Thực hiện Chỉ thị số 35 ngày 17/9 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 4271 ngày 23/9 của UBND tỉnh Điện Biên về xử lý cán bộ, công chức, viên chức và chiến sĩ trong lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn, không hợp tác với lực lượng chức năng trong xử lý vi phạm, ngày 25/9, Công an tỉnh Điện Biên đã ban hành Điện số 879 yêu cầu các phòng, công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh: Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, các đơn vị phải “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua lỗi vi phạm.
Ảnh minh hoạ.
Theo đó, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị phải phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông; chấp hành nghiêm việc kiểm tra, kiểm soát, không can thiệp, tác động vào quá trình xử lý của lực lượng CSGT; tích cực vận động người thân, bạn bè, Nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật về TTATGT. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh CBCS không uống rượu, bia, chất kích thích trước và trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa; tăng cường quản lý CBCS khi hoạt động ngoài cơ quan, trong thời gian nghỉ; có hình thức kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định đối với CBCS vi phạm nồng độ cồn; thông báo công khai trong các cuộc họp giao ban, sinh hoạt định kỳ để rút kinh nghiệm chung trong toàn đơn vị. Nghiêm cấm việc bao che, giấu diếm lỗi vi phạm của CBCS. Lãnh đạo đơn vị nào để xảy ra tình trạng CBCS vi phạm các quy định về nồng độ công thì phải chịu trách nhiệm liên đới theo quy định.
Các đơn vị chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát việc chấp hành các quy định về cấm sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện của CBCS; quá trình kiểm tra phải khách quan, đúng quy định, không nể nang, né tránh theo đúng tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân gây ra TNGT. Vì vậy, việc ban hành các chế tài xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, tăng cường lực lượng thực thi công vụ xử lý thường xuyên các vi phạm là giải pháp trọng tâm cần được ưu tiên; trong đó phải xác định việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông có ý nghĩa rất quan trọng để định hình lại thói quen chấp hành pháp luật, trước hết là pháp luật giao thông, cũng như các quy định khác của pháp luật trong toàn xã hội, góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức./.