Cần đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, coi đây là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển bởi trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển; “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể”.
Đây là nội dung bài viết "Đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng và thi hành pháp luật để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới" của TS. Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết:
1. Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã dày công xây dựng nền pháp luật mang bản sắc riêng, đáng tự hào với những bộ luật nổi tiếng thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cùng với “khoan thư sức dân”, “trọng pháp”, “trọng kỷ luật, kỷ cương”, “trọng hiền tài” đã trở thành những kế sách trị quốc được lưu truyền mãi.
2. Trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta đã ý thức rất rõ tầm quan trọng của Hiến pháp, pháp luật, của “thần linh pháp quyền” đối với việc “bảo toàn lãnh thổ”, “kiến thiết quốc gia”. Ngay sau khi giành độc lập, trong điều kiện cách mạng “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ưu tiên hàng đầu cho việc tiến hành tổng tuyển cử để Nhân dân được hưởng quyền tự do, dân chủ, lập nên chính quyền của dân và ban hành bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ vào ngày 9 tháng 11 năm 1946, cũng là ngày sau này được lựa chọn là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
3. Trải qua cuộc trường chinh gian khổ, năm 1975 nước nhà thống nhất và đến năm 1986, Đảng ta phát động công cuộc đổi mới vĩ đại, từng bước hoàn thiện mô hình phát triển phù hợp hơn với thực tiễn đất nước. Nhu cầu xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, chuyển phương thức quản lý, điều hành từ chủ yếu dựa trên mệnh lệnh hành chính, quan liêu sang dựa trên luật lệ và tuân thủ quy luật thị trường ngày càng trở nên cấp thiết.
Từ đó đến nay, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam nói chung, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói riêng, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, được thể hiện tập trung trong: Nghị quyết Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ năm 1994; Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, tạo nền tảng pháp lý để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong thành quả chung của quá trình Đổi mới, có đóng góp quan trọng của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
4. Mặc dù vậy, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta thời gian qua cho thấy còn những hạn chế, bất cập và những “điểm nghẽn” về thể chế như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra. Chẳng hạn: Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi, nhiều quy định còn gây khó khăn, cản trở việc thực thi, chưa tạo môi trường thật sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu…
5. Quan tâm phát triển nguồn lực cho công tác pháp luật, tương xứng với tính chất là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư cách đạo đức tốt, thành thạo chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, trong đó, một bộ phận cán bộ sẵn sàng tham gia các thiết chế đa phương, tổ chức quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và doanh nghiệp Việt Nam.
Nghiên cứu, ban hành cơ chế tài chính đặc thù cho công tác xây dựng pháp luật, chế độ chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, pháp chế yên tâm công tác, tận tâm cống hiến. Quan tâm đầu tư nguồn lực thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng các nền tảng số, trí tuệ nhân tạo trong công tác xây dựng, thi hành pháp luật và xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, liên thông, làm giàu cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
6. Bám sát các chủ trương của Đảng, thực hiện nghiêm những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với tinh thần khẩn trương bằng quyết tâm, nỗ lực lớn, sự cố gắng vượt bậc, công tác xây dựng, thi hành pháp luật sẽ và phải đổi mới mạnh mẽ để đóng góp vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam./.