Sự hình thành và phát triển của tỉnh Điện Biên

14/10/2024

 Description: 8

Bản đồ hành chính tỉnh Điện Biên.

 

Điện Biên là địa bàn có con người cư trú từ rất sớm, mang đặc trưng của nền văn hóa Hòa Bình và phong cách văn hóa của khu vực Tây Bắc.

Vào thế kỷ XIII, Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên cùng nghĩa quân của Chúa Lự xây dựng một công trình phòng thủ Thành Tam Vạn ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh (nay thuộc xã Sam Mứn, huyện Điện Biên) để chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch. Thế kỷ XV, Khi Vua Lê Lợi đem quân tuần tra bờ cõi đã cho khắc bài thơ trên vách đá tại phường Sông Đà, thị xã Mường Lay, khẳng định Điện Biên luôn là phên dậu vững chắc của Tổ quốc, trấn giữ phía Tây Bắc của nước Việt Nam ta.

Phủ Điện Biên được thành lập năm Thiệu Trị thứ Nhất (1841), qua nhiều lần chia tách, sáp nhập từ các Châu, Phủ dưới sự cai trị của nhiều chế độ khác nhau. Giữa thể kỷ XVIII, Thủ lĩnh nông dân áo vải Hoàng Công Chất đem quân tiến lên Điện Biên, liên kết với tướng Ngải, tướng Khanh và nhân dân các dân tộc Điện Biên tiễu trừ giặc Phẻ, xây dựng Thành Bản Phủ, góp phần bảo vệ vùng biên ải của Tổ quốc. Từ những năm 1873 đến năm 1882, thực dân Pháp hai lần đánh chiếm Bắc Kỳ, nhân dân các dân tộc Điện Biên, Lai Châu, Sơn La dưới sự lãnh đạo của Tù trưởng Đèo Văn Trì, Nguyễn Văn Quang, Đèo Văn Toa đã sát cánh cùng Tướng Lưu Vĩnh Phúc kéo quân xuống miền xuôi, cùng quân đội triều đình đánh thắng quân Pháp tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Ngày 28/6/1909, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 1532 thành lập tỉnh Lai Châu gồm: Đạo Lai (Châu Lai, châu Quỳnh Nhai và phủ Luân Châu), châu Điện Biên với phủ Tuần Giáo.

Đầu thế kỷ XX, sau một thời gian dài dưới sự cai trị của thực dân và bọn tay sai, phong kiến, Nhân dân các dân tộc Điện Biên - Tây Bắc đã đứng lên đấu tranh, bảo vệ bản Mường, mở đầu là cuộc nổi dậy của Lường Sám, năm 1914, tiếp đến là cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc Mông và Dao ở Tả Phình (Tủa Chùa) dưới sự chỉ huy của hai thủ lĩnh Chếu và Tếnh năm 1918, cùng với đó là cuộc khởi nghĩa của Giàng Tả Chay... Phong trào ngày càng phát triển mạnh mẽ, lan rộng ra khắp vùng cao của Điện Biên, Lai Châu, Sơn La và Thượng Lào. Các phong trào đấu tranh bị đàn áp và thất bại, song đã gây cho thực dân Pháp những khó khăn và tổn thất khi đặt chân lên mảnh đất này.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng ta đã có chủ trương, đường lối đúng đắn vạch ra con đường đi đến thắng lợi của cách mạng Tháng 8/1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Nhưng thực dân Pháp không cam chịu thất bại, tiếp tục gây hấn, tạo xung đột cả về chính trị lẫn quân sự tại nhiều địa phương. Sau Cách mạng Tháng 8/1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định thành lập Mặt trận Tây Bắc, xây dựng các chi đội giải phóng, điển hình là đội quân "Tây tiến". Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, mở đầu cho một cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng. Để giải quyết tình hình chiến sự tại khu vực Tây Bắc, ngày 29/02/1948, Trung ương Đảng quyết định thành lập Ban xung phong Tây Bắc, để mở một con đường tiến lên Điện Biên Phủ. Tháng 3/1948 Liên khu uỷ 10 đã cử "đội xung phong Quyết Tiến" vào địa bàn Lai Châu để gây dựng cơ sở cách mạng. Tháng 7/1949, Bộ Tư lệnh Liên khu 10 đã tập hợp những thanh niên của huyện châu Quỳnh Nhai tại Đan Hà (tỉnh Phú Thọ) để thành lập đội xung phong Lai Châu (còn gọi là đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Lai Châu) và cử đồng chí Hoàng Đông Tùng làm đội trưởng.

Ngày 27/8/1949, Ban Chấp hành Liên khu ủy 10 ra Nghị quyết điều động một số cán bộ đang công tác tại 2 tỉnh Yên Bái và Lào Cai vào công tác tại Lai Châu.

Ngày 01/10/1949 Chính uỷ Liên khu 10 ra quyết định thành lập Chi hội vũ trang Lai Châu, gồm các đồng chí đảng viên của đội xung phong Lai Châu, do đồng chí Hoàng Đông Tùng làm Bí thư chi bộ.

Ngày 10/10/1949, Ban Thường vụ Liên Khu ủy 10 quyết định thành lập Ban cán sự Đảng Lai Châu, là tổ chức tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Lai châu ngày nay, gồm 03 đồng chí: Đồng chí Nguyễn Bá Lạc (bí danh Trần Quốc Mạnh), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái làm Trưởng ban; đồng chí Hoàng Đông Tùng, đội trưởng đội xung phong Lai Châu và đồng chí Tạ Nhật Tựu (bí danh Hoàng Hoa Thưởng), uỷ viên Văn phòng Liên Khu uỷ 10 làm Ủy viên.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng Lai Châu, ngày 02/12/1949 tại Bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên, tỉnh Yên Bái (nay là tỉnh Lai Châu), Ban cán sự Đảng đã triệu tập Hội nghị để công bố Quyết định của Liên khu uỷ 10 về việc thành lập Chi bộ Đảng Lai Châu gồm 20 đồng chí, trong đó có 18 đảng viên chính thức, 02 đảng viên dự bị. Ban cán sự đã cử 03 đồng chí: Trần Quốc Mạnh, Hoàng Hoa Thưởng, Nguyễn Hữu Chí vào Ban chi uỷ, đồng chí Trần Quốc Mạnh được cứ làm Bí thư chi bộ.

Với sự ra đời của Ban cán sự Đảng Lai Châu đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng, từ đây phong trào cách mạng Điện Biên, Lai Châu trở thành bộ phận khăng khít với phong trào cách mạng của cả nước, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù số đảng viên ít, số cán bộ của Đảng lúc đó chưa nhiều, nhưng với ý chí sắt đá, lòng dạ kiên trung với Đảng, với dân tộc, các cán bộ, đảng viên kiên trì tuyên truyền, vận động quần chúng, tổ chức xây dựng lực lượng, được đồng bào các dân tộc tin tưởng, ủng hộ, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, trực tiếp lãnh đạo Nhân dân các dân tộc tiến hành sự nghiệp cách mạng ở Điện Biên, Lai Châu.

Ngày 12/01/1952, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 145 TTg tách tỉnh Sơn - Lai thành hai tỉnh Lai Châu và Sơn La.

Tháng 7/1952, Trung ương Đảng quyết định tách một số tỉnh trong Liên khu Việt Bắc để lập khu Tây Bắc gồm: Yên Bái, Lào Kai, Sơn La, Lai Châu. Khu uỷ Tây Bắc cũng ra quyết định chuyển huyện Thuận Châu từ tỉnh Sơn La sang tỉnh Lai Châu.

Ngày 07/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Lai Châu được giải phóng, hoà bình được lập lại trên miền Bắc nước ta.

Ngày 29/4/1955, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 230 SL về thành lập Khu tự trị Thái - Mèo, các châu (huyện trước đây) trực thuộc Khu, không có cấp hành chính tỉnh.

Ngày 18/10/1955, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Nghị định số 606 TTg về thành lập châu Tủa Chùa trực thuộc Khu tự trị Thái - Mèo trên cơ sở tách ra từ châu Mường Lay.

Ngày 27/10/1962, tại kỳ họp thứ V Quốc hội khóa II đã ra Nghị quyết đổi tên Khu tự trị Thái - Mèo thành Khu tự trị Tây Bắc và thành lập lại 2 tỉnh trong Khu là: Lai Châu, Sơn La và một tỉnh mới Nghĩa Lộ. Tỉnh Lai Châu lúc đó gồm 7 huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Lay, Phong Thổ, Sình Hồ và thị trần Lai Châu.

Ngày 08/10/1971, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 189 CP về thành lập Thị xã Lai Châu.

Ngày 18/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 130/QĐ-HĐBT về thành lập Thị xã Điện Biên Phủ trên cơ sở thị trấn huyện Điện Biên và hai xã Thanh Minh và Noong Bua.

Ngày 07/10/1995, Chính phủ ra Nghị định số 59/NĐ-CP về thành lập huyện Điện Biên Đông trên cơ sở tách ra từ huyện Điện Biên.

Ngày 14/01/2002, Chính phủ ra Nghị định về thành lập huyện Tam Đường trên cơ sở tách ra từ huyện Phong Thổ.

Ngày 14/01/2002, Chính phủ ra Nghị định số 08/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Mường Tè, huyện Mường Lay để thành lập huyện Mường Nhé.

Ngày 26/9/2003, Chính phủ ra Nghị định số 110/2003/NĐ-CP về thành lập Thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Lai Châu.

Trước khi chia tách tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, tỉnh Lai Châu (cũ) có 11 huyện, thị và thành phố gồm: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Tè, Mường Nhé, Phong Thổ, Tam Đường, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Sìn Hồ, thị xã Lai Châu và thành phố Điện Biên Phủ.

Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có Lai Châu. Tỉnh Lai Châu (cũ) được chia thành tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên. Từ ngày 01/01/2004 hai tỉnh chính thức đi vào hoạt động. Sau khi chia tách tỉnh Điện Biên có 8 huyện, thị, thành phố: Điện Biên, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Nhé, Tủa Chùa, Mường Lay, thị xã Lai Châu và thành phố Điện Biên Phủ.

Ngày 14/11/2006, Chính phủ ra Nghị định số 135/2006/NĐ-CP về thành lập huyện Mường Ảng trên cơ sở tách ra từ huyện Tuần Giáo.

Hiện nay, Điện Biên có diện tích tự nhiên 9.541,25 km2, là tỉnh duy nhất có biên giới đất liền tiếp giáp với cả hai quốc gia Lào và Trung Quốc, với tổng chiều dài 455,573 km (trong đó tiếp giáp nước CHDCND Lào dài 414,712 km; tiếp giáp với Trung Quốc dài 40,861 km). Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 08 huyện, 01 thị xã, 01 thành phố), 129 xã, phường, thị trấn. Hiện nay, dân số toàn tỉnh hơn 64 vạn người, có 19 dân tộc cùng sinh sống (dân tộc Mông 38,12%, dân tộc Thái 35,69%, dân tộc Kinh 17,38%, còn lại các dân tộc khác).

Tác Giả: ANĐB
Nguồn Tin: congan.dienbien.gov.vn
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 24
  • Hôm nay: 4
  • Tháng hiện tại 30190
  • Tổng lượt truy cập: 255877
Liên kết website