Ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Nội dung Luật có nhiều điểm mới tích cực, được đánh giá sẽ góp phần nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản; tăng cường trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan. Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Hình minh hoạ.
Một là, bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm của người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức khác quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Đấu giá tài sản: (1) Nhận ủy quyền tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá khác đối với tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó; nhận ủy quyền tham gia đấu giá của từ hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản; (2) Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp vợ, chồng, anh ruột, chị ruột, em ruột cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó; (3) Tham dự phiên đấu giá trong trường hợp công ty mẹ, công ty con, các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp cũng là người tham gia đấu giá đối với tài sản đó;”, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch của việc trả giá, tránh tình trạng thông đồng, dìm giá.
Hai là, sửa đổi, bổ sung Điều 11 Luật Đấu giá tài sản về thời gian đào tạo nghề đấu giá nhằm đảm bảo tất cả các đối tượng muốn trở thành đấu giá viên đều được trang bị kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề phù hợp với tính chất nghề nghiệp; bổ sung trách nhiệm tham gia bồi dưỡng bắt buộc hàng năm đối với đội ngũ đấu giá viên tại Điều 19 về quyền và nghĩa vụ của đấu giá viên, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ đấu giá viên trong hoạt động hành nghề (đảm bảo như một số chức danh bổ trợ tư pháp khác đã có quy định về bồi dưỡng bắt buộc hàng năm như luật sư, công chứng, thừa phát lại).
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản về bán, tiếp nhận hồ sơ, thành phần hồ sơ, thời gian nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong việc thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá; sửa đổi, bổ sung các khoản 1,2,3,4 và 5 Điều 39 về việc nộp tiền đặt trước, đảm bảo phù hợp, đồng bộ với thời gian bán hồ sơ tham gia đấu giá, cách thức xác định tiền đặt trước đối với các loại tài sản đặc thù.
Bốn là, bổ sung mới Điều 43a, 43b về đấu giá trực tuyến và trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến. Theo đó, việc đấu giá trực tuyến được thực hiện thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến. Tổ chức hành nghề đấu giá tài sản tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác. Người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá, nộp hồ sơ tham gia đấu giá, trả giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến; nộp tiền đặt trước theo quy định; xem tài sản đấu giá trực tuyến hoặc xem tài sản đấu giá trực tiếp theo Quy chế cuộc đấu giá.
Năm là, sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 57 về thông báo công khai việc đấu giá tài sản. Theo đó, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải thông báo công khai hai lần trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, mỗi lần cách nhau ít nhất 02 ngày và ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá (giảm 01 lần thông báo công khai đấu giá trên báo in hoặc báo hình so với quy định hiện hành) để đảm bảo tính thống nhất, khả thi, hiệu quả của việc tiếp cận thông tin đấu giá vừa góp phần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý hoạt động đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá.
Sáu là, sửa đổi, bổ sung Điều 70 về xử lý vi phạm đối với người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cá nhân, tổ chức có liên quan. Theo đó, Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị hủy, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 06 tháng đến 05 năm. Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá là cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá đối với người trúng đấu giá vi phạm trường hợp trên.
Với những sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đấu giá tài sản như trên sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản, đáp ứng bối cảnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy tính công khai, minh bạch, khách quan, tính bền vững của hoạt động đấu giá; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản, cũng như công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản./.