thoại mà đều có lịch làm việc trực tiếp hoặc có giấy mời. Khi làm việc trực tiếp với người có thẩm quyền chúng ta mới cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu.

Thời gian qua, mặc dù Công an tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với nhiều nội dung và hình thức để người dân nâng cao cảnh giác, thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp “sập bẫy”. Theo thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Bắc Kạn đã điều tra làm rõ 12 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 08 vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Bài học nhớ đời

Ngày 01/7/2024, Công an thành phố Bắc Kạn đã quyết định khởi tố đối tượng đối với Nông Quang Mạnh (sinh năm 1996, trú tại thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với chiêu trò hỗ trợ tăng tương tác, mở khoá và bán gói bảo mật đối với tài khoản facebook, Mạnh đã lừa đảo chính những khách hàng của mình.

Đầu tháng 3/2024, khi nhận được yêu cầu hỗ trợ tăng lượt tương tác trên tài khoản facebook của 01 khách hàng ở thành phố Bắc Kạn, Mạnh đã thực hiện thành công và được thanh toán thù lao ngay sau đó. 01 tháng sau, Mạnh tiếp tục nhận được yêu cầu từ khách hàng này về việc hỗ trợ mở khoá tài khoản đã bị khoá, chuyển lượt tương tác sang tài khoản mới. Đối tượng đã yêu cầu nạn nhân cung cấp mật khẩu tài khoản mới, khi thấy tài khoản này chưa có địa chỉ email để nhận thông báo của Công ty quản lý mạng xã hội facebook toàn cầu, đối tượng đã thêm địa chỉ mail của mình vào thông tin tài khoản. Đối tượng dặn nạn nhân đăng ký địa chỉ email mới và xoá email của đối tượng.

Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Nông Quang Mạnh.
Cơ quan Công an làm việc với đối tượng Nông Quang Mạnh.

01 mặt đối tượng nhắn tin cảnh báo nạn nhân về việc facebook sắp quét nick và khuyên nạn nhân mua gói bảo mật. Mặt khác lợi dụng việc thiết bị đăng nhập (máy tính) của đối tượng được facebook coi là thiết bị đáng tin cậy, có thông tin căn cước và thông tin tài khoản facebook của nạn nhân đối tượng đã chiếm quyền sử dụng tài khoản, ép “con mồi” quay trở lại cầu cứu mình. Ngay lúc này đối tượng mời nạn nhân mua gói bảo mật, mức giá thống nhất 05 triệu đồng. Hành vi bất minh của Mạnh đã bị nạn nhân tố cáo đến Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh. Ngày 21/6/2024, đối tượng Mạnh đã bị bắt giữ cùng tang vật.  

Mua hàng rẻ, trả giá đắt

Cuối tháng 5/2024, anh P.C.C (xã Quân Hà, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đặt mua máy làm lốp xe máy với giá 07 triệu đồng trên tài khoản facebook “Phát điện”. Tuy đã có nhà xe xác nhận địa chỉ chuyển hàng, nhưng sau 15 ngày anh P.C.C vẫn không nhận được hàng, mọi liên lạc thì bị chặn. Tại cơ quan Công an, các đối tượng thừa nhận khi có người hỏi mua thì các đối tượng yêu cầu họ đặt cọc tiền hoặc chuyển toàn bộ số tiền theo giá đăng bán qua tài khoản ngân hàng, sau đó chiếm đoạt và cắt liên lạc với người mua. Để tạo lòng tin, các đối tượng “phân vai” tiếp nhận thông tin, tư vấn bán sản phẩm, nhà xe liên lạc và đưa ra mức giá thấp hơn so với thị trường.

Cũng với chiêu trò bán hàng trên facebook, đối tượng Phan Thanh Đạt (sinh năm 2001, trú tại tỉnh Bắc Giang) mới đây đã bị bắt giữ về hành vi lừa đảo. Đạt đăng bán thiết bị âm thanh và khi nhận được tiền thay vì gửi thiết bị, đối tượng đã gửi 04 lon bia 333 và 02 vỏ chai nhựa cho người mua hàng.

Đối tượng Phan Thanh Đạt và sản phẩm gửi cho khách hàng.
Đối tượng Phan Thanh Đạt và sản phẩm gửi cho khách hàng.

Một vòng khép kín đã được các đối tượng tạo nên bởi hình ảnh sản phẩm chuyên nghiệp, tư vấn nhiệt tình, giá thành hợp lý, sự tiện lợi khi mua sắm online đã khiến nạn nhân sập bẫy.

Mạo danh cơ quan chức năng hướng đến người nhẹ dạ

Chiều 17/6/2024, bà H.T.L (trú tại tổ 12, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 032.983.1321 của một người tự xưng là Nguyễn Thị Hằng, cán bộ trực ban Công an thành phố Bắc Kạn. Nội dung thông báo bà L có liên quan đến vụ án mua bán trái phép chất ma túy và rửa tiền xuyên quốc gia. Đề nghị bà đến Công an thành phố Bắc Kạn để giải quyết theo quy định và chuyển khoản án phí 45 triệu đồng vào số tài khoản 5627457977623879 (Ngân hàng ACB – 168 Bà Triệu – phường Nguyễn Du – Quận Hai Bà Trưng – Thành phố Hà Nội), nếu không chuyển khoản sẽ bị bắt về Bộ Công an giải quyết.

Mạo danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Toà án lừa người dân chuyển tiền án phí, nhận quà từ nước ngoài gửi về đã không còn xa lạ. Tuy vậy, vẫn nhiều người nhẹ dạ, rất may những biểu hiện bất thường cua bà L đã được nhân viên ngân hàng kịp thời phát hiện và phối hợp với cơ quan Công an ngăn chặn thành công việc chuyển tiền.

Những biện pháp phòng, tránh

Trong quá trình tiếp xúc với các đối tượng qua điện thoại, qua không gian mạng, mỗi chúng ta cần nâng cao cảnh giác ghi nhớ nguyên tắc cán bộ cơ quan Nhà nước không làm việc qua mạng, qua điện thoại mà đều có lịch làm việc trực tiếp hoặc có giấy mời. Khi làm việc trực tiếp với người có thẩm quyền chúng ta mới cung cấp thông tin cá nhân theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, không nên tự ý tải các website, truy cập vào các đường link do các đối tượng lạ cung cấp để tránh bị đánh cắp thông tin hay mã độc xâm nhập vào hệ thống máy tính, điện thoại.

Không chuyển tiền khi không biết đối tượng đó là ai, tránh bị lợi dụng lòng tin để lừa đảo.

Tác Giả: Bình Minh - Phan Anh
Nguồn Tin: Bộ Công an
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 218
  • Hôm nay: 342
  • Tháng hiện tại 2879
  • Tổng lượt truy cập: 228566
Liên kết website